Tác động từ sự trỗi dậy của Phương Nam toàn cầu

Tác giả: Phạm Vũ Thiều Quang

Cuộc chiến tại Ukraine đã phục vụ như một lời nhắc nhở đối với các nhà quan sát phương Tây rằng có một thế giới rộng lớn tồn tại bên ngoài các cường quốc và đồng minh cốt lõi của họ. Thế giới này, chủ yếu bao gồm các quốc gia Châu Phi, Trung Đông, Châu Á, và Mỹ Latinh, đã tránh chọn phe rõ ràng trong cuộc xung đột này. Từ đó, cuộc chiến này đã có một hậu quả bất ngờ – làm nổi bật Phương Nam toàn cầu (Global South) như một nhân tố chính trong bối cảnh địa chính trị thế kỷ 21. Bối cảnh địa chính trị ngày nay không chỉ được xác định bởi những căng thẳng giữa Mỹ và hai cường quốc đối thủ chính là Trung Quốc và Nga, mà còn bởi những quyết định của các cường quốc bậc trung như Việt Nam và Argentina, hay các tiểu cường như Serbia và Kenya.

Các quốc gia Phương Nam bao gồm đại đa số dân số nhân loại, nhưng các mong muốn và mục tiêu của họ bấy lâu nay bị xếp vào hàng dưới cùng của các mối quan tâm địa chính trị toàn cầu. Vào nửa sau của thế kỷ 20, các nhóm như Phong trào Không liên kết và G77 đã tìm cách thúc đẩy lợi ích chung của các quốc gia nghèo, từng là thuộc địa, trong một thế giới bị thống trị bởi các quốc gia lớn từng là đế quốc. Tình đoàn kết của họ, ở mức độ cơ bản nhất, được dựa trên lý tưởng và ý thức về đạo đức chung, đã không đem lại thành công lớn nào. Ngay cả trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chủ nghĩa đạo đức từng thúc đẩy các quốc gia này liên kết với nhau đã bắt đầu tan biến. Những thập kỷ đơn cực thống trị bởi Mỹ sau đó dường như đã hoàn toàn loại bỏ Phương Nam như một lực lượng thống nhất.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Phương Nam đã trở lại. Nó tồn tại không như một nhóm có tổ chức rõ ràng, mạch lạc, mà là các thế lực địa chính trị khác nhau, liên kết dựa trên mối quan tâm chung để phát triển kinh tế và đuổi kịp các nước Phương Bắc. Tác động của sự trỗi dậy này đang được cảm nhận rõ ràng trong các liên minh mới và đang phát triển – chẳng hạn như BRICS, ASEAN, hay Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) – nhưng có lẽ còn nhiều hơn qua những hành động riêng lẻ của các quốc gia. Những hành động này, được thúc đẩy bởi lợi ích quốc gia hơn là chủ nghĩa lý tưởng về sự đoàn kết của các nước Phương Nam, đã bắt đầu hạn chế quyền lực của các cường quốc, và gây áp lực cho họ để bắt đầu đáp ứng các yêu cầu đến từ Phương Nam.

Giống như các định nghĩa tổng hợp khác trong chính trị quốc tế (ví dụ như phương Tây), thuật ngữ “Phương Nam toàn cầu” có thể khá mơ hồ. Do vậy, G77, một tổ chức được thành lập tại Liên Hợp Quốc (LHQ) vào năm 1964, có thể đóng vai trò như một hướng dẫn hợp lý cho thành phần của Phương Nam toàn cầu ngày nay. Nhóm này, bao gồm 134 quốc gia thành viên, tự xác định mình là “tổ chức liên chính phủ lớn nhất của các quốc gia đang phát triển tại LHQ, cung cấp diễn đàn cho các quốc gia phía Nam để nâng cao vị thế đàm phán chung”. Nó bao gồm hầu hết tất cả các quốc gia ngoài Canada, Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, và các quốc gia Châu Âu. Định nghĩa rộng lớn hơn về Phương Nam toàn cầu bao gồm các cường quốc bậc trung như Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, các quốc gia giàu có trong vùng Vịnh như Ả Rập Saudi và UAE, và các quốc gia như Singapore và Brunei giờ đã trở nên thịnh vượng hơn nhiều.

