Nguồn: Soviet dissident Andrei Sakharov released from internal exile, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1986, lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã quyết định trả tự do cho Andrei Sakharov và vợ ông, Elena Bonner, khỏi cảnh lưu đày trong nước ở Gorky, một thành phố lớn trên Sông Volga mà khi đó đang bị đóng cửa đối với người nước ngoài. Động thái này được ca ngợi là bằng chứng cho thấy cam kết của Gorbachev nhằm giảm bớt đàn áp chính trị nội bộ ở Liên Xô.
Sakharov từ lâu đã là người chỉ trích các chính sách của chính phủ ở Nga. Ông bị kết án lưu đày vào năm 1980, sau khi lên tiếng tố cáo việc Liên Xô xâm lược Afghanistan. Qua nhiều năm, Sakharov nổi lên như một biểu tượng của những người bất đồng chính kiến ở Liên Xô, và đã trở thành anh hùng đối với nhiều người ở phương Tây. Gorbachev, người cam kết nới lỏng các hạn chế chính trị của Liên Xô, đã nhận ra rằng việc thả Sakharov và vợ ông sẽ giúp hợp pháp hóa chương trình “glasnost” của Gorbachev, nhằm minh bạch và công khai hóa chính trị. Về phần mình, Sakharov rất vui trước những nỗ lực của Gorbachev nhằm giảm bớt sự cai trị khắc nghiệt của chính quyền cộng sản ở Nga, thậm chí còn lên đường tới Mỹ để yêu cầu người dân Mỹ hỗ trợ Liên Xô trong thời kỳ cải cách.
Tuy nhiên, như Gorbachev đã sớm phát hiện ra, Sakharov không phải là một con rối dễ bảo. Khi cựu tù nhân chính trị trở thành thành viên Đại hội Đại biểu Nhân dân năm 1989, ông tiếp tục ủng hộ các kế hoạch cải cách của Gorbachev, nhưng cũng chỉ trích gay gắt tốc độ thay đổi chậm chạp. Vào tháng 12/1989, trong lúc Sakharov có bài phát biểu yêu cầu một hệ thống chính trị đa đảng mới cho Nga, Gorbachev đã vội vàng cắt ngang lời ông. Cuối ngày hôm đó, Sakharov qua đời vì một cơn đau tim.