Thế giới hôm nay: 14/12/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ngoại trưởng Israel cho biết cuộc chiến ở Gaza sẽ tiếp tục “dù có hay không sự hỗ trợ của quốc tế,” bất chấp việc quân đội Israel đang trải qua ngày nhiều thương vong nhất kể từ tháng 10. Trước đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza. Hơn 150 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết không mang tính ràng buộc; mười nước, bao gồm Mỹ, bỏ phiếu chống.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giữ nguyên lãi suất chuẩn, thừa nhận lạm phát “đã giảm trong năm qua nhưng vẫn ở mức cao.” Lần cuối cùng Fed tăng lãi suất là vào tháng 7, lên quãng 5,25 đến 5,5% – cao nhất trong 22 năm. Fed cho rằng sẽ có ba lần giảm lãi suất vào năm tới.

198 quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh COP28 đã nhất trí thông qua một tuyên bố chung mang tính bước ngoặt “kêu gọi” các nước “chuyển đổi” khỏi nhiên liệu hóa thạch – dù nó không có nghĩa là họ nên “loại bỏ dần.” Bản dự thảo yếu hơn trước đó dùng cụm từ “có giới hạn” và bị chỉ trích dữ dội. Chưa có hội nghị thượng đỉnh COP nào trước đây đàm phán được hành động tập thể hướng tới chấm dứt thời đại dầu mỏ.

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ xem xét quyết định hạn chế quyền tiếp cận mifepristone, một loại thuốc phá thai. Năm ngoái các tổ chức chống phá thai đã kiện để cấm thuốc này. Một tòa cấp dưới có khuynh hướng bảo thủ sau đó ra phán quyết một phần có lợi cho họ, hủy bỏ các quy định cho phép người dân dùng thuốc sau khi mang thai và nhận thuốc qua đường bưu điện. Những hạn chế đó đã bị tạm dừng kể từ khi kháng cáo bắt đầu.

Liên minh cầm quyền của Đức tiến tới thỏa thuận giải quyết khủng hoảng ngân sách. Một phán quyết gây tranh cãi của tòa án hồi tháng 11 đã khiến chính phủ bị thiếu tiền đáng kể. Liên minh cho biết hôm thứ Tư rằng họ sẽ duy trì các hạn chế vay mượn vào năm 2024, tiết kiệm 17 tỷ euro (18,3 tỷ USD) trong ngân sách cốt lõi và cắt giảm quỹ chuyển đổi và quỹ khí hậu.

IMF đã phê duyệt khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho Sri Lanka và Bangladesh. Số tiền này sẽ giúp Sri Lanka ổn định nền kinh tế sau khi vỡ nợ vào năm ngoái; trong khi rất quan trọng đối với Bangladesh để giảm bớt áp lực tiền tệ. Cả hai nước đều dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào năm tới. Do đó, các khoản vay đến vào thời điểm vô cùng thuận lợi cho các chính trị gia đương nhiệm.

Albania cho biết họ sẽ sử dụng ChatGPT, một chatbot do OpenAI phát triển, để dịch hàng nghìn trang văn bản pháp lý sang tiếng Albania nhằm tăng tốc độ gia nhập EU. Chính phủ hy vọng công cụ này sẽ cho phép họ tích hợp các quy định của EU vào các cơ cấu pháp lý hiện có của đất nước một cách dễ dàng hơn. Quyết định này tuân theo thỏa thuận với Giám đốc điều hành OpenAI, Mira Murati, người sinh ra ở Albania.

TIÊU ĐIỂM

Putin họp báo trên sóng truyền hình trực tiếp

Vào thứ Năm, Vladimir Putin dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo và trực tiếp trả lời điện thoại từ công dân Nga trên truyền hình. Đây sẽ là cơ hội cho tổng thống thể hiện phong thái của mình. Các sự kiện này vẫn diễn ra mọi năm, cho đến khi bị Điện Kremlin hủy bỏ vào năm 2022 vì cuộc xâm lược Ukraine.

Việc tổ chức lại cho thấy ông Putin đã phục hồi sự tự tin của mình. Kể từ những ngày đầu hỗn loạn của cuộc xâm lược, tổng thống đã ổn định nền kinh tế và dập tắt bất đồng chính kiến. Tuần trước, ông xác nhận ra tranh cử vào năm 2024 và dường như chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Sự ủng hộ đang dao động của phương Tây dành cho Ukraine cũng là một tin tốt lành cho ông.

