Indonesia bầu tổng thống và triển vọng u ám của nền dân chủ

Nguồn: Gordon LaForge, “The World’s Third-Largest Democracy Is Backsliding,” New York Times, 12/02/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sự chuyển mình của Indonesia thành một nền dân chủ ổn định trong một phần tư thế kỷ qua là một điều vừa khó tin, vừa đáng chú ý.

Năm 1998, nước này đang trên bờ vực sụp đổ do cuộc khủng hoảng tài chính tàn khốc và các cuộc biểu tình lật đổ chế độ độc tài Suharto tàn bạo và tham nhũng vốn đã tồn tại 32 năm. Bạo lực sắc tộc và tôn giáo trên khắp quần đảo rộng lớn đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng Balkan hóa hoặc một cuộc đàn áp quân sự.

Thế nhưng, bất chấp mọi khó khăn, giới tinh hoa Indonesia đã chấp nhận các yêu cầu cải cách của quần chúng, trong khi quân đội đồng ý rút lui khỏi đời sống chính trị, mở ra một kỷ nguyên bầu cử mở và cạnh tranh. Tham nhũng và rối loạn vẫn tồn tại, nhưng quốc gia đông dân thứ tư thế giới đã dần nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi của chủ nghĩa tự do.

Thế rồi mây đen lại kéo đến. Người dân Indonesia sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống mới vào thứ Tư này, tìm ra người kế nhiệm Joko Widodo sắp mãn nhiệm. Nhưng nhân vật được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng – và con đường phản dân chủ mà Joko đã đặt ra cho đất nước – đang đe dọa nhiều thành tựu mà Indonesia đã đạt được.

Ứng viên dẫn đầu áp đảo trong cuộc đua là Prabowo Subianto, 72 tuổi, một cựu tướng quân đội dưới thời Suharto, người từng dính líu đến các hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc bắt cóc và tra tấn các nhà hoạt động dân chủ trong cuộc nổi dậy chống Suharto. Hơn một chục người trong số đó vẫn mất tích và nhiều khả năng đã thiệt mạng, nhưng Prabowo chưa bao giờ bị buộc tội chính thức.

Từ đó đến nay, Prabowo đã nhiều lần ra tranh cử tổng thống. Ông chỉ trích những cải cách của kỷ nguyên dân chủ và trước đó còn kêu gọi khôi phục hiến pháp ban đầu năm 1945, theo đó loại bỏ quyền giám sát quyền lực của tổng thống và bãi bỏ các cuộc bầu cử trực tiếp. Nhiều nhà phê bình lo ngại rằng ông sẽ đưa Indonesia trở lại chế độ chuyên chế.

Điều đáng lo ngại không kém là cơ hội chiến thắng của Prabowo đã được nâng cao đáng kể nhờ Joko, người từng là biểu tượng cho nền dân chủ non trẻ của quốc gia, nhưng đã dần huỷ hoại các thể chế và nền pháp quyền trong suốt 10 năm cầm quyền. Dù vậy, ông đã chấp nhận rời nhiệm sở sau khi hoàn thành tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm, với tỷ lệ ủng hộ khoảng 80%, phần lớn nhờ vào nền kinh tế vững mạnh của đất nước.

Dưới thời Joko, cuộc sống của nhiều người Indonesia đã được cải thiện về mặt vật chất nhờ việc mở rộng trợ cấp xã hội và xây dựng sân bay, đường cao tốc, cảng biển và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác. Nền kinh tế đang tăng trưởng 5% mỗi năm và Joko đã dùng nguồn dự trữ niken khổng lồ của Indonesia để lôi kéo các nhà sản xuất xe điện như Tesla và BYD của Trung Quốc đến xây dựng nhà máy ở quần đảo.

