Nakba: Hướng tới khung pháp lý để xóa bỏ ‘thảm họa’ của người Palestine

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Rabea Eghbariah | Biên dịch: Phạm Vũ Thiều Quang

Lời giới thiệu của người dịch: Bài viết này được đăng trên The Nation, một tạp chí chính trị và văn hoá hàng đầu của Mỹ vào ngày 21/11, trước khi có thoả thuận tạm ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Tác giả là Rabea Eghbariah, một luật sư nhân quyền người Palestine và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường luật Harvard. Bài viết này về nạn diệt chủng ở Gaza được dự kiến xuất bản trên Tạp chí Luật Harvard (Harvard Law Review, HLR), nhưng bị từ chối vào phút cuối.

Quyết định này, được một biên tập viên nói là chưa từng có trong lịch sử của Tạp chí, xuất phát từ lo ngại của Tạp chí về khả năng tác giả và biên tập viên của HLR bị phản đối, xúc phạm, hoặc quấy rối do đăng tải bài viết. Hành động này đã khiến 25 biên tập viên HLR bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của chiến dịch đe doạ công khai bởi các nhóm ủng hộ Israel đối với quá trình ra quyết định của HLR. The Nation sau đó đã xuất bản bài viết.

Chúng tôi xin giới thiệu bản dịch toàn bộ bài viết của Eghbariah để bạn đọc có thể hiểu thêm quan điểm khoa học pháp lý về cuộc xung đột Israel-Palestine hiện nay. Ngay cả với những người như Eghbariah, làm việc tại một môi trường học thuật thường được coi là tự do nhất thế giới, cuộc chiến này đã cho thấy rõ hơn ảnh hưởng của Israel tại phương Tây, bao gồm khả năng ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trên khắp mọi khía cạnh của xã hội.

1. Định nghĩa của diệt chủng 

Diệt chủng là một tội ác. Nó đã được định nghĩa rõ ràng như một khuôn khổ pháp lý trong luật pháp quốc tế. Theo định nghĩa này, nó đang diễn ra ở Gaza. Ngay cả vậy, sự chậm trễ của giới học thuật pháp lý, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, là một diễn biến đáng lo ngại. Có một thứ rõ ràng trong sự chậm trễ này, đó là các học giả sẽ thường phân tích các vụ án cũ thay vì đối mặt với thực tế chết chóc đang diễn ra ngay trước mặt. Phân tích các trường hợp diệt chủng trong quá khứ dễ dàng hơn nhiều, do điều này không đòi hỏi các học giả phải đấu tranh xem liệu những gì đang diễn ra bây giờ có phải diệt chủng hay không. Do vậy, các học giả ngành luật sẽ thường chỉ mài bút sau khi mùi chết chóc đã tan biến và sự rõ ràng về mặt đạo đức không còn cấp bách.

Một số người có thể cho rằng việc viện dẫn tội diệt chủng, đặc biệt là ở Gaza, là vô cùng phức tạp và sẽ gây tranh cãi. Nhưng liệu chúng ta có phải chờ cho đến khi tội ác diệt chủng đã kết thúc thì mới có thể gọi tên nó hay không? Lý luận này đã góp phần lớn để xây dựng nên nền chính trị phủ nhận chúng ta đã quá quen thuộc ngày nay. Trong trường hợp Gaza, nhiều người thấy rằng nền tảng tri thức của phương Tây đang bị xâm nhập bởi các giá trị đạo đức giả, khiến ít người có thể đưa ra một thuật ngữ nhằm diễn tả bạo lực đối với người Palestine mà không bị chỉ trích. Nhưng việc có được một cái tên để nói đến sự bất công này là vô cùng quan trọng để đòi hỏi công lý. Nếu cộng đồng quốc tế coi trọng việc lên án các tội ác, thì cuộc thảo luận về diệt chủng đang diễn ra ở Gaza sẽ không chỉ là một vấn đề ngữ nghĩa.

