Nguồn: “What is Iran’s axis of resistance?”, The Economist, 15/11/2023
Biên dịch: Phan Nguyên
Mạng lưới dân quân đồng minh của Iran ở Trung Đông ngày càng hùng mạnh
Mỹ nói rằng quân đội của họ ở Syria và Iraq đã bị tấn công ít nhất 55 lần kể từ khi Hamas đột kích Israel vào ngày 7 tháng 10. Đổ lỗi cho Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này trên khắp Trung Đông, Washington đã đáp trả: vào ngày 12 tháng 11, Mỹ tiến hành đợt không kích thứ ba ở miền đông Syria kể từ cuối tháng 10. Các lực lượng ủy nhiệm của Iran cho đến nay đã ngừng phát động các cuộc tấn công có thể kéo Mỹ vào một cuộc chiến toàn diện. Nhưng hỏa lực của họ đặt ra mối đe dọa rõ ràng đối với Mỹ cũng như các đồng minh. Trục kháng chiến tự xưng này của Iran là gì và họ mạnh đến mức nào?
Sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã tìm cách xuất khẩu hệ tư tưởng và xây dựng sức mạnh chính trị của mình trên khắp Trung Đông. Một trong những công cụ của họ để làm điều đó là một mạng lưới các đồng minh và lực lượng ủy nhiệm bạo lực trải dài khắp Iraq, Lebanon, Syria, Yemen và các nơi khác. Mặc dù không phải mọi thành viên của nhóm này đều chia sẻ hệ tư tưởng tôn giáo chính thống của Iran – các thành viên dòng Sunni thậm chí không chia sẻ tín ngưỡng của họ – nhưng họ có những mục tiêu chung: chống lại ảnh hưởng của phương Tây và đối đầu với Israel.
Trục này từ lâu đã được điều phối bởi Lực lượng Quds của Iran, một nhánh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, lực lượng bảo vệ an ninh của chế độ. Lực lượng này tập trung nhắm vào các quốc gia yếu. Năm 1982, tổ chức này bắt đầu huấn luyện các chiến binh người Shia trẻ tuổi ở Lebanon để quấy rối binh lính Israel đang chiếm đóng miền nam Lebanon. Trong suốt những năm 1990, Lực lượng Quds đã hỗ trợ đáng kể cho các nhóm Hồi giáo Palestine, bao gồm Jihad Hồi giáo Palestine và Hamas . Họ cũng ủng hộ Liên minh phương Bắc, một nhóm lỏng lẻo ở Afghanistan chống lại sự tiếp quản của Taliban vào năm 1996.
Năm 2002, George W. Bush, tổng thống Mỹ, đã cảnh báo về một “trục ma quỷ” mới bao gồm Triều Tiên, Iran và Iraq. Sau khi Al-Zahf al-Akhdar , một tờ báo của Libya, viết một bài xã luận được nhiều người đọc lên án cụm từ này, một số phương tiện truyền thông Ả Rập và Iran bắt đầu sử dụng cụm từ “trục kháng chiến” để mô tả mạng lưới dân quân chống Mỹ ngày càng tăng trong khu vực.
Vào cuối những năm 1990, sau khi Qassem Suleimani (trong ảnh), một quan chức an ninh nổi tiếng của Iran sau đó bị Mỹ ám sát, phụ trách nhóm, Lực lượng Quds bắt đầu mở rộng mạng lưới của mình. Họ ủng hộ những người Shia phản đối chế độ Saddam Hussein, bao gồm cả tổ chức Badr, một lực lượng dân quân hùng mạnh mà sau này có khoảng 10.000 đến 50.000 người được trang bị vũ khí. Sau khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, Lực lượng Quds đã thành lập các nhóm vũ trang ở nước này để chống lại quân đội Mỹ và Anh.
Trong cuộc nội chiến ở Syria, bắt đầu vào năm 2011, Lực lượng Quds đã huấn luyện và trang bị vũ khí cho các lực lượng dân quân liên minh với Bashar al-Assad, tổng thống nước này. Theo các quan chức Iran, nước này cũng tập hợp khoảng 70.000 quân có vũ trang từ Afghanistan, Pakistan, Lebanon và Iraq để chiến đấu ở Syria trong giai đoạn kéo dài tới năm 2021. Tại Yemen, Lực lượng Quds hỗ trợ nhóm Houthi, một nhóm Shia đã nổi dậy chống lại chính phủ được Ả Rập Saudi hậu thuẫn và nắm quyền kiểm soát các vùng rộng lớn của đất nước.
Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính Iran đã chi 700 triệu USD mỗi năm để hỗ trợ các lực lượng dân quân trước khi các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến doanh thu của nước này vào năm 2019. Một phần lớn trong số tiền này được dành để cung cấp vũ khí cho các đối tác lâu dài của Iran. Hizbullah, nhóm thường xuyên đọ súng với Israel dọc biên giới Lebanon kể từ cuộc tấn công của Hamas, được cho là có kho vũ khí gồm 150.000 rocket.
Kể từ vụ ám sát Suleimani vào năm 2020, các thành viên quyền lực hơn trong trục của Iran, chẳng hạn như Hizbullah, đã trở nên tự chủ hơn. Iran cho biết họ không nhận được cảnh báo trước về cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Tuy nhiên, họ vẫn lợi dụng xung đột để gây thêm hỗn loạn trong khu vực. Và Iran đã được hưởng lợi theo những cách khác: cuộc chiến ở Gaza đã ngăn chặn các nỗ lực ngoại giao nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi, đối thủ không đội trời chung của Iran.
Iran sẽ còn thu được nhiều lợi ích khác nữa từ tình trạng hỗn loạn. Sự tức giận trên khắp Trung Đông trước sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Israel có thể giúp một số nhóm do Iran tài trợ thu hút thêm nhiều tân binh, và sự nổi bật của Hamas, một nhóm Sunni, trong cuộc chiến chống lại Israel có thể làm dịu căng thẳng giáo phái trong mạng lưới. Và nếu cuộc chiến lan rộng ra ngoài Gaza, giá dầu tăng vọt sẽ làm đầy kho bạc của Iran. Một cuộc chiến tranh toàn diện với sự tham gia của Mỹ sẽ là thảm họa cho toàn bộ khu vực. Về vấn đề này, ít nhất, Iran dường như có quan điểm giống với Mỹ. Nhưng đừng mong đợi Iran sẽ đóng vai trò hòa giải. ■