Thế giới hôm nay: 06/03/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ủy ban châu Âu đã công bố một chiến lược quốc phòng mới được thiết kế để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của lục địa. Kế hoạch này yêu cầu chính phủ các nước chi một nửa ngân sách mua sắm quốc phòng trong nội bộ khối; và quy định 40% thiết bị quân sự phải được mua theo “phương thức hợp tác” vào năm 2030. Các khía cạnh của thỏa thuận còn gây tranh cãi. Mặc dù nó không bao gồm kế hoạch trước đó nhằm thành lập quỹ 100 tỷ euro cho quốc phòng, một số nước bảo thủ về mặt tài chính vẫn tỏ ra nghi ngờ về việc phát hành nợ chung để hỗ trợ chiến lược mới.

Theo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, lực lượng đặc biệt của Ukraine đã đánh chìm tàu chiến Sergei Kotov của Nga trị giá 65 triệu USD. Con tàu này bị nhắm mục tiêu gần eo biển Kerch bằng tàu không người lái Magura V5 do Ukraine tự sản xuất, cùng loại với chiếc drone đã đánh chìm chiến hạm Caesar Kunikov hồi tháng 2. Ukraine cũng nhận trách nhiệm về vụ tấn công kho dầu ở Dolgoye, một ngôi làng tại vùng Belgorod của Nga.

Giá vàng tăng lên hơn 2.141 USD/ounce, mức cao kỷ lục, trước khi giảm trở lại. Kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm ngoái là khoảng 2.135 USD. Các ngân hàng trung ương đã liên tục mua vàng và đẩy giá lên cao. Ngoài ra nhà đầu tư Trung Quốc cũng đổ xô vào mua vàng để bảo hiểm cho thị trường chứng khoán đầy biến động của nước này.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, doanh số bán iPhone tại Trung Quốc đã giảm 24% so với cùng kỳ trong sáu tuần đầu tiên của năm 2024. Apple đang đứng trước áp lực lớn từ Huawei, một công ty Trung Quốc hiện là đối thủ chính của Apple trên thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc. Doanh số của Huawei tăng 64% trong cùng kỳ.

Một tổ chức cực tả mang tên Volcano Group đã nhận trách nhiệm về vụ đốt phá nhà máy TeslaĐức. Nhóm nói họ nhắm mục tiêu vào nhà máy này vì nó “ăn hết đất, tài nguyên, con người [và] lao động.” Việc sản xuất đã bị dừng lại cho đến ít nhất là tuần tới. CEO Elon Musk đã sử dụng một cụm từ tiếng Đức để mô tả việc lấy lý do môi trường để tấn công xe điện: extrem dumm (cực kỳ ngu ngốc).

Trung Quốc đồng ý hỗ trợ quân sự cho Maldives và hứa sẽ phát triển quan hệ đối tác chiến lược “toàn diện.” Thỏa thuận được ký bởi Mohamed Muizzu, người vừa được bầu làm tổng thống của đảo quốc này vào năm ngoái sau khi cam kết xích lại gần Trung Quốc và đẩy lùi Ấn Độ. Hồi tháng 1, ông đã yêu cầu một số lượng nhỏ quân đội Ấn Độ đóng tại nước này rời đi trước giữa tháng 3.

Nga tiết lộ đang “nghiêm túc xem xét” hợp tác với Trung Quốc để xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên mặt trăng vào năm 2035. Yuri Borisov, giám đốc của Roscosmos, nói cơ quan vũ trụ Nga đang theo đuổi một dự án, được công bố lần đầu tiên vào năm 2021, hướng tới xây dựng một cơ sở khoa học và một đội tàu thám hiểm mặt trăng. Ông Borisov cho biết nhà máy sẽ cần được xây dựng bằng robot.

Con số trong ngày: 20 trường sở hữu tới một nửa trong số 800 tỷ USD tổng tài sản của các trường đại học Mỹ.

TIÊU ĐIỂM

Người nhập cư cứu kinh tế Úc

Dường như nhờ vào may mắn, Úc vượt qua hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhưng dữ liệu được công bố vào thứ Tư dự kiến ​​cho thấy nền kinh tế nước này chỉ tránh được suy thoái trong gang tấc. Các nhà kinh tế ước tính GDP của Úc chỉ tăng khoảng 0,2% hoặc ít hơn trong quý cuối của năm 2023, khi người Úc phải vật lộn với chi phí đi vay cao và lạm phát. Nếu tính bình quân đầu người, sản lượng đang giảm và nền kinh tế đang suy thoái.

