Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”
Tháng hai nhuận năm Hồng Đức thứ 8 [15/3-12/4/1477] (Minh Thành Hóa năm thứ 13), cho xây lại thành Đại La. Thành này do Trương Bá Nghi đắp từ thời nhà Đường đô hộ năm Đại Lịch thứ 2 (767); sau này các triều đại nước ta noi theo, phát triển thêm, tức thành Thăng Long.
Tháng 3, Sứ bộ Trần Cẩn đến triều Minh tâu bày việc bang giao giữa hai nước; được đãi yến và tặng quà:
“Ngày 2 tháng 3 năm Thành Hóa thứ 13 [14/4/1477]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Trần Cẩn đến triều đình tâu việc. Đãi yến, cùng các vật như lụa, đoạn,[1] có sai biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 99.
Sau việc viên Trấn thủ thái giám Tiền Năng tự tiện sai Chỉ huy sứ Quách Cảnh từ Vân Nam, theo đường sông Thao đến nước ta, vào hai năm về trước [1475], viên Tuần phủ Vân Nam Vương Thứ tâu về triều rằng An Nam lợi dụng thời cơ này, bí mật trinh sát, đặt viên Tổng binh tại quan ải, tăng cường quân lính tuần sát. Nước này dùng viên họ Vương người Giang Tây làm tham mưu; với ý đồ sau khi thôn tính xong Chiêm Thành, sẽ thừa thắng vào cướp phá Vân Nam. Viên Tuần phủ Vương Thứ xin tăng cường quân lính tại biên giới, và đàn hặc Hoạn quan Tiền Năng:
“Ngày 24 tháng 3 năm Thành Hóa thứ 13 [4/7/1477]. Tuần phủ Vân Nam Tả Phó đô đốc Ngự sử Vương Thứ tâu:
‘Gần đây nhận được tin An Nam sai người bí mật đến các xứ như Lâm An trinh sát tình hình; lại sai người đến thác Liên Hoa,[2] huyện Mông Tự mua đồng để đúc binh khí; tại nơi biên giới lập Tổng binh ngụy đi lại tuần sát quan ải, hết sức nghiêm ngặt. Nghe rằng có tên người Giang Tây họ Vương, trước đây sống tại Lâm An thi rớt, bèn sang An Nam nhận chức Ngự sử ngụy. Phần lớn âm mưu tiếm vượt đều do y hoạch định. Quân lính từ An Nam trở về báo rằng người Giao thôn tính Chiêm Thành xong, muốn thừa thắng vào cướp phá Vân Nam, mưu gian kế quỉ lòi ra không phải chỉ có một lần; người sáng suốt có thể thấy khi sự việc chưa lộ ra, huống hồ đã rõ ràng rồi. Lâm An sát nách An Nam, nay lập 1 vệ thì số quân tại thành chỉ hơn 200 tên; thống kê tại Vân Nam có 25 vệ, thì cũng chỉ có 1 vạn 3000 tên. Đất hỗn tạp, các Di nạp thuế rất ít; lương hướng của quan quân lấy từ kho đồn điền sở tại, chỉ đủ ăn cho 1 năm. Vả lại mới đây bị thiên tai, năm nay lại đạo tặc rất nhiều, dân chúng không có được một ngày an ổn! Thổ quan các xứ năm này qua năm khác thù nghịch giết lẫn nhau. Lại ban thuế bạc thật, đòi hỏi tiến cống làm phiền nhiễu dân. Phía đông Lâm An như Khúc Tĩnh, Lục Lương; phía tây như Nhĩ Hải, Đại Lý đều thiếu quan coi sóc.
Xin điều 4000 tên trong 22 vệ thao luyện tại Vân Nam, chia làm 2 ban, thay phiên đến phòng thủ tại Lâm An; đặt thêm 1 ty Án sát Phó sứ tại đó, để chuyên trách về việc binh bị. Mở các giếng muối đen, muối trắng để đủ nhu cầu quân lương; tạm thời đình chỉ thuế bạc thật, tiến cống; để dân khỏi khốn khó. Thần tài trí tầm thường, tuổi lớn suy yếu; nên thay thế bởi một viên Đại thần trẻ khỏe, tài kiêm văn võ, để Thần có thể lui về ruộng vườn sống chuỗi ngày thừa.’
Đem tấu chương xuống bộ Binh bàn bạc, rồi được tâu:
‘Người Giao vào lãnh thổ do thám, mua đồng; các quan trấn thủ đã dung túng lại không trình lên. Về việc tên họ Vương nhận quan chức ngụy, cùng việc đặt Tổng binh ngụy tuần kiểm biên giới; nếu đối phó bằng cách luân phiên điều binh đến thủ ngự sự, sợ gây căng thẳng đi đến chỗ gây hấn; nhưng nếu không gia tăng đề phòng, có thể việc bất trắc xẩy ra. Nên tìm một giải pháp chu toàn bằng cách bên ngoài tỏ vẻ ưu đãi, nhưng bên trong thì đề phòng cẩn mật. Nên sai quan Trấn thủ Tuần vũ thanh tra vùng địa phương Lâm An, xem cần phải đặt Phó sứ và điều bạt quan quân đến trấn thủ hay không, rồi trình lên. Lại cho rằng tinh lực Thứ chưa suy, mới đây được thăng chức Đô Ngự sử, vậy chưa nên thay.’
Chiếu chấp nhận lời tấu, mệnh Thứ ra sức coi sóc địa phương.
Bộ Lễ cũng xin tạm đình chỉ thuế bạc thật, và tiến cống các loại đá quí. Chiếu ban rằng ngoại trừ lệ cống hàng năm, các việc khác phải cấm để khỏi quấy nhiễu dân chúng.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 99.
“Ngày 9 tháng 7 năm Thành Hóa thứ 13 [17/8/1477].Tuần phủ Vân Nam Hữu Đô Ngự sử Vương Thứ hặc tấu Trấn thủ Thái Giám Tiền Năng và tòng phạm Chỉ huy Lư An. Đô sát viện tâu tiếp, đã sai Thự Lang trung bộ Hình Chung Phiên, đến nơi [Vân Nam ] họp với các quan thuộc Tam ty xét hỏi sự việc, để bắt Năng trở về kinh điều tra. Chiếu phê Năng quả có tội, cần tâu chi tiết để xét xử.
Khởi đầu Năng sai Chỉ huy sứ Quách Cảnh tâu trình rằng quân Di [An Nam] đi bắt trộm cướp, vượt biên giới cướp phá, xin sắc dụ Quốc vương nước này ngăn cấm. Triều đình bèn ra lệnh y mang sắc đi. Theo qui định, Sứ đi An Nam phải theo đường Quảng Tây, nhưng Cảnh thì dùng đường Vân Nam. Năng đưa cho Cảnh đai ngọc, áo mãng bào,[3] lụa là, chó, ngựa, cung, tên, yên ngựa và những vật khác để riêng biếu Vương An Nam. Rồi theo đường Vân Nam đến và đã nhận được rất nhiều tặng phẩm quí của nước này.
Lúc trở về y dụ dỗ đoàn đi sứ triều cống cùng đi theo đường Vân Nam, đến nửa đường lại bảo Sứ giả đi trước. Khi sứ triều cống đến biên cảnh, lính phòng thủ giữ lại không cho vào;[4] dân chúng cho rằng người An nam vào cướp, lo lắng bảo nhau chạy trốn! Quan Tổng binh và Tam Ty sai người đến hiểu dụ đoàn triều cống, phải hiểu dụ ba bốn lần đoàn triều cống mới chịu trở về. Sau đó 3 năm, có một người đàn ông từ An Nam về, khai rằng từng thấy viên Chỉ huy cùng hơn 30 người tới An nam, mang các vật như chó, ngựa, vv.. biếu Vương nước này. Chiếu xuống hạ lệnh Tuần phủ Án Sát tra hỏi kỹ. Được biết Cảnh sau khi trở về, Năng lại sai y mấy lần cùng với những viên chức như Chỉ huy Lư An, Tô Bản; Bách hộ Dương Năng đi khắp các Tuyên phủ ty Di [dân tộc thiểu số] như Can Ngạn, Mãnh Mật để đòi hỏi tài vật. Cảnh thu được những của quí, lại hiếp dâm cháu gái Nang Hãn Lộng, và hứa sẽ mở nha môn để lo liệu việc này. Khi y trở về đến Kim Xỉ thì bị bắt, bèn nhảy xuống giếng tự tử. Vào lúc này Vương Thứ cùng Tuần Án Ngự sử bắt những đồng lõa với Cảnh, điều tra được đầu đuôi, bèn dâng lời tâu lên triều đình.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 101.
Tuy Hoạn quan Tiền Năng bị đàn hặc, Vua Hiến Tông nhà Minh cũng thấy được lỗi lầm của y, nhưng vì chỗ thân cận nên cố tình bao che, vấn cho tiếp tục giữ chức Trấn thủ tại Vân Nam:
“Ngày 30 tháng giêng năm Thành Hóa thứ 14 [4/3/1478]. Bọn Lang trung bộ Hình Chung Phiên khám trình về việc Tuần phủ Vân Nam, Ngự sử Vương Thứ hặc tấu Trấn thủ Thái giám Tiền Năng sai Chỉ huy Quách Cảnh đem áo mãng bào dát ngọc, chó, ngựa tư thông với Quốc vương An Nam; cùng sai Lư An, Tô Bản giao thông với các Di như Can Ngạn, Mãnh Mật. Những sự việc này đều có thực, Đô Sát viện xin bắt Năng đến kinh đô chịu tội.