Công ước Diệt chủng của Liên Hợp Quốc định nghĩa tội diệt chủng là những hành động “được thực hiện với mục đích tiêu diệt, cho dù hoàn toàn hay một phần, một nhóm quốc gia, sắc tộc, chủng tộc, hoặc tôn giáo”. Những hành động này có thể bao gồm “giết hại thành viên của một nhóm được bảo vệ” hay “gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần”, và “cố tình gây ra các điều kiện sống được tính toán để dẫn đến sự huỷ diệt về thể chất của họ”.

Nhiều phát biểu của các chính trị gia hàng đầu Israel đã khẳng định ý đồ diệt chủng của họ. Có một sự đồng thuận đang hình thành giữa các học giả hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu diệt chủng, rằng “những tuyên ngôn này có thể dễ dàng được coi là bày tỏ ý định diệt chủng,” như  Omer Bartov, một chuyên gia trong lĩnh vực này đề cập. Quan trọng hơn, mối đe doạ diệt chủng đã trở thành thực tế của người Palestine tại Gaza; 2,3 triệu người dân bị mắc kẹt, bị buộc rời khỏi nơi cư trú, bị đói, thiếu nước, trong khi phải đối mặt với những cuộc ném bom lớn từ Israel, dẫn đến hơn 11.000 người bị tàn sát tại một trong những khu vực đông dân nhất thế giới. Tức là cứ 200 người ở Gaza thì có một người đã thiệt mạng, hàng chục ngàn người bị thương, và hơn 45% nhà cửa ở Gaza đã bị phá hủy trong chưa đầy 2 tháng qua. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói rằng Gaza đang trở thành “nghĩa địa của trẻ em,” nhưng việc chấm dứt thảm sát, một lệnh ngừng bắn, vẫn khó có thể đạt được. Israel tiếp tục vi phạm pháp luật quốc tế một cách trắng trợn: thả phốt pho trắng từ trên trời xuống, bắn phá các khu dân cư, tấn công các trường học, bệnh viện, và trường đại học, ném bom nhà thờ Hồi giáo và Thiên chúa Giáo, xóa sổ các gia đình, làm đổ máu, và thanh lọc sắc tộc Palestine một cách tàn nhẫn và dường như được hệ thống hoá. Nếu đây không phải diệt chủng, thì bạn gọi điều này là gì?

Trung tâm Quyền Lập Hiến đã phát hành một bản phân tích thực tế và pháp lý chi tiết, dài 44 trang, khẳng định rằng “có một trường hợp rõ ràng và đáng tin cậy rằng Israel đang phạm tội diệt chủng đối với người dân Palestine ở Gaza.” Raz Segal, một nhà sử học nghiên cứu về Holocaust (thảm họa diệt chủng người Do Thái thời Thế chiến II), đã gọi tình hình ở Gaza là “một trường hợp điển hình về diệt chủng đang diễn ra trước mắt chúng ta.” Luis Moreno Ocampo, trưởng công tố đầu tiên của Tòa Án Hình sự Quốc tế, nói rằng, “Chỉ việc phong tỏa Gaza; chỉ thế thôi; đã có thể là tội diệt chủng theo Điều 2(c) của Công ước Diệt chủng, có nghĩa là họ đang tạo ra điều kiện để tiêu diệt một nhóm.” Một nhóm gồm hơn 800 học giả và người hành nghề luật, bao gồm các học giả hàng đầu trong các lĩnh vực luật quốc tế và nghiên cứu diệt chủng, cảnh báo về “nguy cơ nghiêm trọng của việc diệt chủng đang được thực hiện ở Dải Gaza.” Một nhóm gồm bảy chuyên gia đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về “nguy cơ diệt chủng chống lại người Palestine” và nhấn mạnh rằng họ “tin rằng người Palestine đang có nguy cơ nghiêm trọng bị diệt chủng.” Ba mươi sáu chuyên gia khác của Liên Hợp Quốc đã gọi tình hình hiện nay ở Gaza là “một vụ diệt chủng đang hình thành.” Liệu tôi có nên trích dẫn thêm các nguồn khác, các cơ quan có thẩm quyền khác không? Cần bao nhiêu thì mới đủ?

