Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China’s spy agency now watches for doomsayers,” Nikkei Asia, 21/12/2023.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Với quyền kiểm soát ‘an ninh kinh tế’ ngày càng tăng, Bộ An ninh Quốc gia đang tỏ ý sẽ mạnh tay đàn áp các ý kiến tiêu cực.
Hồi đầu tháng này, ban lãnh đạo Trung Quốc đã tổ chức hội nghị thường niên để đề ra các chính sách kinh tế cho năm tới, nhưng cơ quan tình báo của đất nước lại là cơ quan đầu tiên báo cáo chi tiết về những gì đã được quyết định trong cuộc họp.
Điều kỳ lạ thứ hai là một câu trong tuyên bố được Bộ An ninh Quốc gia đăng trên mạng xã hội WeChat. Nó ám chỉ một cuộc trấn áp những ý kiến tiêu cực liên quan đến nền kinh tế Trung Quốc.
“Đang nổi lên nhiều dự đoán sáo rỗng bôi nhọ nền kinh tế Trung Quốc,” câu này xuất hiện trong một phần đề cập đến việc tăng cường kiểm soát các hành vi bất hợp pháp liên quan đến an ninh kinh tế. Nó cũng nói thêm, “Những lý thuyết sai lầm về ‘sự suy thoái của Trung Quốc’ đang được lan truyền nhằm tấn công hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc sắc của Trung Quốc.”
Điều đáng chú ý ở đây là: nhiều khả năng sẽ xuất hiện một sự chuyển đổi cơ cấu trong hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc. Các dấu hiện đã xuất hiện từ mùa hè, khi Bộ An ninh Quốc gia tạo tài khoản chính thức trên nền tảng WeChat.
Bài đăng đầu tiên của tài khoản này, vào ngày 1/8, có dòng tiêu đề khiến người ta phải rùng mình “Chúng ta cần huy động toàn bộ xã hội Trung Quốc để trấn áp và ngăn chặn hoạt động gián điệp.”
Thật ngạc nhiên khi cơ quan tình báo lại có những tuyên bố công khai đến vậy trên WeChat. Tuy nhiên, ngăn chặn gián điệp và tiến hành các hoạt động phản gián vẫn là vai trò chính của cơ quan này.
Bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc thì lại không phải vai trò chính của họ. Tuy nhiên, bài đăng gần đây sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 12 tháng 12, và các bài đăng tương tự sau một cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng khác vào cuối tháng 10 cho thấy Bộ này đang mở rộng phạm vi hoạt động của mình.
Một nguồn tin Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế cho biết “Thật kỳ lạ là các chính sách kinh tế của Trung Quốc trong năm tới, những chính sách vừa được thông qua, lại do Bộ An ninh Quốc gia giải thích.”
Bài đăng gần đây ẩn ý về một cuộc đàn áp có thể xảy ra đã cho thấy rằng ngay cả những người giải thích tình hình kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc bằng cách sử dụng các sự kiện và số liệu khách quan cũng có thể rơi vào tầm ngắm. Trong trường hợp xấu nhất, họ có nguy cơ bị bắt giữ nếu “nói quá nhiều.”
Các bài đăng trên mạng xã hội của cơ quan tình báo này xuất hiện vào thời điểm các ý kiến nổi bật trên mạng Internet Trung Quốc dường như đều bác bỏ quan điểm chính thức được công bố rộng rãi của chính phủ, rằng nền kinh tế đang “phục hồi.”
Các chuyên gia kinh tế đang cố gắng giải thích tình hình nghiêm trọng của đất nước, nói rằng các công ty nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc, các công ty tư nhân đang mất động lực, và niềm tin của người tiêu dùng đang suy giảm. Lời giải thích của họ đi kèm với số liệu thống kê về dòng vốn đầu tư, nguồn cung tiền, và các chỉ số khác.
