Đọ sức diệt tăng giữa RPG-7 (B41) và M72 LAW tại Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Phạm Quang Hiền

Xe tăng xuất hiện lần đầu tiên trong Chiến tranh I, thuộc quyền sở hữu của quân đội Anh. Kể từ đó, quy luật chiến tranh đã thay đổi hoàn toàn, không chỉ còn là dàn quân và hầm hào mà còn phải tìm ra cách để chống lại “quái thú sắt”. Những ý tưởng về vũ khí chống tăng ra đời từ đó. Đầu tiên là súng trường vì khi ấy giáp xe tăng còn mỏng, tiếp đó quân đội Đức nghĩ ra việc gắn nhiều trái lựu đạn thành một khối thuốc nổ có thể ném đi xa.

Bước sang Thế chiến II, cả hai yếu tố xe tăng và chống tăng đều có những cải biến mạnh mẽ, giáp xe tăng dày hơn, vũ khí chống tăng mạnh hơn. Người Nhật tạo ra bom ba càng nhưng hiệu quả không cao vì cần đến “cảm tử quân” để sử dụng, người Đức nghĩ ra Panzerfaust (1942) có thể bắn ra khối thuốc nổ lớn từ xa mà không cần tiếp cận mục tiêu như bom ba càng. Từ đó trở đi, Panzerfaust gần như trở thành hình mẫu phát triển cho mọi loại súng chống tăng cá nhân.

Tại Việt Nam, thời chống Pháp cũng là thời kỳ vũ khí chống tăng được nghiên cứu phát triển trong nước với thiết kế đầu tiên của khẩu SKZ. Tuy nhiên, đỉnh cao của cuộc chạy đua hạ xe tăng phải đến thời kỳ chống Mỹ mới diễn ra. Người Mỹ đến Việt Nam và nghĩ rằng “Việt Cộng” chỉ biết đánh nhau trong rừng. Cho đến khi hai bên bắt đầu triển khai xe tăng, thiết giáp và tiến hành các trận đánh lớn thì cuộc đọ sức diệt tăng mới bắt đầu. Tiêu biểu trong đó là súng chống tăng RPG-7 và M72 LAW, hai món vũ khí thuộc hai triết lý quân sự phương Đông và phương Tây đã phát huy được hết giá trị cốt lõi tại chiến trường Việt Nam.

Sự ra đời và xuất hiện tại chiến trường Việt Nam

Súng chống tăng RPG-7, tên đầy đủ tiếng Nga ручной противотанковый гранатомёт (tiếng Anh: Rocket-Propelled Grenades), hay người Việt gọi ngắn lại là súng B41, có nguồn gốc từ Liên Xô. RPG-7 được cải tiến từ khẩu RPG-2 (B40) cũng được sử dụng rộng rãi bởi quân đội Việt Nam vào thời kỳ sau 1954. RPG-7 được thiết kế năm 1958 và được tung hết sức mạnh trong các trận chiến quy mô lớn tại chiến trường Việt Nam từ năm 1967. Chiến dịch Mậu Thân 1968 là lần đầu tiên vũ khí chống tăng vác vai được đưa vào sử dụng tại các đô thị. Khoảng cách giao chiến tầm gần trong không gian đô thị khắc chế ưu thế tầm bắn của tăng – thiết giáp, đồng thời phát huy yếu tố hỏa lực mạnh, cơ động, bất ngờ của B41.

M72 LAW (LAW là viết tắt của Light Anti-tank Weapon) thuộc dòng vũ khí chống tăng hạng nhẹ không bám đuổi mục tiêu do Mỹ thiết kế và sản xuất từ năm 1963. Mục đích ra đời của M72 nhằm khắc phục những điểm yếu của mẫu Bazooka M1 thời Thế chiến II và phù hợp hơn với bối cảnh tác chiến mới. Sản xuất cùng thời điểm với RPG-7, M72 được mang sang Việt Nam tham chiến từ năm 1968 và được sử dụng bởi quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Bước ngoặt phát triển vũ khí chống tăng xuất phát từ khi Liên Xô viện trợ xe tăng và cơ giới bọc thép cho Việt Nam bởi trước đó lối đánh du kích là chủ yếu trong chiến đấu. Trong giai đoạn những năm 1960, Liên Xô viện trợ Việt Nam pháo tự hành Su-76 và xe tăng T-34-85. Từ 1961 đến 1973, xe tăng PT-76, T-54 lần đầu lăn bánh đến chiến trường Việt Nam.

