Phản ứng của các nước Đông Nam Á trước xung đột Israel-Hamas

Nguồn: Joseph Rachman, “Gaza Is a Burning Topic for Southeast Asia’s Domestic Politics,” Foreign Policy, 29/12/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Một cuộc chiến xa xôi lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến một khu vực thường bị chia rẽ bởi tôn giáo.

Tại Indonesia, một ứng viên tổng thống và bộ trưởng ngoại giao đã phát biểu về cuộc chiến ở Gaza trước hàng trăm nghìn người biểu tình. Tại Malaysia, thủ tướng, đội khăn keffiyeh của người Palestine, đã dẫn đầu cuộc biểu tình của riêng mình, mô tả tình hình Gaza là “điên rồ” và “đỉnh cao của sự man rợ.” Còn tại Singapore, chính phủ cấm treo cờ của hai bên tham chiến.

Tại Thái Lan và Philippines, sự cảm thông dành cho các nạn nhân dân thường người Palestine đi kèm với sự tức giận trước việc nhiều công dân Thái Lan và Philippines đã bị Hamas giết hoặc bắt làm con tin. Trong khi tại Việt Nam, Lào, và Campuchia, các chính phủ đã thận trọng đưa ra những tuyên bố trung lập về Gaza – dù ký ức về trải nghiệm bị ném bom của các quốc gia này đang dần nổi lên.

Khoảng 42% dân số Đông Nam Á là người Hồi giáo – và điều này đóng vai trò quan trọng trong phản ứng của khu vực đối với cuộc chiến Israel-Hamas. Ba phản ứng phổ biến đã xuất hiện: các nền dân chủ với đa số là người Hồi giáo thì chỉ trích Israel một cách không khoan nhượng, trong khi các nền dân chủ và bán dân chủ với thiểu số Hồi giáo đáng kể lại có quan điểm trung lập hơn, và các chế độ độc tài với rất ít công dân Hồi giáo đang cố gắng phớt lờ xung đột nhiều nhất có thể.

Không có gì ngạc nhiên khi các quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo như Malaysia và Indonesia là những quốc gia có tiếng nói ủng hộ Palestine nhiệt thành nhất trong khu vực. Cả hai vẫn nằm trong số ít những quốc gia chưa bao giờ công nhận Israel về mặt ngoại giao. Chính nghĩa của người Palestine từ lâu đã được công chúng ở cả hai nước này ủng hộ, và còn được các chính trị gia sử dụng để đánh bóng uy tín của họ. Sau Hiệp định Abraham, một số nhà ngoại giao Israel đã nuôi hy vọng về việc bình thường hóa quan hệ với Indonesia và Malaysia. Nhưng hy vọng đó luôn rất mong manh, bất chấp những cuộc thảo luận nội bộ thầm lặng của chính phủ Indonesia.

Cả hai quốc gia này đã trở nên sùng đạo hơn trong những thập niên gần đây – và Palestine đã dần trở thành cơ sở kêu gọi ủng hộ quan trọng cho các phong trào chính trị Hồi giáo. Ngoài Iran, không có nhà lãnh đạo Hồi giáo nào có đường lối cứng rắn về vấn đề Palestine hơn Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, người đã đích thân phát biểu tại các cuộc biểu tình và lớn tiếng ủng hộ không chỉ người Palestine mà còn cả Hamas. Vào ngày 17/10, Anwar đã gọi điện cho Ismail Haniyeh, người đứng đầu văn phòng chính trị của Hamas, và cũng kiên quyết phản đối những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Hamas.

Diễn biến này là điều dễ hiểu. Anwar bước vào chính trường Malaysia với tư cách là một nhà hoạt động sinh viên người Hồi giáo. Người bảo trợ của ông (và sau này là đối thủ), cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, cũng thường xuyên chỉ trích Israel và những người ủng hộ phương Tây, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ Tổ chức Giải phóng Palestine.

