Javier Milei và tương lai khó đoán của Argentina

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Phạm Vũ Thiều Quang

Từ một nhà kinh tế học cấp tiến thành nhân vật chính trong lễ nhậm chức Tổng thống tại Cung Quốc hội Argentina hôm 10/12/2023, sự trỗi dậy nhanh chóng của Javier Milei mở ra một kỷ nguyên mới của  nền chính trị Argentina. Khi ông tuyên bố tham gia chính trường vào năm 2020 với cam kết cải cách toàn bộ hệ thống chính trị, ít ai có thể dự đoán rằng ba năm sau, nhà kinh tế với mái tóc bù xù và cựu bình luận viên truyền hình này có thể trở thành Tổng thống.

Nhưng bằng việc thúc đẩy làn sóng giận dữ của người dân Argentina sau nhiều thập kỷ suy thoái kinh tế và lạm phát tràn lan, Milei đã thành người quyền lực nhất ở quốc gia lớn thứ 3 tại Mỹ Latinh. Milei đã giành chiến thắng dứt khoát trong cuộc bầu cử, đánh bại Sergio Massa, ứng cử viên của lực lượng chính trị theo chủ nghĩa Peronist đã  thống trị nền chính trị Argentina nhiều năm nay. Chiến thắng của một “người ngoài” như Milei cho thấy đây sẽ không chỉ là một sự thay đổi chính trị, mà sẽ góp phần tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế và thay đổi văn hoá của toàn quốc gia, phản ánh sự bất mãn ngày càng tăng của người dân đối với hệ thống chính trị và kinh tế Argentina hiện nay.

Argentina đang phải vật lộn với mức lạm phát hàng năm vượt mức 140% và tỷ lệ nghèo đói đã tăng lên mức 40% trong năm 2023, trong khi đang nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế 45 tỷ USD. Từng là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, thậm chí đứng trên cả Pháp và Đức vào năm 1913, nền kinh tế Argentina đã liên tục giảm sút kể từ Đại khủng hoảng. Trải qua hơn 100 năm bất ổn kinh tế và chính trị, nghiêm trọng nhất là dưới chế độ độc tài quân sự từ 1976 đến 1983, thu nhập bình quân của Argentina nay chỉ còn khoảng 13.000 USD và vẫn tiếp tục giảm. Sự nổi tiếng của Millei, đặc biệt là trong giới trẻ, đã bùng lên nhờ bối cảnh lịch sử này, cùng với những lời chỉ trích giai cấp chính trị “ăn cắp” và tầm nhìn của ông nhằm đưa Argentina quay trở lại “thời kỳ hoàng kim”.

Bài phát biểu nhậm chức của Milei đã thể hiện giọng điệu nghiêm túc và cứng rắn rằng những thay đổi chính sách mà ông đề xuất mang tính khẩn cấp, cần phải được thực hiện ngay lập tức để đảm bảo sự phát triển của Argentina. Trái ngược với truyền thống, nhà kinh tế học 53 tuổi này đã phát biểu trước những người ủng hộ trong tư thế quay lưng lại với cơ quan lập pháp, thể hiện sự bất mãn của ông trước những thất bại của thể chế chính trị hiện trạng. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc tái cơ cấu nền kinh tế, và nền kinh tế sẽ phải hy sinh trong ngắn hạn, người dân sẽ phải trải qua những đau đớn để giải quyết các vấn đề cấp bách như siêu lạm phát và trì trệ kinh tế. “Không có giải pháp nào khác ngoài liệu pháp sốc kinh tế (shock adjustment)”, Milei tuyên bố. “Chúng ta không có tiền”.

Milei tuyên bố “100 năm thất bại không thể được giải quyết trong một ngày. Nhưng nó có thể bắt đầu trong một ngày, và hôm nay là ngày đó”. Thông điệp này gói gọn tầm nhìn của Milei về sự khởi đầu của một chương mới cho Argentina, đi cùng là những thách thức đáng kể nhưng cũng có tiềm năng chuyển đổi và phát triển dài hạn.

Chiến dịch tranh cử Tổng thống của Milei đặc trưng bởi một loạt đề xuất đầy tham vọng và cấp tiến, phản ánh sự ủng hộ của ông đối với chủ nghĩa tư bản vô chính phủ (anarcho-capitalism), chính phủ tối giản (minarchist), và tự do cá nhân (liberalism). Chính sách kinh tế của Milei tập trung vào việc giảm mạnh kích thước và ảnh hưởng của chính phủ đối với nền kinh tế, đề xuất cắt giảm 15% chi tiêu công toàn xã hội. Để giải quyết tình trạng lạm phát của đồng peso, Milei đã đề xuất xoá bỏ đồng peso, chuyển sang sử dụng đồng USD (tức đô la hóa nền kinh tế), và xoá bỏ Ngân hàng Trung ương – coi đây là một cơ quan làm nên sự “bất ổn” cho nền kinh tế.

Ông cũng cam kết giải tán các bộ ngành ông coi là “không cần thiết” trong bộ máy nhà nước hiện nay, ví dụ như Bộ Giáo dục và Bộ Y tế, để giảm bớt quy mô và vai trò của chính phủ trong nền kinh tế. Mục tiêu lâu dài của chiến lược này là chuyển giao càng nhiều trách nhiệm càng tốt cho khu vực tư nhân, và chính phủ sẽ chỉ cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong xã hội như toà án, cảnh sát, và quân đội. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống, Milei đã ban hành sắc lệnh giải tán 9 trong số 18 bộ ngành, và chỉ có 9 bộ trưởng mới tuyên thệ vào ngày 10/12.