Nguyên nhân giúp Úc không rơi vào suy thoái kỹ thuật là dòng người nhập cư kỷ lục. Hơn 700.000 người đã đổ xô đến đây trong năm tính đến tháng 6 năm 2023. Di cư ròng hiện cao hơn gấp đôi so với mức trước đại dịch. Nhưng không phải tất cả người Úc đều trải thảm đỏ. Dòng người nhập cư tăng đúng lúc Úc đang trải qua khủng hoảng nhà ở, và người nhập cư đang bị đổ lỗi. Nhiều người càu nhàu rằng một chiếc bánh to ra chẳng có ý nghĩa gì khi miếng bánh của bản thân họ bị thu hẹp lại.

Chính phủ Anh sắp công bố dự thảo ngân sách

Bộ trưởng tài chính Anh Jeremy Hunt sẽ công bố dự thảo ngân sách vào thứ Tư. Đây có thể là sự kiện tài chính cuối cùng trước cuộc tổng tuyển cử năm nay. Theo kết quả thăm dò, chính phủ Bảo thủ đang kém tới 20 điểm so với Công Đảng. Ông Hunt chắc chắn sẽ hào phóng. Ông có thể sẽ tuyên bố cắt giảm thuế thu nhập hoặc thuế lương, và gần như chắc chắn tiếp tục miễn thuế nhiên liệu. Ông được cho là cũng đang xem xét “ISA của Anh” (tức giảm thuế cho các nhà đầu tư vào doanh nghiệp Anh). Để bù lại phần giảm thuế, ông có thể sẽ công bố cải cách lại cơ chế tránh thuế dành cho người nước ngoài khá giả.

Nhưng ông Hunt có thể bị hạn chế bởi “không gian tài khoá” thấp – tức lượng chi tiêu bổ sung hoặc cắt giảm thuế mà các chính phủ có thể thực hiện mà không vi phạm quy tắc tài chính do mình đặt ra, mà trong trường hợp này là đảm bảo tỷ lệ nợ trên GDP giảm trong 5 năm. Đà tăng gần đây của lợi suất trái phiếu có nghĩa là không gian tài khoá không thay đổi nhiều kể từ tháng 11. Và lo ngại lạm phát cũng có thể ngăn cản việc chi tiêu rầm rộ trước bầu cử.

Hôm nay luật cạnh tranh kỹ thuật số của EU sẽ có hiệu lực hoàn toàn

Thứ Tư là ngày cuối cùng trước khi Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) mang tính bước ngoặt của EU có hiệu lực đầy đủ. Luật này nhắm vào những “người gác cổng” kỹ thuật số — tức các công ty công nghệ có vốn hóa thị trường hơn 75 tỷ euro (82 tỷ USD) và hơn 45 triệu người dùng hàng tháng ở EU. Trong số này có Alphabet và Apple. Họ sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ hạn chế sức mạnh thị trường. Theo DMA, nền tảng của các công ty trên sẽ không được ưu tiên các dịch vụ của chính mình và phải cho phép người dùng chuyển dữ liệu sang các dịch vụ cạnh tranh. Tiền phạt rất cao: lên tới 10% doanh thu toàn cầu.

Câu hỏi lớn là liệu Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, có đủ nguồn lực để thực thi DMA hay không. Tuần này, ủy ban đã nói họ sẽ thực thi luật một cách nghiêm ngặt. Vào ngày 4 tháng 3, họ đã phạt Apple — công ty có khả năng thách thức DMA một cách mạnh mẽ nhất, tại tòa án hoặc bằng cách tìm kẽ hở pháp lý — hơn 1,8 tỷ euro vì cản trở cạnh tranh từ các dịch vụ phát nhạc trực tuyến đối thủ.

Biểu tình phản đối tổng thống ở Colombia

Tổng thống cánh tả của Colombia, Gustavo Petro, đang tỏ ra không xoay chuyển trước chỉ trích. Các chính trị gia đối lập đã chỉ trích ông là “kẻ hủy diệt” đất nước. Nhiều lời lăng mạ sẽ xuất hiện vào thứ Tư khi các đảng cánh hữu tổ chức tuần hành ở 15 thành phố. Họ muốn phản đối hai chính sách gây tranh cãi nhất của ông.

Ông Petro đang tìm cách mở rộng vai trò của nhà nước trong ngành y tế. Kế hoạch của ông bao gồm cải cách mô hình bảo hiểm hiện tại, vốn đang bao phủ 97% dân số, tăng cường chăm sóc ban đầu và thiết lập mô hình tài trợ mới cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế. Ông Petro cũng hứa cải tổ hệ thống lương hưu để giảm bất bình đẳng thu nhập. Song phe phản đối cho rằng những cải cách đó có thể làm tổn hại đến nền tài chính công và thị trường lao động mong manh của đất nước.

Người Colombia cũng lo lắng về tội phạm. Một loạt vụ cướp có vũ trang và giết người gần đây đã làm rung chuyển thủ đô Bogotá. Đất nước này có 8 trong số 50 thành phố nguy hiểm nhất thế giới. Nhiều người đổ lỗi cho ông Petro không mạnh dạn đàm phán với các băng đảng và nhóm vũ trang.