Thông thường, các phát biểu sẽ chuyển hướng sang bài Do Thái, với việc Mahathir cáo buộc người Do Thái kiểm soát truyền thông toàn cầu và phá hoại nền kinh tế Malaysia. Ngày nay, các quan điểm nổi bật ở Malaysia vẫn mang tính bài Do Thái mạnh mẽ. Đối với Anwar, người lãnh đạo một liên minh được hậu thuẫn chủ yếu bởi các nhóm dân thiểu số và đang đấu tranh để duy trì sự ủng hộ từ nhóm đa số là người Hồi giáo Mã Lai, việc nghiêng về Palestine là điều không cần bàn cãi.

Tuy nhiên, James Chin, Giám đốc Viện Châu Á tại Đại học Tasmania, nhận định rằng: sự ủng hộ mạnh mẽ này đôi khi đã đặt các sắc tộc thiểu số không theo Hồi giáo vào tình thế khó khăn. Nguyên nhân không phải do thiếu thiện cảm với người Palestine; thực chất, các chính trị gia nhóm dân tộc thiểu số đã kiên quyết thể hiện sự ủng hộ đối với Palestine. Nhưng Tuần lễ Đoàn kết Palestine được đề xuất tại các trường học Malaysia đã gây tranh cãi khi xuất hiện hình ảnh những học sinh ăn mặc như chiến binh Hamas, trên tay cầm súng đồ chơi.

“Điều khiến mọi người lo lắng là Tuần lễ Đoàn kết sẽ trở thành một sự tôn vinh Hamas,” Chin nói. “Người ta lo lắng về sự cực đoan hóa.” Nhưng quan ngại của các nhóm thiểu số đã khiến họ rơi vào tầm ngắm của các tín đồ Hồi giáo, những người đang đặt câu hỏi về sự đồng cảm của các nhóm thiểu số này.

Đây chính là kiểu chia rẽ mà Indonesia – quốc gia có nhiều cộng đồng thiểu số không theo Hồi giáo – muốn tránh. Dù Tổng thống Joko Widodo áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn Anwar, nhưng dư luận Indonesia vẫn tích cực lên án Israel. Sự chú ý đã đổ dồn vào vụ đánh bom Bệnh viện Indonesia ở Gaza, vốn được xây dựng bằng tiền quyên góp từ Indonesia.

Nhưng việc định nghĩa cuộc xung đột đã thay đổi theo những cách quan trọng. Suốt hàng chục năm, các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc thế tục thống trị nền chính trị Indonesia đã đóng khung cuộc xung đột theo những thuật ngữ chống chủ nghĩa đế quốc, giống như cách Liên Xô đã làm khi ủng hộ Ai Cập và các quốc gia Ả Rập khác. Nền chính trị bị Hồi giáo hoá bị coi là mối đe dọa đối với sự đoàn kết dân tộc. Theo Broto Wardoyo, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Indonesia, việc diễn giải xung đột Israel-Palestine trên khía cạnh Hồi giáo chỉ được chú ý sau khi chế độ độc tài Suharto kết thúc vào năm 1998.

Nhưng quan điểm cũ vẫn có ảnh hưởng nhất định. Hồi tháng 4, Gus Yahya, Chủ tịch ban điều hành Nahdlatul Ulama, tổ chức Hồi giáo lớn nhất Indonesia, cho rằng xung đột Israel-Palestine là vấn đề nhân đạo, chứ không phải chiến tranh tôn giáo. Kể từ vụ tấn công ngày 7/10, tổ chức này đã đưa ra nhiều tuyên bố kêu gọi mọi người không kích động thù địch vì lý do tôn giáo. Đụng độ trên đảo Sulawesi giữa các nhóm Hồi giáo và một nhóm Thiên Chúa giáo địa phương thân Israel đã gây ra quan ngại sâu sắc và đã nhanh chóng dẫn đến phản ứng chính thức nhằm giảm bớt căng thẳng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trong phần lớn phản ứng của công chúng, vẫn có yếu tố tôn giáo. Về mặt chính thức, cuộc biểu tình rầm rộ ở thủ đô Jakarta là biểu tình liên tôn. Nhưng với phần lớn đám đông mặc trang phục Hồi giáo, thật khó có thể ngó lơ ảnh hưởng của tôn giáo. Các cuộc biểu tình khác cũng được tổ chức bởi các nhóm tôn giáo cứng rắn hơn, những người vào năm 2017 đã điều phối một đợt biểu tình lớn chống lại một thống đốc gốc Hoa theo đạo Thiên Chúa bị cáo buộc báng bổ tôn giáo. Ngày 31/10, khi lực lượng chống khủng bố của Indonesia bắt giữ 59 chiến binh được cho là đang lên kế hoạch tấn công các đồn cảnh sát, một phát ngôn viên của lực lượng đặc nhiệm đã cảnh báo rằng các cuộc biểu tình và gây quỹ ủng hộ Palestine “đã kích động ham muốn thực hiện các hành động khủng bố”.