Nhiều bài giải thích trong số này không trực tiếp đề cập đến quan điểm của Chính phủ Trung Quốc rằng tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ đạt mục tiêu chính thức là 5%. Đây là một điểm quan trọng, vì nó cho thấy các nhà phân tích đang cố gắng không vi phạm sự kiểm duyệt chặt chẽ của Trung Quốc đối với quyền tự do ngôn luận.
Sự bức xúc của chính quyền đã được thể hiện rõ ràng trong động thái mới nhất của cơ quan an ninh quốc gia. Bộ An ninh Quốc gia hiện đang đề cập đến các chủ đề kinh tế, bất chấp vai trò chính của nó là phản gián.
Bộ này cho rằng những lời giải thích quá thực tế về tình hình kinh tế khó khăn– hay nói cách khác là lặp lại lý thuyết sai lầm do các thế lực nước ngoài đề xuất, rằng Trung Quốc đang suy thoái kinh tế – sẽ đe dọa an ninh quốc gia. Vì thế, họ báo hiệu rằng những người thể hiện quan điểm tiêu cực trong các phân tích kinh tế của mình có thể bị trừng phạt.
Tình trạng này đã được báo trước từ 10 năm trước, trong Hội nghị Trung ương 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hội nghị được tổ chức vào tháng 11/2013, đúng một năm sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo đảng, và nhằm đặt ra định hướng cơ bản cho các chính sách kinh tế của Trung Quốc trong nhiệm kỳ của ông.
Nhưng những gì được công bố ngay sau hội nghị đó, trên các bản tin của các phương tiện truyền thông nhà nước, lại là quyết định về việc thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia. Thoạt nhìn, quyết định này dường như không liên quan gì đến định hướng chính sách kinh tế của chính quyền Tập, khi đó đang là tâm điểm chú ý, nên nó đã khiến nhiều người ngạc nhiên.
Nhưng việc Tập Cận Bình tập trung vào an ninh quốc gia là điều sẽ ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của ông trong thập niên tới.
Dường như ông đã bày tỏ suy nghĩ của mình ngay sau quyết định này, khi nói rằng việc thành lập ủy ban là “ưu tiên hàng đầu” và theo đó giúp củng cố “lãnh đạo tập trung” về an ninh quốc gia.
Ông coi ủy ban là một tổ chức thiết yếu nhằm hiện thực hóa một chế độ lâu dài.
Hầu hết các nhà quan sát, bao gồm đa số đảng viên, đã không thể hiểu được điều gì đứng đằng sau quyết định này và tầm quan trọng mà Tập đặt vào đó. Đa số mọi người cho rằng ủy ban sẽ có thẩm quyền hạn chế và nó chỉ đơn giản là một tổ chức nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức hành chính hiện có.
Vào thời điểm đó, một số nhà quan sát tin rằng ủy ban sẽ được gắn với Quốc vụ viện, tức chính phủ trung ương của Trung Quốc. Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, và Bộ Quốc phòng nằm trong số các cơ quan tạo nên Quốc vụ viện.
Hy vọng đã tan vỡ khi tên đầy đủ của ủy ban được công bố: Ủy ban An ninh Quốc gia trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây chính là tuyên bố rằng ủy ban sẽ nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương đảng, do Tập đứng đầu.
Tập sẽ trở thành người đứng đầu ủy ban. Trong khi đó, Thái Kỳ, một phụ tá thân cận của Tập, được bổ nhiệm làm quan chức hàng đầu trên thực tế, phụ trách công việc điều hành ủy ban.
Thái đã nhanh chóng thăng tiến trong đảng. Ông hiện là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia.
Ủy ban đã dần được củng cố trong 10 năm tiếp theo, và tương tự, các luật liên quan đến an ninh quốc gia cũng được củng cố. Luật chống gián điệp, luật an ninh quốc gia, luật chống khủng bố, và luật tình báo quốc gia đều đã được thông qua dưới thời chính quyền Tập.
