Nguồn:, “Why fake research is rampant in China.” The Economist, 22/02/2024.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Là một nhà nghiên cứu về cách giúp lợn tăng cân nhanh chóng, Huang Feiruo từng là nhà khoa học được kính trọng ở Trung Quốc. Ông điều hành các dự án nghiên cứu do chính phủ tài trợ tại Đại học Nông nghiệp Hoa Trung ở trung tâm thành phố Vũ Hán. Nhưng tháng trước, 11 sinh viên của ông đã cáo buộc ông đạo văn công trình nghiên cứu của các học giả khác và ngụy tạo dữ liệu. Họ nói ông cũng đã gây áp lực buộc họ phải làm giả nghiên cứu của chính họ. Vào ngày 6 tháng 2, trường đại học thông báo đã sa thải ông Huang và rút lại một số công bố của ông.
Gian lận khoa học là chuyện quá phổ biến ở Trung Quốc. Cơ chế là một phần lớn của vấn đề, khi các trường đại học Trung Quốc thường quyết định thăng tiến và tài trợ cho các nhà nghiên cứu dựa trên số lượng bài báo xuất bản thay vì chất lượng. Điều này góp phần giúp Trung Quốc lần đầu tiên trở thành nước công bố nhiều bài báo khoa học nhất thế giới vào năm 2017. Họ vẫn giữ vững vị trí đầu kể từ đó. Nhưng trong khi một số nghiên cứu có tính tiên tiến, thì phần lớn lại đáng ngờ.
Quy mô của vấn đề rất khó đo lường vì bản chất của hành vi gian lận. Nhưng sẽ rất hữu ích nếu bắt đầu từ số lượt tự rút bài nghiên cứu hoặc khi một tạp chí khoa học cho rút bài, thường là do nghi ngờ về hành vi sai trái trong nghiên cứu. Theo tạp chí Nature, các bài báo từ Trung Quốc có tỷ lệ rút bài cao thứ tư trên thế giới. Trong cơ sở dữ liệu gồm khoảng 50.000 nghiên cứu đã rút do Crossref, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, và blog Retraction Watch thu thập, khoảng 46% số bài được rút đến từ Trung Quốc.
Nhiều bài báo đáng ngờ có lẽ được viết bởi các “trung tâm nhân bản bài báo” (“paper mills”) với một khoản phí. Những cơ sở này thường đạo văn nghiên cứu thực và chỉ thay đổi một vài chi tiết. Một số bài giả rất dễ nhận ra, theo lời nhà vi trùng học Elisabeth Bik. Chẳng hạn, bà từng tìm thấy một bài báo của Trung Quốc về bệnh ung thư tuyến tiền liệt, trong đó tuyên bố hơn một nửa số bệnh nhân được nghiên cứu là phụ nữ. Nhưng chỉ có đàn ông mới có tuyến tiền liệt. Tuy vậy, những bài giả khác khó nhận ra hơn và có thể gây “ô nhiễm” cả một ngành nghiên cứu. Do đó, một số nhà khoa học đơn giản là từ chối nhận bình duyệt công trình từ Trung Quốc, bà Bik nói.
Với hy vọng biến Trung Quốc thành một siêu cường khoa học, chính phủ nước này đang tìm cách trấn áp tình trạng nghiên cứu “dỏm”. Trong những năm gần đây họ đã phạt hàng trăm nhà khoa học có hành vi sai trái và cấm họ nhận tài trợ công. Vào tháng 1, Bộ Giáo dục đã phát động một chiến dịch mới, yêu cầu các trường đại học điều tra mọi bài báo của giảng viên đã bị rút. Nhiều tác giả hoan nghênh sự cứng rắn như vậy. Một nhà nghiên cứu tại một bệnh viện ở Bắc Kinh cho biết, nhà chức trách nên có hình phạt nghiêm khắc để “thanh lọc” ngành nghiên cứu khoa học.
Nhưng chỉ trừng phạt thôi sẽ không giải quyết được vấn đề, Shu Fei đến từ Đại học Điện tử Hàng Châu cho biết. Ông tin rằng các trường nên ngừng khen thưởng các nhà nghiên cứu chỉ vì xuất bản nhiều bài báo. Hồi năm 2020, chính phủ đã ban hành hướng dẫn về vấn đề này, song vẫn có rất ít thay đổi, ông Shu nói. Ông nghi ngờ một phần của vấn đề đến từ việc lãnh đạo trường đại học là quan chức chính phủ (chứ không phải là các học giả). Do đó, họ giỏi theo đuổi các mục tiêu bằng con số nhưng thiếu khả năng thúc đẩy khoa học tốt, vốn rất khó định lượng.
Ít nhất thì câu chuyện của các nghiên cứu sinh của ông Huang cũng rất đáng khích lệ. Trên mạng xã hội, nhiều người Trung Quốc đã hoan nghênh việc họ đứng lên tố cáo dù có thể bị tổn hại đến sự nghiệp. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong một cuộc khảo sát trực tuyến được công bố năm ngoái, hơn một phần tư sinh viên y khoa tốt nghiệp Trung Quốc cho rằng việc ngụy tạo một số dữ liệu hoặc kết quả là có thể chấp nhận được./.