Đằng sau cơn sốt tìm việc nhà nước của giới trẻ Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Yu Hua, “Yu Hua on why young Chinese no longer want to work for private firmsThe Economist, 02/04/2024.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tận cùng của vũ trụ là gì? Một câu hỏi khoa học chưa trả lời được, nhưng hầu hết giới trẻ Trung Quốc ngày nay đã biết đáp án. Theo họ, nơi tận cùng của vũ trụ không phải là Dải Ngân hà, Thiên hà Andromeda, hay Chòm sao Canes Venatici, mà là một công việc nhà nước.

Quan sát những thay đổi trong cách nhìn của giới trẻ Trung Quốc đối với công việc nhà nước trong bốn thập niên qua của thời kỳ cải cách có thể tiết lộ những thay đổi sâu xa trong cấu trúc xã hội Trung Quốc.

Trong giai đoạn đầu của cải cách vào những năm 1980, có ba loại công việc nhà nước dành cho cư dân thành thị: biên chế tập thể, biên chế chung, và biên chế cán bộ. Biên chế cán bộ tương đương với hệ thống công vụ ngày nay. Khi ấy, tất cả những người trẻ đều khao khát vào biên chế cán bộ. Nhưng rồi đến thập niên 1990 thì biên chế không còn thu hút nữa.

Nếu chúng ta mô tả tốc độ phát triển kinh tế trong những năm 1980 là đi bộ, thì đến những năm 1990, nó giống như một con ngựa phi nước đại. Sinh viên tốt nghiệp đại học quay lưng với hệ thống biên chế để tìm kiếm việc làm ở các công ty nước ngoài hoặc các công ty liên doanh, hoặc thành lập công ty riêng của họ. Động lực rất rõ ràng: họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn, rất nhiều, trong khu vực tư nhân.

Chỉ riêng năm 1992, hơn 120.000 cán bộ – trụ cột của nhiều cơ quan chính phủ vào thời điểm đó – đã từ chức để chuyển sang làm cho tư nhân. Nhìn thấy những cơ hội to lớn của nền kinh tế thị trường, một số người đã tìm việc làm ở các công ty nước ngoài hoặc liên doanh. Một số người khác rút tiền tiết kiệm và vay tiền từ bạn bè và gia đình để bắt đầu kinh doanh riêng. Những cá nhân xuất sắc nhất trong số họ sau này đã trở thành các doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc. Những người tham gia vào khu vực tư nhân mô tả nó giống như “lặn xuống biển,” vì nền kinh tế thị trường thường được gọi một cách ẩn dụ là biển lớn.

Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, người trẻ bắt đầu nhen nhóm lại mong muốn tìm việc trong hệ thống công quyền – và lần này mong muốn của họ thậm chí còn mãnh liệt hơn. Giờ nó được gọi là “lên bờ.”

Trong thập niên qua, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc xin việc làm nhà nước đã tăng mạnh. Vào năm 2023, có tới 2,8 triệu ứng viên đạt đủ điều kiện tham gia các kỳ thi công chức, chỉ cho khoảng 39.000 vị trí. Các phương tiện truyền thông mô tả đây là “một đội quân gồm binh lính và ngựa đang cố gắng vượt qua một cây cầu độc ván.”

Bằng cử nhân thậm chí không còn là một lợi thế nữa; người ta cần có ít nhất một bằng thạc sĩ. Và để một đơn ứng tuyển thực sự có tính cạnh tranh, bạn nên có bằng tiến sĩ.

Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động đã làm mất đi khả năng lựa chọn việc làm của người tìm việc trẻ; miễn là có sẵn một công việc nhà nước an toàn, bất kể ở đâu và tính chất công việc như thế nào, luôn có số lượng lớn người nộp đơn. Vào năm 2020, một văn phòng quận nhỏ ở Hàng Châu đã gây chú ý khi ghi nhận những ứng viên mang bằng tiến sĩ từ một số trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc nộp đơn ứng tuyển. Thậm chí ở vùng Ali xa xôi của Tây Tạng, nơi điều kiện sống vô cùng khó khăn, chỉ một chân thư ký tại bưu điện địa phương đã thu hút tới 20.813 đơn ứng tuyển vào năm 2021.

Đóng cửa, sa thải, thất nghiệp và phá sản đều trở thành những từ khóa để mô tả nền kinh tế ngày nay. Đối với giới trẻ Trung Quốc, công việc lương cao không còn là mục tiêu cuối cùng nữa; điều họ muốn là những công việc ổn định trong hệ thống công quyền. Sau 3 năm phong tỏa vì đại dịch, không chỉ giới trẻ mới nhận ra tầm quan trọng của những công việc này. Tất cả mọi người đều thấy vậy.

Cho dù bạn bị cách ly ở nhà trong bao lâu, công việc nhà nước là hình thức việc làm duy nhất sẽ tiếp tục trả lương đầy đủ cho bạn. Nếu không có việc làm nhà nước, trong lần phong toả xã hội tiếp theo, nguồn thu nhập của bạn coi như bị cắt đứt. Đó là lý do tại sao “Tận cùng của vũ trụ là một công việc nhà nước” đã trở thành cụm từ phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc hiện nay.

Người Trung Quốc luôn yêu thích xem chỉ tay, đây là hình thức bói toán đơn giản và dễ hiểu nhất. Trước đây, người xem chỉ tay sẽ căn cứ vào vận mệnh của một người dựa trên ba đường tượng trưng cho tuổi thọ, sự nghiệp, và tình duyên. Hiện nay khi người trẻ đi xem bói, họ chỉ quan tâm đến đường sự nghiệp và tất cả những gì họ muốn biết là: liệu tương lai họ có được làm việc trong nhà nước hay không.

Tôi không biết làm thế nào người trẻ Trung Quốc lại phát minh ra hình thức bói toán mới này, nhưng tôi chỉ có thể ngạc nhiên trước sức mạnh đáng kinh ngạc của các công việc nhà nước, vì giờ đây chúng thậm chí đã đi vào truyền thống bói toán lâu đời của Trung Quốc./.

Yu Hua (Dư Hoa) là một tiểu thuyết gia và nhà viết tiểu luận, chủ yếu được biết đến với các tiểu thuyết theo trào lưu tiên phong. Các tác phẩm tiêu biểu: Phải sống (2003), Huynh đệ (2005)…