Nhưng cử tri lại muốn nhiều hơn nữa. Những gì đang xảy ra ở Indonesia là minh chứng cho một xu hướng toàn cầu gây nản lòng, trong đó các quốc gia từng ủng hộ nền dân chủ tự do đang để cho nó lụi tàn, chẳng hạn như Ấn Độ thời Narendra Modi và Mỹ thời Trump. Nền dân chủ không chết một cách đột ngột hay trong bóng tối, mà chết dần ngay trước mắt chúng ta, khi giới tinh hoa làm suy yếu các chuẩn mực và thể chế dân chủ vì lợi ích chính trị, trong khi những công dân tự mãn và thờ ơ chỉ biết đứng nhìn.

Sau khi thua Joko vào năm 2014, Prabowo đã tái tranh cử vào năm 2019 với một chiến dịch rõ ràng mang phong cách Donald Trump. Ông theo đuổi chủ nghĩa dân túy dân tộc và Hồi giáo cứng rắn, bất chấp việc bản thân là thành viên của giới tài phiệt Indonesia – từng là con rể của cố Tổng thống Suharto – và có hồ sơ tôn giáo không rõ ràng. Công kích tầng lớp tinh hoa, ông cam kết “Làm cho Indonesia vĩ đại trở lại.” Sau khi thua một lần nữa, ông kích động những người ủng hộ mình phủ nhận kết quả bầu cử. Bạo loạn sau bầu cử khiến một số người thiệt mạng.

Nhưng sáu tháng sau khi đắc cử, Joko lại bổ nhiệm Prabowo làm Bộ trưởng Quốc phòng, đưa Đảng Gerindra cực hữu của vị tướng này vào liên minh cầm quyền, như một phần trong chiến lược rõ ràng là nhằm chống lại sự phản đối của quốc hội đối với chương trình nghị sự kinh tế của tổng thống. May mắn lại tiếp tục đến với Prabowo, và tháng 10 năm ngoái, ông tuyên bố lập liên danh tranh cử với Gibran Rakabuming Raka, 36 tuổi, con trai của Joko, đang là thị trưởng nhiệm kỳ đầu tiên của một thành phố nhỏ. Luật pháp Indonesia cấm bất kỳ ai dưới 40 tuổi trở thành phó tổng thống, nhưng Tòa án Hiến pháp nước này đã tuyên bố miễn trừ đối với những quan chức đương nhiệm như Gibran. Và Chánh án tòa án này là anh rể của Joko.

Thay vì phản đối sự can thiệp trắng trợn và chủ nghĩa gia đình trị này, nhiều cử tri dường như cho rằng điều đó có nghĩa là tổng thống đương nhiệm đang rất được lòng dân đã ủng hộ Prabowo, giúp cho liên danh Prabowo-Gibran dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Prabowo đang nói với cử tri rằng ông sẽ tiếp tục chương trình nghị sự kinh tế của Joko. Ông cũng tìm cách đổi mới hình ảnh cá nhân thành một chính khách “giống như chú bác trong nhà,” người thích nhảy những điệu nhảy ngớ ngẩn tại các cuộc mít tinh, nhưng bản chất mị dân vẫn tiếp tục bộc lộ trong các cuộc tranh luận và sự kiện tranh cử của ông.

Hiện tại, hơn một nửa cử tri Indonesia dưới 40 tuổi và nhiều người trong số họ còn quá trẻ để biết đến sự tàn bạo của Prabowo dưới thời Suharto. Các vấn đề kinh tế, chứ không phải nhân quyền hay tự do dân sự, mới là mối quan tâm hàng đầu của cử tri trong những cuộc khảo sát.

Joko, vốn là tấm gương về các giá trị dân chủ của đất nước, nay lại phản bội chúng. Từng là một nhà sản xuất đồ nội thất ở khu ổ chuột Surakarta, ông đã trở thành thị trưởng thành phố và sau đó là thống đốc Jakarta, tạo dựng danh tiếng như một nhà cải cách hoàn hảo trong một hệ thống khét tiếng tham nhũng. Xuất thân đó, cùng với phong cách dân dã gần gũi với người dân, đã đưa ông lên vị trí tổng thống vào năm 2014 và khiến giới truyền thông phương Tây tán dương, gọi ông là “Obama của Indonesia.”