Và vẫn thế, các trường luật hàng đầu và các học giả luật ở Mỹ vẫn coi sự im lặng là khách quan và sự phủ nhận của họ như là đảm bảo sự tinh tế cần thiết trong giới học thuật. Liệu tội ác diệt chủng có thực sự là tội ác lớn nhất đối với loài người không, khi nó được thực hiện bởi các đồng minh phương Tây chống lại những người không phải phương Tây?

Đây là câu hỏi quan trọng nhất mà Palestine tiếp tục đặt ra cho trật tự pháp lý quốc tế. Palestine mang đến các phương pháp phân tích pháp lý một sức mạnh vạch trần – nó phơi bày và nhắc nhở chúng ta về sự tiếp tục của chủ nghĩa thực dân trong thế giới hiện đại, làm nền tảng cho các thể chế pháp lý phương Tây. Ở Palestine, con người được chia ra làm hai hạng mục: thường dân đáng thương và những con người hoang dã, tàn bạo. Palestine đã giúp chúng ta khám phá lại rằng những cách phân chia này vẫn theo cách của tư duy thuộc địa và phân biệt chủng tộc trong thế kỷ 21; với hạng mục đầu tiên dành cho người Israel và hạng mục sau cho người Palestine. Như Isaac Herzog, Tổng thống được cho là theo chủ nghĩa tự do của Israel, khẳng định: “Đó (Palestine) là một quốc gia nguyên vẹn phải chịu trách nhiệm. Luận điệu về chuyện dân thường không biết, không liên quan, không tham gia (vào các hoạt động chính trị) là hoàn toàn không đúng.”

Người Palestine đơn giản là không thể vô tội. Họ bẩm sinh đã có tội; có tiềm năng trở thành các “kẻ khủng bố” mà phải được “vô hiệu hoá” bởi Israel, và trong trường hợp tốt nhất là “lá chắn con người” bị tiêu diệt như “thiệt hại phụ”. Không có số lượng xác người Palestine nào có thể khiến chính phủ và các tổ chức phương Tây “lên án Israel một cách dứt khoát”, chứ đừng nói đến việc hành động ngay bây giờ. Khi so sánh với cuộc sống của người Do Thái-Israel; những nạn nhân tối thượng của hệ tư tưởng diệt chủng châu Âu; người Palestine không có cơ hội nào để được cá nhân hóa. Người Palestine đã trở thành những “kẻ man rợ” của trật tự pháp lý quốc tế hiện đại, và Palestine trở thành biên giới nơi phương Tây có thể tái sử dụng diễn ngôn của mình về văn minh và bóc lột quyền lực một cách vật chất nhất. Palestine là nơi diệt chủng có thể được biện minh như một cuộc chiến của “thế giới văn minh” chống lại những “kẻ thù của nền văn minh.” Quả thực, nó đang được Israel coi là cuộc chiến giữa “những đứa con của ánh sáng” chống lại “những đứa con của bóng tối.”

2. Diệt chủng hay phân biệt chủng tộc (apartheid) tại Palestine?

Cuộc chiến diệt chủng nhằm vào người dân Gaza kể từ những cuộc tấn công đau đớn vào ngày 7 tháng 10 của Hamas chống lại người Israel – hành động cũng có thể được coi là tội ác chiến tranh – đã là biểu hiện rõ ràng nhất của chính sách thuộc địa của Israel chống lại người Palestine trong nhiều thập kỷ qua. Lâu nay, một số người đã phân tích các chính sách của Israel ở Palestine qua lăng kính diệt chủng. Mặc dù thuật ngữ diệt chủng có những hạn chế riêng của nó để mô tả quá khứ của người Palestine, nhưng hiện trạng của họ rõ ràng có thể được coi là một “cuộc diệt chủng chính trị”. Điều này đồng nghĩa với việc tiêu diệt thể chế chính trị của người Palestine ở lãnh thổ Palestine và loại bỏ khả năng để duy trì bất kỳ cơ chế chính trị có tổ chức nào cho cộng đồng người Palestine.

