Nguồn: “A short history of the Arab-Israeli conflict”, The Economist, 18/10/2023
Biên dịch: Cung Nguyễn Thế Anh
Đường biên giới của Israel đã thay đổi như thế nào theo thời gian? Tại sao lãnh thổ tự trị của người Palestine lại nằm ở hai khu vực riêng biệt? Các bản đồ sau đây sẽ giúp minh họa một thế kỷ xung đột giữa người Ả Rập và người Do Thái ở Thánh địa. Ta bắt đầu vào năm 1916 (xem bản đồ trên).
Giữa Thế chiến thứ nhất, nhà ngoại giao người Anh, Sir Mark Sykes, và nhà ngoại giao người Pháp François Georges-Picot, được bí mật giao nhiệm vụ phân chia vùng lãnh thổ của Đế chế Ottoman. Cuộc đàm phán sẽ chia các vùng đất Ả Rập giữa các cường quốc châu Âu với nhau. Palestine được chỉ định là lãnh thổ quốc tế do ý nghĩa tôn giáo của mảnh đất đối với Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo. Năm 1917, nước Anh ban hành Tuyên bố Balfour, ủng hộ việc thành lập một “quê hương cho người Do Thái” ở Palestine. Lúc bấy giờ, ở Palestine đã bắt đầu hình thành các khu định cư nông nghiệp của người Do Thái, và phong trào phục quốc Do Thái cũng đã nhen nhúm từ khi Theodor Herzl công khai tuyên bố mục tiêu hình thành một quốc gia Do Thái ở Đại hội Phục quốc Do Thái đầu tiên tại Basel vào năm 1897.
Năm 1920, Hội nghị San Remo đã hoàn tất việc phân chia lãnh thổ của Đế chế Ottoman. Anh được giao quản lý các phần của lãnh thổ quốc tế được nêu trong Hiệp định Sykes-Picot. Trong năm sau đó, các phần lãnh thổ này được chia thành Palestine và Transjordan, một vương quốc Ả Rập dưới sự cai trị của Nhà Hashim. Năm 1922, Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hợp Quốc, đã thông qua chế độ ủy trị này. Quan trọng hơn, nó tán thành việc thực hiện lời hứa của Tuyên bố Balfour. Người Ả Rập trong khu vực ngày càng sử dụng vũ lực nhiều hơn để chống lại chính quyền Anh Quốc khi làn sóng di cư của người Do Thái tăng lên, bao gồm cả người Do Thái ở Đức chạy trốn khỏi Đức Quốc xã. Năm 1936, người Ả Rập nổi dậy. Chính quyền Anh nhanh chóng dập tắt cuộc nổi dậy, nhưng đã phải hạn chế sự di cư của người Do Thái để xoa dịu người Ả Rập. Tuy nhiên, các nhóm chiến binh Do Thái đã khởi xướng cuộc nổi dậy của riêng họ. Phong trào này đã lan rộng sau Thế chiến thứ hai. Anh cuối cùng đã từ bỏ và giao vấn đề Palestine lại cho Liên Hợp Quốc.
Sau thảm họa diệt chủng Holocaust, áp lực công nhận quốc tế một nhà nước Do Thái ngày càng tăng. Năm 1947, Liên Hợp Quốc đề xuất chia Palestine thành ba phần: một nhà nước Ả Rập, một nhà nước Do Thái và Jerusalem, một thực thể tách biệt được đặt dưới sự quản lý quốc tế. Bạo lực tiếp tục leo thang. Năm 1948, sau khi Anh rút hoàn toàn khỏi Palestine, các nhà lãnh đạo Do Thái đã chính thức tuyên bố thành lập nhà nước Israel. Các quốc gia Ả Rập láng giềng lập tức đem quân xâm lược.