Triết lý kinh tế của Milei chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trường phái kinh tế Áo, lấy cảm hứng từ các nhà kinh tế học như Adam Smith, Friedrich Hayek, Milton Friedman, Murray Rothbard, Gary Becker, và Jesús Huerta de Soto. Milei ca ngợi chính sách kinh tế của cựu Tổng thống Argentina Carlos Menem (1989-1999) và bộ trưởng kinh tế của ông, Domingo Cavallo, coi chính quyền của họ là “thành công nhất về mặt kinh tế trong lịch sử Argentina”. Sự phản đối của ông đối với cánh tả là một chủ đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử khi các bài phát biểu của Milei thường nêu bật những thất bại của các hệ tư tưởng cánh tả khi được áp dụng ở Argentina.

Về chính sách đối ngoại, Milei có quan điểm hoàn toàn khác so với những người tiền nhiệm theo chủ nghĩa Peronist. Ông khẳng định rằng Argentina sẽ trở thành đồng minh chặt chẽ với Mỹ và Israel, trong khi vận động để cắt đứt quan hệ với Trung Quốc – đối tác kinh tế lớn nhất và nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng và lithium của Argentina. Ông đã chỉ trích Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và cáo buộc chính phủ Trung Quốc là một “sát thủ” có thể “loại bỏ” những người “không làm những gì họ muốn”. Những tuyên bố này làm rõ một nghịch lý trong quan điểm của Milei – một nhà lãnh đạo ủng hộ thị trường tự do nhưng lại muốn phá vỡ quan hệ với hai đối tác thương mại hàng đầu của Argentina là Brazil và Trung Quốc. Dưới sự chỉ đạo của Milei, tân Bộ trưởng Ngoại giao Diana Mondino nói rằng Argentina đã quyết định không gia nhập khối BRICS.

Tuy nhiên, những phát ngôn sau ngày bầu cử của Milei đã cho thấy một cách tiếp cận chính trị thực tế hơn. Bất chấp những lời chỉ trích Trung Quốc, Milei đã thể hiện sự sẵn sàng duy trì quan hệ ngoại giao với Trung Quốc qua việc thừa nhận tác động kinh tế của việc cắt đứt mối quan hệ này. Có lẽ bước ngoặt này cho thấy nhận thức của Milei về sự phụ thuộc của nền kinh tế Argentina vào đầu tư của Trung Quốc, và Mỹ sẽ không thể thay thế vai trò này một cách khả thi. Một vài nhà quan sát cho rằng Milei có thể sẽ đi theo con đường tương tự như cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khi vẫn chỉ trích Bắc Kinh.

Milei cũng đã tiết chế một số đề xuất cấp tiến hơn của ông trong chính sách kinh tế và xã hội trong nước, bao gồm việc thu hẹp kế hoạch ban đầu của ông về việc tư nhân hoá các công ty nhà nước. Điều này được thể hiện rõ trong kế hoạch của ông đối với công ty năng lượng nhà nước YPF, mà ban đầu ông cam kết sẽ hoàn toàn tư nhân hoá. Giờ đây, cách tiếp cận của ông dường như thiên về tái cơ cấu và chỉ tư nhân hoá một phần theo cách “có lợi cho người Argentina”. Tương tự, cam kết đô la hoá nền kinh tế và xoá bỏ Ngân hàng Trung ương cũng đã giảm bớt. Những thay đổi này cho thấy cách Milei sẽ phải cân bằng giữa lý tưởng tư bản vô chính phủ của ông và những thách thức quản trị thực tế ở một Argentina đang phải vật vã với khủng hoảng kinh tế và tỷ lệ đói nghèo cao.

Ngoài ra, Milei cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc thực hiện chương trình nghị sự của mình do Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc, nơi không một liên minh nào chiếm đa số. Mặc dù giành được chiến thắng ở 21 trên 24 tỉnh của Argentina, liên minh của Milei không giành được bất kỳ chức thống đốc của tỉnh nào, và chỉ nắm giữ 15% số ghế trong Hạ viện và 10% trong Thượng viện. Điều này đòi hỏi Milei phải đàm phán với các phe phái khác để thông qua luật, ít nhất cho đến năm 2025 khi 1/3 số ghế trong Quốc hội sẽ được bầu lại.

Bất chấp những tiết chế trong quan điểm của Milei, nhiệm kỳ Tổng thống của ông vẫn sẽ thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh địa chính trị Argentina. Sự trỗi dậy của Milei, những đề xuất quyết liệt và đầy tham vọng của ông cho thấy người dân Argentina đang từ bỏ các chuẩn mực chính trị Peronist đã thống trị đất nước này trong năm thập kỷ qua. Để tìm cách cứu một nền kinh tế đang suy thoái, người dân Argentina đã chọn một nhà lãnh đạo cam kết sẽ giảm bớt vai trò của nhà nước trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Vì vậy, Milei sẽ được coi là một nhân vật mang tính cách mạng trong nền chính trị Mỹ Latinh, không chỉ đại diện cho một bước ngoặt từ lý tưởng đến thực dụng, mà sẽ còn định hướng lại hệ tư tưởng rộng lớn hơn của một quốc gia đã phải chịu đựng quá nhiều từ suy thoái kinh tế và trì trệ xã hội.