Quá trình xóa sổ này đã kéo dài hơn một trăm năm, thông qua các cuộc thảm sát, thanh lọc dân tộc, tước đoạt quyền sở hữu, và phân chia những người Palestine còn lại thành các tầng lớp pháp lý khác nhau với những lợi ích vật chất khác nhau. Bất chấp Israel đã thành công một phần trong cuộc diệt chủng chính trị này – bao gồm việc ngăn chặn sự tồn tại của một cơ chế chính trị đại diện cho tất cả người Palestine – bản sắc chính trị của Palestine vẫn tồn tại. Trên khắp Dải Gaza bị phong toả, Bờ Tây bị chiếm đóng, Jerusalem, các lãnh thổ của Israel kể từ năm 1948, các trại tị nạn, và cộng đồng hải ngoại – chủ nghĩa dân tộc Palestine vẫn sống.

Như vậy, chúng ta gọi tình trạng này là gì? Chúng ta sẽ đặt tên cho sự tồn tại tập thể của Palestine dưới một hệ thống phân chia cưỡng bức và sự thống trị tàn nhẫn là gì? Hầu hết các tổ chức nhân quyền quốc tế đã áp dụng cách Israel kết hợp chính sách chiếm đóng và apartheid (phân biệt chủng tộc) đối với người Palestine để diễn tả tình hình tại đây. Giống với diệt chủng, apartheid là một tội ác, nó là một khuôn khổ pháp lý, và nó đang được thực hiện ở Palestine. Và mặc dù chúng ta đã có được sự đồng thuận trong cộng đồng nhân quyền rằng Israel đang thực hiện apartheid, sự phủ nhận của các chính phủ phương Tây để đối mặt với thực tế này của người Palestine đang ngày càng bộc lộ rõ ràng.

Một lần nữa, Palestine mang lại một sức mạnh phơi bày lớn lao cho cuộc thảo luận xung quanh phân biệt chủng tộc. Nó cho thấy rằng các tổ chức có uy tín như Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hay Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), không còn đáng tin cậy nữa. Nó cho thấy cách sự thật trở nên có thể được tranh cãi theo phong cách chủ nghĩa Trump bởi những người được coi là theo chủ nghĩa tự do như Tổng thống Biden. Palestine đã cho phép chúng ta thấy được ranh giới chia cắt theo hệ nhị phân (ví dụ: đáng tin cậy/không đáng tin cậy), giống với cách nó làm lu mờ sự phân chia tưởng tượng giữa các hệ tư tưởng đối lập tại phương Tây (ví dụ: dân chủ/cộng hòa, hay sự thật/thuyết âm mưu). Chính trong không gian giới hạn này mà Palestine vẫn tồn tại và tiếp tục thách thức sự phân chia này. Palestine là một trường hợp ngoại lệ đã tiết lộ các quy tắc quản trị của phương Tây, trở thành biểu hiện rõ nét nhất của cách chủ nghĩa thực dân tiếp tục được duy trì trong thế kỷ 21.

3. “Chủ nghĩa thực dân định cư” và vấn đề của các thuật ngữ hiện nay

Bạn có thể gọi hiện trạng bị làm thuộc địa liên tục của Palestine này là gì? Giống với cách Holocaust đã đưa thuật ngữ “diệt chủng” vào ý thức hệ của nền pháp lý toàn cầu, trải nghiệm của Nam Phi đã đưa “Apartheid” vào khuôn khổ pháp lý toàn cầu. Chỉ trong công cuộc giành tự do và sự hy sinh của quá nhiều sinh mạng, mà diệt chủng và apartheid mới có thể trở nên toàn cầu hoá, giúp cho chúng ta vượt qua những thảm kịch lịch sử này. Hai thuật ngữ này đã trở thành các khuôn khổ pháp lý, với những tội ác của Đức Quốc Xã và Nam Phi được ghi nhận trong luật pháp quốc tế, với hy vọng rằng việc công nhận chúng sẽ ngăn chặn sự lặp lại của một tình huống tương tự. Nhưng trong quá trình các khái niệm này được trừu tượng hoá, toàn cầu hoá, và tái thích nghi, chúng ta đã mất đi một điều gì đó. Liệu điều đó có phải là cách các trải nghiệm cụ thể của một nhóm bị đàn áp phải tuân theo chính những định nghĩa trừu tượng hiện nay thì mới được coi là tội ác không? Có lẽ điều này đã khiến cho trường hợp của Palestine, khác với những gì đã xảy ra dưới thời Đức Quốc Xã và ở Nam Phi, không được công nhận theo các định nghĩa hiện có.

Các học giả ngày càng chuyển hướng đến khái niệm chủ nghĩa thực dân định cư (settler colonialism) như một lăng kính để đánh giá Palestine. Thực dân định cư là một thể chế nhằm mục đích xóa sổ, nơi người định cư chiếm chỗ và thay thế người bản địa trên chính mảnh đất của họ. Và trong khi các thuật ngữ này – thực dân định cư, diệt chủng, và apartheid – rõ ràng không loại trừ lẫn nhau, khả năng của chúng trong việc nắm bắt hoàn cảnh thực tế của người Palestine vẫn còn khó khăn. Nam Phi là một trường hợp cụ thể của thực dân định cư, và giống với đó là Israel, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Algeria, cũng như là nhiều quốc gia khác. Mặc dù khuôn khổ của chủ nghĩa thực dân định cư có hữu ích phần nào đó trong việc nắm bắt hoàn cảnh của Palestine, nó vẫn không đủ. Nó không đem lại hiểu biết có ý nghĩa nào về sự khác biệt giữa các quá trình lịch sử tại các xã hội khác nhau, và không đặt ra một hậu quả chung nào cho những nhóm người phải sống dưới chế độ thực dân định cư. Một số trường hợp thực dân định cư đã được bình thường hóa một cách đáng ngạc nhiên, và cái giá phải trả là một cuộc diệt chủng được hoàn tất. Một vài trường hợp khác thì lại dẫn đến các giải pháp cuối cùng hoàn toàn khác biệt. Do vậy, Palestine vừa đáp ứng, vừa thách thức những điều kiện được đặt ra bởi khái niệm thực dân định cư.

4. “Nakba” và sự cần thiết của một thuật ngữ mới đối với Palestine

Chúng ta cần phải xem xét Palestine thông qua trải nghiệm của các thế hệ người Palestine khác nhau. Nếu Holocaust là trường hợp điển hình cho tội diệt chủng, và Nam Phi là trường hợp điển hình của chủ nghĩa apartheid, thì tội ác chống lại người dân Palestine phải được gọi là Nakba.

Thuật ngữ Nakba, có nghĩa là “Thảm hoạ”, thường được sử dụng để ám chỉ quá trình hình thành Nhà nước Israel ở Palestine Ủy trị (Mandatory Palestine), một quá trình bao gồm việc thanh lọc dân tộc của hơn 750.000 người Palestine bị đuổi khỏi nhà của họ và sự phá huỷ của 531 ngôi làng Palestine từ 1947 đến 1949. Nhưng Nakba chưa bao giờ kết thúc – từ một sự kiện, nó đã trở thành cả một hệ thống. Nói ngắn gọn, Nakba vẫn đang tiếp diễn.

Ở hình thức trừu tượng nhất, Nakba là một hệ thống nhằm mục đích xoá bỏ toàn bộ động lực của một nhóm người; nỗ lực ngăn cản người Palestine thực hiện ý chí chính trị của họ như một nhóm có tổ chức. Nó là sự thông đồng liên tục của các quốc gia và hệ thống chính trị toàn cầu nhằm ngăn cản khả năng để người Palestine hiện thực hóa quyền tự quyết của họ. Ở hình thức vật chất nhất, Nakba nằm trong từng người Palestine bị giết hoặc bị thương, từng người Palestine bị cầm tù hoặc bị áp bức theo cách khác, và từng người Palestine bị tước đoạt quyền sở hữu định mệnh hoặc bị lưu vong.

