Vai trò quan trọng của tình báo nguồn mở trong Chiến tranh Ukraine

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: “Open-source intelligence is piercing the fog of war in UkraineThe Economist, 12/01/2023.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Vào ngày 29 tháng 5 năm 1982, phóng viên đài BBC Robert Fox vừa chứng kiến 36 giờ giao tranh khốc liệt giữa Anh và Argentina tại Goose Green, một địa điểm xa xôi trên Quần đảo Falkland, Nam Đại Tây Dương. Đó là trận quyết định cả cuộc chiến và người Anh đã thắng. Nhưng dù rất muốn báo tin về ngay lập tức, ông Fox phải mất mười giờ mới có được điện thoại vệ tinh trên tàu chiến. Phải mất thêm tám giờ nữa để London giải mã được tin nhắn của ông, và do đó câu chuyện đã không được phát sóng cho tới 24 giờ sau. Các nhà báo truyền hình còn tệ hơn, ông Fox nói. Những khung hình của họ phải mất mười ngày mới về đến Anh.

Bốn mươi năm sau, khi thành phố Kherson ở miền nam Ukraine được giải phóng vào tháng 11 năm 2022, tin tức lan rộng chỉ sau vài giờ, nếu không muốn nói là vài phút. Các hình ảnh lan truyền trên Telegram cho thấy binh lính Ukraine đang đi vào trung tâm thành phố và cờ Ukraine được treo trên các tòa nhà. Một mạng lưới các nhà phân tích nghiệp dư trên Twitter đã theo dõi bước tiến quân của Ukraine, gần như theo thời gian thực, bằng cách “định vị địa lý” (geo-locating) những bức ảnh chụp. Họ so sánh cây cối, tòa nhà và các chi tiết trên ảnh với hình ảnh vệ tinh từ Google Maps và các nguồn vệ tinh khác.

Sự trỗi dậy của thông tin tình báo nguồn mở, còn được gọi tắt là Osint, đã thay đổi cách mọi người tiếp nhận tin tức. Trước chiến tranh, hình ảnh vệ tinh thương mại và các đoạn phim quay những đoàn xe quân sự Nga trên TikTok đã cho phép các nhà báo và nhà nghiên cứu chứng thực được tuyên bố của phương Tây rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Osint thậm chí còn dự đoán được khi nào thì chiến tranh bắt đầu. Jeffrey Lewis thuộc Viện Middlebury ở California đã sử dụng báo cáo giao thông đường bộ của Google Maps và tìm thấy tình trạng ùn tắc đáng chú ý ở phía biên giới của Nga vào lúc 3:15 sáng ngày 24 tháng 2. “Ai đó đang di chuyển,” ông tweet. Chưa đầy ba giờ sau, Vladimir Putin phát động cuộc chiến của mình.

Hình ảnh vệ tinh vẫn đóng vai trò theo dõi cuộc chiến. Trong chiến dịch Kherson, các vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR), vốn có thể quan sát vào ban đêm và xuyên qua các đám mây, đã ghi được hình ảnh Nga xây cầu phao qua sông Dnieper trước khi rút lui khỏi Kherson, những chiếc thuyền xuất hiện và biến mất khi quân Nga rút về phía đông, và cả việc quân đội Nga xây dựng các vị trí phòng thủ mới dọc đường cao tốc M14 ở tả ngạn sông. Và khi máy bay không người lái của Ukraine tấn công hai căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga vào ngày 5/12, các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao đều cho thấy mức độ thiệt hại.

Tuy vậy, dù các vệ tinh rất phù hợp để lập danh mục các tiểu đoàn Nga được bố trí ngay ngắn trên bãi đất trống vào tháng 1, chúng khó có thể ghi lại được những hình ảnh thuyết phục về các đại đội nhỏ phân tán trên một khu vực rộng và thường ẩn náu trong chiến hào hoặc hầm trú ẩn. Kho lưu trữ dữ liệu quan trọng nhất trong suốt cuộc chiến vừa qua không phải vệ tinh, mà là Telegram.

Các nhà phân tích tin tình báo nguồn mở đã lùng sục khắp các kênh Telegram như Rybar, một tài khoản có hơn 1 triệu người theo dõi, để thu thập hình ảnh, lời chia sẻ từ tiền tuyến và tâm trạng của quân đội. Rybar không trung lập – người sáng lập Rybar từng làm việc cho cơ quan báo chí của bộ quốc phòng Nga và được cho là từng có mối liên hệ với Yevgeny Prigozhin, ông chủ của nhóm lính đánh thuê Wagner – nhưng nó đưa ra những tường thuật tương đối chính xác và kịp thời về các diễn biến trên chiến trường, bao gồm cả chiến dịch chớp nhoáng của Ukraine xuyên qua Kharkiv vào tháng 9 năm 2022, và thường chỉ trích chính sách của Nga.

