Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”
Ngày 25 tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 17 [1/3/1486, tức Minh Thành Hóa năm thứ 22], định việc dựng mốc giới hạn ruộng đất công tư. Quan phủ huyện chiếu theo bốn mặt giới hạn ruộng đất trong sổ, đối chiếu với ruộng đất được ban cấp, tập hợp những người già cả và xã thôn trưởng cùng nhau chỉ dẫn về thực tế ruộng đất, dựng mốc giới để làm phép vững chắc lâu dài.
Ngày 24 tháng 4 [27/5/1486] ra sắc chỉ rằng ruộng công cứ 6 năm cho kiểm tra đo đạc lại, để quân cấp như trước.
Tháng 6 [1/7-30/7/1486], định rõ lại thể lệ cho các quan tuy chưa đậu thi hương, được dự kỳ thi tuyển, để vào thi hội:
“Theo chế độ cũ, quan viên người nào chưa trúng tuyển khoa thi hương, đều cho phép được vào thi hội. Nay Hàn lâm viện thị thư Lương Thế Vinh tâu xin:
‘Từ nay về sau, quan viên nào chưa trúng tuyển quan khoa thi hương mà tình nguyện vào thi hội, nếu viên quan ấy giữ chức ở trong kinh thì do phủ Thừa Thiên; ở ngoài các đạo thì do ty Thừa chính phúc hạch theo như thể lệ thi hương, người nào trúng tuyển mới cho vào thi hội’.
Nhà vua chuẩn y lời tâu ấy.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 24.
Ngày 26 tháng 10 [24/11/1486], sai bọn Lễ bộ thượng thư Lê Năng Nhượng, Phạm Phúc Chiêu, Quách Liễn sang tiến cống nhà Minh. Đến tháng 9 năm sau sứ bộ tới nơi, khi bộ Lễ dẫn vào triều thì không được yết kiến Vua, lúc đãi yến không tấu nhạc. Có lẽ lúc bấy giờ căng thẳng tại biên giới, Vân Nam và Lưỡng Quảng phải dàn binh cẩn mật đề phòng; nên triều đình nhà Minh tỏ thái độ thiếu thân thiện:
“Ngày 14 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 23 [30/9/1487]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Lê Năng Nhượng theo lệ hàng năm dâng biểu, sản vật địa phương, ngựa. Bộ Lễ trình lên, mệnh miễn dẫn lên triều yết. Đãi yến không dùng nhạc; cùng ban cho Vương nước này gấm, đoạn; bọn Năng Nhượng được ban lụa đoạn và y phục có phân biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 135.
“Ngày 28 tháng 12 năm Thành Hóa thứ 22 [22/1/1487]. Mệnh các quan Trấn thủ, Tuần phủ, Tổng binh tại Vân Nam, Lưỡng Quảng tu chỉnh cẩn mật biên giới, để phòng bị An Nam. Sắc dụ ban theo lời thỉnh cầu của bộ Binh.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 132.
Bấy giờ một biến cố xảy ra tại nước Chiêm Thành; con Cổ Lai giết Đề Bà Đài, người do nước Đại Việt dựng lên. Đại Việt quyết đòi cho được mạng sống Đề Bà Đài, nên Cổ Lai phải đem thân tín hơn 1.000 người, đến tỵ nạn tại Nhai Châu, Hải Nam:
“Ngày 12 tháng 11 năm Thành Hóa thứ 22 [7/12/1486]. Bọn Giám sát Ngự sử Tuần Án Quảng Đông Từ Ðồng Ái tâu:
‘Con Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai đánh giết ngụy vương Đề Bà Đài, do Giao Chỉ đặt lên. Giao Chỉ giận, mang binh đến biên giới đòi cho được mạng sống của Đề Bà Đài. Cổ Lai sợ hãi, mang Vương phi, cháu Vương, bộ lạc hơn 1.000 người, cùng sản vật địa phương vượt biển đến Nhai Châu, Quảng Đông.’
Sự việc đưa xuống bộ Lễ bàn, rồi Thiên tử phán:
‘Cổ Lai trong lúc tàn bại, con chút hơi thừa, vượt qua vạn dặm, mang quyến thuộc đến qui phụ Trung Quốc; tình cũng đáng thương. Nay lệnh cho các quan Tổng binh, Trấn thủ, Tuần phủ lưu tâm an ủi, ban cho lương thực, chọn chỗ thích hợp để cư trú, không để đến chỗ đói khát. Vẫn ra lệnh nghiêm nhặt canh phòng biên giới.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 132.
Tháng 3 năm Hồng Đức thứ 18 [25/2-22/4/1487], thi hội các sĩ nhân trong nước. lấy đỗ trúng cách 60 người. Tháng 4 vào thi đình, chọn 3 Tiến sĩ cập đệ, tức Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám hoa; 30 Tiến sĩ xuất thân; và 27 Đồng Tiến sĩ. Tháng 5 làm lễ xướng danh, vinh qui bái tổ. Tháng 7 dựng bia khắc tên Tiến sĩ cho khóa này:
“Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 7 [29/4/1487], vua thân hành ra đề văn sách hỏi về đạo trị nước. Xem quyển xong lại cho gọi các tiến sĩ hạng ưu vào cửa Nhật Quang, thân hành giám định. Lấy Trần Sùng Dĩnh đỗ thứ nhất, rồi đến Nguyễn Đức Huấn, Thân Cảnh Vân, đều ban tiến sĩ cập đệ; bọn Vũ Cảnh 30 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Trân 27 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân…
Tháng 5, ngày mồng 4 [26/5/1487], vua ngự điện Kính Thiên, truyền loa xướng danh các tiến sĩ là bọn Trần Sùng Dĩnh. Các quan mặc triều phục chúc mừng. Lễ bộ bưng bảng vàng ra treo ở ngoài cửa Đông Hoa…
Tháng 8, ngày 15 [2/9/1487], dựng bia ghi tên các tiến sĩ đỗ khoa Đinh Mùi năm Hồng Đức thứ 18 [1487].” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 55a .
Ngày 22 tháng 8 [9/9/1487], Vua Minh Hiến Tông băng. Ngày mồng 6 tháng 9 [22/9/1487], Hoàng thái tử nhà Minh là Hựu Sanh lên ngôi, tức Vua Hiếu Tông; đổi niên hiệu năm sau là Hoằng Trị năm thứ 1 [1488].
Vua Hiếu Tông mới lên ngôi, bèn sai Hữu đô ngự sử Đồ Dung đến Nhai Châu, Hải Nam; gặp Cổ Lai thu xếp việc cần làm. Dung xin sắc phong cho Cổ Lai ngay tại Hải Nam, rồi sai quan võ hộ tống về nước; cùng yêu cầu Đại Việt trả lại đất cho Chiêm Thành. Vua Hiếu Tông bằng lòng, bèn gửi sắc dụ Đại Việt trả lại đất cho Chiêm Thành; ngoài ra còn cảnh cáo việc Thổ quan Đèo Chúc tại châu Ninh Viễn mang quân quấy phá tại vùng biên giới Vân Nam:
“Ngày 13 tháng 10 năm Thành Hóa thứ 23 [29/10/1487]. Phong Vương cho con Quốc vương Chiêm Thành, Cổ Lai, tại Quảng Đông rồi hộ tống về nước và sắc dụ nước An Nam trả đất xâm chiếm. Trước kia sai Cấp sự trung Lý Mãnh Dương, Hành nhân Diệp Ưng làm Chánh Phó sứ đến Chiêm Thành sắc phong. Nhưng chưa tới nơi thì Cổ Lai bị An Nam xâm đoạt nên bỏ nước, hàng hải đến Quảng Châu và định đến triều đình tố cáo. Tuần phủ, Đô ngự sử trình lên, bèn sai Đô sát viện Nam Kinh Hữu Đô ngự sử Đồ Dung đến Quảng Đông để thu xếp việc nên làm. Dung đến nơi, rồi tâu lên rằng:
“Theo lời xưng của Cổ Lai, thì nước đó nguyên có 8 châu, 25 huyện, bị An Nam thôn tính tất cả. Vào năm Thành Hóa, người Chiêm Thành đến tố cáo với triều đình, nên được An Nam trả lại các xứ Bang Đô Lang, Ma Na Lý, 4 châu, 5 huyện. Sau đó Đầu mục Chiêm Thành Đề Bà Đài làm phản theo An Nam; An Nam bèn cho y 1 châu, 3 huyện; Chiêm Thành chỉ còn 3 châu, 2 huyện. Nay Đề Bà Đài đã chết, An Nam đòi cho được mạng sống của y, ý đồ lấy hết đất như Bang Đô Lang và lập con của Đề Bà Đài làm Vương. Sau đó Lũ Ma, con Cổ Lai, cùng Đầu mục Vạn Nhân Phương cố thủ để đợi. Ý của Cổ Lai muốn được thụ phong tại Quảng Đông, xin bộ binh hộ tống về nước, lại xin văn thư công nhận cương thổ để được an toàn. Bọn Thần muốn lời xin được chấp thuận, xin mệnh bọn Mãnh Dương đến nơi này sắc phong, đến mùa đông sai quan võ hộ tống trở về nước. Bọn Mãnh Dương không cần phải thân hành đến đó. Lại xin sắc cho An Nam trả lại đất đã xâm lấn.”