Thiên tử đặc cách tha cho Năng, và giáng chỉ nghiêm trách rằng:
“Pháp ty tâu về việc điều tra ngươi phạm pháp, việc đó đều đúng; còn những lời ngươi tâu về quan Tuần phủ đều sai. Tội trạng ngươi đã rõ ràng, cũng muốn đem ngươi về kinh đô chiếu luật hỏi tội; nhưng nghĩ rằng ngươi trấn tại nơi biên giới đã lâu, nên tha thứ sự sai lầm. Ngươi hãy lo tròn nhiệm vụ trấn thủ, coi trọng nhân tâm địa phương, ước thúc người dưới, không để cho quân các vệ và quan chức địa phương nhũng nhiễu dân chúng. Huống Thổ quan là bọn ngoài vòng giáo hóa; tổ tông thời xưa cho chúng hàng năm nạp cống, ky my[5] mà thôi; so với nội địa cách đối xử không giống.
Từ nay nếu có việc xảy ra, hãy cùng Kiềm quốc công Mộc Tông, Tuần phủ, Án sát, Ngự sử Tam Ty bàn bạc. Giao cho Tam Ty kiêm coi các quan chức, phủ dụ, khám xét; không được tự ý sai những kẻ vô lại đòi hỏi lừa đảo như trước, để đi đên chỗ gây hấn, sinh loạn; vạn nhất có điều sai lầm thì ai chịu? Ngươi phải thận trọng lấy đó làm răn.”
Vào tháng 7 năm ngoái [16/8/1476], nhà Minh sai chánh sứ Lễ bộ lang trung Nhạc Chương, phó sứ Hành nhân Trương Đình Cương mang sắc thư sang báo việc lập Hoàng thái tử. Tháng 6 năm nay, lúc trở về nước cả hai đều bị tội, vì mang nhiều hàng trao đổi và không làm tròn nhiệm vụ:
“Ngày 6 tháng 6 năm Thành Hóa thứ 13 [15/7/1477]. Lang trung bộ Lễ Nhạc Chương, Hành nhân Trương Đình Cương bị giam tại ngục Tây Xưởng. Bọn y lúc đi sứ An Nam mang nhiều hàng để trao đổi, nhận đồ biếu nhiều và những việc khác. Bộ Hình xét xin giáng làm dân, lấy lại đai áo, mũ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 101.
Tháng 10, qui định tuyển chọn các đội trưởng phụ trách các ngành nông nghiệp, đồn điền; phải qua kỳ thi tuyển về chữ viết và tính toán. Định ngạch thuế bãi dâu; chiếu theo nhu cầu của dân, cho phép mở chợ mới:
“Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 6 [11/11/1477], quy định điều lệ thi các đội trưởng. Tất cả các cục, ty, sở Ứng sự, Tinh mễ, Điển mục, Chủng thái, Đồn điền, Tàm tang, bị thiếu các chức đội lại, thì Hộ bộ khảo thi những người am hiểu về viết chữ và tính toán trong các cục, ty, sở, ai đỗ thì bổ vào. Định ngạch thuế bãi dâu ven sông nhỏ.
Định lệ chia mở chợ mới. Ra sắc chỉ rằng: Sinh dân các huyện, châu, xã ở các xứ trong nước mỗi ngày một đông, nếu muốn mở thêm chợ mới để tiện mua bán thì quan phủ, huyện, châu phải khám xét thực tế, nếu quả là tiện lợi cho dân thì làm bản tâu lên, cho theo tiện lợi mà họp chợ, không cứ là có ngạch cũ hay không.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 11b.
Vào tháng 11, triều đình ta sai sứ bộ Trần Trung Lập sang triều Minh cống. Tuy đã cẩn thận báo tin trước cho các quan cầm quyền tại các châu huyện biên giới như Bằng Tường, Long Châu, nhưng vẫn bị gây khó khăn cố tình làm chậm trễ; mãi đến gần một năm rưỡi mới đến nơi. Sứ thần Trần Trung Lập bèn tố cáo sự việc; triều đình nhà Minh phải cho người hộ tống trở về nước và răn đe các châu huyện tại biên giới không được gây khó khăn:
“Tháng 11, ngày 20 [24/12/1477], vua sai Binh bộ tả thị lang Trần Trung Lập, Hàn lâm viện hiệu thảo Lê Ngạn Tuấn và Phan Quý sang nhà Minh tiến cống và phi báo cho bọn huyện quan Bằng Tường là Lý Quảng Ninh, tri châu Long Châu là Triệu Nguyên kịp thời đón tiếp lễ cống và sứ thần để tránh làm lỡ việc tiến cống.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 12a.
“Ngày 7 tháng 4 năm Thành Hóa thứ 15 [28/4/1479]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Trần Trung Lập đến triều cống vàng, bạc, khí mãnh, cùng sản vật địa phương. Đãi yến và ban cho y phục, lụa thải, đoạn, có phân biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 107.
“Ngày 17 tháng 5 năm Thành Hóa thứ 15 [6/6/1479]. Bọn Bồi thần An Nam Trần Trung Lập tâu rằng:
‘Nhân đường đi cống qua Quảng Tây, bị Thổ quan Tri huyện Bằng Tường[6] Lý Quảng Ninh, Thổ quan Tri châu Long Châu[7] Triệu Nguyên Hoài ôm mối hiềm khích cũ, tìm cách cản trở làm đình trệ. Các quan Tuần, Thủ đã không cứu xét và trừng trị.’
