Nhìn lại vai trò của các nước lớn trong Xung đột Palestine – Israel

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nhóm sinh viên Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao Việt Nam

Theo Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại khu vực Trung Đông, năm 2022 được coi là năm nguy hiểm nhất với người Palestine ở Bờ Tây. Trong đó, sự thiếu nhất quán trong chiến lược hòa giải xung đột của các nước lớn Nga, Mỹ và Trung Quốc đã góp phần gây ra tình trạng này.

Xung đột kéo dài nhiều thập kỷ  

“Cho đến nay, năm 2022 chắc chắn là năm nguy hiểm nhất đối với người Palestine ở Bờ Tây kể từ khi Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc OCHA (United Nations Office for the Coordination of Humanitarian Affairs) bắt đầu theo dõi một cách có hệ thống các trường hợp tử vong của người Palestine vào năm 2005”.[1] Đó là cảnh báo của ông Tor Wennesland, Điều phối viên đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, về tiến trình hòa bình Trung Đông tại Cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an hôm 28/10/2022. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh an ninh ở Bờ Tây dần rơi vào vòng xoáy tồi tệ, căng thẳng tiếp diễn, khiến tình hình càng trở nên khó kiềm chế, số lượng thương vong ngày càng tăng cao, mà nạn nhân chủ yếu là người Palestine.

Xung đột giữa người Israel và người Palestine đã kéo dài nhiều thập kỷ và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Khởi nguồn tranh chấp giữa hai cộng đồng người về chủ quyền bắt đầu từ sự thất bại của Đế quốc Ottoman trong Thế chiến I, vùng lãnh thổ Palestine thuộc quyền uỷ trị của Vương quốc Anh và quốc gia này được “giao nhiệm vụ thiết lập quê hương cho người Do Thái” tại Palestine. Các cuộc đụng độ, tấn công, biểu tình trên khắp lãnh thổ hai nhà nước nổ ra mỗi ngày giữa các phe khiến cho cuộc sống người dân bị đảo lộn, tình hình bất ổn khó có thể chấm dứt.

Năm 1947, nghị quyết 181 (II) của Liên Hiệp Quốc được thông qua, xóa bỏ quyền ủy trị của Anh tại Palestine, chia vùng đất này thành 2 vùng lãnh thổ: một nhà nước của người Ả Rập và một của người Do Thái, còn Jerusalem được đặt dưới sự quản lý của hệ thống quốc tế đặc biệt. Kể từ đây, ngọn lửa xung đột giữa các bên chính thức được châm ngòi: cuộc chiến nhằm phản đối quốc gia mới Israel, tranh chấp Bờ Tây, Dải Gaza và giành quyền kiểm soát Jerusalem.

Gần đây, chuỗi xung đột xảy ra vào hồi tháng 8/2022 đã để lại những hậu quả thương vong đáng tiếc. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Tor Wennesland cho biết, 32 người Palestine, trong đó có 6 trẻ em, đã bị lực lượng an ninh Israel giết chết, và 311 người bị thương trong các cuộc biểu tình, đụng độ, các hoạt động tìm kiếm và bắt giữ, các cuộc tấn công và cáo buộc tấn công người Israel.[2]

Thực tế đã đã nói lên rằng, xung đột giữa Palestine và Israel không chỉ mới bắt đầu trong một tới hai thập kỷ gần đây, sự giao tranh giữa hai vùng đất này đã tồn tại từ rất lâu. Trong đó, tôn giáo luôn đóng vai trò là nguyên nhân chủ đạo, là nút thắt trong xung đột tại khu vực Trung Đông. Từ những phản chiếu của lịch sử, có thể thấy sự bất ổn ngay từ lúc hai nhà nước này được thành lập qua việc uỷ nhiệm một quốc gia “ngoài cuộc” như Anh giải quyết vấn đề. Tất cả những yếu tố này đều góp phần tô đậm thêm sự phức tạp trong việc giải quyết tranh chấp giữa Israel và Palestine trong nhiều thập kỷ.