Bộ Binh phúc tấu đồng ý theo; bèn ban cho Quốc vương An Nam Lê Hạo sắc văn như sau:
“Mới đây được các quan coi giữ Quảng Đông tâu rằng con Quốc vương Chiêm Thành ,Cổ Lai, tố cáo rằng nước này nguyên có 8 châu, thành Ban Nhược Ban và 25 huyện. Vào năm Thành Hóa thứ 7 [1472 ] nước ngươi mang binh chiếm hết số đất nêu trên. Vào tháng 3 năm Thành Hóa thứ 13 [1477] trả lại 4 châu, 5 huyện trong đó có Bang Đô Lang, Mã Na Lý. Rồi đem 1 châu 3 huyện trong đó có Mai Đả Lý, Bôn Để Ba Để cho tên Đầu mục phản phúc Đề Bà Đài. Sau đó lại ngầm ra lệnh Đề Bà Đài mang binh tìm giết Cổ Lai; nên bị bộ hạ Cổ Lai giết chết. Bọn ngươi lại sai Đầu mục mang quân bức phải trả lại Đề Bà Đài sống. Vì lý do đó Cổ Lai quẫn bách, mang gia thuộc vượt biển từ xa đến tố cáo. Lại tra xét lời các ngươi trước đây tâu rằng đất đai Chiêm Thành do Thổ tù nước đó tranh dành cát cứ; nay xét lại lời tố cáo của Cổ Lai thì ra các ngươi chiếm đọat rồi đuổi họ đi. Nếu không vậy thì làm sao Cổ Lai lâm vào cảnh lưu ly đến như vậy. Nhưng nước ngươi vốn xưng lễ nghĩa, há lại ngoài mặt làm vẻ thiện, nhưng ngầm trong chứa điều ác, chỉ trang sức trên văn từ, trên thì thiếu lòng trung thờ nước lớn, dưới thì mất nghĩa hòa mục với lân bang. Hoặc giả Vương không biết, nhưng ở dưới quan phòng thủ, Đầu mục, đảng nghịch gây oán; che dấu mọi điều đến như vậy ư! Ty Bố chánh Quảng Đông đã thông báo cho nước ngươi, những vẫn chưa nhận được phúc đáp. Nay nhân sứ trở về, đặc mệnh ban sắc cho Vương hãy đem lòng giúp đỡ kẻ hoạn nạn để đáp ứng với ý muốn phục hưng nước bị diệt, nối dòng bị đứt của triều đình; nghiêm khắc cấm chỉ những người phòng giữ biên giới cậy mạnh hiếp người yếu, gây điều độc ác; lấy 8 châu, 25 huyện, phía ngoài núi Mao Lãnh trả lại cho Cổ Lai, tạo nên sự hòa mục giửa lân bang, cùng chung hưởng thái bình.
Chẳng phải riêng việc Chiêm Thành, quan trấn thủ Vân Nam cũng mấy lần tâu rằng tên Thổ quan nước ngươi tên là Đèo Chúc, đánh phá 5 bang và các trại tại Man My, giả xưng danh hiệu chủ nhân châu Ninh Viễn;[1] nhiễu hại biên dân, đã bị quan binh đánh đuổi. Nhưng niềm lưu luyến của nó chưa dứt, rồi sẽ có ngày trở lại. Vương nên gia tâm kiểm soát; sai người bắt Đèo Chúc và gia thuộc câu lưu; phải đem chúng ra pháp luật, không được che chở. Nếu nó còn bí mật đến, xưng danh hiệu giả, thì cái mà ngươi tự cho là trung nghĩa không còn nữa. Những sự việc này người hãy hồi tấu để thấy được lòng thành của ngươi. Nếu không ngay thẳng, vu khống, thì đạo trời làm phúc được thiện, họa đến cho kẻ ác; Vương hãy nên lo xét. Khâm thử!” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 135.
Ngày mồng 3 tháng Giêng nhuận, năm Hồng Đức thứ 19 [15/2/1488] (Minh Hiếu Tông Hoằng Trị năm thứ 1), Đào Cử được thăng Hàn lâm viện thị độc Đông các học sĩ Tu Thận thiếu doãn. Vì Đào Cử giữ chức ở nha môn có nhiều việc, đủ 3 kỳ khảo khóa đều xứng chức, không phạm lỗi, cho nên được thăng.
Về phía Chiêm Thành, Cổ Lai sau khi nhận sắc phong và trở về nước, bèn sai sứ đến triều Minh tiến cống:
“Ngày 3 tháng 2 năm Hoằng Trị thứ nhất [15/3/1488]. Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai sai bọn Bồi thần và cháu là Cáp Na Ba dâng biểu viết trên vàng lá, cùng đến triều cống sản vật địa phương. Ban yến cùng y phục lụa thải, đoạn, có sai biệt. Lại ra lệnh mang y phục lụa thải, đoạn, để ban cho Quốc vương và Vương phi như thường lệ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 138.
