Chiến lược Quốc phòng Việt Nam nhìn từ khía cạnh một quốc gia lục địa hướng biển

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Nguyen The Phuong, “Vietnam’s Defense Strategy: A Maritime-Oriented Continental Perspective”, The Diplomat, 10/05/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hướng ra biển, làm thế nào để Việt Nam có thể cân bằng giữa việc tập trung vào biên giới phía tây trên đất liền và vùng biển phía đông?

Việt Nam là một quốc gia lục địa hướng biển. Việt Nam là một nước lục địa do tiến trình phát triển lịch sử của nước này luôn dựa trên nền tảng chủ yếu là lục địa. Văn hóa chiến lược của Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi tư duy lục địa bị chi phối bởi tầng lớp cầm quyền Nho giáo chống giao thương trong giai đoạn phong kiến. Trong thế kỷ 20, Việt Nam chủ yếu đối phó với các mối đe dọa an ninh trên bộ và chiến tranh chủ yếu diễn ra trên đất liền. Vị trí địa lý và văn hóa gần gũi với Trung Quốc đã tạo ra mối quan hệ yêu-ghét giữa Việt Nam và người khổng lồ ở phía bắc, vốn đã chi phối tư duy chiến lược an ninh của Việt Nam theo hướng lục địa trong nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, trong một sự thay đổi chiến lược quan trọng, Việt Nam đã bắt đầu chú trọng hơn đến biển cả trong thế kỷ 21. Tầm quan trọng chiến lược của biển lần đầu tiên được công nhận chính thức vào năm 1993, và sự thay đổi này tiếp tục được thể chế hóa trong những thập kỷ tiếp theo. Ngay cả khi đó, mục tiêu chiến lược đã rất rõ ràng: biến Việt Nam thành một “quốc gia mạnh về biển”. Mục tiêu này đã được nhấn mạnh trong Chiến lược Biển Việt Nam tới năm 2020  và Chiến lược Phát triển bền vững Kinh tế Biểnđược sửa đổi vào năm 2018.

Những tài liệu này thể hiện rõ ràng tư duy chiến lược biển. Trong Chiến lược Biển Việt Nam tới năm 2020, lãnh đạo Việt Nam nhận định thế kỷ 21 sẽ là “thế kỷ của đại dương”, đồng thời tài liệu này đưa ra phương châm “hướng ra biển là thịnh vượng”. Chiến lược Biển cũng miêu tả biển là “không gian phát triển” của đất nước, đóng vai trò then chốt cho sự phát triển và an ninh quốc gia. Do đó, Việt Nam “phải là một quốc gia biển mạnh và có thể làm giàu từ biển”.

Đánh giá thế bố phòng của Việt Nam và phân tích chiến lược mua sắm quân sự đòi hỏi phải hiểu rõ những ưu tiên chiến lược tổng thể của Việt Nam, đặc biệt là trụ cột kinh tế. Xét đến nhu cầu tạo ra môi trường hòa bình cho tăng trưởng kinh tế, trụ cột quốc phòng trong chiến lược tổng thể của đất nước phải được thiết kế phù hợp, tuân theo thực tế là nhận thức về mối đe dọa và ưu tiên kinh tế hiện tại của Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ về phía đông hướng ra biển. Như tôi đã đề cập ở những nơi khác, Việt Nam đang phải đối mặt với các mối đe dọa lớn và cấp bách đến từ biển, bao gồm các chiến thuật vùng xám cường độ thấp (hoạt động phi pháp, cưỡng ép, hung hăng và lừa dối của Trung Quốc) đến các cuộc xung đột trên biển cường độ cao (giả định về một cuộc chiến tranh hải quân hạn chế mang tính cục bộ và một cuộc phong tỏa hải quân tiềm tàng). Một cuộc chiến tranh biên giới trên bộ quy mô lớn tương tự như những gì đã xảy ra vào cuối những năm 1970 và 1980 là điều rất khó xảy ra, mặc dù không thể loại trừ hoàn toàn.