Jerusalem – “trái tim” tôn giáo

Trong xung đột Palestine – Israel hay mâu thuẫn giữa người Ả Rập theo Hồi giáo và cộng đồng người Do Thái, Jerusalem được coi là “trái tim”, là nút thắt khó gỡ khi cả hai phía  đều tuyên bố chủ quyền với thành phố linh thiêng này. Từ tên gọi theo tiếng Semitic cổ đến ý nghĩa với các tôn giáo bắt nguồn từ Abraham, Jerusalem được cho là vùng đất “linh thiêng và yên bình”, nhưng trên thực tế, đây lại là thành phố đẫm máu xuyên suốt chiều dài lịch sử.[3]

Từ vai trò tôn giáo… 

Với người Do Thái, Jerusalem mang một ý nghĩa tôn giáo mạnh mẽ. Theo lịch sử của Do Thái giáo, từ những năm 1000 TCN, Vua David đã giành được khu vực này, đặt tên cho nó là Jerusalem và biến nơi đây trở thành thủ đô của cộng đồng người Do Thái. Người kế cận của David – vua Solomon – đã xây dựng ngôi đền đầu tiên của người Do Thái ở Jerusalem. Cột mốc trên đã biến Jerusalem trở thành vùng đất thiêng liêng nhất của tôn giáo này. Tới năm 73, Jerusalem đã bị phá hủy khi đế chế La Mã xâm lược, những người Do Thái sau đó bị trục xuất khỏi vùng đất thánh. Trong suốt 2000 năm tiếp theo, cộng đồng người Do Thái phải sống lưu vong, song Jerusalem luôn được định nghĩa là thành phố vĩnh cửu của họ. Đối với tín đồ Do Thái giáo, vùng đất thánh Jerusalem là biểu tượng của một thời kỳ hòa bình, là niềm hy vọng khát khao được tự do.

Còn với những tín đồ Islam giáo, Jerusalem cũng được coi là một vùng đất linh thiêng khi nơi đây được cho là điểm đến trong cuộc hành trình “ban đêm và hướng thượng” của Nhà tiên tri Mohammed (Isra và Mi’raj). Người theo Islam giáo  tin rằng Jerusalem là nơi nhà tiên tri Mohammed được đưa lên thiên đường, chính bởi vậy, thánh đường Islam giáo “Mái vòm đá” (‘Dome of the Rock’) đã được xây dựng tại nơi đây. Là một trong những công trình vĩ đại nhất trong lịch sử kiến trúc, “Mái vòm đá” có vị trí quan trọng trong Islam giáo. Những tín đồ Islam tin rằng, khi bước vào bên trong thánh đường, họ có thể tìm thấy cả dấu chân và dấu tay của Nhà tiên tri Mohammed, ngài đã tạo ra những dấu ấn này trước khi bay lên thiên đường. Họ cũng một mực cho rằng những tín đồ Islam giáo đầu tiên thực chất đã chọn cầu nguyện hướng về phía Jerusalem trước khi chọn thánh địa Mecca như hiện tại. Mặc dù hướng cầu nguyện không còn ở nơi đây nhưng điều đó không làm giảm đi sự linh thiêng của Jerusalem  với các tín đồ Islam giáo.[4]

Đến vai trò địa chính trị

Người Do Thái coi Jerusalem là quê hương thiêng liêng. Dù ở thời kỳ lưu vong hay trong thời điểm hiện tại, người Do Thái đều mong muốn giành lại thủ đô Jerusalem. Vào năm 1980, sau khi chiếm đóng thành công Đông Jerusalem, Israel đơn phương tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem (Đông và Tây) là ‘thủ đô hoàn chỉnh và thống nhất” của nhà nước Do Thái dù cho không được cộng đồng quốc tế công nhận, bao gồm cả Hoa Kỳ (cho đến năm 2017 khi Jerusalem được tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận là thủ đô của Israel).

Lập trường của Palestine đối với vùng đất thánh hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Israel. Phía Israel muốn một Jerusalem toàn vẹn, không chia cắt trở thành thủ đô của nhà nước Do Thái và từ chối đàm phán các lựa chọn khác. Trong khi đó, mặc dù Palestine cũng tuyên bố chủ quyền ở Đông Jerusalem, nhưng, nước này đang tính đến việc biến vùng đất thánh trở thành một thành phố mở. Điều này có nghĩa là các tín đồ tới từ những tôn giáo khác nhau đều có thể tới và thực hành tôn giáo tại Jerusalem.

Vai trò của Nga, Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Palestine – Israel

Cuộc tranh giành quyền sở hữu đối với thành cổ Jerusalem là một trong những nút thắt quan trọng nhất về mặt tôn giáo không chỉ giữa Palestine và Israel, đây còn là câu chuyện giữa các nước lớn khi thể hiện lập trường khác biệt trong vấn đề này.

Nga, Mỹ và Trung Quốc không có quan điểm thống nhất trong vấn đề chủ quyền của Jerusalem..

Với ý nghĩa đặc biệt linh thiêng đối với Islam giáo và Do Thái giáo, việc công nhận Jerusalem thuộc về bất cứ bên nào trong cuộc tranh chấp này cũng đồng nghĩa với việc bác bỏ sự linh thiêng về mặt tôn giáo và vai trò địa chính trị của Thành cổ Jerusalem đối với bên còn lại. Trong khi Nga và Trung Quốc hướng tới giải pháp phân chia vùng đất thánh thành hai nửa Đông – Tây dựa trên đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine thì Mỹ ủng hộ lập trường của Israel về một vùng đất Jerusalem toàn vẹn, không bị chia cắt.

Trong một tuyên bố bất ngờ của Bộ Ngoại giao Nga vào tháng 4/2017, nước này khẳng định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai, đồng thời Tây Jerusalem là thủ đô của Israel. Điều này được các nhà chức trách diễn giải rằng Nga hàm ý việc công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ chỉ xảy ra khi Đông Jerusalem trở thành thủ đô của nhà nước Palestine.[5] Thông điệp này của Nga phủ nhận ý muốn độc chiếm cả thành phố Jerusalem của Israel nhưng đồng thời cũng công nhận tính hợp pháp của phần phía Tây Jerusalem thuộc về Israel.

Vào tháng 12 cùng năm, Cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel về đây. Khác với tuyên bố của Nga nhằm hòa giải xung đột trong khu vực, động thái này của Mỹ đã thổi bùng ngọn lửa giữa người Israel và Palestine, hủy hoại tiến trình hòa bình và làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn về tôn giáo, niềm tin giữa hai dân tộc.

.. dẫn đến sự “phân cực” trong việc hỗ trợ về chính trị, kinh tế, quân sự ở Palestine và Israel

Quan điểm khác biệt về Jerusalem của Mỹ, Trung Quốc và Nga vô hình chung đã dẫn tới một sự phân cực về tư tưởng khi Palestine và Israel đều nhận được sự hậu thuẫn bởi một cường quốc, đồng thời, họ tin rằng phía còn lại sẽ chỉ nhượng bộ trước vũ lực. Những cuộc tấn công của Israel với người dân Palestine trong những năm gần đây chính là hệ quả từ sự công nhận và hậu thuẫn về nhiều mặt của Mỹ với Israel.

Quan điểm và chính sách của Mỹ dưới các thời tổng thống gần như nhất quán: phủ nhận tư cách nhà nước của Palestine và dành sự ủng hộ cho Israel trên nhiều lĩnh vực như chính trị, viện trợ quân sự và tài chính. Mỹ hỗ trợ Israel trực tiếp thông qua việc cung cấp vũ khí, đảm bảo ưu thế quân sự của Israel cả về số lượng, chất lượng, cung cấp viện trợ thường niên, hỗ trợ gián tiếp qua việc dùng ảnh hưởng của mình để ngăn một số quốc gia Ả Rập có được vũ khí ngang hàng với Israel, sử dụng sức mạnh ngoại giao để kiềm chế người Ả Rập, giảm thiểu các quyền của Palestine. Về mặt chính trị, Mỹ đã nhiều lần dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ Israel khỏi các chỉ trích như việc xây dựng những khu định cư ở Bờ Tây. Hẳn nhiên, ở chiều ngược lại, Mỹ có phần thờ ơ với Palestine khi từng xem Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là tổ chức khủng bố, muốn xóa sổ tổ chức này và làm ngơ trước sự chiếm đóng của Israel, dung túng cho Israel mở rộng các khu định cư khiến hàng triệu người Palestine mất nhà cửa. Trong lòng nước Mỹ, sự ủng hộ đối với Palestine mới chỉ tăng lên trong những năm gần đây mặc dù vẫn chỉ chiếm tỉ lệ thiểu số (26%) theo một cuộc khảo sát của Gallup vào đầu năm 2022.

Trong khi đó, với lập trường ủng hộ Palestine, Trung Quốc và Nga thuộc số ít những nước lớn công nhận Hamas không phải là một tổ chức khủng bố mà là một nhóm chính trị hợp pháp được phần đông người dân tin tưởng. Khác với Mỹ, hai quốc gia này có mối quan hệ thận trọng và cân bằng với gần như tất cả các quốc gia thuộc mọi phe có chiến tranh và tranh chấp ở Trung Đông. Israel với Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời Trung Quốc vẫn luôn đề cao vấn đề đạo đức và sự công bằng với người Palestine. Palestine có thể tin tưởng Trung Quốc trong việc bảo vệ tính chính nghĩa của dân tộc mình, nhưng khó có thể kỳ vọng nước này có nhiều hành động mạnh mẽ về mặt chính trị hay những đầu tư thực chất về mặt tài chính và quân sự nhằm gây sức ép với nhà nước Do Thái.

Mặt khác, Palestine đặt nhiều niềm tin vào Nga trong việc trở thành một trọng tài phân minh trong cuộc đàm phán hòa bình giữa hai dân tộc. Mặc dù có mối quan hệ thân thiết với Israel, tuy nhiên, quan điểm ủng hộ Palestine của Nga là nhất quán, với những hành động mạnh mẽ và thực chất như trợ cấp tài chính cho người tị nạn Palestine, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước,…. Dù không tốn nhiều tiền của vào khu vực Trung Đông như Mỹ, Nga vẫn đặt mình vào một vị trí trung gian không thể thiếu nhờ sức ảnh hưởng của Moscow tại các chiến trường nóng và phức tạp như Syria. Israel dù không quá coi trọng vai trò hòa giải xung đột này của Nga, song nhà nước Do Thái cũng phải kiêng nể Nga nhiều phần vì vai trò cố vấn của nước này trong những năm gần đây.

Jerusalem – vấn đề tôn giáo “không có giải pháp”: Nguyên nhân do đâu?

Dẫu cả ba “ông lớn” trên bản đồ quan hệ quốc tế đều “nhúng tay” giải quyết xung đột, song kết quả trong việc hòa dịu mối quan hệ phức tạp giữa Israel và Palestine không thực sự đạt được mục tiêu sau cùng.

Trong khi các quốc gia trên thế giới đều kêu gọi hòa bình lâu dài, những hành động của ba cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga lại thể hiện rõ sự thiếu nhất quán, thậm chí có phần đi ngược lại với mục tiêu hòa bình ban đầu. Tính tới thời điểm hiện tại, các nhà chức trách đều cho rằng không có một giải pháp nào tối ưu hơn giải giáp “hai nhà nước” với vấn đề Israel và Palestine. Tuy nhiên, dù cả ba cường quốc đều “gật đầu” với giải pháp này, mỗi quốc gia lại có một động thái riêng, góp phần gây ra sự thiếu hiệu quả trong việc giải quyết tận gốc xung đột.

Dưới thời Donald Trump, nhiều học giả nhận định rằng Mỹ đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Đông không còn là ưu tiên số một của cường quốc này. Việc ông chủ Nhà Trắng lúc bấy giờ bất ngờ công nhận Jerusalem – nút thắt tôn giáo của xung đột – là thủ đô của Israel vào tháng 12 năm 2017, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thủ đô Tel Aviv về Jerusalem không lâu sau đó đã phơi bày một sự thật: Dẫu có bày tỏ thái độ ủng hộ giải pháp “Hai nhà nước”, Hoa Kỳ, ít nhất là dưới thời tổng thống Donald Trump, không thực sự mặn mà với giải pháp này. Việc Israel đơn phương tiếp tục dựng lên các khu định cư ở Bờ Tây, một trong những động thái làm tồi tệ hơn mối quan hệ giữa hai nhà nước, Washington cũng không coi đây là một động thái “không phù hợp luật phát quốc tế”. Dù không ngừng viện trợ về mặt kinh tế cho Palestine, kèm theo những bài phát biểu kêu gọi hòa bình trong khu vực, Israel vẫn là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, Điều này khiến bất cứ động thái nào Mỹ đưa ra đều mang tính chất “ưu ái” cho đồng minh của mình.

Khác với Mỹ, Nga là một trong những nhân tố hy hữu trong bản đồ chính trị quốc tế có thể đối thoại ngoại giao với tất cả các bên trong khu vực. Một mặt, Tổng thống Putin được cho là giữ mối quan hệ đối tác khu vực tương đối tốt đẹp với Israel sau khi Nga can thiệp vào vấn đề Syria. Mặc khác, Nga cũng là quốc gia duy nhất không thuộc thế giới Ả Rập có tiếng nói đáng kể với giới lãnh đạo Phong trào Hồi giáo Hamas. Việc Washington bỏ lỡ “Hamas” trong bài toán giải quyết xung đột này khiến bất cứ giải pháp nào mà Mỹ đưa ra đều có phần “thiên vị” và không bền vững. Bởi lẽ, dù không là một chính phủ chính thức, nhưng Hamas vẫn là nhân tố quan trọng, “được lòng” một bộ phận không nhỏ người dân Palestine. Do đó, việc đối thoại với Hamas là một bước đi khôn ngoan của Nga trong việc làm hài lòng tất cả các bên.

Không khó để nhận ra giọng điệu trung lập, xuyên suốt của Nga trong cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ này. Cụ thể, Nga bày tỏ một lập trường rõ ràng về việc muốn căng thẳng giữa hai nhà nước Israel và Palestine được giải quyết bởi Bộ tứ về Trung Đông (bao gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc) – ý tưởng một nhóm các quốc gia và tổ chức thiết kế một lộ trình hòa giải xung đột. Trong Khoản 12, Chính sách Đối ngoại của Nga, nước này quy định rất rõ về việc tất cả các xung đột diễn ra ở khu vực các quốc gia Ả Rập sẽ được Nga đưa ra hướng giải quyết với tinh thần tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, dù Nga là nhân tố duy nhất có thể đối thoại với tất cả các bên, tiếng nói của Moscow vẫn chưa đủ trọng lượng để có thể làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến.

Trung Quốc, dù không hiện diện trong Bộ tứ Trung Đông, cũng đang đóng một vai trò đáng chú ý trong tiến trình hòa giải của Israel và Palestine. Một mặt, Trung Quốc tích cực trong việc hỗ trợ người dân Palestine. Mặt khác, nước này cố gắng tiếp tục mối quan hệ phức tạp với Israel. Mặc dù Trung Quốc và Israel chưa từng phát sinh bất cứ xung đột lợi ích nào, tuy vậy, mối quan hệ giữa hai nước luôn bị ảnh hưởng với những “yếu tố bên ngoài”, trong đó, không thể không kể đến Mỹ.

Một trong những lý do đáng chú ý cho sự “nhiệt tình” của Trung Quốc đối với xung đột Palestine – Israel là tầm quan trọng của Trung Đông trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Xét về mặt địa chính trị, việc xử lý xung đột tại Trung Đông phù hợp với lợi ích chiến lược của nước này nhằm đạt được sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, cũng không thể đòi hỏi Trung Quốc có động thái quyết liệt hơn, chính sách đối ngoại của quốc gia tỷ dân không thực sự ưu tiên xung đột ở khu vực Trung Đông. Nền ngoại giao Trung Hoa vẫn luôn có sự ưu tiên nhất định, đầu tiên là các nước lớn, tiếp sau là các quốc gia láng giềng và đa phương hoá chính là một hình thức để thực hiện nền ngoại giao đó. Dễ thấy, Trung Đông nói chung và cơn thịnh nộ ở Israel – Palestine nói riêng không thể được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Trung Quốc.

Mỗi quốc gia đều có một toan tính riêng trong chính sách đối ngoại của mình. Dù thế giới vẫn trông chờ vào một bên có đủ tiếng nói để “xoa dịu” tình hình căng thẳng giữa hai nhà nước Palestine và Israel, điều này dường như ngày càng xa vời. Dù Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cố gắng thông qua Nghị quyết 2334 yêu cầu Israel chấm dứt hành động lập ra các khu định cư trên lãnh thổ của Palestine, song, quyết định này vẫn gây thất vọng bởi một phiếu trắng từ Mỹ.

Kết luận

Mặc dù mục tiêu ban đầu của Mỹ, Nga và Trung Quốc khi can thiệp vào vấn đề Palestine – Jerusalem là để hòa giải xung đột, song những hành động thực tế của ba nước cho thấy “các ông lớn” chỉ đóng vai trò mờ nhạt trong nỗ lực hòa giải xung đột này. Nguyên do quan trọng nhất là vì quan điểm tôn giáo của hai nhà nước Israel và Palestine có sự khác biệt khó có thể lay chuyển. Thêm vào đó, Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc không có sự nhất quán trong quan điểm và động thái hỗ trợ hai nhà nước Palestine – Israel. Các chính sách hỗ trợ của 3 cường quốc còn dựa trên nhiều yếu tố: lợi ích quốc gia của chính họ và sự ưu tiên trong chính sách quốc gia hơn là vấn đề hòa giải xung đột và đem lại hòa bình cho khu vực Jerusalem.

Bài viết của nhóm tác giả sinh viên năm tư Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao Việt Nam (Nguyễn Xuân Anh, Vũ Hồng An, Hoàng Thu Hằng, Lê Khánh Huyền, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Vy Nguyễn Thái Ninh, Nguyễn Phương Thảo, Vũ Trần Mai Trang)

———————-

[1] UNSCO, 2022, “Security Council briefing on the situation in the Middle East, including the Palestine question” (as delivered by Special Coordinator Tor Wennesland). Truy cập ngày 24/11/2022. Truy cập tại: https://unsco.unmissions.org/security-council-briefing-situation-middle-east-including-palestinian-question-delivered-special-1

[2] UN News (2022). “Israel and Palestine must take steps to ‘restore calm’ in occupied West Bank”. Truy cập ngày 24/11/2022. Truy cập tại: https://news.un.org/en/story/2022/10/1129977

[3] Paolo NAPOLITANO, 2012, “Jerusalem: the Heart of the Israeli-Palestinian Conflict, European Parliament”, truy cập ngày: 25/11/2022. Truy cập tại: https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/briefing_note/join/2012/491443/EXPO-AFET_SP%282012%29491443_EN.pdf

[4] Omomia O. Austin, 2014, The Importance of Jerusalem among Abrahamic Faiths as a Tool for Inter-Faith Dialogue and Peace, Global Journal of Human-Social Science: Arts & Humanities – Psychology, link: https://globaljournals.org/GJHSS_Volume14/2-The-Importance-of-Jerusalem.pdf

[5] Herb Keinon, 2017, Jerusalem Post, Russia says it now recognizes Jerusalem as Israel’s capital, INSIDER, truy cập ngày: 25/11/2022, Truy cập tại: https://www.businessinsider.com/russia-israel-settlements-jerusalem-2017-4