Sự việc đem xuống dưới, bộ Lễ phúc tấu:
‘Trước đây đã được Bồi thần An Nam tâu đầy đủ, đã sai Hành nhân bạn tống xuất cảnh. Nay Trung Lập lại nói lời này; hãy xin cho người bạn tống như trước, làm cách nào đến nơi không gây sự oán giận. Lại răn các châu, huyện từ nay trở về sau Sứ thần An Nam vào triều cống, nếu các nơi còn cản trở lưu giữ sẽ bị tội.’
Thiên tử ban chiếu rằng có thể được.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 108.
Phản ứng trước việc phía An Nam phàn nàn rằng Thổ quan Bằng Tường, Long Châu yêu sách làm đình trệ tiến cống. Bộ Lễ nhà Minh cho rằng An Nam mang nhiều hàng hóa, dân phu phục dịch không xuể; nên xin Vua cấm Sứ thần mang nhiều hàng hóa riêng:
“Ngày 9 tháng 3 năm Thành Hóa thứ 14 [11/4/1478]. Sắc mệnh cấm Sứ thần An Nam mang quá nhiều hàng hóa riêng. Trước đây Quốc vương An Nam Lê Hạo tâu rằng các Bồi thần nước này đi triều cống qua các huyện Bằng Tường, Long Châu thuộc Quảng Tây; thường bị các Thổ quan như Lý Quảng Ninh, Triệu Nam Kiệt yêu sách, làm đình trệ. Viên Bồi thần Trần Cẩn cũng tâu như vậy. Thiên tử sắc dụ các quan coi địa phương xem xét. Bọn họ tâu rằng mới đây An Nam triều cống mang hàng hóa rất nhiều, tại biên giới dân ít không đủ người để vận tải, nên gây oán. Đem việc này xuống cho bộ Lễ bàn, rồi tâu lên:
‘Nước này đưa nhiều Sứ thần triều cống, mang hàng hóa riêng để kiếm lời, riêng làm khổ dân biên cảnh, xin nghiêm cấm bớt.’
Bởi vậy nên có mệnh này.”.Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 103.
Qui định chế độ bổng lộc cho các quan. Những người kiêm nhiệm nhiều việc thì tối thiểu cấp bổng lộc theo phẩm trật hiện giữ, rồi tùy theo công việc kiêm nhiệm mà cấp thêm. Về dòng dõi tôn thất, cao nhất là Hoàng thái tử được cấp 500 quan; thấp nhất là Phò mã 92 quan. Quan cai trị, cao nhất là Chánh nhất phẩm, được cấp 80 quan, thấp nhất là Cửu phẩm thái nhàn tản nha môn, 6 quan. Nhưng đấy chỉ là cấp tiền bổng lộc trong một năm mà thôi, ngoài bổng lộc ra lại cấp cho ruộng, đất, bãi, và thực tiền; phép tắc thể lệ thật là đầy đủ:
“Định chế độ bổng lộc của các quan cai trị trong ngoài. Xét đại điển có ghi: Cấp bổng lộc để khuyến khích lập công, tùy theo trách nhiệm là nặng hay nhẹ. Các bậc hoàng tôn, công thần, tuy không hạn chế về phẩm trật, nhưng cũng có thứ bậc khác nhau; các chức quan văn võ trị nhậm trong ngoài, công việc, trách nhiệm khác nhau, cũng nên xét rõ khó nhọc hay nhàn rỗi. Người nào phẩm trật ngang nhau nhưng kiêm nhiệm quan chức thì cấp bổng lộc theo chức nhiều việc. Người chức thấp mà kiêm chức, thì cấp theo chức kiêm nhiệm, mức tối thiểu là theo phẩm trật vốn có, tùy công việc nhiều hay ít mà xét cấp. Người chức cao mà làm việc chức thấp thì cấp theo chức vụ đảm nhiệm, mức tối thiểu là theo tam phẩm trật vốn có, tùy công việc nhiều hay ít mà xét cấp. Đại để quan trong kinh, kiêm nhiệm nhiều việc thì tăng 1 bậc, nhiều nữa thì tăng 2 bậc, ít việc thì giảm 1 bậc, ít nữa thì giảm từ 2 đến 5 bậc. Các quan ngoài kinh kiêm nhiệm nhiều việc thì giảm 1 bậc, chỗ nhiều việc vừa thì giảm 2 bậc; chỗ ít việc thì giảm 2 bậc, chỗ ít việc nữa thì giảm từ 3 đến 5 bậc. Các thí quan [quan chưa thuộc loại thực thụ] tùy theo chỗ nhiều việc hay ít việc, sau khi đã tăng hoặc giảm rồi, lại giảm xuốn 3 bậc nữa mà cấp.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 12b.
