31/12/1944: Hungary tuyên chiến với Đức

Nguồn: Hungary declares war on Germany, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1944, chính phủ lâm thời Hungary đã chính thức tuyên chiến với Đức, chấm dứt sự hợp tác – đôi khi tự nguyện, đôi khi bị ép buộc – của nước này với phe Trục.

Miklos Horthy, vị nhiếp chính chủ trương chống cộng và nhà độc tài trên thực tế của Hungary, người từng hy vọng giữ cho đất nước của mình không tham chiến, đã phải miễn cưỡng liên kết Hungary với Hitler vào tháng 11/1940. Dù về mặt ý thức hệ, Hungary không phải là một quốc gia phát xít, nhưng nền chính trị nước này vẫn có nhiều phần tử cánh hữu cực đoan, đồng thời cũng có lịch sử bài Do Thái.

Những lực lượng cực đoan này đã tìm thấy nhiều “lý tưởng” chung với chủ nghĩa Quốc xã và tin rằng tương lai nằm ở nước Đức. Vì vậy, dù Horthy không thực sự ngưỡng mộ cá nhân Hitler, ông cảm thấy cần phải xoa dịu các đảng có ảnh hưởng ở đất nước mình và bảo vệ Hungary khỏi sự thống trị của Liên Xô.

Khi quân Đức xâm chiếm Liên Xô, Hitler yêu cầu Hungary huy động quân đội của mình chống lại Liên Xô, nên vào ngày 29/6/1941, Hungary đã tuyên chiến với Liên Xô. Sang tháng 3/1942, Horthy quyết định thay thế Thủ tướng Lazlo Bardossy, (một kẻ thao túng chính trị ủng hộ việc mở rộng lãnh thổ của Đức, đồng thời quay lưng với các đồng minh cũ vì lợi ích cá nhân), bằng Miklos Kallay, người có cùng mục tiêu với Horthy, là giành lại sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây không phải Liên Xô. Kallay đã có thể thông báo với quân Đồng minh rằng đất nước ông sẵn sàng đổi phe một lần nữa nếu họ đến được biên giới Hungary và đề nghị bảo vệ Hungary khỏi sự chiếm đóng của Đức và/hoặc Liên Xô.

Tháng 01/1943, trong Trận Voronezh, toàn bộ Tập đoàn quân số 2 của Hungary đã bị Liên Xô tiêu diệt, khiến Hungary trở nên bất lực về mặt quân sự. Hitler, người biết được những liên lạc của Kallay với phương Tây, đã đưa ra tối hậu thư cho Horthy: Hoặc hợp tác hoàn toàn với chế độ Đức, hoặc phải chịu sự chiếm đóng của Đức. Horthy đã chọn hợp tác, đồng nghĩa với việc đàn áp các đảng chính trị thiên tả và bức hại người Do Thái ở Hungary, bao gồm cả những đợt trục xuất hàng loạt đến Auschwitz, vốn là điều mà Kallay đã chiến đấu để ngăn chặn. (Hơn 550.000 người Do Thái ở Hungary—trong tổng số 750.000 người—sẽ chết trong chiến tranh.)

Khi quân đội Liên Xô bắt đầu chiếm được nhiều lãnh thổ Hungary hơn, một Horthy tuyệt vọng đã ký hiệp định đình chiến với Moscow. Khi Horthy thông báo điều này trên đài phát thanh, ông đã bị quân Đức bắt cóc và buộc phải thoái vị. Ferenc Szalasi, lãnh đạo Đảng Mũi tên Chữ thập phát xít, được bổ nhiệm làm nguyên thủ quốc gia vào ngày 15/10/1944, dù ông ta chẳng khác gì một con rối của quân Đức. Chế độ khủng bố của ông, đặc biệt là trong việc đàn áp người Do Thái ở Hungary, sẽ trở nên khét tiếng trong lịch sử.

Quân đội Liên Xô cuối cùng đã giải phóng phần lớn Hungary khỏi sự chiếm đóng của Đức vào tháng 12/1944. Ngày 31/12, Quốc hội lâm thời, gồm những người Cộng sản trung thành với Liên Xô, đã chính thức tuyên chiến với Đức. Quốc hội này sẽ tiếp tục ký hiệp định đình chiến với tất cả các nước Đồng minh vào tháng 1/1945.

<\/div>","ppAdditionalControls":"