04/06/1944: Tàu ngầm U-505 của Đức bị Mỹ bắt giữ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The U-505, a submarine from Hitler’s deadly fleet, is captured, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1944, một trong những tàu ngầm chết người nhất của Adolf Hitler, U-505, đã bị bắt giữ khi nó đang trên đường trở về nước sau khi tuần tra Bờ biển Vàng của châu Phi. Con tàu này là tàu chiến địch đầu tiên bị Hải quân Mỹ bắt giữ trên biển cả kể từ Chiến tranh năm 1812.

Nếu có chiếc tàu ngầm nào thực sự mang theo vận xui, thì đó chính là U-505 của Đức.

Dù đã đánh chìm 8 tàu của quân Đồng minh ngay từ đầu cuộc chiến, nhưng chiếc U-boat của Đức đã bị hư hại nhiều lần khi đang tuần tra và còn bị hủy hoại thêm sau khi sĩ quan chỉ huy thứ hai của nó tự sát trên tàu.

U-505 đã bị tình báo Đồng minh theo dõi qua sóng vô tuyến. Nó được phát hiện trong một đợt quét sonar cách bờ biển Rio De Oro của châu Phi khoảng 240 km bởi một nhóm đặc nhiệm “thợ săn-sát thủ” do Đại tá Hải quân Mỹ Daniel V. Gallery chỉ huy. Các tàu dưới quyền chỉ huy của ông bao gồm USS Chatelain, USS Guadalcanal, USS Flaherty, USS Jenks, USS Pillsbury và USS Pope.

Sau khi những người Đức đầu hàng được vớt lên khỏi tàu ngầm U-boat (toàn bộ thủy thủ đoàn U-550 đều sống sót, chỉ trừ 1 người), Trung úy Albert L. David đã dẫn đầu một nhóm chín người đàn ông xuống cửa sập của U-505, tiến hành trục với tàu ngầm và tịch thu những cuốn sách và giấy tờ mật mã vô giá, sau này đã được lực lượng Đồng minh sử dụng để phá mã.

David đã được truy tặng Huân chương Danh dự vì những hành động của mình. 58 người Đức bị bắt và trở thành tù binh chiến tranh, được gửi đến trại tù binh ở Ruston, Louisiana, trong khi chiếc U-505 được đưa đến Bermuda, cách đó 2.500 hải lý.

Việc bắt giữ tàu ngầm tuyệt mật này không được công khai mãi cho đến khi Đức đầu hàng vào ngày 7/5/1945, và U-505 cuối cùng trở thành một vật trưng bày nhằm gây quỹ quân sự. Ngày 25/9/1954, chiếc tàu ngầm được xem là vật tưởng niệm chiến tranh, và vào năm 1989, nó được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia.