Cuộc gặp với Biden giúp Tập giữ thể diện nhưng kết quả hạn chế

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi saves face by meeting Biden but accomplishes little,” Nikkei Asia, 17/11/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tại Trung Quốc, thế hệ đỏ thứ hai đang chuyển sang chỉ trích ‘chế độ chuyên chế cá nhân.’

Cuộc tranh giành quyền lực trong chính trường Trung Quốc là nguyên nhân khiến Chủ tịch Tập Cận Bình phải tới tận California để gặp mặt trực tiếp người đồng cấp Mỹ, lần đầu tiên sau một năm.

Hôm thứ Tư, hội nghị thượng đỉnh tại San Francisco giữa Tập và Tổng thống Joe Biden đã diễn ra ba tháng sau mật nghị mùa hè hàng năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi ban lãnh đạo đảng đương nhiệm, do Tổng Bí thư Tập Cận Bình đứng đầu, đã nhận được một số lời khuyên gay gắt từ các đảng viên lão thành, xoay quanh vấn đề nền kinh tế Trung Quốc.

Theo một số nguồn tin, những đảng viên lão thành tuy nghỉ hưu nhưng vẫn còn ảnh hưởng này đã đề cập đến cả vấn đề ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ của nước này với Mỹ. Họ nhấn mạnh rằng quan hệ Mỹ-Trung ổn định đã đặt nền móng cho một Trung Quốc thịnh vượng ngày nay, và ban lãnh đạo đương nhiệm nên tránh làm rạn nứt hoàn toàn mối quan hệ đó.

Đối với Tập, việc bay tới Mỹ và gặp Biden – qua đó chứng tỏ rằng ông đang đạt được một số tiến bộ – chủ yếu là để tuân theo những gì các đảng viên lão thành đã nói trong cuộc gặp vào tháng 8 tại khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà. Chuyến đi cũng diễn ra sau khi một người bạn và đồng minh cũ đã ngầm chỉ trích chế độ “chuyên chế” của Tập, bằng cách công bố một bài viết về Mao Trạch Đông.

Tập và Biden đã dành tổng cộng bốn giờ cùng nhau, bao gồm một cuộc thảo luận kéo dài hai giờ, bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại San Francisco.

Tập Cận Bình và Joe Biden đi dạo sau cuộc gặp đầu tiên sau một năm. Cả hai đang ở một khu biệt thự cách trung tâm thành phố San Francisco khoảng 40 km. © Reuters

“Tôi đánh giá cao cuộc trò chuyện của chúng ta, vì tôi nghĩ điều quan trọng nhất là ông và tôi đã hiểu nhau, nói chuyện trực tiếp với nhau, và không có sự hiểu lầm hay thông tin sai lệch nào,” Biden nói trong bài phát biểu mở đầu. “Chúng ta phải đảm bảo rằng cạnh tranh không biến thành xung đột.”

Tập đáp lại, “Tôi vẫn tin rằng cạnh tranh giữa các nước lớn không phải là xu hướng chủ đạo của thời đại hiện nay, và nó không thể giải quyết các vấn đề mà Trung Quốc, Mỹ, hay thế giới nói chung, đang phải đối mặt.”

Dù vậy, cả hai nhà lãnh đạo đều không mỉm cười trong suốt cuộc trao đổi, làm trầm thêm bầu không khí vốn đã nặng nề, và dập tắt mọi hy vọng xoa dịu căng thẳng.

Tuy nhiên, hai bên đã đạt được một số tiến bộ nhất định, cụ thể là việc mở lại kênh liên lạc quân đội. Nhưng phần lớn phát biểu của Tập chỉ là sự nhắc lại quá khứ, đặc biệt là những nhận xét của ông về Đài Loan.

Quyết định đến thăm Mỹ vì áp lực trong nước của Tập có vẻ nghịch lý, nếu xét đến việc ông hủy kế hoạch tới New Delhi dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9.

Tập không đến G20 là vì các vấn đề trong nước, như bất ổn chính trị, rắc rối trong quân đội, và nền kinh tế đang suy thoái. Vào thời điểm đó, Tần Cương đã bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao, và cuộc tranh giành quyền lực vốn sẽ dẫn đến việc cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cũng đã bắt đầu.

Tất cả những vấn đề trên vẫn còn tồn tại, nhưng Tập không thể bỏ qua thượng đỉnh APEC một cách dễ dàng như vậy.

Ông đã cố gắng nhẫn nại trước khi ra quyết định cuối cùng là đến Mỹ.

Một phần nguyên nhân sự bất an của Tập xuất phát từ việc Mỹ trừng phạt Đặc khu trưởng Hong Kong, Lý Gia Siêu, vì vai trò của Lý trong cuộc đàn áp nhân quyền ở đặc khu hành chính của Trung Quốc. Tập là người đề cử Lý đảm nhận chức vụ cao nhất trong chính quyền Hong Kong, vốn cũng là thành viên APEC, nhưng vì lệnh trừng phạt nên Lý đã bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu đã bị cấm tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC do lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp việc Hong Kong là thành viên của tổ chức này. © Reuters

Xét đến phản ứng dữ dội ban đầu của Trung Quốc khi Lý Gia Siêu bị loại khỏi thượng đỉnh APEC, quyết định đến thăm Mỹ của Tập là một sự nhượng bộ đáng kể.

Các trợ lý thân cận của Tập đã ra lệnh cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng một cuộc gặp Tập-Biden phải diễn ra.

Nhà Trắng biết Tập muốn đến San Francisco bằng bất cứ giá nào, nên đã lợi dụng điểm yếu của ông.

Phát biểu tại Washington hôm thứ Ba – một ngày trước cuộc gặp với Tập tại San Francisco – Biden đã thể hiện thái độ xem thường, nói rằng người Trung Quốc “hiện đang gặp khó khăn về kinh tế.”

Dù Tập đã gặp Biden nhưng ông không có ý định nán lại San Francisco lâu. Theo các nguồn tin của Mỹ, lịch trình ban đầu của Tập là ông sẽ bỏ qua ngày cuối cùng của thượng đỉnh kéo dài ba ngày.

Vào thứ Năm, ngay phút chót, Tập đã hủy bỏ việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh CEO APEC, cũng ở San Francisco. Thay vào đó, ông đã gửi một thông điệp bằng văn bản tới diễn đàn dành cho các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân và chính phủ.

Ngoài sự bất mãn với việc Lý Gia Siêu bị loại khỏi thượng đỉnh APEC, Trung Quốc cũng không muốn cho các nhà báo toàn cầu có mặt ở San Francisco cơ hội để đề cập đến các vấn đề nhạy cảm của nước này khi Tập ở đó.

Đội ngũ của Tập kiên quyết giữ im lặng trước câu hỏi về một phụ nữ sống ở Mỹ, người có liên quan đến việc Tần Cương bị sa thải khỏi chức vụ Ngoại trưởng. Họ cũng muốn gạt bỏ mọi báo cáo về vụ sa thải bí ẩn Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, và những tin tức về cái chết đột ngột, ở độ tuổi còn khá trẻ của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Các quan chức cấp cao của Trung Quốc đi cùng Tập trong chuyến thăm Mỹ lo ngại rằng nếu cánh nhà báo nước ngoài liên tục đặt câu hỏi hóc búa về những vấn đề trên, nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc sẽ bị mất mặt.

Quả thực, các nhóm lớn người biểu tình chống Tập từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về San Francisco, nhưng các nhân viên của ông đã cố gắng giữ họ tránh xa Tập.

Cuộc gặp Tập-Biden được tổ chức tại Filoli, một khu biệt thự xa xôi, nằm cách San Francisco khoảng 40 km. Theo một nguồn tin ngoại giao có liên quan đến quan hệ song phương, địa điểm này được chọn vì phía Mỹ đã cố gắng thực hiện một loạt các yêu cầu về lễ tân ngoại giao do Bắc Kinh đưa ra, nhằm duy trì thể diện của Tập với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.

Sau khi bước xuống một chuyên cơ tại Sân bay Quốc tế San Francisco hôm thứ Ba, Tập trước tiên đã được chào đón bởi một quan chức lễ tân hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, chứ không phải bởi Thống đốc California Gavin Newsom, hay Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, hay bất kỳ quan chức Mỹ nào khác đang có mặt tại đó.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến tới bắt tay Thống đốc California Gavin Newsom.

Vị quan chức này đã thông báo ngắn gọn cho Tập về lịch trình của ông. Nguồn tin ngoại giao nhận định đây là một việc làm bất thường, nhưng đã được Mỹ thực hiện để đáp lại các yêu cầu chi tiết của Trung Quốc.

Tập quan tâm đến nghi thức – cách bắt tay và đi tản bộ sau cuộc họp với Biden – hơn là nội dung thực tế của cuộc họp.

Tập cũng cảm ơn Biden về cách Mỹ xử lý mọi vấn đề về nghi thức lễ tân.

Trong khi đó, tại khách sạn nơi Tập lưu trú, nằm ở trung tâm San Francisco, đã có một hàng rào màu đen chắc chắn được dựng lên, và có các nhân viên người Trung Quốc mặc đồ đen kiểm tra giấy tờ chứng minh của những người ra vào.

Một diễn biến xảy ra trong chính giới Trung Quốc ngay trước chuyến đi của Tập có thể đã khiến nhà lãnh đạo lo lắng khi đến Mỹ.

Mọi chuyện bắt đầu với một bài báo ngầm chỉ trích chế độ chuyên quyền của Tập do Lưu Nguyên, con trai của cựu Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, viết. Giống như Tập, Lưu là thành viên “thế hệ đỏ thứ hai,” cách gọi dành cho con cái của các lãnh đạo đảng thời kỳ cách mạng.

Lưu cũng là bạn thời thơ ấu và là đồng minh của Tập. Sau khi thăng lên cấp tướng trong quân đội, cấp bậc cao nhất, ông đã có ảnh hưởng lớn đối với những người thuộc thế hệ đỏ thứ hai khác.

Tướng Lưu Nguyên, chụp vào năm 2015. Lưu đã giúp Tập Cận Bình thực hiện chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội trước khi Tập giành được nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba chưa từng có tiền lệ vào năm 2022. (Ảnh của Getty Images)

Cũng cần nhắc lại câu chuyện của cha ông. Lưu Thiếu Kỳ được Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Trung Quốc cộng sản, nhường lại chức vụ chủ tịch nước sau khi Mao thất bại trong Đại Nhảy vọt (1958-1962), một sự kiện được cho là đã khiến hàng chục triệu người chết đói.

Nhiệm vụ của Lưu Thiếu Kỳ khi đó là xây dựng lại nền kinh tế đã đổ vỡ và mang lại sinh kế cho dân thường. Nhưng sau đó, Mao lại phát động cuộc Cách mạng Văn hóa thảm khốc những năm 1966-1976 nhằm lấy lại uy tín và quyền lực đã mất, giam giữ Lưu trong điều kiện hết sức tồi tệ.

Lưu cuối cùng đã bị đẩy đến chỗ chết.

Bài báo của Lưu Nguyên là một nghiên cứu về Mao. Ở đầu bài viết, ông tuyên bố “phản đối chế độ chuyên chế cá nhân” và ủng hộ “dân chủ nội đảng” nhân danh cha mình. Tuy nhiên, công chúng lại xem bài báo này là sự chỉ trích chế độ hiện tại của Trung Quốc.

Lưu Thiếu Kỳ, thứ ba từ trái sang, được Mao Trạch Đông, thứ hai từ phải sang, bổ nhiệm làm chủ tịch nước sau Đại nhảy vọt thảm khốc. Lưu đã sớm không được lòng Mao. © Tân Hoa Xã/AFP/ Jiji

Một chuyên gia quen thuộc với thế hệ đỏ thứ hai ở Trung Quốc lưu ý rằng bài viết đã xuất hiện sau khi những người xung quanh Tập bắt đầu sử dụng chức danh “lãnh tụ nhân dân,” vốn mang hàm ý sùng bái cá nhân.

Chức danh này từng được sử dụng trong thời gian chuẩn bị cho đại hội toàn quốc của đảng vào tháng 10/2022, khi Tập giành được nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba.

Vị chuyên gia cho rằng bài viết của Lưu Nguyên “rất đáng chú ý” vì nó “biểu hiện sự bất mãn gay gắt của những người thuộc thế hệ đỏ thứ hai.”

Đầu tháng 11, khi Tập đang chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ, một buổi hòa nhạc lớn đã được tổ chức tại Bắc Kinh để kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Lưu Thiếu Kỳ. Nhiều thành viên thuộc thế hệ đỏ thứ hai đã đến tham dự.

Một nguồn tin tiết lộ “Điều thú vị là những nhân vật thuộc thế hệ đỏ thứ hai có mặt tại sự kiện đã trao đổi quan điểm ở hậu trường.”

Truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về buổi hòa nhạc kỷ niệm, dù không hề rầm rộ.

Đầu tháng 11, các thành viên thế hệ đỏ thứ hai đã tham dự buổi hòa nhạc ở Bắc Kinh để tưởng nhớ cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, người phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Mao Trạch Đông vào những năm 1960. (Ảnh chụp màn hình từ mạng xã hội Trung Quốc)

Bài báo của Lưu Nguyên đã lan truyền trên mạng từ trước buổi hòa nhạc, nhưng ngay khi có ý kiến cho rằng bài báo là ngầm chỉ trích Tập, tất cả những nội dung và tài liệu liên quan đã bị xóa khỏi mạng internet Trung Quốc.

Hành động nhanh chóng của cơ quan kiểm duyệt cho thấy những người xung quanh Tập đã nghiêm túc xem xét bài viết của Lưu đến mức nào.

Lưu Nguyên là người có công giúp Tập giành được nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba chưa từng có tiền lệ, vì Lưu đã giúp Tập thực hiện chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội. Tập sau đó cũng được bầu lại làm chủ tịch nước Trung Quốc.

Nửa thế kỷ trước, Mao đã chỉ ra thiếu sót trong kế hoạch tái thiết kinh tế của Lưu Thiếu Kỳ, không công nhận Lưu là người kế vị thực sự của mình, và thay vào đó, kiên quyết duy trì địa vị lãnh đạo hàng đầu của mình cho đến cuối đời.

Giờ đây, Tập cũng không có dấu hiệu chuẩn bị cho một người kế nhiệm thực sự.

Nhiều quan chức đảng cho rằng Tập sẽ hướng tới nhiệm kỳ tổng bí thư thứ tư tại đại hội đảng toàn quốc năm 2027. Họ cũng tin rằng Tập sẽ hướng tới địa vị lãnh tụ trọn đời.

Nhưng các thành viên thuộc thế hệ đỏ thứ hai, những người từng ủng hộ Tập, đang dần cảm thấy khủng hoảng và bắt đầu lên tiếng chống lại “chế độ chuyên quyền cá nhân.”

Chuyến thăm của Tập tới California là chuyến thăm đầu tiên của ông sau mười năm. Hồi tháng 6/2013 – vài tháng sau khi trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc – ông đã tới Mỹ để hội đàm với Tổng thống lúc bấy giờ là Barack Obama.

Mười năm trước, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không biết phải làm gì với đề xuất chia sẻ quyền lực và ảnh hưởng ở Thái Bình Dương của Tập Cận Bình. (Ảnh tư liệu của Reuters)

Trong cuộc gặp, Tập đề xuất Mỹ và Trung Quốc nên chia sẻ lợi ích an ninh và kinh tế ở Thái Bình Dương. Chính quyền Obama đã không thể hiểu ngay ý định thực sự của Tập: Ông muốn Mỹ nhượng lại cho Trung Quốc phần phạm vi ảnh hưởng ở Đông Thái Bình Dương.

Nhưng sau khi cẩn thận phân tích những nhận xét của Tập ở Washington, chính quyền Obama đã nhận ra mục đích của Trung Quốc và thẳng thắn bác bỏ đề xuất ngầm này.

Hai cường quốc đối thủ đã xung đột kể từ thời điểm đó, và cấu trúc cơ bản của cuộc đối đầu vẫn không thay đổi dưới thời các chính quyền Mỹ kế nhiệm.

Một chuyên gia quen thuộc với quan hệ Mỹ-Trung cho biết hội nghị thượng đỉnh song phương tuần này chưa thể tìm ra điểm chung để thay đổi cấu trúc đó.

Và kết quả đó có lẽ không thể giúp Tập giữ thể diện.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 15/11 tại San Francisco, Joe Biden đã trả lời câu hỏi cuối cùng mà người ta đã hét vào mặt ông bằng cách lặp lại từ “kẻ độc tài,” ám chỉ Tập Cận Bình. © Reuters

Câu hỏi bây giờ là tình trạng hòa hoãn Mỹ-Trung sẽ kéo dài bao lâu. Nửa tháng? Một tháng? Hay có lẽ là ba?

Cuối cuộc họp báo tổ chức hôm thứ Tư, sau cuộc hội đàm với Tập, Biden đã gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc là “kẻ độc tài” – phát biểu này có lẽ không tốt cho sự hòa hợp lâu dài giữa hai bên.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.