Thế giới hôm nay: 12/10/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Israel đã đạt được thỏa thuận thành lập một chính phủ đoàn kết khi nước này chuẩn bị cho cuộc xâm lược Gaza. Sau nhiều ngày trì hoãn, thủ tướng Binyamin Netanyahu và Benny Gantz, lãnh đạo đảng Thống nhất Quốc gia và cựu bộ trưởng quốc phòng, cũng đã đồng ý thành lập một “nội các chiến tranh” để lãnh đạo nỗ lực quân sự của đất nước. Các bộ trưởng cấp cao có nhiệm kỳ đến hết chiến sự.

Điện bị cắt ở Gaza sau khi nhà máy điện duy nhất ở đây hết nhiên liệu. Israel đang phong tỏa toàn khu vực, cắt đứt nguồn cung từ bên ngoài. Chính quyền Gaza cảnh báo việc cắt điện sẽ đe dọa “tất cả các dịch vụ sinh hoạt cơ bản” tại một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới. Liên Hợp Quốc ước tính hơn 260.000 người Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa.

Với tỷ số sít sao, đảng Cộng hòa đã bầu Steve Scalise, một nghị sĩ bảo thủ đến từ Louisiana, làm ứng viên của đảng cho chức chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ. Ông Scalise, lãnh đạo đa số tại Hạ viện, đã đánh bại Jim Jordan, một nhân vật cực hữu cứng rắn đến từ Ohio, trong một cuộc bỏ phiếu kín với tỷ lệ 113-99. Để trở thành chủ tịch, ông Scalise sẽ cần giành 217 phiếu tại phiên bỏ phiếu của toàn thể Hạ viện.

ExxonMobil đã đồng ý mua gã khổng lồ dầu đá phiến Pioneer Natural Resources với giá 59,5 tỷ USD. Thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của siêu công ty Texas mang lại cho họ sự hiện diện thống trị ở lưu vực Permian — trung tâm của sự bùng nổ đá phiến ở Mỹ. Khi số lượng địa điểm khoan chính giảm dần, ngành công nghiệp đá phiến đang bị phân tán của Mỹ được kỳ vọng sẽ chứng kiến nhiều vụ hợp nhất hơn.

Trung Quốc đã tăng gấp đôi xuất khẩu xe điện trong tháng 9 so với một năm trước, với khoảng 91.000 ô tô chở khách được bán ra nước ngoài. Trong khi đó, Trung Quốc phàn nàn rằng Ủy ban châu Âu đã không cho nước này đủ thời gian để tham gia vào cuộc điều tra chống trợ cấp bắt đầu từ tháng trước. EU đang xem xét áp thuế để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô trước “cơn lũ” xe điện giá rẻ của Trung Quốc.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới Brussels để gặp tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ông Zelensky sẽ tận dụng chuyến thăm này để kêu gọi cung cấp vũ khí phòng không, pháo binh và đạn dược. Ukraine đặc biệt muốn có vũ khí tầm xa để bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng và thương mại khi mùa đông đến gần. Song các lãnh đạo phương Tây lo ngại số vũ khí này có thể được dùng để tấn công lãnh thổ Nga.

Con số trong ngày: 55%, là tỷ lệ GDP đến từ các hộ gia đình ở Trung Quốc. Ở phương Tây, tỷ lệ này thường là 70-80%.

TIÊU ĐIỂM

Hamas chuẩn bị cho chiến tranh

Các nhà lãnh đạo Israel đã hứa sẽ “xóa sổ” Hamas, nhóm chiến binh đang điều hành Dải Gaza. Với việc quân đội Israel dồn quân đến sát biên giới, một cuộc xâm lược vào Gaza chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng Hamas cũng đang chuẩn bị, và thậm chí tuyên bố sẽ giành chiến thắng.

Quân đội Israel được trang bị tốt hơn. Song các chiến binh Hamas biết rõ địa hình và có thể ẩn náu trong đường hầm cho đến khi binh sĩ Israel rời đi. Trong cuộc xâm lược năm 2014, các chiến binh Hamas đã chiến đấu suốt 50 ngày bằng cách sử dụng các đội tấn công nhỏ nhưng được trang bị vũ khí hạng nặng. Và Hamas cho rằng nếu cuộc chiến gây ra thiệt hại nhân đạo lớn, nó sẽ khiến dư luận toàn cầu quay lưng với Israel và thu hút những người đồng tình lên tiếng phản đối cuộc xung đột.