“Chế độ quan lộc: Theo Hồng Đức Thiên Nam Dư Hạ Tập, thì chế độ cấp lộc cho các quan trong kinh và ngoài các đạo như thế này:
Hoàng thái tử tiền 500 quan; thân vương tiền 200 quan, kém hoàng thái tử 300 quan; tự thân vương 140 quan, kém thân vương 60 quan; hoàng tôn được phong quốc công 127 quan, kém tự thân vương 13 quan. Quận công 120 quan; tước hầu 113 quan, tước bá 106 quan, hoàng tằng tôn phong tước hầu 99 quan, phong tước bá cùng phò mã đô úy 92 quan (bớt dần mỗi bậc đều 7 quan).
Chánh nhất phẩm 80 quan; tòng nhất phẩm 74 quan; chánh nhị phẩm 68 quan; tòng nhị phẩm 62 quan; chánh tam phẩm 56 quan (bớt dần mỗi bậc đều 6 quan).
Tòng tam phẩm 52 quan; chánh tứ phẩm 48 quan; tòng tứ phẩm 44 quan; chánh ngũ phẩm 40 quan, tòng ngũ phẩm 36 quan (bớt dần mỗi bậc đều 4 quan).
Chánh lục phẩm 33 quan; tòng lục phẩm 30 quan; chánh thất phẩm 27 quan; tòng thất phẩm 24 quan; chánh bát phẩm 21 quan; tòng bát phẩm 18 quan (bớt dần mỗi bậc đều 3 quan).
Chánh cửu phẩm 16 quan; tòng cửu phẩm 14 quan; giản nha môn 12 quan; thái giản nha môn 10 quan, nhàn tản nha môn 8 quan; thái nhàn tản nha môn 6 quan (bớt dần mỗi bậc 2 quan).” Cương Mục, Chính Biên, quyển 23.
Ngày 23 tháng 2 năm Hồng Đức thứ 9 [27/3/1478] (Minh Thành Hóa năm thứ 14); ban sắc chỉ hô hào dân chúng dẫn nước vào ruộng để kịp cày cấy:
“Ra sắc chỉ cho các quan thừa tuyên, phủ huyện các xứ trông nom việc đồng ruộng, khuyên dân lấy nước vào ruộng để kịp thời gieo cấy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 14b.
Vào năm ngoái [1477], viênTuần phủ Vân Nam, Tả Phó đô đốc Ngự sử Vương Thứ, tâu rằng An Nam tập trung quân tại biên giới, âm mưu gây hấn. Nên năm nay, triều Minh chấp nhận đặt viên Phó sứ tại Lâm An, thuộc huyện Kiến Thủy, tỉnh Vân Nam ngày nay; để lo việc phòng bị biên giới:
“Ngày 16 tháng 2 năm Thành Hóa thứ 14 [ 20/3/1478]. Đặt thêm một viên Phó sứ thuộc ty Án sát Vân Nam. Cử Giám sát Ngự sử Hà Thuần đảm nhiệm, cùng lo chuẩn bị việc binh tại Lâm An. Lúc bấy giờ quan Tổng binh Kiềm quốc công Mộc Ngang, Tuần phủ Đô Ngự sử Vương Thứ tâu về việc đất này gần An Nam. Vì lý do đó nên đặt thêm chức này.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 103.
Tháng 3, triều đình tổ chức thi Hội lấy 62 người trúng cách. Thàng 5 vào thi Đình xếp hạng, lấy 1 Bảng Nhãn, 2 Thám Hoa, 9 Hoàng Giáp, và 50 Tiến sĩ:
“Tháng 3 [3/4-1/5/1478], tổ chức thi hội cho các cử nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Lê Ninh gồm 62 người.
Mùa hạ, tháng 5, ngày 14 [14/6/1478], vua ra hiên, ra đề văn sách, hỏi về đế vương trị thiên, duyệt các bài trả lời. Cho Lê Quảng Chí đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh Bảng Nhãn, Trần Bích Hoành, Lê Ninh đều đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh Thám Hoa. Bọn Nguyễn Địch Tâm 9 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân Hoàng Giáp. Bọn Nguyễn Nghiễm 50 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 14b.
Vào tháng 10 năm ngoái [11/1476], sứ bộ Bùi Sơn sang nhà Minh mừng việc lập Hoàng thái tử; tháng 4 năm nay tới nơi, được ban yến, tặng quà; lại giao cho gấm lụa, đưa về biếu Vua. Lúc trở về, Sứ thần Bùi Sơn phàn nàn rằng đi đường bị cản trở; Vua nhà Minh bèn sai Thông dịch viên hộ tống đến tận phủ Nam Ninh[8] gần biên giới:
“Ngày 24 tháng 4 năm Thành Hóa thứ 14 [25/5/ 1478]. Quốc vương nước An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Bùi Sơn dâng biểu, cùng vàng bạc, khí mãnh, đến triều đình mừng việc lập Hoàng Thái tử. Đãi yến cùng ban cho y phục các loại lụa, đoạn, có sai biệt. Cùng giao cho bọn Bùi Sơn gấm, lụa đoạn, để ban cho Quốc vương.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 105.
