02/07/1944: Máy bay Mỹ ném bom Budapest

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: American bombers deluge Budapest, in more ways than one, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1944, như một phần trong chiến lược thả thủy lôi xuống sông Danube từ trên không của Anh và Mỹ, máy bay Mỹ cũng đã bắt đầu thả bom và truyền đơn xuống Budapest, vốn đang do Đức chiếm đóng.

Các nhà máy lọc dầu và kho dự trữ nhiên liệu của Hungary, vốn giữ vai trò quan trọng đối với cỗ máy chiến tranh của Đức, đã bị cuộc không kích của người Mỹ phá hủy. Không chỉ có bom đạn, các tờ rơi đe dọa “trừng phạt” những người chịu trách nhiệm đối với việc “trục xuất” người Hungary gốc Do Thái đến những  phòng hơi ngạt tại Auschwitz cũng được thả xuống Budapest. Chính phủ Mỹ muốn SS và Hitler biết họ đang bị theo dõi.

Đô đốc Miklas Horthy – người cai quản và về cơ bản là nhà độc tài của Hungary – là người kịch liệt chống cộng sản và lo sợ sự thống trị của Nga. Ông đã quyết định liên kết đất nước mình với Hitler, bất chấp thực tế ông không mấy ngưỡng mộ Hitler. Nhưng ông cũng yêu cầu việc trục xuất người Do Thái phải chấm dứt, đặc biệt là vì những lời thỉnh cầu đã bắt đầu đổ về từ khắp nơi trên thế giới, sau khi bốn tù nhân trốn thoát khỏi trại Auschwitz ra làm chứng về những hành động tàn bạo ở đó. Lo sợ Hungary nổi dậy, Hitler đồng ý ngừng việc trục xuất vào ngày 08/07. Về sau, Horthy cố gắng rút hoàn toàn khỏi cuộc chiến – nhưng không may bị các điệp viên của Hitler bắt cóc và bị buộc phải thoái vị.

Một ngày sau khi lệnh ngừng trục xuất chính thức có hiệu lực, một doanh nhân người Thụy Điển, Raoul Wallenberg – người đã thuyết phục Bộ Ngoại giao Thụy Điển phái mình đến thủ đô Hungary bằng hộ chiếu ngoại giao – đã đến Budapest với 630 visa dành cho người Hungary gốc Do Thái, chuẩn bị đưa họ đến Thụy Điển để cứu họ khỏi bị trục xuất.