Lễ Khoa Đô Cấp sự trung Lý Mãnh Dương, sau khi sắc phong cho Cổ Lai, từ Quảng Đông trở về; bèn tâu về tình trạng quân Minh tại các địa phương bị bỏ phế, các quan sử dụng lính vào việc riêng, nên quân số thiếu. Lại cần đặc biệt lưu tâm đến Quỳnh Châu, tức Hải Nam, là nơi bị nhiều nước dòm ngó; xin đặt trọng binh tại đó:
“Ngày 6 tháng 3 năm Hoằng Trị thứ nhất [17/4/1488]. Lễ khoa Đô Cấp sự trung Lý Mãnh Dương tâu 5 điều:
“-Lưỡng Quảng biên thùy là đất quan trọng, nhưng việc quân bỏ phế, hàng ngũ thiếu quân, mà đất Quảng Châu nặng nề nhất; nhưng không phải Quảng Châu mà thôi, cả nước đều như vậy. Quân sĩ tại các vệ sở phải làm sai dịch trăm thứ, tướng sĩ không biết cách coi sóc, thường thường đổi tên, thay họ, trốn tránh vào chỗ khác. Trấn thủ, Thái giám, Tổng binh, Đô Ngự sử mỗi quan tuyển chọn quan quân để hầu hạ sai phái, đông đến hàng ngàn người, kẻ này kẻ kia không thể cấm chỉ; đến lúc lâm trận đối địch, bọn này đứng đằng sau, nhưng luận công thăng thưởng thì đứng trước. Nặng nề hơn, mỗi người lập bè đảng riêng, chuyển họa thành phúc, khiến cho việc quân nơi biên giới không phối hợp. Quan Đô Ngự sử coi xét đàn hạch, về chiến đấu không có sở trường, lỡ bị thất cơ cùng bị tội với Tổng binh, nên sợ tội ẩn dấu tình hình giặc
Xin ra lệnh cho các quan Trấn, Tuần chỉnh đốn việc quân , không để lười, lãng phí. Các Ngự sử thanh tra giám sát quân ngũ, mỗi năm thanh sát mỗi xứ; bao nhiêu quân lính đi công tác nơi khác phải tra cứu rõ ràng, các vệ sở thả lính để lấy tiền, bị trị tội nặng. Tại các trấn ngoại trừ Phó tham, Du kích, Kỳ binh, Du binh, đều được quan Tổng trấn thao luyện, điều động. Đô Ngự sử giao Đề đốc thao luyện, cấm đoán bọn gian. Các tướng quan bị thất cơ, đều bị đàn hạch.
-Quỳnh Châu ở phía nam biển lớn, trước kia đồn binh, đặt Phó sứ, nay bị cách bỏ. Xét đất này gần các Di Giao Chỉ, Chiêm Thành, Tiêm La, sợ nơi hải đảo ẩn trốn làm giặc, xin đặt quân để chuyên trách ….”
Mệnh các ty trách nhiệm họp bàn rồi tâu lên.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 138.
Ngày 16 tháng 8 [21/9/1488], định kiểu y phục để tiếp sứ nhà Minh. Các quan tiếp đón, hoặc bảo vệ mặc y phục riêng. Nhắm giữ quốc thể, y phục đều mới, màu tươi sáng:
“Các công, hầu, bá, phò mã và các quan văn võ phải may sẵn áo tơ sa Trữ La màu xanh, có cổ áo bằng lụa, dài cách đất 1 tấc, ống tay áo rộng 1 thước 2 tấc; còn quan hộ vệ thì dùng chế y, dài cách đất 9 tấc, tay hẹp như kiểu cũ. Tất cả đều phải dùng bổ tử đi hia, màu sắc phải tươi sáng, không được dùng thứ cũ, xấu để đợi tiếp sứ nhà Minh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 58a .
Triều đình lưu ý đến việc học của phủ mới Quảng Nam, đề bạt các con trai tuấn tú làm sinh đồ, tiếp tục việc học:
“Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 3 [6/11/1488], sai Lễ bộ dụ cho Tham chính Quảng Nam Phạm Bá Tông rằng: Quân dân thuộc Thừa chính ty Quảng Nam sinh con trai từ 15 tuổi trở lên mà tuấn tú, ham học thì đến ngày thi hương, hai ty Thừa, Hiến bản xứ cùng nhau lựa chọn, làm danh sách, cho sung làm sinh đồ của bản phủ, để được dạy bảo cho biết lễ nghĩa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 58b.
