Thế giới hôm nay: 15/12/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Trong một động thái bất ngờ, EU đã đồng ý mở đàm phán quy chế thành viên cho Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban vốn đe dọa phủ quyết nhưng được cho là đã rời khỏi phòng họp khi nó được đưa ra bỏ phiếu bởi 27 người đứng đầu chính phủ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi quyết định này là một “chiến thắng cho Ukraine.” EU cũng đồng ý mở đàm phán gia nhập cho Moldova và cấp tư cách ứng cử viên cho Gruzia.

Ngân hàng AnhNgân hàng Trung ương châu Âu giữ nguyên lãi suất ở mức lần lượt là 5,25% và 4%. Cả hai ngân hàng đều không cho rằng lãi suất sẽ được cắt giảm trong tương lai gần. Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25-5,5%, song phát đi tín hiệu sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm tới.

Bộ trưởng quốc phòng Israel Yoav Gallant nói với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ rằng sẽ mất “vài tháng” để đánh bại Hamas ở Gaza. Jake Sullivan, người đã đến Israel hôm thứ Năm, cũng đã gặp thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel thông báo đã bắt giữ 70 chiến binh Hamas tại một bệnh viện ở phía bắc Gaza sau nhiều ngày đụng độ.

Vladimir Putin thể hiện phong thái lạc quan trong cuộc họp báo và nhận điện thoại từ công dân được trực tiếp trên truyền hình. Tổng thống Nga gợi ý cuộc chiến ở Ukraine sẽ chỉ kết thúc khi nước ông đạt được “mục tiêu” – bao gồm cả việc “phi phát xít hóa” và “phi quân sự hóa” nước láng giềng. Ông Putin cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng phương Tây sẽ ngừng gửi vật tư quân sự mà ông mô tả là “quà tặng miễn phí” tới Ukraine.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu đã chậm lại “đáng kể.” Cơ quan này viện dẫn các lý do bao gồm lãi suất cao hơn và hoạt động kinh tế trì trệ ở các khu vực như châu Âu và Trung Đông. IEA cũng cho biết OPEC+ hiện chỉ kiểm soát 51% sản lượng dầu toàn cầu, một phần do sản lượng ngày càng tăng của Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã sa thải 4 bộ trưởng nội các trong nỗ lực cứu chính phủ của ông khỏi một vụ bê bối tài chính. Các nhà chức trách đang điều tra cáo buộc cho rằng Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã không báo cáo khoản tài trợ khoảng 500 triệu Yên (3,5 triệu USD). Một cuộc thăm dò hôm thứ Năm cho thấy sự ủng hộ dành cho ông Kishida đang sụt giảm, với chỉ 17% số người được hỏi nói họ ủng hộ chính phủ của ông.

Con số trong ngày: 26%, là phần trăm GDP của gói kích thích tài khoá do Mỹ ban hành trong đại dịch.

TIÊU ĐIỂM

Lạm phát ở Nga tăng

Khi lạm phát trên toàn thế giới giảm thì ở Nga nó lại tăng lên. Trong tháng 11, giá cả ở Nga đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 6,7% của tháng trước. Trước tình hình đó, tại cuộc họp chính sách tiền tệ hôm thứ Sáu, ngân hàng trung ương Nga có thể sẽ tăng lãi suất thêm một điểm phần trăm, sau khi đã tăng hai điểm phần trăm.

Nguyên nhân lạm phát đơn giản là do chính sách tài khóa. Vladimir Putin đang tăng mạnh chi tiêu quốc phòng khi ông tìm cách giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine. Và với cuộc bầu cử vào năm sau, chính phủ cũng đang tăng cường chi trả phúc lợi. Cộng với tình trạng nguồn cung giảm, đặc biệt là lao động, áp lực lên lạm phát lại càng lớn. Với rất nhiều lựa chọn khác, người lao động đang yêu cầu tăng lương, khiến cho tiền lương danh nghĩa tăng tới khoảng 15% một năm. Ngân hàng trung ương muốn ông Putin giảm bớt kích thích tài khoá, nhưng ông khó mà nghe theo.

Liệu Trung Quốc có vượt qua nguy cơ suy thoái kinh tế?