“Ngày 3 tháng 5 năm Thành Hóa thứ 14 [3/6/1478]. Bồi thần An Nam bọn Bùi Sơn sắp trở về, tâu rằng khi đến trên đường gặp sự cản trở, nay xin sai quan hộ tống. Bộ Lễ tâu lên rằng nên sai Thông sự hộ tống đến phủ Nam Ninh. Thiên tử chấp thuận, sai cẩn thận chọn Thông sự có khả năng hộ tống; không để lâm vào cảnh không có chỗ nương dựa.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 105.
Vào cuối tháng 3, triều Minh nhận được tờ tâu của Vua Lê Thánh Tông phủ nhận việc đánh chiếm Chiêm Thành. Vào tháng 7, Quốc vương Chiêm Thành Tề Á Ma Vật Yêm sai người tâu rằng người An Nam trả đất tại biên giới phía nam để cai quản; bèn xin phong. Vua nhà Minh sai Cấp Sự trung Lễ khoa Phùng Nghĩa, Hành nhân Trương Cẩn mang chiếu chỉ phong cho Tề Á Ma Vật Yêm làm Quốc vương Chiêm Thành:
“Ngày 26 tháng 3 năm Thành Hóa thứ 14 [28/4/1478]. Quốc vương An Nam Lê Hạo tâu rằng:
‘Đầu mục Chiêm Thành Ba Lung Ma Ha trước đây thông hiếu với nước thần. Vào năm Thành Hóa thứ 11 [1475-1476] nước y thu hoạch được nhiều thuyền của nước Lưu Cầu, do gió thổi trôi dạt đến; bèn mang quân đến nước thần xâm lược, bị quân tại biên giới đánh bại. Nay Bồi thần Lê Hoằng Dục từ Thiên triều trở về dâng đặc dụ trách thần chiếm đoạt đất đai Chiêm Thành, đổi thành châu ấp. Vì việc này, thần không thể không lọc máu viết lời trần tình để đoan chắc rằng không có.
Phàm đất đai mà Chiêm Thành được phong rất cằn cỗi, nhà thì nghèo nàn, vườn không có tơ dâu, núi không có của báu, biển thiếu lợi về cá muối; chỉ có ngà voi, tê giác, tô mộc,[9] trầm hương mà thôi; mà nước thần sản xuất những thứ đó nhiều, nên không cho là quí. Lấy được đất đó không thể ở được, lấy được dân đó không thể dùng được, được sản phẩm đó không đủ để giàu, được cái thế đó cũng không trở nên mạnh được. Giữ gìn đất đó rất khó, mà lợi thì ít. Phàm mất nhiều, mà lợi thì ít, họa thì rõ ràng, mà danh thì mờ mịt; đó là lý do tại sao thần không chiếm đoạt đất đai Chiêm Thành để biến thành châu quận.
Nay triều đình lại dụ thần trả lại đất đai cho Chiêm Thành, để nước đó không mất chỗ thờ tự. Thành thực thần cho rằng Thiên sứ trong lúc vội vã, hỏi han điều tra không rõ ràng; mà dân Chiêm Thành chạy loạn thì có mối thù với nước thần nên lời nói không đáng tin. Vậy xin đặc sai Sứ giả Thiên triều đích thân đến xem đất đai, và phục hưng dòng bị tuyệt, khiến cho nước Chiêm Thành trên dưới được an tập; nơi biên thùy của thần cũng được yên ổn để làm nước phiên của Trung Quốc, có ích cho người phương xa, đó là ý nguyện của thần vậy. Kính cẩn sai Bồi thần Nguyễn Đạt Tế tâu lên.’
Thiên tử mệnh đem tấu chương này xuống dưới bàn luận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 104.
“Ngày 30 tháng 7 năm Thành Hóa thứ 14 [27/8/1478]. Quốc vương Chiêm Thành sai người chú Ba La Á Đệ cùng bọn Sứ thần La Tứ đến dâng biểu viết trên vàng lá và triều cống sản vật địa phương. Ban yến cùng áo dệt kim, lụa, đoạn có sai biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 106.
“Ngày 6 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 14 [ 2/9/1478]. Sai Cấp Sự trung Lễ khoa Phùng Nghĩa, Hành nhân Trương Cẩn mang chiếu chỉ phong cho Tề Á Ma Vật Yêm làm Quốc vương Chiêm Thành. Tề Á Ma Vật Yêm sai người tâu rằng người An Nam trả đất tại biên giới phía nam để cai quản và làm chúa nước này. Nhưng sợ uy trời không dám tự tiện chủ trì, bèn sai sứ tâu trình và xin phong. Bởi vậy mới có mệnh này.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 106.
Ngày 22 tháng 9 [17/10/1478], Vua hạ chiếu đi đánh nước Lão Qua tức Ai Lao.
Ngày 16 tháng Chạp [8/1/1479], ban đêm có nguyệt thực. Hạ lệnh cho các quân tập dàn trận bằng voi ở sân điện Giảng Võ.