Cuộc xâm lược có thể sẽ tiến tới bờ biển và cắt Gaza làm đôi. Nhưng khó có khả năng Israel sẽ tái chiếm Gaza; họ đã bỏ Gaza từ năm 2005 vì việc chiếm giữ quá tốn kém. Giữ quân ở đó sẽ khiến Israel thiếu nhân lực ở Bờ Tây bất ổn. Và ngay cả nếu họ thành công trong việc đập tan Hamas, vẫn chưa rõ cái gì sẽ trồi lên thay thế tổ chức này.

Ngoại trưởng Mỹ đến thăm Israel

Vào thứ Năm, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến Israel để thể hiện tình đoàn kết. Ông sẽ gặp các quan chức cấp cao của Israel để thảo luận về cách Mỹ có thể tiếp tục giúp đỡ, sau khi tổng thống Joe Biden gọi cuộc tấn công của Hamas là “hoàn toàn xấu xa” và cam kết viện trợ thêm vào hôm thứ Ba. Hai bên cũng sẽ thảo luận về việc đàm phán con tin. Ông Biden đã xác nhận có người Mỹ trong số những người bị Hamas bắt giữ ở Gaza.

Trong khi đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ phát biểu trước những người đồng cấp của mình tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels. Trên giấy tờ Ukraine vẫn là chủ đề chính. Nhưng Israel chắc chắn sẽ chiếm sóng. Có lẽ đoán trước được điều này, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thực hiện một chuyến đi bất ngờ tới hội nghị thượng đỉnh để đích thân vận động hành lang kêu gọi viện trợ vũ khí. Ông cũng nhắc nhở các nhà lãnh đạo rằng điều quan trọng đối với Israel, cũng như với Ukraine, là “không đơn độc”. Theo báo Axios, ông Zelensky đã yêu cầu được đích thân tới Israel.

Thành tích kinh tế của Biden bị đặt dấu chấm hỏi

Suốt mấy tháng qua tổng thống Joe Biden đã cố gắng thuyết phục người Mỹ về thành tích kinh tế của ông. Ông sẽ tiếp tục các nỗ lực đó vào thứ Năm khi ​​gặp một nhóm CEO tại Nhà Trắng, và một lần nữa vào thứ Sáu trong chuyến thăm Philadelphia. Tổng thống thích giải thích Bidenomics (chính sách kinh tế kiểu Biden) là “phát triển nền kinh tế từ giữa ra và từ dưới lên” – một định nghĩa khá mơ hồ. Trên thực tế, ông đã giúp thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho các công đoàn.

Điều này đáng lẽ có lợi cho ông Biden với cử tri. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò đều cho thấy đa số người Mỹ cho rằng chính sách kinh tế của ông là sai lầm. Đảng Cộng hòa mô tả thành tích kinh tế của ông bằng một thuật ngữ còn bắt tai hơn: lạm phát kiểu Biden. Dù tỷ lệ lạm phát gần đây đã giảm tốc, giá cả vẫn tăng gần 20% kể từ khi ông nhậm chức chưa đầy ba năm trước. Đó là điều mà tất cả người Mỹ đều có thể nhìn thấy.

Giá dầu dao động hình zig-zag

Vào thứ Năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế sẽ công bố báo cáo hàng tháng của họ về xu hướng giá dầu toàn cầu. Thị trường sẽ xem xét rất kỹ. Giá dầu không ổn định trong những tháng gần đây: tăng 21% kể từ tháng 6, lên 87 USD một thùng, nhưng rồi giảm 10% kể từ mức đỉnh vào tháng 9 là 97 USD.

Thị trường bị kẹt giữa hai lực trái ngược nhau. Một mặt có lo ngại Iran, nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu, sẽ bị cuốn vào cuộc chiến giữa Israel và Hamas, trở thành mục tiêu cho các cuộc không kích của Israel. Điều đó có thể làm giảm nguồn cung xăng dầu, vốn đã thấp vì Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7 để giữ giá cao.

Nhưng ở chiều ngược lại, giá dầu tăng mạnh sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến, qua đó hạn chế tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu mua dầu. Vì vậy, kỳ vọng chung là giá dầu sẽ tiếp tục dao động theo hình zig-zag: nguồn cung không chắc chắn có nghĩa là thị trường sẽ biến động nhiều – nhưng nhu cầu mờ nhạt sẽ khiến giá không thể lên quá cao.