Nhân Vua Hiếu Tông lên ngôi; năm ngoái vào ngày 5 tháng 12 năm Thành Hóa 23 [19/12/1487] nhà Minh sai bọn Hàn lâm viện thị giảng Lưu Tiễn đến nước ta ban chiếu thư. Tháng 11 năm nay sứ bộ đến nước ta, tuyên đọc chiếu thư. Tháng Chạp, triều đình cử 4 sứ bộ sang triều Minh: Thứ nhất, mừng lên ngôi; thứ hai, tâu về Chiêm Thành và đất đai tại biên giới; thứ ba, tiến cống; thứ tư, tạ ơn ban cho vóc lụa:
“Tháng 11, ngày 20 [22/12/1488], nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện thị giảng Lưu Tiễn, phó sứ là Hình khoa cấp sự trung Lã Hiến sang báo việc lên ngôi và ban cho vóc lụa. Ngày 23, làm lễ mở đọc chiếu thư của nhà Minh ở điện Kính Thiên…
Tháng 12, ngày 11 [12/1/1489], sai sứ sang nhà Minh: Đàm Văn Lễ, Vương Khắc Thuật, Phạm Miễn Lân mừng lên ngôi. Hoàng Bá Dương tâu việc địa phương Chiêm Thành và địa phương Tuy Phụ. Tống Phúc Lâm tiến hương liệu. Hoàng Đức Lương tạ ơn ban cho vóc lụa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 59a.
Những sứ bộ này trải qua hơn một năm đi đường, đến năm Hoằng Trị thứ 3 mới đến kinh đô Bắc Kinh; được ban yến, thưởng các thứ lụa, cùng nhận quà tặng về cho Vua:
“Ngày 15 tháng 4 năm Hoằng Trị thứ 3 [4/5/1490]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Đàm Văn Lễ đến mừng. Ban yến cùng các vật như lụa thải, đoạn, có phân biệt. Cùng ban cho Quốc vương lụa thải, đoạn, gấm có hoa văn như lệ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 141.
Bấy giờ nghi lễ triều đình đặt ra một cách chi li, chuộng về hình thức, chưa chắc có ích gì cho phong hóa, như việc bưng chế cáo phải cao bằng đầu, bưng bản tâu cao ngang mặt:
“Ngày 13 tháng 12 [14/1/1489], sai Lễ bộ yết bản về nghi thức tôn kính vua: Các bậc công, hầu, bá, phò mã và các quan văn võ, từ nay trở đi, khi bưng chế cáo, sắc mệnh cùng ngự bảo và sắc chỉ vốn là những trọng khí, đều phải dùng hai tay bưng ngang, đưa lên cao bằng đầu, khi bưng bản tâu, thiếp tâu thì đều bưng cao ngang mặt.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 59a.
Tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 20 [1/2-1/3/1489] (Minh Hoằng Trị năm thứ 2), định lệ đề cử và bảo lãnh các quan Lang trung, Viên ngoại, thuộc bộ Hình:
“Ra sắc chỉ rằng:
‘Việc hình ngục quan hệ không nhỏ, quan xét xử phải chọn cẩn thận. Từ nay, chức Lang trung, Viên ngoại ở Hình bộ có khuyết viên nào, thì Lại bộ làm bản tâu lên, trong kinh thì đường quan Lục bộ, Ngự sử đài và Lục tự khanh; bên ngoài thì các quan hai ty Thừa, Hiến, cùng nhau bảo cử người mình quen biết. Kẻ được bảo cử gồm các quan phụ trách các nha môn đã trải qua hai lần khảo khoá trở lên, là người liêm khiết, từng trải, am hiểu hình danh. Lục bộ làm 1 bản, khai ghi họ tên của người được bảo cử cho rõ ràng, làm bản tâu lên, nếu được chỉ chuẩn y thì giao cho Lại bộ thuyên bổ. Người nào dám vì tình riêng hay tiền bạc mà bảo cử không đúng, thì Lục khoa và Giám sát Ngự sử điều tra sự thực, tâu hặc lên sẽ theo đúng luật trị tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 59b.
Tháng 7, nhiều nơi xảy ra lụt lội; lệnh các Chỉ huy hiệu uý phối hợp với ty Thừa tuyên, tìm cách khơi thông sông rạch, nhắm giảm thế nước dâng cao.
Bấy giờ tại Vân Nam vẫn theo thói quen từ thời viên Hoạn quan Tiền Năng làm Trấn thủ, nhận công văn của nước ta gửi sang. Vì không tuân theo thông lệ, chuyển qua đường Quảng Tây; nên bị Ngự sử Lưu Hồng đàn hặc:
“Ngày 19 tháng 7 năm Hoằng Trị thứ 2 [15/8/1489]. Tuần Án Vân Nam Giám sát Ngự sử Lưu Hồng tấu rằng:
“Mới đây công văn từ An Nam phần lớn đệ tống qua Lâm An[2] như là con đường chính thức; những nhân viên tuần phòng tự tiện tiếp nạp không khác gì trạm dịch, sự phòng bị hết sức lơ là.”