Ngày 23 tháng chạp [15/1/1479], bắt đầu quy định nghi lễ hôn nhân giá thú:
“Các nghi lễ đó là: Khi lấy vợ, trước hết phải nhờ mối lái đi lại bàn định, rồi sau mới định lễ cầu thân; lễ cầu thân xong, rồi mới bàn việc dẫn cưới; dẫn cưới xong, rồi mới chọn ngày lễ đón dâu. Ngày hôm sau, [con dâu] chào cha mẹ chồng, ngày thứ ba đến làm lễ ở nhà thờ, phải theo đúng trình tự các nghi thức tiết văn đã ban xuống mà thi hành, không được như trước, nhà trai đã dẫn lễ cưới rồi còn để qua 3, 4 năm sau mới cho đón dâu. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 16b.
Ngày 26 tháng giêng năm Hồng Đức thứ 10 [17/2/1479] (Minh Thành Hóa năm thứ 15), vua ngự giá duyệt binh; sai Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt Sứ Ký Toàn Thư:
“Ngày 26, vua ngự giá duyệt võ bị 16 ngày.
Sai Sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt sứ ký toàn thư 15 quyển.
Hạ lệnh cho Ngô Sĩ Liên biên chép sách Đại Việt sử ký. Sách chép gồm 15 quyển: từ Hồng bàng thị đến Ngô sứ quân 5 quyển gọi là Ngoại kỷ; từ Đinh Tiên Hoàng đến Lê Thái Tổ 10 quyển gọi là Bản kỷ.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 23.
Tháng 2, quân Minh bắt gián điệp người An Nam đem giam tại phủ Thái Bình gần biên giới. Thân nhân người bị bắt tìm cách móc nối, hối lộ cho cai ngục giải thoát được. Kết tội bọn cai ngục và những người dân liên quan bị giết, giáng viên Thủ ngự Thiên hộ xuống làm lính:
“Ngày 15 tháng 2 năm Thành Hóa thứ 15 [ 8/3/1479]. Phòng ngự Quảng Tây, Thái Bình[10] Thiên hộ sở bắt 7 gián điệp An Nam, giam tại ngục ty Trấn phủ. Có người dân biết được người bị bắt, bèn đến báo cho gia đình chúng hay, để rồi hối lộ lính coi ngục mở cùm cho chúng thoát. Sự việc phát giác, người dân và ngục tốt đều bị tội chết. Các quan Trấn thủ tâu việc này, đều cho rằng viên Thủ ngự Thiên hộ Triệu Bang có tội phòng giữ không nghiêm; Pháp ty cũng xin trừng trị viên này. Chiếu chỉ xét Triệu Bang phòng giữ không cẩn thận bị giáng 2 cấp để chuộc tội, tiếp tục làm lính sai phái tại vệ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 106.
Vào ngày 2/9/1478 năm ngoái, Vua nhà Minh sai bọn Hành nhân Trương Cẩn mang chiếu thư phong cho Quốc vương Chiêm Thành. Năm nay sứ bộ dùng thủy trình, thuyền qua tỉnh Giang Tây bị sóng gió phá hủy, chiếu thư và lễ vật bị hư hại; đành phải hoãn cuộc hành trình:
“Ngày 9 tháng 5 năm Thành Hóa thứ 15 [29/5/1479]. Ty Hành nhân Tả Ty phó Trương Cẩn mang chiếu thư đến phong cho Quốc vương Chiêm Thành; qua huyện Thanh Giang, Giang Tây gặp sóng gió phá hư thuyền, chiếu thư và đồ vật đều bị hư ướt. Quan Thủ thần trình lên. Bộ Lễ bàn rằng:
‘Chiếu thư và lễ vật nên thay mới, riêng sai Hành Nhân đưa đến cho Cẩn; những vật khác không cần lấy ra từ kho trong triều, lệnh ty Bố chánh Quảng Đông cho chế ra giống y như vậy.’
Lại bảo rằng:
‘Tờ tâu không có tên họ viên Chánh sứ; lệnh Tuần Án Giang Tây, Ngự sử xét sự thực trình lên.’
Thiên tử chấp nhận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 107.
Tháng 8 [17/8-15/9/1479], nước Lão Qua cấu kết với Bồn Man cướp phá vùng biên giới. Nhà Vua hạ lệnh mang 5 đạo quân đi đánh. Mặt trận trải rộng, phía nam từ châu Ngọc Ma tại phía tây tỉnh Hà Tĩnh, cho đến An Tây thuộc tỉnh Điện Biên. Quân ta vào tận kinh đô Lão Qua, khiến Vua nước này phải chạy trốn:
“Tháng 8, mùa thu. Nước Lão Qua [Ai Lao] xâm phạm vào biên giới. Nhà vua hạ lệnh cho các tướng đem quân đi đánh, phá tan được quân Lão Qua. Cầm Công, tù trưởng Bồn Man [Trấn Ninh, Ai Lao], ngầm mang lòng phản bội. Lão Qua liên kết và viện trợ cho Cầm Công, đem quân lấn cướp biên cảnh phía tây nước ta. Nhà vua sai các tướng đi đánh, hạ lệnh cho thái úy Lê Thọ Vực làm Chinh tây tướng quân, đi theo đường chính phủ Trà Lân; đô đốc Đông quân phủ Trịnh Công Lộ làm Chinh di tướng quân, đi theo đường An Tây [Điện Biên]; Trấn lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn đi theo đường Ngọc Ma [Cam Cớt, Ai Lao]; Du Kỵ phó tướng quân Lê Lộng đi theo đường Thuận Châu [Sơn La] và Mỗi Châu; Thảo tặc phó tướng quân Lê Nhân Hiếu đi theo đường phủ Thanh đô [Thanh Hóa]. Các tướng hội đồng quân 5 đạo cộng 18 vạn, đánh phá tan được. Nhân thế thắng, kéo vào thành Lão Qua, lấy được của báu. Vua Lão Qua phải chạy trốn. Các tướng bắt dân nước ấy và chiếm đất đai nước ấy đến sông Kim Sa giáp giới phía nam nước Miến Điện, rồi cho người đem tiệp thư [thư thắng trận] về tâu nhà vua biết.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 23.
Tháng 10 [15/10-13/11/1479], Cầm Công tại Bồn Man tức Trấn Ninh làm phản, nhà vua tự làm tướng đi đánh. Đến tháng 11 [13/12/1479-11/1/1480] xa giá trở về; riêng hạ lệnh cho tướng quân Lê Niệm tiếp tục đánh, dẹp yên được:
“Họ Cầm nối đời làm phụ đạo Bồn Man. Nhà vua thấy rằng, đất ấy tiếp giáp với biên cảnh ngoại di, khó có người trấn thủ được, bèn chia đất ấy ra lập thành 7 huyện thuộc phủ Trấn Ninh, đặt quan phủ, quan huyện để giám sát cai trị. Đến đây, Lão Qua xâm phạm biên giới. Cầm Công nương dựa Lão Qua làm viện trợ cho mình, đánh đuổi các viên lưu quan,[11] chiếm cứ riêng đất ấy để chống lại quan quân; đến lúc các tướng đánh phá được Lão Qua, cho người đưa thư báo tin thắng trận. Cầm Công lại ngăn chặn, làm cho tiệp thư thông báo về kinh được. Bởi thế, nhà vua hạ chiếu thân hành đi đánh, quân nhà vua tiến đóng tại Phù Liệt, bèn sai Trần Bảo, phó đoàn sư vệ Cẩm Y, và Phạm Nhân Kính, đô chỉ huy thiêm sự, điều động cung cấp quân lương, lại dụ bảo Lê Thọ Vực các tướng:
‘Công trạng đánh phá Lão Qua như thế nào thì giao cho Trần Bảo đệ về tâu nộp’.
Tháng 11, xa giá đến Thâu Bồ đóng ngự doanh 4 ngày rồi trở về, sai tướng quân Kỳ quận công Lê Niệm thống lãnh 30 vạn quân, tiến đánh, phá tan được. Cầm Công bỏ chạy, bị chết. Tướng sĩ đốt thành của Bồn Man và thiêu hủy kho tàng tích trữ. Bồn Man xin hàng. Nhà vua bèn phong người họ Cầm tên là Cầm Đông làm tuyên úy đại sứ, lại đặt các thổ quan để chia nhau cai trị.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 23.
—————————
[1] Ðoạn: một loại lụa, có thứ đoạn hoa, có thứ đoạn trơn.
[2] Thác Liên Hoa: nay tại Hà Khẩu Giao tộc tự trị khu, thuộc tỉnh Vân Nam.
[3] Mãng tức loại rồng có 4 chân. Áo mãng bào là áo thêu rồng 4 chân.
[4] Người triều cống không được vào, bởi Vân Nam không phải là đường cho Sứ giả đi triều cống.
[5] Ky my: chính sách cai trị mềm dẻo; bắt nạp cống hàng năm, nhưng không đặt quan cai trị trực tiếp.
[6] Bằng Tường: nay thuộc huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, sát ải Nam Quan.
[7] Long Châu: vị trí gần biên giới Việt Nam, nay thuộc huyện Long Châu, Sùng Tả thị, tỉnh Quảng Tây.
[8] Nam Ninh: hiện nay Nam Ninh là thủ phủ tỉnh Quảng Tây, cách ngã ba các sông Tả Giang, Hữu Giang khoảng trên 10 km.
[9] Tô mộc: Cây dùng làm thuốc Bắc.
[10] Phủ Thái bình đời Minh vị trí tại sông Tả Giang, gần biên giới Việt Nam; Bằng Tường, Long Châu nằm trong phủ này.
[11] Lưu quan: Viên quan do triều đình bổ đến, lúc cai trị địa phương này lúc cai trị địa phương khác, nhiệm sở không cố định.