Tuy nhiên, Nga sẽ nhận thấy gánh nặng của việc duy trì các khoản chi khổng lồ cho chiến tranh – chi tiêu quốc phòng lên tới 6% GDP vào năm 2024. Mọi nỗ lực chiêu mộ thêm quân trong một chiến dịch huy động khác cũng sẽ không được ủng hộ. Ông Putin muốn nuôi sống cuộc chiến của mình trong khi ít làm xáo trộn cuộc sống của người dân nhất có thể. Nhưng từ trong nội tại vấn đề đã có đầy mâu thuẫn.

Guayna và Venezuela tổ chức thượng đỉnh bàn về tranh chấp lãnh thổ

Tổng thống Guyana và Venezuela dự kiến sẽ gặp nhau tại St Vincent và Grenadines vào thứ Năm để giảm bớt căng thẳng trong bối cảnh tranh chấp biên giới kéo dài. Cuộc khủng hoảng về vấn đề này phần lớn do Nicolás Maduro tạo ra. Nhà độc tài Venezuela đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 3 tháng 12 để hỏi liệu nước này có nên tuyên bố 2/3 diện tích của Guyana là đất của Venezuela hay không. Câu trả lời vang dội từ cử tri là “có.”

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, khi hầu hết người dân Venezuela đều được dạy ở trường rằng đất của nước họ bị cướp đi bởi một thỏa thuận trọng tài thiên vị vào năm 1899. Người Guyana phản bác, cho rằng việc phân định biên giới đã được giải quyết công bằng giữa tất cả các bên và vấn đề đã kết thúc. Tổng thống Guyana Ifraan Ali nói ông đồng ý tham gia cuộc họp với điều kiện biên giới chung của hai nước không nằm trong nội dung thảo luận. Song ông Maduro lại nói họ nên đàm phán chính xác về điều này.

ECB sắp quyết định lãi suất ở khu vực đồng euro

Nhiệm vụ chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu là đảm bảo ổn định giá cả trong khu vực đồng euro. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ECB đã chậm tăng lãi suất khi lạm phát tăng mạnh vào năm ngoái. Do đó, giờ đây, những người đứng đầu ngân hàng muốn đảm bảo chắc chắn là lạm phát đã chết trước khi họ cắt giảm lãi suất. Tại cuộc họp vào thứ Năm, ECB có thể sẽ giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức cao kỷ lục 4% và đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về đợt giảm lãi suất lớn trong nằm 2024.

Nhưng kỳ vọng của thị trường là hợp lý. Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến. Theo các chỉ số khảo sát, nền kinh tế EU, bao gồm cả dịch vụ, có thể đang suy thoái. Và mặc dù tốc độ tăng lương vẫn ở mức cao so với tiêu chuẩn của châu lục này, đã có những dấu hiệu ban đầu về sự chậm lại. Hơn nữa phải mất một thời gian để cắt giảm lãi suất đi vào hiệu lực. Sẽ thật tệ nếu ECB lại bỏ lỡ thời cơ.

Ethiopia đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Các quan chức Ethiopia dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gọi với các trái chủ quốc tế của nước họ vào thứ Năm. Họ đang cố gắng tránh vỡ nợ đối với trái phiếu Eurobond trị giá 1 tỷ USD vào cuối năm 2024. Lời kêu gọi này là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng mà nền kinh tế Ethiopia đang đối mặt. Nó theo sau các thỏa thuận gần đây với các chủ nợ chính thức, bao gồm Trung Quốc, để tạm thời đình chỉ thanh toán nợ.

Như một số quốc gia châu Phi khác, Ethiopia đang phải vật lộn với gánh nặng nợ ngày càng lớn, càng trở nên trầm trọng hơn bởi các yếu tố toàn cầu như covid-19. Kể từ năm 2021, họ đã tìm cách giảm nợ theo “Khuôn khổ Chung” của G20, một thỏa thuận lỏng lẻo giữa các chủ nợ. Tuy nhiên, tiến trình hướng tới một thỏa thuận đã bị cản trở do cuộc nội chiến kéo dài hai năm ở khu vực Tigray, khiến hàng trăm nghìn người được cho là đã thiệt mạng. Nhiều vùng ở Ethiopia vẫn chìm trong xung đột sắc tộc. Giờ đây tất cả phụ thuộc vào việc liệu thủ tướng Abiy Ahmed có thể đảm bảo nguồn tài trợ khẩn cấp từ IMF vào đầu năm 2024 hay không.