Phát huy sức mạnh trong chiến đấu

Chiến trường Việt Nam có thể được coi là nơi nâng tầm các loại vũ khí đến mức Liên Xô cũng không ngờ tới. Bắt đầu từ năm 1967, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu sử dụng RPG-7 trong chiến đấu và bước đầu phát huy hiệu quả. So với RPG-2 thì RPG-7 có sức mạnh gấp đôi, xe tăng M48 Patton của Mỹ có giáp trước chịu được đạn RPG-2 nhưng không thể chịu được đạn RPG-7.

Chiếc M48 Patton đầu tiên bị phá huỷ bởi RPG-7 vào đầu năm 1968. Kể từ đó, Mỹ liên tiếp thay đổi chiến thuật phản chống tăng và tăng cường các loại xe tăng mới vào miền Nam Việt Nam, gồm các mẫu như M551 Sheridan, M60… Không chỉ xe tăng, thiết giáp M113 cũng trở thành mục tiêu dễ dàng của RPG-7. Từ đó, RPG-7 đóng góp lớn vào việc làm phá sản chiến thuật “thiết xa vận” của Mỹ và khiến các nhà khoa học quân sự Mỹ phải tìm đáp án cho loại giáp xe tăng mới chống được sát thủ diệt tăng của Liên Xô này.

Trong khi đó, trận chiến gây thất vọng nhất đối với lực lượng quân sự Mỹ nói chung và súng chống tăng M72 nói riêng có thể kể đến trận Làng Vây trong Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Đây cũng là trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng phía Việt Nam tham gia. Trong trận Làng Vây đã có khoảng 100 quả đạn M72 bắn vào 16 xe tăng PT-76 tham chiến nhưng chỉ có một xe bị đốt cháy, mặc dù có tới 9 phát đã bắn trúng một số xe tăng ở cự ly gần. Thất bại tại Làng Vây cũng chứng tỏ trang bị chống tăng của bộ binh Mỹ có nhiều vấn đề, khi M72 bắn nhiều phát vẫn không tiêu diệt được PT-76 dù đây là loại tăng hạng nhẹ giáp mỏng.

M72 chỉ thực sự phát huy tác dụng khi bắn trúng vào tháp pháo, gác đạn hoặc hông xe, bằng chứng là ở trận An Lộc trong chiến dịch mùa Hè 1972 – một trận đấu tăng quy mô với loại tăng chủ lực mới T-54 được Liên Xô viện trợ. Trận chiến gỡ gạc lại một chút danh dự cho sức mạnh chống tăng của khí tài Mỹ. Cụ thể, ghi nhận trong ba ngày chiến đấu có 23 xe tăng bị tiêu diệt gồm T-34 và T-54. Lý do bởi đây là trận tác chiến trong đô thị, bộ binh có thể phục kích bắn vào phần giáp hông xe tăng từ khoảng cách gần. Còn nếu chiến đấu ở khu vực rộng loại vũ khí này sẽ không gây được nhiều thiệt hại.

Ai hơn ai?

Cũng như AK-47 và M16, triết lý chế tạo vũ khí của Liên Xô và Mỹ cũng có những điểm khác nhau căn bản. Thực dụng, phổ biến, tin cậy là những từ có thể dùng để miêu tả về RPG-7. Nếu AK-47 được mệnh danh là khẩu súng trường bền bỉ nhất thế giới thì RPG-7 cũng là khẩu súng chống tăng trường tồn theo thời gian.