Ban đầu, các chuyên gia giải thích rằng ủy ban được mô phỏng theo Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và sẽ giúp tăng cường phối hợp giữa các bộ phận khác nhau của bộ máy an ninh quốc gia Trung Quốc – cảnh sát và quân đội, cũng như các cơ quan tình báo và ngoại giao.
Nhưng với sự hỗ trợ của các luật nêu trên, thẩm quyền liên quan đến an ninh quốc gia của đất nước về cơ bản đã tập trung vào tay Tập. Cục phản gián của Bộ An ninh Quốc gia và chức năng kiểm soát trật tự công cộng của Bộ Công an cũng được tăng cường.
Tất cả các diễn biến đã dẫn đến những sự kiện như việc triển khai luật an ninh quốc gia Hong Kong vào năm 2020 và vụ bắt giữ một giám đốc điều hành công ty con tại Trung Quốc của Astellas Pharma, hãng dược phẩm lớn của Nhật Bản, vào đầu năm nay.
Các công ty tư nhân Trung Quốc và các công ty nước ngoài hoạt động tại nước này không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo sát những động thái của các tổ chức an ninh quốc gia đầy quyền lực, đặc biệt là việc Bộ An ninh Quốc gia ám chỉ các cuộc đàn áp có thể xảy ra. Giờ đây, việc tiến hành nghiên cứu kinh doanh và kinh tế có thể dẫn đến rủi ro pháp lý.
Nếu các phân tích kinh tế và quan điểm có phần tiêu cực về nền kinh tế bị đàn áp, các công ty hoạt động tại Trung Quốc sẽ cảm thấy bị đe dọa đến mức không thể hành động. Điều này sẽ gây bất lợi cho các tổ chức có nhiệm vụ là kiếm lợi nhuận, bởi chìa khóa để thành công là được tiếp nhận thông tin chính xác.
Một trí thức lớn tuổi của Trung Quốc than thở về tình hình hiện tại. “Trong vài thập niên qua, việc bảo vệ môi trường an ninh ổn định để duy trì vững chắc hệ thống ‘cải cách và mở cửa’ của Trung Quốc cũng như sự tăng trưởng của nền kinh tế là vai trò được giao cho Quân đội Giải phóng Nhân dân,” ông nói. Nhưng giờ đây, “vai trò của các tổ chức an ninh quốc gia đã chuyển thành trấn áp những bài phát biểu tiêu cực về tình hình Trung Quốc nhân danh an ninh kinh tế.”
Bầu không khí này hoàn toàn khác với thời điểm đầu thế kỷ, trong thời đại của hai người tiền nhiệm của Tập – Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Theo chính sách cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã tiến tới việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nơi hứa hẹn một vận may kinh tế cho họ. Sau khi được kết nạp vào tổ chức, nền kinh tế Trung Quốc đã có được động lực mạnh mẽ.
Vào thời điểm đó, ngay cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc có quan hệ với các tổ chức an ninh quốc gia cũng thường xuyên ra nước ngoài để tìm hiểu về hệ thống tài chính, kinh tế, cũng như phương pháp quản lý của các nước như Mỹ và Nhật Bản.
Trong các chuyến đi nước ngoài, các nhà nghiên cứu này đã tương tác và trao đổi quan điểm với các quan chức và chuyên gia nước ngoài. Nhưng sự thân mật đó hiện nay đã biến mất.
Giờ đây, khi các nhà nghiên cứu và quan chức cấp cao của Trung Quốc đi gặp người nước ngoài, họ phải trải qua một quy trình sàng lọc và giám sát nghiêm ngặt vì chính quyền lo sợ họ có thể làm rò rỉ thông tin.
Nếu những nhà nghiên cứu này, vốn đã cảm thấy bị ràng buộc, không còn có thể thoải mái chia sẻ kết quả nghiên cứu hoặc dự đoán kinh tế của họ, thì không cách nào họ có thể viết ra một “đơn thuốc” thực sự hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế đang ốm yếu của Trung Quốc.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.