Những lập luận kêu gọi quay trở lại với chiến lược an ninh lục địa đã bỏ qua sự đồng thuận được thiết lập trong giới lãnh đạo về vai trò trung tâm của biển trong chiến lược tổng thể của Việt Nam. Những lập luận này cũng khó có thể biện minh theo quan điểm địa chiến lược ở thời điểm hiện tại vì chúng có xu hướng coi miền tây lục địa và miền đông biển cả là hai khu vực địa chính trị riêng biệt, không có mối liên hệ nào có ý nghĩa. Trong thực tế, tình thế tiến thoái lưỡng nan mang tính nhị phân, phân chia lục địa hay biển cả hoàn toàn mang tính chất nhân tạo, vì Việt Nam sẽ tiếp tục hướng về lục địa để đảm bảo an ninh và, ở một mức độ nào đó, để đảm bảo thịnh vượng cho chính mình.

Ngoài ra, nhìn nhận các tuyến biên giới phía tây lục địa qua lăng kính lịch sử của Chiến tranh Lạnh sẽ làm sai lệch bản chất thực sự của các mối đe dọa mà Việt Nam phải đối mặt trên đất liền. Trong thế giới kết nối ngày nay, mối quan hệ của Việt Nam với ba nước láng giềng dựa trên các nguyên tắc, ưu tiên, động lực và tư duy khác biệt so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vùng biên giới phía tây giáp với Campuchia và Lào ngày càng được định hình bởi hợp tác kinh tế hòa bình và khái niệm thịnh vượng chung. Biên giới phía tây này là nơi tồn tại các loại mối đe dọa an ninh “phi truyền thống” hoàn toàn khác biệt, đòi hỏi các phương thức và cách tiếp cận khác nhau để giải quyết. Do đó, thật vô lý khi cho rằng Việt Nam nên tích trữ trang thiết bị quân sự để đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống ở phía tây trong khi Hà Nội sở hữu các bộ công cụ chính sách phù hợp hơn để giải quyết những thách thức đó.

Việt Nam không cần phải hướng  “đông” hay hướng “tây”. Là một quốc gia lục địa hướng biển, Việt Nam cần tập trung vào cả hai địa vực để đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế trong tương lai. Vấn đề là với nguồn lực hạn chế, làm thế nào để Việt Nam cân bằng đầu tư quốc phòng giữa biên giới lục địa phía tây và vùng biển phía đông. Điều này phụ thuộc chặt chẽ vào tầm nhìn chiến lược tổng thể và nhận thức về các mối đe dọa của đất nước. Quân đội Việt Nam cần đầu tư bao nhiêu tiền để phát triển khả năng răn đe trên biển, chống lại các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc và tăng cường khả năng phòng thủ trên đất liền?

Việt Nam đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội để đạt mục tiêu trở thành một lực lượng quân sự hùng mạnh và hiện đại vào năm 2030. Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 nhấn mạnh việc hiện đại hóa một số quân chủng then chốt, trong đó Hải quân và Không quân đi đầu (không đề cập đến Lục quân). Sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông dường như là lý do chính cho điều này. Tầm nhìn kinh tế biển của đất nước cũng thuyết phục Đảng Cộng sản đầu tư vào sức mạnh trên biển và trên không.