Các quốc gia đa dạng nằm trong khối Phương Nam toàn cầu mới này có chung một vài đặc điểm. Thu nhập thấp hoặc trung bình chỉ là một yếu tố nhỏ cho thấy một quốc gia nằm trong khối này hay không. Những yếu tố khác bao gồm việc có quá khứ thuộc địa – đặc biệt tại Châu Phi, là một quốc gia đang phát triển, hay không nằm trong liên minh với cường quốc nào. Nhiều quốc gia có thể đã từ bỏ phần lớn các chính sách kinh tế tự cung tự cấp (autarky) do nhà nước điều hành, nhưng nỗ lực “bắt kịp” các quốc gia giàu có là một yếu tố chung giữa tất cả các quốc gia Phương Nam. Mong muốn của những quốc gia này về quyền tự chủ chiến lược và chia sẻ quyền lực chính trị lớn hơn trong các thể chế chính trị quốc tế ngày càng mạnh hơn, đặc biệt với các cường quốc Phương Nam như Brazil và Indonesia. Một ví dụ là tại G20, nơi Indonesia, Ấn Độ, Brazil, và Nam Phi sẽ thay nhau chủ trì G20 từ 2022 đến 2025, với cả bốn quốc gia đều có mục tiêu nâng tầm quan trọng của Phương Nam toàn cầu trong chính trị quốc tế.

Nhiều nhà quan sát tập trung vào sự trỗi dậy của các thể chế như G20, BRICS, và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải như là biểu tượng cho sự trở lại của Phương Nam toàn cầu. Nhưng việc tập trung vào các tổ chức liên chính phủ này sẽ bỏ lỡ cách lớn nhất mà các nước Phương Nam đang khẳng định vị thế của mình – qua các chính sách và hành động của từng quốc gia. Những hành động đa dạng, và gần như không có sự phối hợp này, được dựa trên lợi ích riêng của mỗi quốc gia, và sẽ có tác động khắp thế giới. Mặc dù vậy, hầu hết các quốc gia này đều bác bỏ mong muốn về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, khiến Mỹ, Nhật Bản, và Châu Âu chống lại một liên minh được dẫn đầu bởi Nga và Trung Quốc. Nhiều quốc gia Phương Nam đã trở nên giàu có và linh hoạt hơn so với thế kỷ 20, và đã học được cách chơi theo cả hai bên để đạt được lợi ích cho mình. Dựa trên kinh nghiệm lịch sử, họ thấy rằng sự cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ là một mối nguy hiểm cho an ninh và ổn định kinh tế, và có thể gây bất ổn cho xã hội – một ví dụ là sự chia rẽ nội bộ Ukraine giữa hai phe ủng hộ phương Tây và Nga. Dựa trên kinh nghiệm của Ukraine, cùng với các cuộc chiến uỷ nhiệm trong suốt thế kỷ 20 – khi nhiều khu vực Châu Phi, Châu Á, và Nam Mỹ phải hứng chịu sự can thiệp tàn phá liên tục của cường quốc này đến cường quốc khác – họ sẽ không cho phép điều này lặp lại.

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là sự hợp tác giữa Mỹ và Phương Nam nhất thiết sẽ bị suy yếu, đặc biệt là trong khía cạnh kinh tế. Ví dụ gần đây nhất đã diễn ra vào tuần này, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Việt Nam và hai bên đồng ý nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện – mức cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam đối với các quốc gia khác. Mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam là mở rộng tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ, bao gồm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học, và công nghệ. Như Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS tại Singapore chỉ ra, Mỹ được coi là nguồn đầu tư chất lượng cao. Vietnam Airlines đã ký thoả thuận để mua 50 máy bay Boeing 737-Max trong một thoả thuận trị giá 7,8 tỷ USD, và cả hai quốc gia cam kết sẽ hợp tác phát triển lĩnh vực chất bán dẫn và cải thiện vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút đầu tư lớn trong nhiều lĩnh vực từ Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – và coi Nga như một đối tác chiến lược quan trọng về quốc phòng.

Đây không phải là bối cảnh chỉ có tại Việt Nam. Các mục tiêu an ninh chung của Ấn Độ và Mỹ nhằm phục vụ mục đích cân bằng quyền lực với Trung Quốc trong khu vực, và để tận dụng các cơ hội mà “friend-shoring” – tức chuyển sản xuất sang nước bạn nhằm phát triển kinh tế song phương. Nhưng ngay cả sự đồng thuận này cũng có hạn chế đối với Mỹ. Ví dụ, Ấn Độ khó có thể đóng góp nhiều hơn việc hỗ trợ hậu cần hay cho Mỹ đóng quân tạm thời trong trường hợp chiến tranh xảy ra tại Biển Đông. Và Delhi cũng đi theo con đường riêng của mình trong quan hệ với Nga, tiếp tục nhập vũ khí và cùng phát triển tên lửa BrahMos mà Ấn Độ đã bắt đầu xuất khẩu. Trong lúc đó, Brazil dưới thời Tổng thống Lula đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ về chống biến đổi khí hậu, ngay cả khi Brasilia tiếp tục duy trì quan hệ nồng ấm với Trung Quốc và Nga. Còn Pakistan đã xây dựng quan hệ đối tác kinh tế và quân sự sâu sắc với Trung Quốc, trong khi quan hệ của Islamabad với Washington nay chỉ còn ở mức thấp.

