Nguồn: Martin Luther King Jr. writes “Letter from a Birmingham Jail”, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1963, vài ngày sau khi bị giam tại Birmingham, Alabama, vì một loạt các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, Tiến sĩ Martin Luther King, Jr. đã viết một lá thư đáp lời những người chỉ trích ông trên những mẩu giấy vụn. Bức thư ngỏ này, ngày nay thường gọi là “Thư từ Nhà tù Birmingham,” là lời bảo vệ mạnh mẽ cho chiến dịch biểu tình. Nó hiện được coi là một trong những áng văn vĩ đại nhất của phong trào dân quyền Mỹ.
Lá thư của King ban đầu được lưu hành dưới dạng bản in mimeograph ở Birmingham, sau đó mới được công bố ở nhiều nơi khác. Nó được xuất bản thành một cuốn sách nhỏ của Ủy ban Dịch vụ Bạn bè Mỹ, và xuất hiện trên các ấn phẩm đa dạng như Ebony, Christian Century, và The New York Post. Một phần của nó được đưa vào Biên niên sử Quốc hội Mỹ như một phần trong lời khai của Nghị sĩ New York William Fitts Ryan. Và King đã sửa đổi nó thành một chương trong cuốn hồi ký năm 1964 của mình Why We Can’t Wait. (Tại sao chúng ta không thể chờ đợi?)
Lá thư được gửi cho tám “tu sĩ đồng nghiệp” người da trắng, những người đã chỉ trích chiến dịch biểu tình trong một tuyên bố chung được đăng trên tờ Birmingham News vào ngày 13/04. Trước tiên, King bác bỏ ý tưởng rằng ông, với tư cách là một nhà thuyết giáo đến từ Atlanta, là một “người ngoài cuộc” can thiệp vào tình trạng phân biệt chủng tộc ở Birmingham. Ông nói, “Tôi nhận thức được mối quan hệ giữa tất cả các cộng đồng và tiểu bang. Tôi không thể ngồi yên ở Atlanta và không quan tâm đến những gì xảy ra ở Birmingham. Bất công ở bất cứ đâu cũng là mối đe dọa cho công lý ở khắp mọi nơi.”
Dù nhấn mạnh tầm quan trọng của bất bạo động, King bác bỏ ý tưởng rằng phong trào của ông đang hành động quá nhanh hoặc quá quyết liệt: “Chúng tôi biết qua những trải nghiệm đau thương rằng tự do không bao giờ được kẻ áp bức trao tặng một cách tự nguyện; nó phải do những người bị áp bức đòi hỏi. Thành thật mà nói, tôi vẫn chưa tham gia vào một chiến dịch hành động trực tiếp nào được xem là ‘đúng lúc’ theo quan điểm của những người không bị thiệt hại quá đáng do căn bệnh phân biệt chủng tộc.” King cũng ủng hộ việc vi phạm các đạo luật bất công và kêu gọi những người tin vào tôn giáo có tổ chức “[phá vỡ] những xiềng xích tê liệt của sự tuân thủ.”
Có thể nói, lá thư dài này là một lời bảo vệ cho các cuộc biểu tình bất bạo động, một lời kêu gọi thúc đẩy vấn đề dân quyền, và một lời thúc giục những ai còn bàng quan tham gia cuộc chiến, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ cũng có thể phải vào tù.
Chiến dịch Birmingham đã thành công trong việc thu hút sự chú ý trên toàn quốc đối với sự khủng khiếp của chế độ phân biệt chủng tộc. Sau khi Công đoàn Công nhân ngành Xe hơi Mỹ trả khoản tiền bảo lãnh 160.000 đô la của King, ông được thả ra khỏi tù vào ngày 20/04. Bốn tháng sau, ông đứng trên các bậc thang của Đài tưởng niệm Lincoln và đọc bài phát biểu I Have a Dream (Tôi có một giấc mơ) tại Cuộc tuần hành vì Công việc và Tự do ở Washington, được nhiều người coi là đỉnh cao trong phong trào của ông.
Vai trò của Mục sư Martin Luther King trong Chiến tranh Việt Nam