Dễ sử dụng trở thành ưu điểm đầu tiên khi một người lính không qua trường lớp cũng dễ dàng sử dụng loại vũ khí này trong thời gian ngắn do cơ chế hoạt động đơn giản, ít chi tiết phức tạp. Kế đó, một khẩu RPG-7 có thể bắn ít nhất 250 phát trong vòng đời sử dụng trong điều kiện có bảo dưỡng trước khi phải thay nòng. Ngoài ra, theo đánh giá của Tạp chí quân sự Defense Talk, một trong những đặc điểm tạo ra sức mạnh và hiệu quả của RPG-7 chính là khả năng dễ nâng cấp. Súng RPG-7 được trang bị kính ngắm quang PGO-7V. Ở phiên bản đầu tiên, súng sử dụng đạn PG-7V mod 1961 có khả năng xuyên giáp thép dày 260mm, đạn PG-7VM nhẹ khả năng xuyên giáp 300mm. Do đầu đạn nằm ngoài nòng, chỉ có liều phóng nằm bên trong nên dễ dàng cho việc thay đổi, nâng cấp. Cuối cùng, RPG-7 phát huy tốt trong tay bộ đội Việt Nam do phù hợp với lối đánh du kích, tính cơ động, tầm bắn hiệu quả xa, sát thương lớn, chi phí rẻ.

Tuy nhiên, điểm yếu của khẩu súng nằm ở cơ số đạn mang theo khá ít, tối đa với 1 người lính là 4 viên (đã gồm 1 viên lắp sẵn). Trong một tiểu đội chỉ bố trí một tay súng chống tăng, do đó cần có yểm trợ hỏa lực. RPG-7 vì thế hoạt động tốt hơn khi tác chiến theo nhóm. Cùng với đó, tiếng nổ lớn và đường đạn bay chậm dễ khiến vị trí ẩn nấp của xạ thủ bị lộ. Với hỏa lực của xe tăng, nếu lộ vị trí mà chưa hạ được mục tiêu thì khả năng bị bắn trả là rất lớn.

Trải qua hơn 60 năm, sự tồn tại và phát triển mà RPG-7 đã minh chứng thực tế qua cuộc chiến tại Việt Nam và sau đó cho thấy sự bền bỉ, ưu việt. Đến nay, ít nhất hơn 9 triệu khẩu RPG-7 đã được sản xuất trên khắp thế giới với nhiều phiên bản, biến thể được sử dụng rộng rãi trong nhiều lực lượng.

M72 và M16 đều là những vũ khí do Mỹ tạo ra nhằm khắc chế vũ khí của Liên Xô. Nếu M16 ưu việt hơn AK-47 ở độ chính xác, tầm bắn và trọng lượng thì M72 ưu việt hơn trước RPG-7 ở các điểm sau. Thứ nhất, dễ sử dụng với mỗi người lính khi kích thước của M72 có thể rút ngắn ống phóng, khi đó dài chưa đến 1m, mỗi viên đạn cũng nặng không quá 2kg. Thứ hai, M72 được cá nhân hóa cho mỗi người lính trên chiến trường, giúp họ có thể hạ được các mục tiêu riêng. Việc trang bị rộng còn giúp tăng cơ số hỏa lực trên chiến trường, lượng đạn mang theo, trong một đội ai cũng được trang bị M72 sẽ hơn một đội chỉ có duy nhất 1 khẩu RPG-7. Điều này khiến tính độc lập tác chiến được tăng lên, phù hợp đánh quy mô lớn.

Thế nhưng, M72 chỉ thực sự phù hợp với “quân đội nhà giàu” như Mỹ bởi tính chất sử dụng một lần rồi vứt bỏ ống phóng gây tốn kém lớn khi mỗi ống phóng có giá lên đến vài nghìn đô-la. Không có kính ngắm trang bị, sử dụng thước ngắm đầu ruồi khiến cho khả năng thực hiện phát bắn chính xác giảm đáng kể. Sát thương yếu cũng là vấn đề lớn với M72 khi hiệu quả xuyên giáp kém hơn RPG-7 (B41) ở khoảng cách trên 100m. Thực tế cho thấy trong trận Làng Vây, M72 có màn thể hiện tệ trước xe tăng PT-76 dù mẫu xe tăng này chỉ có lớp giáp dày chưa đến 20mm. Trong khi đó, với RPG-7 Việt Nam đã hạ được các loại tăng M48, M60 với giáp trung bình dày hơn 20mm.