Điều đó không có nghĩa là Lục quân bị bỏ bê và không được quan tâm. Những nỗ lực hiện đại hóa gần đây bao gồm nâng cấp đội hình xe tăng T-54/T-55 cũ kỹ của quân đội bằng xe tăng T-90 mua từ Nga, khả năng mua Pháo tự hành K-9 của Hàn Quốc và thực hiện một số dự án để sản xuất xe chiến đấu bộ binh do chính Việt Nam sản xuất và nội địa hóa một phần. Điều này cho thấy đã đến lúc Quân đội nhân dân Việt Nam cần nâng cấp trang thiết bị và học thuyết lỗi thời, lạc hậu nhiều thập kỷ để sánh kịp các nước láng giềng. Điều này phản ánh cách tiếp cận của quân đội nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lục quân để duy trì mức răn đe tối thiểu trước một cuộc xâm lược quy mô lớn trên bộ, giống như cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, mặc dù đây vẫn là kịch bản khó xảy ra. Nó không ngụ ý sự thay đổi ưu tiên chiến lược từ hướng đông sang hướng tây.

Cuộc tranh luận cần được đào sâu hơn: Liệu các khoản đầu tư vào năng lực bảo vệ vùng biển của đất nước đã đủ hiệu quả chưa? Tại sao Việt Nam ngừng mua sắm các trang bị và phương tiện mới cho hạm đội hải quân kể từ năm 2016, khi họ đưa vào hoạt động hai cặp tàu hộ vệ Gepard cuối cùng? Tại sao Việt Nam không tìm kiếm thay thế cho đội máy bay Su-22 cũ kỹ hàng thập kỷ của mình, mặc dù tai nạn xảy ra ngày càng nhiều mỗi năm? Các lựa chọn nào để mở rộng thêm đội máy bay tiêm kích của Không quân? Liệu Việt Nam có nên ưu tiên các khả năng chống chiến thuật vùng xám bằng cách đầu tư vào lực lượng thực thi pháp luật trên biển và dân quân tự vệ thay vì đầu tư vào khả năng tác chiến và răn đe trên biển? Mở rộng và bảo vệ lợi ích trên biển có thể đặt ra một tình thế khó khăn cho một quốc gia lục địa hướng biển có năng lực hạn chế: một đồng chi đầu tư cho lực lượng mặt đất sẽ là giảm một đồng đầu tư cho lực lượng trên biển, và việc đầu tư vào năng lực hải quân vốn nổi tiếng là tốn kém.

Cuộc tranh luận xung quanh chiến lược mua sắm quốc phòng của Việt Nam cũng không nên chỉ tập trung vào sự cạnh tranh mang tính nhị nguyên giữa lục địa và biển cả mà là tập trung vào việc củng cố tính tự chủ của Việt Nam trong việc duy trì năng lực quân sự của mình trong một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương bị chi phối bởi biển cả. Dưới bóng đen của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, quân đội Việt Nam đang củng cố chiến lược mua sắm ba mũi nhọn để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, tập trung vào việc xây dựng tổ hợp công nghiệp quân sự lưỡng dụng của riêng mình. Làm thế nào để tổ hợp công nghiệp quân sự này hoạt động bền vững là một câu hỏi quan trọng. Điều này sẽ bao gồm việc lựa chọn các đối tác quốc phòng đáng tin cậy, phân bổ nguồn lực giữa các công ty nhà nước và khu vực tư nhân, xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp và tìm kiếm thị trường cho ngành công nghiệp quốc phòng non trẻ đó.

Lập luận rằng Việt Nam nên chuyển hướng bố phòng sang phía tây lục địa với cái giá phải trả là phía đông biển cả là một điều sai lầm vì Việt Nam coi trọng cả hai địa vực. Không gian biển sẽ định hình tương lai của Việt Nam, cùng với sự hậu thuẫn kiên định từ vùng đất liền lục địa của mình. Phân tích thực tế về thế bố trí phòng thủ và chiến lược quân sự của Việt Nam nên dựa trên sự hiểu biết thực tế về nhận thức mối đe dọa và giả định về môi trường quốc tế của Việt Nam, chứ không phải dựa trên quan điểm lục địa cực đoan dựa trên nhận thức lịch sử lỗi thời.

Nguyễn Thế Phương là nghiên cứu sinh tiến sĩ về an ninh hàng hải và hải quân tại UNSW Canberra thuộc Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc.