Thế giới hôm nay: 12/04/2024

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nga tấn công lớn vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, khiến 7 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Một cuộc tấn công tên lửa đã phá hủy nhà máy điện Trypilska gần Kiev. Đòn đánh của Nga cũng nhắm vào nhà máy điện ở những nơi khác ở Ukraine, khiến khoảng 200.000 người ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai, bị mất điện. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước ông cần “hệ thống phòng không và hỗ trợ phòng thủ” từ các đồng minh, chứ không chỉ là “các cuộc thảo luận kéo dài.” Trước đó, các nhà lập pháp Ukraine đã loại bỏ một điều khoản trong dự thảo luật cho phép những người lính đã trải qua hơn 36 tháng chiến đấu được trở về nhà. Quyết định này khiến các chiến binh kiệt sức tức giận.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bỏ phiếu giữ lãi suất ổn định ở mức 4%. Tuy vậy, ngân hàng cho biết lãi suất có thể sẽ sớm giảm khi nói rằng việc hạ lãi suất “sẽ là phù hợp” nếu lạm phát tiếp tục giảm. Đây là lần đầu tiên ECB công khai thảo luận về cắt giảm lãi suất kể từ khi bắt đầu chính sách thắt chặt. Trong khi đó, tăng trưởng toàn khối EU chỉ đạt trung bình 0,4% vào năm ngoái.

Đảng Dân chủ (DP) đối lập cấp tiến của Hàn Quốc và các đồng minh đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội, qua đó hạn chế không gian lập pháp của Yoon Suk-yeol, tổng thống phe bảo thủ. DP và đảng chị em của họ thắng 175 ghế trong Quốc hội, so với 108 ghế của đảng của tổng thống và các đồng minh. Thủ tướng, một đồng minh của tổng thống, và các trợ lý cấp cao của tổng thống đã xin từ chức.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 3 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá chỉ tăng nhẹ trong tháng 2 và giảm trong 4 tháng liên tiếp trước đó từ tháng 10 đến tháng 1. Ngân hàng trung ương đang nỗ lực chống giảm phát vì lo ngại việc cắt giảm lãi suất mạnh sẽ làm suy yếu đồng tiền của Trung Quốc và siết chặt lợi nhuận của các ngân hàng nước này.

TIÊU ĐIỂM

Kinh tế Trung Quốc là tâm điểm hôm nay

Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc rất đáng khích lệ trong hai tháng đầu năm. Cả lạm phát và xuất khẩu đều mạnh hơn dự báo. Thực tế, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của nước này. Hôm thứ Hai, bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo trong chuyến đi tới Bắc Kinh rằng việc làm tràn ngập thị trường toàn cầu với “các sản phẩm Trung Quốc rẻ một cách giả tạo” có thể đe doạ “khả năng tồn tại” của các công ty nước ngoài.

Liệu đà khôi phục của Trung Quốc có kéo dài? Dữ liệu tháng 3 sẽ cung cấp một số manh mối. Số liệu công bố trong tuần này cho thấy giá tiêu dùng chỉ tăng 0,1% so với một năm trước đó, từ đó có thể kết luận lạm phát tăng hồi đầu năm phần lớn là do tết nguyên đán. Số liệu thương mại công bố hôm thứ Sáu cũng có thể sẽ yếu so với năm ngoái, khi các cảng của Trung Quốc tăng trưởng hậu đại dịch. Nếu dữ liệu không tốt, ít nhất Trung Quốc có thể khẳng định rằng cỗ máy xuất khẩu của họ không đáng sợ như những người chỉ trích cáo buộc.

Quan hệ Mỹ-Nhật và vấn đề Nippon Steel thâu tóm US Steel

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã được chào đón nồng nhiệt ở Washington trong tuần này. Trong khi đó, Nippon Steel lại đối mặt với sự tiếp đón lạnh lùng hơn nhiều ở Điện Capitol kể từ khi nhà sản xuất thép Nhật Bản đạt được thỏa thuận mua lại US Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ ba của Mỹ, với giá 15 tỷ USD vào tháng 12. Vào thứ Sáu, các cổ đông của US Steel sẽ bỏ phiếu về thương vụ. Họ có thể sẽ chấp thuận thỏa thuận, nhưng phản đối chính trị kiên quyết đối với giao dịch vẫn có thể khiến nó sụp đổ.

Tháng trước, tổng thống Joe Biden cho biết nhà sản xuất thép này nên thuộc sở hữu trong nước, cùng với Donald Trump và công đoàn đại diện cho các công nhân ngành thép kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận. Nippon vẫn chưa đầu hàng, mặc dù giao dịch này đang bị cơ quan giám sát đầu tư và chống độc quyền của Mỹ theo dõi chặt chẽ. Thị trường không đánh giá cao cơ hội thành công của Nippon – cổ phiếu của US Steel hiện đang giao dịch dưới 25% so với giá Nippon đề nghị.

Phố Wall bắt đầu công bố thu nhập quý

Ba trong số những ngân hàng cho vay lớn nhất nước Mỹ — Citigroup, JPMorgan Chase, và Wells Fargo — sẽ báo cáo thu nhập quý đầu tiên vào thứ Sáu. Thị trường sẽ đi tìm các chỉ dấu cho thấy rắc rối. Dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn dự kiến, nghĩa là lạm phát vẫn chưa được khắc phục. Lãi suất có thể vẫn cao hơn trong thời gian dài hơn dự kiến của các ngân hàng.

Điều đó có lợi cho ngân hàng (thu nhập lãi tăng) nhưng cũng có rủi ro. Nó sẽ tiếp tục gây áp lực lên những người đi vay, những người có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ. Các khoản lỗ về bất động sản thương mại đang chất thành đống tại các ngân hàng nhỏ hơn, trong khi người tiêu dùng ngày càng chậm trả các khoản vay mua ô tô và thẻ tín dụng. Chi phí lãi vay của các ngân hàng cũng tăng lên, khi khách hàng tận dụng các tài khoản tiết kiệm lãi suất cao.

Các cổ đông sẽ theo dõi Citi một cách đặc biệt chặt chẽ sau khi ngân hàng này hoàn thành cuộc đại tu hoạt động kinh doanh vào cuối tháng 3. Ngân hàng đã sa thải 5.000 người, trong đó có 1.500 người giữ vai trò quản lý. Thu nhập của công ty sẽ tiết lộ chi phí của tiến trình chuyển đổi.

Bê bối lớn của Bưu điện Hoàng gia Anh

Từ năm 1999 đến năm 2015, gần 1.000 nhân viên của Bưu điện Anh đã bị kết án oan vì tội trộm cắp và các tội danh khác do hệ thống thanh toán trực tuyến bị lỗi. Suốt mấy chục năm nay vụ bê bối không hề được đưa tin đầy đủ. Công ty khẳng định hệ thống này hoạt động tốt, trong khi các nhà vận động cố gắng chứng minh điều ngược lại. Các lập luận mang tính kỹ thuật và hơi buồn tẻ, và cả các chính trị gia lẫn công chúng đều không chú ý nhiều.

Tất cả thay đổi vào tháng 1, khi một bộ phim truyền hình ăn khách kịch tính hóa vụ việc. Các chính trị gia hứa sẽ miễn tội và bồi thường cho những người bị oan. Một số đề nghị các giám đốc điều hành phải trả lại tiền thưởng hoặc bị truy tố hình sự. Paula Vennells, cựu giám đốc điều hành của Bưu điện, đã trả lại huân chương hoàng gia của bà. Một cuộc điều tra công khai kéo dài nhiều tháng hiện đang phỏng vấn nhiều người liên quan. Vào thứ Sáu, Alan Cook, một cựu giám đốc điều hành khác, sẽ bị thẩm vấn. Ông đã nói sẽ “không bao giờ tha thứ cho mình” về vụ bê bối. Những người khác có lẽ cũng sẽ không sẵn sàng tha thứ.