Bộ Binh tâu tiếp hặc tội Đô Chỉ huy Đồng tri Lục Khanh phụ trách phòng bị, Binh bị Phó sứ Tạ Bỉnh Trung không dạy bảo thuộc viên, sai thất trong việc phòng thủ. Mệnh bắt bọn Khanh hỏi tội, cùng mệnh từ nay trở đi công văn từ An Nam bắt mang đến theo đường cũ Quảng Tây, biên giới Vân Nam không được tiếp nhận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 139.
Về phía Chiêm Thành, Quốc vương Cổ Lai sai em là Bốc Cổ Lang tới Lưỡng Quảng trình báo rằng nước Đại Việt vẫn còn xâm lấn đất đai; xin mang quân sang đánh như dưới thời Vĩnh Lạc. Nhưng triều Minh lấy cớ từ chối, không can thiệp sâu thêm nữa:
“Ngày 13 tháng 10 năm Hoằng Trị thứ 2 [5/11/1489]. Quốc vương Chiêm Thành trở về nước, lại sai em là bọn Bốc Cổ Lang thông báo cho quan Đại thần coi giữ Lưỡng Quảng rằng:
“An Nam vẫn còn chiếm cứ, không có chổ để ở. Xin như thời Vĩnh Lạc [1403-1424], mang binh che chở.”
Trấn thủ Thái giám Vi Tái, Tuần phủ Đô Ngự sử Tần Huyền hợp tấu thỉnh ý. Sự việc đem xuống bàn, bộ Binh tâu tiếp như sau:
“An Nam và Chiêm Thành vị trí nơi bờ biển hoang tịch, đời đời triều cống, tổ tiên có di huấn là những nước không nên chinh phạt. Mới đây, Cổ Lai mang gia quyến đến Quảng Ðông; triều đình đã giáng sắc cho An Nam lệnh xem xét xót thương, nhưng đến nay chưa nhận được lời tâu trở lại. Còn việc thời Vĩnh Lạc sai tướng mang quân đi chinh phạt là do Lê Quí Ly thoán đoạt giết vua, không phải là do sự xâm lấn nước láng giềng. Mới đây Lê Hạo lo việc triều cống rất cẩn trọng, nhưng Cổ Lai tố cáo nặng nề; như vậy cũng có phần quá đáng. Nếu chỉ căn cứ lời một bên, rồi mang binh mạo hiểm vượt biển để đánh kẻ không đáng đánh, thì sai với đạo mềm dẽo với nước xa xôi.”
Bèn lệnh quan Trấn thủ báo lại cho Cổ Lai rằng:
“Trước đây Quốc vương đến tố cáo với triều đình, đã mệnh quan Đại thần giúp đỡ săn sóc đầy đủ. Bây giờ hộ tống người của Vương trở về xong. Sự tình được biết người Giao giết con của Vương là Cổ Tô Ma, Vương mang binh đánh bại chúng, sự rửa thù đã xong; sau đó không thấy An Nam mang quân đến đánh nước của Vương. Đất của Vương trước kia mất nay đã lấy lại được; bộ lạc của Vương đã tan nay đã tụ lại được; đó là nhờ uy của Thiên triều mới được như vậy. Nay lại kêu An Nam muốn chiếm đoạt đất trước kia; An Nam vốn xưng là nước biết lễ nghĩa; há lại hôn ám chuốc lấy sự sai trái. Nay viên quan phòng thủ nước ta trình lời của Vương lên triều đình, mà lời hồi tấu của An Nam thì chưa đến, sự kiện chưa rõ ràng minh bạch; lại e Vương oán xưa chưa bỏ được, nói quá sự thực; ta không thể chỉ nghe riêng một bên mà quyết định.
Khi lời tâu của An Nam đến, ta sẽ xem xét, rồi báo cho ngươi hay. Vương hãy tự tín, điều hành quản trị, an ủi nhân dân và bảo vệ đất đai. Vương cũng nên tìm cách nối lại bang giao tốt với An Nam, quên hết đi những sự nghi ngờ. Từ xưa đến nay, không có một nguyên tắc nào cho nhà cai trị không tự tin ở mình, lại cầu xin triều đình mang quân đi đến từ miền xa xôi để bảo vệ họ.”
Sắc dụ của Thiên tử sẽ giao cho Bốc Cổ Lang, y cũng được thưởng quà, rồi mang về nước.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 140.
Ngày 19 tháng 10 [11/11/1489], triều đình nước ta sai bọn bồi thần Nguyễn Khắc Cung, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Hán Đình sang nhà Minh cống theo năm.
Năm Hồng Đức thứ 21 [1490] (Minh Hoằng Trị năm thứ 3). Lúc ấy đại hạn đã lâu, các phủ huyện thuộc phía đông kinh thành không thể cày cấy được, nhân dân phần nhiều bị chết đói. Triều đình phải sai quan xuống các phủ huyện phát thóc công cho dân vay:
“Tháng 2 [19/2-20/3/1490], sai Hàn lâm viện, Khoa, Đài, Cẩm y vệ hiệu uý đi các phủ, huyện phát thóc công cho dân nghèo vay ăn, vì các phủ huyện Kinh Môn [Hải Dương, Hải Phòng] cày cấy không được, dân nhiều người chết đói…
Ngày 19 tháng 4 [8/5/1490], ban lệnh đại xá 45 điều, vì năm này gạo kém, 1 tiền chỉ đong được 2 thưng[3] gạo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 62b.
Tháng 3 mở kỳ thi hội, lấy trúng cách 54 người. Tháng 4 vào thi đình xếp hạng chọn 3 Tiến sĩ cập đệ. 19 Tiến sĩ xuất thân, và 32 Đồng tiến sĩ xuất thân. Tháng 5, làm lễ xướng danh, ban y phục, yến tiệc. Tháng 8, cho dựng bia Tiến sĩ khoa này:
“Tháng 3 [21/3-19/4/1490], thi hội các cử nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Xao 54 người (Xao người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, thi đình đỗ đồng tiến sĩ xuất thân)…
Tháng 4 [20/4-18/5/1490] thi điện, Vua thân hành ra đề văn sách. Sai Binh bộ thượng thư Định Công bá Trịnh Công Đán và Hình bộ thượng thư Lê Năng Nhượng làm đề điệu; Ngự sử đài phó đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm làm giám thí; Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung và Lại bộ thượng thư Nguyễn Bá Ký làm độc quyển. Vua xem bài thi, xếp thứ bậc cao thấp. Cho chọn Vũ Duệ, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Lê Tuấn Mậu 19 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Đình Quát 32 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Ngày 18 tháng 5 [5/6/1490], vua ngự điện Kính Thiên, truyền loa xướng danh các tiến sĩ là bọn Vũ Duệ. Các quan mặc triều phục chúc mừng. Lễ bộ đem bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa. Ngày 19 [6/6/1490], ban ngũ đại y phục. Ngày 20 [7/6/1490], ban yến.
Tháng 8 ngày 15 [30/8/1490], dựng bia đề tên các tiến sĩ khoa Canh Tuất năm Hồng Đức thứ 21.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 63b.
Tháng 4, chia trong nước làm 13 xứ thừa tuyên và phủ Trung Đô. Phủ Trung Đô tại kinh thành, trực thuộc thẳng vào triều đình. Trong nước có 6.851 xã, mỗi xã 500 hộ; xã nào thừa ra trên 100 hộ, được lập xã mới:
“Trước đây định bản đồ, chia trong nước làm 12 đạo thừa tuyên. Đến nay nhà vua đem đất cũ Chiêm Thành đặt ba ty Đô, Thừa và Hiến ở Quảng Nam, định số hộ khẩu và cương vực mới tăng chia làm 13 xứ là: Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang, Thuận Hóa, Quảng Nam và Trung đô phủ.[4] Trong 13 xứ có: 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6.851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường. Ở Nghệ An, Thuận Hóa, An Bang, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Quảng Nam đều đặt sở Thủ ngữ kinh lược sứ. Nhà vua ra sắc lệnh định thể lệ chia xã: Phàm xã nào tính đủ 500 hộ rồi, mà ngoài ra lại còn thừa đến 100 hộ trở lên, thì do viên quan sở tại trích từng xã một tâu bày, để chia tách ra làm xã khác, cho bản đồ được rộng thêm.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 24.
Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai lại sai người em đến cống, vẫn tố cáo nước Đại Việt chiếm đất, gây nhiều khó khăn. Triều Minh ban yến ủy lạo, lại gửi gấm lụa biếu Quốc vương:
“Ngày 21 tháng 5 năm Hoằng Trị thứ 3 [8/6/1490]. Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai sai người em là Bốc Cổ Lang cống sản vật địa phương, cùng tâu Quốc vương An Nam xâm chiếm đất đai, cho người chặn lấy những đồ vật như lụa nõn trong ngoài do triều đình ban cho, xin đưa quân đến cứu giúp. Mệnh đưa xuống các ty có trách nhiệm hay biết.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 141.
“Ngày 10 tháng 6 năm Hoằng Trị thứ 3 [27/6/1490]. Ban cho Cống sứ Chiêm Thành yến, cùng áo dệt kim, lụa thải, đoạn, quyên, vải bố có sai biệt. Còn ban cho Quốc vương, gấm hoa văn, lụa thải, đoạn theo như lệ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 142.
