Thế giới hôm nay: 08/12/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Israel và Hamas đã giao tranh ác liệt tại Jabalia, một trại tị nạn ở phía bắc Gaza. Chính quyền địa phương do Hamas điều hành cho biết có khoảng 100.000 người trong trại này. Hôm thứ Tư, tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã viện dẫn một điều khoản trong Hiến chương Liên hợp quốc – không được sử dụng từ năm 1989 – để cảnh báo Hội đồng Bảo an về “nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng hệ thống nhân đạo” ở Gaza. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo. UAE, một thành viên của Hội đồng, cho biết đã đệ trình dự thảo nghị quyết để bỏ phiếu về lệnh ngừng bắn. Trước đây Mỹ đã bác bỏ những động thái tương tự.

Mỹ tuyên bố sẽ thực hiện các chuyến bay quân sự chung với Guyana trong bối cảnh căng thẳng giữa quốc gia Nam Mỹ này và nước láng giềng Venezuela leo thang. Hôm thứ Ba, tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã yêu cầu các công ty nhà nước của nước này bắt đầu khai thác dầu, khí đốt và các mỏ ở Essequibo. Trước đó vào Chủ nhật, Venezuela đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mà ông Maduro cho rằng ủng hộ nỗ lực thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của ông ở Guyana.

Anh cáo buộc cơ quan tình báo Nga FSB tấn công mạng nhằm can thiệp vào chính trị Anh, đồng thời cho biết một nhóm trong cơ quan gián điệp Nga đã nhắm mục tiêu vào các chính trị gia, công chức, nhà báo, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự khác. Chính phủ Anh đã xử phạt hai cá nhân được cho là có liên quan và triệu tập đại sứ Nga.

Sau khi đến thăm Riyadh, tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng với Mohammad bin-Salman, thái tử Ả Rập Saudi, kêu gọi các thành viên OPEC + hạn chế sản xuất để hỗ trợ giá dầu. Tuần trước, nhóm đã quyết định tự nguyện cắt giảm 2,2 triệu thùng mỗi ngày, nhưng có một số thành viên – đáng chú ý nhất là Iran – không ký vào cam kết. Khi trở về Moscow, ông Putin đã tiếp đón tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Quốc hội Đan Mạch thông qua luật quy định việc đốt kinh Koran và các kinh thánh khác là bất hợp pháp. Các nhóm cực hữu đã tiến hành đốt kinh Koran ở cả Đan Mạch và Thụy Điển, tạo ra làn sóng phản đối quốc tế và đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này sẽ loại Thụy Điển khỏi NATO. Những người phản đối trong nước coi luật này là vi phạm quyền tự do ngôn luận và chiều theo ý các nhà độc tài nước ngoài.

Hãng chip Advanced Micro Devices (AMD) đã tung ra chip xử lý trí tuệ nhân tạo để cạnh tranh với H100 của Nvidia, công ty đang thống trị thị trường. Con chip mới này có 153 tỷ bóng bán dẫn, gần gấp đôi so với đối thủ của nó. Microsoft, Meta và OpenAI đang lên kế hoạch sử dụng chip mới của AMD. AMD cho biết họ dự đoán thị trường vi xử lý AI sẽ đạt tổng giá trị 400 tỷ USD vào năm 2027.

TIÊU ĐIỂM

Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine gặp khó

Khả năng của Ukraine trên chiến trường hầu hết được quyết định bởi các sự kiện xảy ra ở xa chiến tuyến – chính xác là ở Washington, DC. Nhưng tình hình ở Mỹ đang trở nên không lạc quan lắm cho Kyiv. Hôm thứ Hai, tờ Washington Post đã đăng một bài chấn động chỉ trích chiến dịch phản công của Ukraine, trong đó cho rằng Ukraine đã lạm dụng viện trợ của Mỹ. Đến thứ Ba, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bỗng đột ngột hủy bỏ cuộc gọi xin thêm viện trợ quân sự với Thượng viện Mỹ. Ông hẳn đã biết lời cầu xin của mình sẽ bị bỏ ngoài tai

Vào thứ Tư, phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã chặn dự luật tài trợ của tổng thống Joe Biden, trong đó bao gồm 61 tỷ USD cho Ukraine (và 14 tỷ USD cho Israel). Họ đưa ra yêu cầu viện trợ phải gắn liền với các cải cách nhập cư. Tổng thống Biden nói ông sẵn sàng “thoả hiệp đáng kể” về an ninh biên giới để ngân sách được thông qua, nhưng chúng có thể không đủ ‘đáng kể’ trong mắt phe cánh hữu của đảng Cộng hòa. Chỉ một tuần trước khi Thượng viện nghỉ đông, mùa đông của ông Zelensky trông có vẻ ảm đạm.

Tin vui từ thị trường lao động Mỹ

Thị trường lao động Mỹ có thể đang có những ngày rất tốt đẹp. Số liệu công bố hôm thứ Sáu dự kiến ​​cho thấy nước này đã tạo thêm 190.000 việc làm trong tháng 11, tăng từ mức 150.000 của tháng 10. Nhưng sự khác biệt có lẽ là do công nhân ô tô và diễn viên Hollywood chấm dứt các cuộc đình công. Nếu không tính những người này, tốc độ tăng trưởng việc làm không tăng, một dấu hiệu cho thấy sự ổn định: không quá nóng cũng không quá lạnh.

Thêm tin tốt đến vào đầu tuần này khi một nguồn dữ liệu khác cho thấy số việc làm đang tuyển dụng giảm xuống 8,7 triệu trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021. Số vị trí tuyển dụng trên mỗi lao động thất nghiệp hiện giảm xuống còn khoảng 1,3, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần bằng 2 vào đầu năm 2022, thời điểm các công ty phải vật lộn để tuyển nhân công. Khi cung cầu trong thị trường lao động cân bằng, áp lực lương sẽ thuyên giảm và lạm phát sẽ giảm tốc.

EU họp bàn ngân sách

Đại dịch là một thảm hoạ đối với EU, nhưng mang lại nhiều lợi ích cho những nước chi tiêu lớn. Các quy định về thâm hụt ngân sách đã bị đình chỉ nhằm cho phép các thành viên chi ra bất cứ thứ gì cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế. Bản thân EU đã đi vay số tiền khổng lồ 807 tỷ euro (781 tỷ USD) cho quỹ phục hồi chung, được thành lập vào năm 2020 để giúp đỡ các quốc gia nghèo hơn. Song giờ đây lãi suất đã tăng và ngân sách không còn mở rộng như trước. Và những cú sốc khác, chẳng hạn như cuộc chiến Ukraine, cũng đang đè nặng lên các thành viên. Tại một cuộc họp kéo dài đến thứ Sáu, các bộ trưởng tài chính EU sẽ thảo luận cách chia sẻ khoản chi phí này; với quyết định sẽ được các lãnh đạo EU đưa ra vào tuần tới.

Hỗ trợ tài chính dài hạn cho Ukraine, vốn quan trọng hơn bao giờ hết khi Mỹ tỏ ra dè dặt, sẽ tiêu tốn khoảng 50 tỷ euro tiền tài trợ và cho vay. Trợ giúp các nước miền nam quản lý vấn đề di cư sẽ tốn thêm 15 tỷ euro nữa. Các quy tắc thâm hụt cũ sẽ có hiệu lực trở lại từ năm 2024, dù chúng sẽ khó áp dụng hơn. Đề xuất cho các quốc gia mắc nợ cao, chẳng hạn như Ý, thêm thời gian để giảm nợ cũng đang gây tranh cãi. EU đang quay lại thực tế trần trụi về chính sách tài khoá của mình.

Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ hoàn thành xây lại sau một năm nữa

Khoảng một năm nữa, nhà thờ Đức Bà Paris sẽ mở cửa trở lại, 5 năm sau trận hỏa hoạn kinh hoàng đã làm đổ ngọn tháp và phá hủy phần lớn mái nhà. Nhân dịp này, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đích thân đến thăm nhà thờ. Ông sẽ quan sát quá trình xây dựng lại ngọn tháp gỗ sồi cao 70m (dựa trên ngọn tháp thế kỷ 19 đã bị phá hủy).

Công trình này là một phép thử chính trị đối với ông Macron, người đang có tỷ lệ ủng hộ giảm sút. Vài giờ sau khi đám cháy bùng phát vào năm 2019, ông cam kết sẽ xây dựng lại sau 5 năm. Về mặt kiến trúc, đó là một khung thời gian rất tham vọng.

Nhà thờ vẫn sẽ chưa hoàn thiện mọi chi tiết khi mở cửa trở lại. Nhưng nhìn chung thì công trình đúng tiến độ, nhờ vào sự hào phóng của các mạnh thường quân Pháp (và một số nhà tài trợ quốc tế), những người đang cung cấp phần lớn nguồn tài chính. Tổng chi phí tái thiết dự kiến là 700 triệu euro (755 triệu USD), thấp hơn mức 840 triệu euro thu về trong một đợt gây quỹ quốc gia.