Israel giành chiến thắng trước đội quân Ả Rập. Hiệp định đình chiến năm 1949 đã kẻ ra một đường phân giới (được gọi là “Đường xanh”), đường biên giới trên thực tế giữa Israel và các quốc gia Ả Rập. Các chính phủ Ả Rập vẫn từ chối công nhận Israel. Hơn 700.000 người Ả Rập Palestine đã bỏ chạy hoặc bị trục xuất. Người Palestine gọi sự kiện này là Ngày Thảm họa (Nakba). Dải Gaza và Bờ Tây lần lượt nằm dưới sự kiểm soát của Ai Cập và Transjordan (sau này đổi tên thành Jordan). Jerusalem bị chia cắt.
Năm 1967, trong cuộc Chiến tranh Sáu Ngày giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập, Israel đã chiếm được các vùng lãnh thổ mới, gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem, Dải Gaza, Cao nguyên Golan và bán đảo Sinai. Israel đã sáp nhập Đông Jerusalem, cùng với một phần Bờ Tây, và tiến hành xây dựng các khu định cư của người Do Thái tại các khu vực mới bị chiếm đóng.
Tháng 10 năm 1973, vào ngày lễ Yom Kippur của người Do Thái, Ai Cập và Syria đồng loạt tấn công Israel ở Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan. Năm 1978, dưới sự bảo trợ của Mỹ, Israel và Ai Cập đã ký Hiệp ước Trại David và Hiệp ước hòa bình vào năm sau đó. Israel đồng ý trả lại toàn bộ Bán đảo Sinai và trao quyền tự trị cho người Palestine. Các quốc gia Ả Rập phẫn nộ đã khai trừ Ai Cập ra khỏi Liên đoàn Ả Rập. Không có tiến triển nào đạt được cho vấn đề quyền tự trị của người Palestine.
Năm 1987, phong trào Intifada đầu tiên nổ ra, khi người Palestine đã tổ chức các cuộc đình công và biểu tình ném đá. Năm 1993, Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã ký Hiệp định Oslo I, vạch ra kỳ hạn 5 năm để người Palestine được tự trị ở Bờ Tây và Dải Gaza dưới một chính phủ, Chính quyền Palestine (PA). Thỏa thuận tạm thời này đã xáo trộn tình hình tại Bờ Tây và Dải Gaza: tại Khu A, Chính quyền Palestine toàn quyền kiểm soát dân sự và an ninh; tại Khu B, họ được có một số thẩm quyền về luật pháp và trật tự, nhưng Israel vẫn duy trì quyền kiểm soát an ninh; và ở Khu C, Israel vẫn giữ toàn quyền kiểm soát. Tình trạng cuối cùng của Jerusalem và các khu định cư sẽ được giải quyết sau. Phong trào Intifada lần thứ hai bùng nổ từ năm 2000 đến năm 2005; người Palestine nổi dậy đã sử dụng súng và đánh bom liều chết. Israel phản ứng bằng việc xây dựng hàng rào an ninh ở Bờ Tây và rút quân cùng người định cư khỏi Dải Gaza. Ở Bờ Tây, Israel cũng đã phải sơ tán bốn khu định cư.
Ngày nay, Bờ Tây có gần 3 triệu người Palestine sinh sống, cùng với hơn 450.000 người Israel ở các khu định cư (không bao gồm Đông Jerusalem), một con số đã tăng khoảng bốn lần kể từ khi ký Hiệp định Oslo. Một số người định cư hiện đã sống ở Bờ Tây qua hai thế hệ. Các khu định cư bao quanh khắp Jerusalem. Cuộc sống của người Palestine ở Dải Gaza tồi tệ hơn đáng kể so với người Palestine ở những khu vực khác. Khu vực này đã nằm dưới sự kiểm soát của nhóm chiến binh Hamas kể từ năm 2007. Từ khi Hamas lên nắm quyền, cả Ai Cập và Israel đều thắt chặt phong tỏa khu vực này. Lịch sử của Hamas và Israel đã có 5 lần chạm trán quân sự, nhưng đẫm máu nhất là cuộc xung đột hiện nay.