Sau đợt phong tỏa vào năm 2022, kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng vào những tháng đầu năm 2023, nhưng rồi đi vào suy thoái trong mùa hè. Phản ứng mạnh mẽ hơn từ các nhà hoạch định chính sách, bao gồm cả việc đẩy mạnh nới lỏng tài khóa, đã giúp vực dậy tăng trưởng vào mùa thu. Nhưng Ting Lu đến từ ngân hàng Nomura lo lắng rằng đà phục hồi non trẻ này đã mất động lực. Nhập khẩu và lạm phát yếu đi đáng kể trong tháng 11. Và dù số liệu công bố vào thứ Sáu có thể cho thấy tăng trưởng đáng kể về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp, đó là vì cùng kỳ năm trước (tháng 11 năm 2022) rơi vào giai đoạn đỉnh điểm của phong toả.

Sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc ám chỉ họ sẽ đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ trước khi giải quyết các vấn đề còn tồn tại, như nợ chính quyền địa phương. Chính phủ đã tung ra một số kích thích. Nếu GDP giảm lần thứ ba liên tiếp, họ sẽ phải nỗ lực gấp đôi.

Kyrgyzstan có quốc hội mới

Vào thứ Sáu, khoảng 700 đại biểu sẽ tề tựu về Bishkek, thủ đô của Kyrgyzstan, để tham dự phiên họp chính thức đầu tiên của “Kurultai Nhân dân.” Lấy tên từ một hội đồng truyền thống gồm các thủ lĩnh và các hãn, kurultai sẽ có những yếu tố của một hội đồng bình dân kiểu cũ. Nhưng thay vì tự tổ chức, mô hình này do chính phủ triệu tập.

Thành lập kurultai từ lâu đã là mục tiêu của tổng thống Kyrgyzstan, Sadyr Japarov, người lên nắm quyền sau các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm 2020. Ngay sau đó, ông hứa sẽ cung cấp một phương tiện để “nhân dân kiểm soát chính quyền”.

Nhưng các đối thủ của ông tỏ ra hoài nghi. Quá trình lựa chọn đại biểu không rõ ràng, và không rõ chính xác quốc hội mới sẽ nắm giữ quyền lực gì. Những người phản đối lo ngại diễn đàn này có thể được sử dụng để tạo ra lớp vỏ ngoài hợp pháp dân chủ cho một chính quyền ngày càng tập quyền và phi tự do. Ông Japarov gần đây đã thắt chặt kiểm soát bất đồng chính kiến, kể cả truyền thông địa phương. Trong bối cảnh đó, khó mà nghĩ ông sẽ cho phép Kurultai được tự do.

Báo chí Mỹ thiên vị đảng Dân chủ

Tờ New York Times (NYT) có vị thế tốt để thiết lập một khuôn khổ tranh luận chung ở Mỹ. Nhưng cũng như hầu hết các phương tiện truyền thông chính thống ở xứ cờ hoa, nó đang bị ảnh hưởng bởi thành kiến phi tự do. Trong một bài tiểu luận, James Bennet, người phụ trách chuyên mục về chính trị Mỹ của tờ The Economist, đồng thời là cựu biên tập viên chuyên mục góc nhìn của NYT, lập luận rằng cam kết của NYT về việc theo đuổi tin tức “không sợ hãi hay thiên vị” không còn nữa. Chính Bennet đã bị yêu cầu từ chức ở NYT vào năm 2020, sau khi chuyên mục góc nhìn do ông phụ trách cho đăng bài xã luận của Tom Cotton, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, gây ra tranh cãi trong nội bộ phòng tin tức của NYT.

Tuần này The Economist xem xét tình hình của giới truyền thông Mỹ. Đội ngũ của Economist phân tích dữ liệu của hơn 600.000 bài báo và cho thấy, ngôn ngữ của các phương tiện truyền thông chính thống có xu hướng sử dụng các thuật ngữ và chủ đề ưa thích của đảng Dân chủ. Điều đó có thể làm giảm uy tín của truyền thông đối với những người bảo thủ — và khiến việc hàn gắn những rạn nứt trong chính trị Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới càng trở nên khó khăn hơn.