Đáng ngạc nhiên là quan điểm và quan ngại của Indonesia lại không quá khác biệt với nước láng giềng Singapore. Không giống như Indonesia, Singapore có phần lớn dân số là người gốc Hoa, và từ lâu đã có mối quan hệ bền chặt với Israel – và thậm chí còn có tình đoàn kết ngầm với Israel vì cùng là các quốc gia nhỏ, có sự khác biệt về sắc tộc, nằm giữa khu vực lân cận có khả năng thù địch. Và lệnh cấm trưng bày cờ Palestine hoặc Israel của chính phủ Singapore đã thể hiện một xu hướng khác với các chính trị gia Indonesia.

Tuy nhiên, quản lý sự đa dạng sắc tộc cũng luôn là mối quan tâm chính của Singapore. Người Hồi giáo Mã Lai chiếm một phần đáng kể trong dân số Singapore, và lượng dân nhập cư khổng lồ cũng góp phần vào sự đa dạng này. Mối quan hệ với các nước láng giềng có đa số người Hồi giáo cũng rất quan trọng. Các chính trị gia hàng đầu cũng bày tỏ lo ngại rằng Singapore có thể phải đối mặt với các mối đe dọa khủng bố gia tăng do quan hệ thân thiết với Israel.

Ngày 6/11, Quốc hội Singapore đã có một bước đi bất thường khi thông qua một kiến nghị về xung đột Israel-Hamas, được trình bày theo một cách mang tính biểu tượng, bởi các thành viên quốc hội người gốc Mã Lai, gốc Ấn, và gốc Hoa (mỗi nhóm dân tộc một người) từ Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền. Viện dẫn luật pháp quốc tế, kiến nghị này đã nhấn mạnh cả quyền tự vệ của Israel và sự cần thiết của việc Israel phải có phản ứng tương xứng. Nó cũng kêu gọi mở đường tiếp cận viện trợ nhân đạo và kêu gọi người dân Singapore không bị chia rẽ bởi các sự kiện chính trị nước ngoài.

Thật vậy, số người chết ngày càng tăng ở Gaza và các video về vụ đánh bom của Israel trên mạng xã hội dường như đang khiến dư luận lung lay, ngay cả trong các nhóm có truyền thống ủng hộ Israel. Michelle Teo, Giám đốc điều hành của Viện Trung Đông tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Cả nước đang có cùng một phản ứng, và nó xảy ra ở mọi nhóm sắc tộc và tôn giáo. Tuy nhiên, có lẽ điều này không phải là điều xấu đối với chúng tôi, bởi nó có nghĩa là mọi người thực sự coi mình là người Singapore, bất kể họ theo tôn giáo nào.”

Nỗi lo chia rẽ nội bộ cũng hiện hữu ở Thái Lan và Philippines. Dù đều có cộng đồng Hồi giáo thiểu số, nhưng khác với Singapore, hai nước này có lịch sử khủng bố Hồi giáo ly khai do dân địa phương gây ra.

Tại Philippines, tình hình đang rất nhạy cảm, Greg Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết. Tiến trình hòa bình tại vùng Bangsomoro trên đảo Mindanao, nơi người Hồi giáo Moro sinh sống, đã đạt được thành công nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm. Cuộc bầu cử địa phương đầu tiên kể từ khi khu vực này được trao quyền tự trị đặc biệt vào năm 2018 chỉ mới được tổ chức vào năm ngoái. “Mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ,” Poling nói về cuộc bầu cử năm 2022. “Nhưng điều cuối cùng [chính phủ] mong muốn là bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một số lượng tương đối nhỏ người Moro bất mãn nhận được sự đồng cảm mới của công chúng.”