Nhưng ông đã rời nhiệm sở trong bối cảnh nền dân chủ Indonesia mong manh hơn bao giờ hết kể từ chế độ độc tài Suharto. Ông đã làm suy yếu ủy ban chống tham nhũng độc lập của đất nước, và ký sửa đổi bộ luật hình sự nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận, hình sự hóa quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, và trao cho chính phủ quyền hạn sâu rộng và không được định nghĩa rõ ràng để truy tố những người bất đồng chính kiến và đối thủ chính trị. Ông cũng bảo trợ cho nhiều người, bị chỉ trích vì can thiệp vào công việc nội bộ của các đảng chính trị đối thủ, và cho phép quân đội đóng một vai trò lớn hơn trong đời sống dân sự.

Phần lớn nguyên nhân đến từ bản chất của nền chính trị Indonesia, có thể đem so sánh với “Trò chơi Vương quyền” bởi những mưu đồ ngầm, chủ nghĩa gia đình trị, cùng nhu cầu liên tục xây dựng và duy trì cơ sở quyền lực. Kể từ khi Indonesia giành độc lập vào năm 1945, Joko là tổng thống đầu tiên đến từ bên ngoài giới tinh hoa chính trị hoặc quân sự. Vì không có mạng lưới hậu thuẫn, Joko buộc phải xoa dịu và lôi kéo những trung gian quyền lực và các đối thủ để đảm bảo chương trình nghị sự cũng như các dự án di sản của ông được thông qua và tồn tại, chẳng hạn như một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng một thành phố thủ đô mới trên đảo Borneo.

Những tham vọng đó cực kỳ thu hút cử tri. Nhưng không có gì được đảm bảo, nhất là với Prabowo. Tổng thống Indonesia là vị trí có quyền lực lớn, và dù Prabowo có thể liên tục tranh cử nhưng ông lại nổi tiếng là thất thường và nóng nảy. Ai biết được ông sẽ làm gì nếu cuối cùng ông cũng giành được giải thưởng mà bản thân đã tìm kiếm lâu nay? Ngay cả việc tiếp tục duy trì các hoạt động từ thời Joko cũng có nghĩa là suy giảm dân chủ. Nhưng Prabowo nhiều khả năng còn thúc đẩy việc đó.

Các nền dân chủ đa sắc tộc lớn khác cũng đang phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự. Tại Ấn Độ, các dự án công trình công cộng có giá trị lớn đã khiến mức độ ủng hộ Modi tăng vọt ngay cả khi ông ngăn cấm nhiều quyền dân chủ. Tại Brazil, chủ nghĩa quân phiệt đang thịnh hành trở lại khi nỗi kinh hoàng về các chế độ độc tài quân sự trong quá khứ mờ dần trong ký ức; và tại Mỹ, Trump có thể sẽ có thêm một cơ hội nữa để ngồi vào chiếc ghế tổng thống.

Prabowo không chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Ông đang đối đầu với Ganjar Pranowo, cựu thống đốc đến từ miền trung Java, và Anies Baswedan, cựu hiệu trưởng trường đại học và cựu thống đốc Jakarta. Cho đến nay, Prabowo vẫn dẫn trước rất xa, vào khoảng 50%. Nhưng nếu ông không giành được đa số hoàn toàn vào thứ Tư, sẽ có một vòng bầu cử trực tiếp vào tháng 6 giữa hai người có số phiếu cao nhất.

Nhiều điều có thể xảy ra từ giờ đến lúc ấy. Vì lợi ích của nền dân chủ lớn thứ ba thế giới, hãy hy vọng điều gì đó sẽ xảy ra.

Gordon LaForge là nhà phân tích chính sách cấp cao tại New America. Ông là cựu thành viên Fulbright Indonesia và từng làm việc ở nước này trong vai trò một nhà báo.