Triều đình nhà Minh nhiều lần nghe lời Sứ thần Chiêm Thành tố cáo nước ta xâm lăng, lại kèm theo việc tranh chấp tại vùng biên thùy Vân Nam. Bèn triệu Sứ thần Hoàng Bá Dương đến đem lời đe dọa rằng nếu tình hình không cải tiến, thì sẽ có một ngày triều đình nổi giận, mang quân đến chinh phạt như dưới thời Vĩnh Lạc [1403-1424]:
“Ngày 25 tháng 5 năm Hoằng Trị thứ 3 [12/6/1490]. Trước đây có sắc trách Quốc vương An Nam Lê Hạo xâm bức Chiêm Thành, cùng tranh chấp người Di tại châu Kiến Thủy,[5] Vân Nam. Nay Hạo sai sứ dâng tấu chương biện bạch rằng sự việc tại Chiêm Thành là do Thổ tù tranh dành cát cứ; Vân Nam vốn là nơi các Thổ tù đã cư trú, không dám vượt biên giới sinh sự.
Chiêm Thành lại sai sứ tâu An Nam vẫn muốn thôn tính nước này, mong Thiên triều mang binh che chở. Lúc bấy giờ Bồi thần Hoàng Bá Dương còn tại sứ quán, mệnh quan bộ Binh đòi tới bộ Lễ, rồi dụ rằng:
“Hãy về báo với Quốc vương ngươi đừng nói nhiều lời, mỗi bên lo giữ gìn cương thổ để hưởng thái bình; nếu không vậy thì một ngày nào đó triều đình nổi giận, quân Thiên tử đến biên cảnh như dưới thời Vĩnh Lạc [1403-1424] thì không còn hối hận được nữa.”
Sứ giả sợ hãi rút lui.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 142.
Tháng 11, nhà Vua răn ngừa một cuộc tấn công vào kinh thành như loạn Nghi Dân triều trước; nên cho sửa đắp thành qui mô và nới rộng ra:
“Tháng 11, đắp rộng thêm Phụng thành, dựa theo quy mô thời Lý, Trần. Vua cảnh giác về việc Nhân Tông bị hại, nên lấy lính đắp thành đó. Đồng thời phía ngoài trường đấu võ, mở rộng đến 8 dặm, sau 8 năm thì đắp xong. Bèn dựng điện Danh Bảo, lập lại vườn Thượng Lâm, trong vườn có hươu và các thú khác.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 65a.
Tháng 8 năm Hồng Đức thứ 22 [1491] (Minh Hoằng Trị năm thứ 4); mưa dâng đến 4 thước nước, Vua cho điều quân đi tháo nước úng; nhưng rồi năm đó được mùa lớn:
“Mùa thu, tháng 8, ngày 28,29 [1-2/10/1491], mưa to suốt cả ngày lẫn đêm không ngớt, đổ tường điện Kính Thiên, nước dâng lên 4 thước. Ngày 29, sai các Chỉ huy, Hiệu uý, Bách hộ của vệ Cẩm y và Kim ngô tới các xứ thừa tuyên gần, khơi tháo nước úng làm hại lúa mạ.”
“Mùa đông, tháng 10 [2/11-30/11/1491], thóc lúa được mùa lớn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 65b.
Ngày 18 tháng 10 [19/11/1491], cho xây đình Quảng Văn ở ngoài cửa Đại Hưng, phía nam kinh thành, để công bố pháp lệnh trị dân:
“Ngày 18, đặt Thần vũ hậu vệ. Vua sai thợ làm cái đình ở ngoài cửa Đại Hưng để làm nơi treo các pháp lệnh trị dân. Làm xong, ban tên là ” Quảng Văn đình“ [Đình giúp truyền bá rộng rãi] . Đình này ở trong Long thành, phía trước Phụng Lâu, có ngòi Ngân Câu chảy quanh hai bên tả hữu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 67a.
—————————-
[1] Theo Toàn Thư, châu Ninh Viễn tức Mường Lễ, sau hàng vua Lê Thái Tổ được đổi là châu Phục Lễ; nay thuộc tỉnh Lai Châu.
[2] Lâm An: phủ trị Lâm An tại huyện Kiến Thủy, châu tự trị Hồng Hà tỉnh Vân Nam hiện nay.
[3] Thưng: Tức thăng, 1 thăng bằng 30 bát.
[4] Trung Đô phủ: Năm Quang Thuận thứ 10 [1469] đã đổi tên là phủ Phụng Thiên, quản lĩnh hai huyện: Thọ Xương và Quảng Đức. Vị trí phủ này ở liền kinh thành Thăng Long, nên lệ thuộc thẳng với kinh sư, không lệ thuộc vào một xứ nào trong 13 ty thừa tuyên.
[5] Kiến Thủy: hiện nay huyện Kiến Thủy thuộc châu tự trị Hồng Hà, tỉnh Vân Nam; gần tỉnh Lào Cai, Việt Nam.