Có lẽ quan trọng hơn cả là việc các quốc gia Phương Nam tiếp tục không hài lòng khi nói đến vai trò và quyền lực của họ trong các cơ cấu quyết định toàn cầu. Cách các quốc gia này bị gạt ra bên lề ngày càng không phù hợp với ảnh hưởng kinh tế của họ, đặc biệt với Ấn Độ, Brazil, và Indonesia – ba quốc gia Phương Nam lớn nhất. Một vài quốc gia Phương Nam là nguồn cung cấp khoáng sản, có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, và sẽ đưa ra những đổi mới quan trọng cần thiết cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và chống biến đổi khí hậu.

Tất cả những điều này mang lại cho họ đòn bẩy lớn hơn những gì họ đã có trong thế kỷ 20, nhưng điều này vẫn chưa được phản ánh trong các thế chế quốc tế ngày nay. Nó làm sâu sắc hơn sự bất mãn của các quốc gia này đối với trật tự thế giới hiện tại, và tạo ra sự cấp bách trong việc tiến hành các thay đổi thực chất, chẳng hạn như trong hệ thống Liên Hợp Quốc. Như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói – “thế giới lớn hơn 5” (“the world is bigger than 5”) – ám chỉ quyền lực tập trung vào 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, cải cách tại Hội đồng Bảo an LHQ sẽ không diễn ra nhanh chóng. Nó vẫn phản ánh bối cảnh địa chính trị vào năm 1945, và việc mở rộng nó còn là một viễn cảnh xa vời. Mỹ cũng tiếp tục thống trị hệ thống tài chính thế giới, cho phép Washington hợp tác với các đồng minh để đe doạ áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp sâu rộng nhắm vào các quốc gia Phương Nam.

Mặc dù vậy, các quốc gia Phương Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm quyền tự chủ nhiều hơn và mở rộng ảnh hưởng thông qua các tuyên bố và đề xuất, nhằm định hình hoặc thách thức các chuẩn mực cho tới nay đã bị Mỹ hoặc Châu Âu áp đặt. Các ví dụ bao gồm một vài kế hoạch hoà bình tại Ukraine, hợp tác với Trung Quốc và Nga qua các thể chế như BRICS, các tổ chức khu vực như ASEAN và Liên minh Châu Phi, và thương mại song phương bằng đồng nội tệ thay vì USD ngày càng tăng.

Hậu quả của những nỗ lực này có thể đã được nhìn thấy rõ ràng. Washington vẫn chưa áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp lớn đối với các quốc gia tiếp tục thương mại với Nga. Nhóm G7 do Mỹ lãnh đạo cũng đã nỗ lực triển khai Đối tác Đầu tư và Hạ tầng Toàn cầu (PGII), một sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trong lúc đó, Mỹ đã tương đối thận trọng trong việc ứng phó với các cuộc đảo chính chống Pháp ở vùng Sahel – trái ngược với giáo lý can thiệp của ngoại giao Mỹ trong nhiều năm nay. Với sức mạnh đàm phán của Phương Nam toàn cầu ngày càng tăng, các quốc gia này có thể buộc các cường quốc – đặc biệt là Mỹ – phải đáp ứng yêu cầu của họ về việc có tiếng nói lớn hơn trong các thể chế quốc tế, và kiềm chế sự can thiệp trong các cuộc chiến tranh uỷ nhiệm.

Bất chấp những khác biệt giữa 134 quốc gia, Phương Nam toàn cầu sẽ tiếp tục tồn tại như một thế lực địa chính trị mạnh mẽ chừng nào nó tiếp tục bị loại khỏi trung tâm các thể chế chính trị quốc tế. Chừng nào những quốc gia này – đặc biệt là những cường quốc bậc trung trở lên – bị từ chối có tiếng nói lớn hơn trong những thể chế này, Phương Nam toàn cầu sẽ tiếp tục là một lực lượng hướng tới thay đổi, gây áp lực lên các cường quốc, thách thức tính chính danh của những chính sách trong khuôn khổ ngày nay, và hạn chế hiệu quả của những chính sách này. Việc duy trì nguyên trạng của trật tự thế giới hiện nay, và chống lại các quá trình dân chủ hoá quản trị toàn cầu – điều mà Mỹ và các đồng minh dường như đang cố gắng duy trì kiểm soát – sẽ chỉ làm tăng thêm sự thiếu kiên nhẫn của các nước Phương Nam đối với một cuộc cải cách thực sự.

#118 – Các cường quốc mới nổi trỗi dậy như thế nào?