Telegram đã trở thành nơi “xả giận” cho những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nga ủng hộ cuộc chiến nhưng không hài lòng với cách tiến hành chiến tranh của giới lãnh đạo quân sự Nga. Các tài khoản phổ biến đã lan truyền những hình ảnh về lính Nga bị thiếu trang bị cơ bản. Trong chiến dịch Kherson vào đầu tháng 10 năm 2022, một tài khoản lính Nga thậm chí đã thông qua Telegram để kêu gọi không quân hỗ trợ trong tuyệt vọng. Matthew Ford từ Đại học Quốc phòng Thụy Điển cho biết, mười năm đầu của cuộc nội chiến ở Syria đã tạo ra những đoạn video dài tổng cộng 40 năm. Nhưng chỉ trong 80 ngày đầu tiên của cuộc chiến Ukraine, chúng ta đã có những đoạn phim với tổng độ dài tới mười năm.

Đối với quân đội, vốn luôn tìm cách giữ bí mật mọi hoạt động, lượng thông tin dồi dào này thật là một cơn ác mộng. Năm 2019, Nga đã thông qua luật cấm binh sĩ đăng tải ảnh hoặc video nhạy cảm. Họ cho đóng cửa các trang web theo dõi đường sắt ngay trước khi chiến tranh bắt đầu, làm mất đi một nguồn dữ liệu có giá trị. Họ cũng cố gắng che đi các mảnh phù hiệu trên đồng phục của binh lính và dấu hiệu trên xe, để tránh làm lộ vị trí của cả đơn vị. Đến tháng 10 năm 2022, Điện Kremlin bắt đầu trấn áp những nhân vật phản đối nổi tiếng trên Telegram, chẳng hạn như Igor Girkin, người từng lãnh đạo cuộc chiến ủy nhiệm của Nga ở Donbas vào năm 2014. Song các blogger này vẫn đăng tải thông tin như xưa. Sau khi ít nhất 89 quân nhân Nga – và có thể là hàng trăm người – thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Ukraine vào ngày đầu năm mới ở Makiivka, một thị trấn do Nga chiếm đóng ở vùng Donbas, ông Girkin đã chỉ trích sự kém cỏi của các tướng lĩnh Nga, gọi họ là “không thể huấn luyện được.”

Nga cũng không thể ngăn được luồng thông tin. Tom Bullock, nhà phân tích Osint tại công ty tình báo Atreides, cho biết: “Có rất nhiều bài học được học rất chậm, nhưng tôi nghĩ đó là trên Telegram, nơi họ biết cả thế giới đang nhìn vào.” Ông Bullock cho biết, trên VKontakte (VK), mạng xã hội tương đương với Facebook của Nga, “về cơ bản mọi chuyện vẫn tệ như mọi khi. Có rất nhiều bức ảnh được gắn thẻ địa lý về căn cứ quân sự luôn trôi nổi khắp nơi.”

Sự cẩu thả này có thể gây ra hậu quả chết người. Hồi tháng 12, một lính nghĩa vụ Nga đã đăng lên VK những bức ảnh về quân đội Nga đóng quân tại một câu lạc bộ đồng quê ở Sahy, tỉnh Kherson. Anh này thậm chí còn gắn thẻ địa lý lên bài đăng. Tên lửa Ukraine ngay sau đó đã tấn công nó. Nhưng anh lính nghĩa vụ lại tiếp tục đăng bài, với một video cho thấy mức độ tàn phá của quả tên lửa. Trên thực tế, anh này đã giúp Ukraine đánh giá thiệt hại từ thực địa, theo phân tích của Rob Lee từ King’s College London.

Khi Nga huy động hàng trăm nghìn tân binh, mà hầu hết đều có ít kinh nghiệm về chiến trường và được đào tạo về an ninh ở mức tối thiểu, lỗ hổng này sẽ gia tăng. Ông Bullock nói: “Nhiều người trong số họ coi việc đăng bài trên mạng xã hội là một phần trong chuyến đi nghĩa vụ.” Ông kể lại lần theo dõi một lính nghĩa vụ Nga được cử đến tỉnh Kherson vào tháng Sáu. Người lính cần mẫn đăng ảnh chụp tất cả những ngôi làng mà anh ta lái xe qua trên đường từ Rostov, miền nam nước Nga, đến Kherson, qua đó tiết lộ lộ trình chính xác của các tuyến đường tiếp tế của Nga.

HI Sutton, một nhà phân tích hải quân sử dụng hình ảnh SAR để theo dõi chuyển động của tàu, cho biết: “Đã có những nỗ lực nhằm đóng hẳn hoặc hạn chế việc thu thập Osint.” “Nhưng Osint ngày càng phát triển và mọi người, nếu đủ nhạy bén, sẽ tìm ra những cách thức mới.” Ông đưa ra ví dụ về Hệ thống Quản lý Tài nguyên Thông tin Hỏa hoạn của NASA (FIRMS), vốn dùng cảm biến hồng ngoại trên vệ tinh để phát hiện các đám cháy đang hoạt động. Nó được thiết kế để theo dõi những thứ như cháy rừng. Giờ đây, người ta đang dùng nó để xác định các vụ phóng tên lửa, đạn pháo và vụ nổ, cho phép các nhà nghiên cứu theo sát diễn tiến từ mặt trận.

Dĩ nhiên các nguồn mở cũng có những hạn chế. Dòng hình ảnh xuất hiện từ Kherson thật ra là một hiện tượng bất thường, một phần vì những cư dân đang phấn khích rất muốn chụp và đăng bài lên mạng xã hội. Theo New York Times, trong một lần, lực lượng Ukraine đã nhắm mục tiêu vào một đơn vị Chechnya gần Kyiv trong vòng 40 phút sau khi video được tải lên TikTok. Nhưng trung bình phải mất từ một đến ba ngày để một hình ảnh được lan truyền đủ rộng và được định vị địa lý, theo Andro Mathewson, nhà phân tích Osint của Halo Trust, một tổ chức từ thiện chuyên rà phá bom mìn. Hình ảnh thường xuất hiện liên tục khi một đơn vị được luân chuyển khỏi tuyến đầu và có thời gian cũng như kết nối mạng để đăng bài.

Các nguồn mở cũng kéo theo một dạng thành kiến về khả năng sống sót, hệt như bài học sai lầm từ Thế chiến thứ Hai là chỉ phân tích những chiếc máy bay trở về sau nhiệm vụ chứ không phải những chiếc bị bắn rơi. Ông Lee nói: “Các đoạn phim chúng ta đang xem về cuộc chiến này không nhất thiết phản ánh những gì diễn ra trên thực địa.” Ông lưu ý rằng những chiếc xe tăng bị trúng tên lửa chống tăng có nhiều khả năng được ghi lại trên video hơn những chiếc bị trúng mìn. Song, các nguồn thông tin đều cho thấy phần lớn tổn thất của xe tăng Ukraina là đến từ mìn.

Trong một cuộc nói chuyện gần đây, tướng Sir Jim Hockenhull, người điều hành cơ quan tình báo quốc phòng Anh cho đến năm 2022, đã so sánh tình báo truyền thống với việc lắp ráp một trò chơi ghép hình mà không biết bức tranh hoàn chỉnh là gì. “Điều đang xảy ra với nguồn mở là chúng ta vẫn không có giới hạn…  mà có gần như vô tận các mảnh ghép hình.” Kết quả là người ta có thể ghép được “một số lượng hình ảnh gần như vô tận.”

Ông Ford cho rằng điều đó tạo ra “những thực tế bị chia cắt”. Ông đang nghiên cứu về một bản tường thuật nguồn mở cho cuộc chiến và cho rằng nó có thể được thực hiện “theo những gì có thể được coi là tiêu chuẩn tình báo của chúng ta” – một bước tiến đáng chú ý của lịch sử quân sự. Nhưng ông thừa nhận trò chơi ghép hình vô tận đặt ra những thách thức nghiêm trọng. Một là vấn đề tự lừa dối: nhìn cuộc chiến “như chúng ta muốn thấy, chứ không phải như nó vốn có.” Hình ảnh những tân binh Nga lạnh lẽo và đói khát co ro trong chiến hào vẽ nên một bức tranh về một cuộc tổng động viên đầy hỗn loạn. Trên thực tế, các quan chức phương Tây và Ukraine cho biết họ lo lắng hơn về các đơn vị được thành lập ngoài tầm mắt.

Vấn đề còn lại là nhìn thấy những gì kẻ thù muốn bạn thấy. Trong những tháng đầu của cuộc chiến, nhiều đoạn video lồng nhạc bắt tai đã chiếu cảnh các cuộc tấn công nối tiếp nhau của máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Ukraine. Nhưng đó là một vở kịch. Justin Bronk của Viện RUSI, một tổ chức nghiên cứu, đã nói trên một podcast gần đây rằng: “Ukraine nhanh chóng nhận ra đây là một trong những cảnh quay hay nhất mà họ có, và họ đã dùng nó trong một chiến dịch thông tin cực kỳ hiệu quả.” “Người dân Ukraine rủ nhau lưu trữ cảnh quay đó và tiếp tục truyền tải nó, loại bỏ các dấu vết về ngày, giờ và địa điểm để tạo ấn tượng rằng đây vẫn là một sự kiện quan trọng sau vài tháng.”

Song, bất chấp những hạn chế, các cơ quan tình báo phương Tây vẫn rất quan tâm đến Osint. Hình ảnh vệ tinh đã tồn tại từ lâu. Nước Mỹ đã có các vệ tinh hơn 60 năm rồi, dù chưa bao giờ nhiều đến thế. Nhưng một thế giới mà trong đó các kênh Telegram truyền tải một lượng lớn hình ảnh chiến trường là điều mới mẻ và đáng lo ngại. “Nguồn mở đóng góp khoảng 20% các quy trình hiện tại của chúng tôi,” tướng Hockenhull chia sẻ, “nhưng tính sẵn có và cơ hội có nghĩa là chúng tôi phải đảo ngược tỉ lệ này.” Thay vì rắc Osint lên các thông tin tình báo bí mật, các bí mật nên là lớp kem trên chiếc bánh nguồn mở. “Điều quan trọng là chúng ta có thể ráp những thứ đó lại với nhau”./.