Nakba vừa là thực tế vật chất và khuôn khổ nhận thức để hiểu các tội ác chống lại người dân Palestine. Và những tội ác này – có thể được gói gọn trong thuật ngữ Nakba – là kết quả của những hành động được thực thi theo Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism). Chủ nghĩa Zion là một hệ tư tưởng bắt nguồn từ Châu Âu vào cuối thế kỷ 19 nhằm đáp ứng hoàn cảnh của người Do Thái vào lúc đó, dựa trên các khái niệm về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thực dân, và chủ nghĩa bài Do Thái.

Như Edward Said nhắc nhở, chúng ta phải đánh giá chủ nghĩa Zion từ quan điểm của nạn nhân của nó, không phải người được hưởng lợi. Chủ nghĩa Zion có thể được hiểu đồng thời là một phong trào dân tộc đối với một số người Do Thái, trong khi là một dự án thuộc địa đối với người Palestine. Việc thành lập Israel ở Palestine đã diễn ra dưới hình thức củng cố cuộc sống của dân tộc Do Thái, với cái giá phải trả là sự huỷ diệt của cuộc sống dân tộc Palestine. Đối với những người phải di dời, phải lưu vong, bị ném bom, và bị tước đoạt quê hương, chủ nghĩa Zion đã không bao giờ là câu chuyện về sự giải phóng của người Do Thái – nó là câu chuyện về sự áp bức người Palestine.

Điều đặc biệt về Nakba là nó đã kéo dài suốt đầu thế kỷ 21 và phát triển thành một hệ thống thống trị tinh vi, thành công trong việc chia cắt và tái tổ chức người Palestine thành các hạng mục pháp lý khác nhau, với mỗi hạng mục phải chịu một loại bạo lực đặc trưng. Sự chia cắt này đã trở thành một công cụ pháp lý làm nền tảng cho Nakba đang diễn ra, bao gồm cả các hành động phân biệt chủng tộc tương tự với apartheid và bạo lực nhằm diệt chủng. Điều này đã khiến cho trải nghiệm của người Palestine đáp ứng hai định nghĩa pháp lý này tại các thời điểm khác nhau trong 75 năm qua, trong khi vẫn không giải thích được bối cảnh lịch sử của họ.

Người Palestine đã đặt tên và lý thuyết hóa Nakba ngay cả khi họ phải đối mặt với sự bách hại, xóa sổ, và phủ nhận quyền tồn tại. Công cuộc của họ giờ sẽ phải được tiếp tục trong lĩnh vực pháp lý. Gaza đã nhắc nhở chúng ta rằng Nakba đang diễn ra ngay bây giờ. Các chính trị gia Israel và các nhân vật công chúng khác mà đưa ra những lời đe doạ đối với Palestine sẽ phạm tội Nakba. Nếu các chính trị gia Israel thừa nhận Nakba để duy trì nó, thì đã đến lúc thế giới phải đối mặt với trải nghiệm của người Palestine. Nakba phải trở thành một thuật ngữ được toàn cầu hoá, thì khi đó nó mới có thể kết thúc.

Chúng ta phải tưởng tượng rằng một ngày nào đó sẽ có một tội ác được công nhận là phạm tội Nakba, và chủ nghĩa Zion được phản đối như một tư tưởng dựa trên sự huỷ diệt chủng tộc. Con đường để đạt được điều đó vẫn còn dài và đầy thách thức, nhưng chúng ta không có đặc quyền để từ bỏ bất kỳ công cụ pháp lý đang có nào để đặt tên cho các tội ác chống lại người dân Palestine hiện nay, và cố gắng ngăn chặn chúng. Việc phủ nhận tội ác diệt chủng ở Gaza bắt nguồn từ việc phủ nhận Nakba, và cần phải kết thúc, ngay bây giờ.