Dù vậy, Philippines là quốc gia Đông Nam Á duy nhất bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết gần đây của Liên Hiệp Quốc nhằm kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Động thái này được giải thích là do địa vị của Philippines với tư cách là đồng minh thân cận của Mỹ, một mối quan hệ mà chính phủ Philippines đang tìm cách củng cố để đối phó với áp lực từ Trung Quốc. Cho đến nay, phản ứng chính vẫn là im lặng, chỉ có một cuộc biểu tình nhỏ ở thủ đô Manila chống lại lập trường của chính phủ.

Người dân chủ yếu quan tâm đến những công nhân người Philippines bị cuốn vào bạo lực ở Gaza. Báo cáo ban đầu ở Philippines tập trung vào việc 4 công dân nước này đã thiệt mạng, trong khi 1 người khác bị bắt làm con tin khi Hamas tấn công Israel. Giờ đây, tin tức đã chuyển sang việc sơ tán một số ít người Philippines đang sống tại Gaza – khiến quan điểm càng trở nên phức tạp hơn.

Về khía cạnh này, Thái Lan thậm chí còn thiệt hại nặng nề hơn Philippines. 34 công dân Thái Lan đã thiệt mạng và 24 người khác bị bắt làm con tin trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel; nhiều người trong số họ là công nhân nông nghiệp nhập cư. Tất cả đều đã được trả tự do, vì những nhân vật thuộc cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở Thái Lan đã đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán. Để duy trì những nỗ lực này, chính phủ Thái Lan chủ yếu giữ quan điểm trung lập thận trọng đối với xung đột, trái ngược với những bình luận ban đầu của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. Trước đó, Thavisin đã lên án cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas mà không thể hiện sự cảm thông như lệ thường đối với người Palestine.

Tuy nhiên, dư luận Thái Lan có vẻ kém trung lập hơn. Đã có những cuộc biểu tình nhỏ ủng hộ người Palestine. Trong khi một số người, phẫn nộ trước con số thương vong, đã quyết định ủng hộ Israel – đôi khi còn tham gia các cuộc tấn công bài Hồi giáo, nhắm vào một số ít tiếng nói ủng hộ người Palestine ở Thái Lan, vốn đến từ các nhóm thiểu số Hồi giáo.

Những nước còn lại trong khu vực là Việt Nam, Campuchia, và Lào. Với rất ít lợi ích địa chính trị trong các cuộc chiến ở Trung Đông và cũng không có nhóm thiểu số Hồi giáo lớn nào – ngoại trừ ở Campuchia, ba quốc gia này chủ yếu đưa ra các tuyên bố ngoại giao có chừng mực để kêu gọi ngừng bắn, nhưng không làm gì thêm. Cũng khó xác định dư luận, do các chế độ ở các quốc gia này không cho phép công chúng tiến hành biểu tình.

Tuy nhiên, trải nghiệm trong quá khứ của ba nước này có thể đang ảnh hưởng đến nhận thức của người dân về tình hình. Murray Hiebert, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Chí ít thì ở Việt Nam, người ta khá đồng cảm với những gì người dân ở Gaza đang trải qua, đặc biệt là những người lớn tuổi, do trải nghiệm bị ném bom của chính họ. Nhưng đó không phải là một tuyên bố chính trị, mà là một tuyên bố nhân đạo.” Tình cảm này thậm chí còn len lỏi vào tuyên bố của các nhà ngoại giao Việt Nam, những người đã viện dẫn quá khứ của đất nước họ để lên án các cuộc tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự.

Bất kể phản ứng cụ thể của họ là gì, chừng nào cuộc tấn công của Israel vào Gaza còn tiếp diễn, thì ngay cả các quốc gia nằm cách xa nửa vòng Trái Đất cũng không thể nhắm mắt làm ngơ.

Joseph Rachman là một nhà báo tự do chuyên đưa tin về Indonesia và khu vực Đông Nam Á.