Nguồn: David Pierson & Paul Sonne, “Putin Will Visit Xi, Testing a ‘No Limits’ Partnership’” The New York Times, 15/5/2024.
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Tuần này, khi Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, đón Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đến thăm, hơn hai năm đã trôi qua kể từ khi hai nhà lãnh đạo chuyên chế này tuyên bố hai bên sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác “không giới hạn” nhằm đẩy lùi những gì họ cho là sự bắt nạt và can thiệp của Mỹ.
Những thách thức ngày càng tăng đến từ phương Tây đang thử thách những giới hạn của mối quan hệ đối tác đó.
Tập đang đi trên một sợi dây ngày càng thu nhỏ, đối mặt với sức ép ngoại giao và kinh tế ngày càng tăng yêu cầu phải cắt giảm sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga và cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Giờ đây, việc xích lại gần Putin hơn sẽ chỉ khiến châu Âu, một đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, ngày càng xa lánh hơn nữa khi Bắc Kinh tìm cách cải thiện hình ảnh của mình ở phương Tây và bảo toàn xuất khẩu để vực dậy nền kinh tế đang suy yếu.
Thẩm Đinh Lập (Shen Dingli), một học giả về quan hệ quốc tế ở Thượng Hải cho biết: “Trung Quốc coi Nga là đối tác chiến lược quan trọng và muốn dành cho Putin sự tôn trọng thích đáng, nhưng vì lý do kinh tế và các nguyên nhân khác, họ cũng muốn duy trì mối quan hệ tốt với châu Âu và Mỹ. Đây là một hành động cân bằng rất khó khăn”.
Về phần mình, trong khi cố gắng ngăn cản các quốc gia phương Tây tích cực giúp Ukraine hơn, Putin đồng thời có thể muốn thăm dò xem Tập Cận Bình sẵn sàng mạo hiểm đến đâu. Tuần trước, khi Tập đang ở Pháp gặp Tổng thống Emmanuel Macron, Putin đã ra lệnh tập trận sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Hành động đó được coi là lời cảnh báo rõ ràng nhất cho đến nay rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc chiến này, đây là cách làm mà Tập đã tỏ rõ sự phản đối.
Nhà lãnh đạo Nga rất có thể sẽ tìm kiếm thêm sự ủng hộ của Tập để duy trì nền kinh tế bị cô lập và cỗ máy chiến tranh của nước này ở Ukraine.
Thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh
Putin vừa tổ chức lễ nhậm chức tổng thống lần thứ 5, và nếu hoàn thành hết nhiệm kỳ, ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo Nga tại nhiệm lâu nhất trong mấy thế kỷ qua. Còn Tập vừa trở về sau chuyến công du châu Âu, nơi ông được tâng bốc ở các quốc gia thân Nga là Serbia và Hungary, còn Pháp thì mời ông thưởng thức rượu ngon. Khi kết thúc chuyến thăm châu Âu, ông chưa đưa ra bất kỳ nhượng bộ lớn nào về thương mại hoặc trên vấn đề Ukraine.
Nếu tính cả những cuộc gặp trực tuyến thì Tập đã gặp Putin hơn 40 lần, nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác. Cả hai thường xuyên chúc mừng sinh nhật lẫn nhau và gọi đối phương là “bạn cũ” hay “bạn thân”. Quan trọng hơn, họ dường như coi nhau là đối tác chiến lược trong một cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn và có thể sẽ sử dụng các cuộc gặp này để thể hiện mình là những nhà lãnh đạo của một hệ thống toàn cầu thay thế làm xói mòn địa vị thống trị của Mỹ.
Tôn Vận (Sun Yun), giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington cho biết: “Mục tiêu là thể hiện Trung Quốc và Nga đang đứng cạnh nhau khăng khít như thế nào”.
Nhưng việc ủng hộ Nga cũng khiến Trung Quốc trở thành mục tiêu để phương Tây gây áp lực.
Mỹ tuyên bố, cho dù Bắc Kinh không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, nhưng vẫn hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin bằng cách cung cấp thông tin tình báo vệ tinh, các bộ phận máy bay chiến đấu, vi mạch và các thiết bị lưỡng dụng khác. Ngoài ra, với tư cách là khách hàng lớn nhất mua dầu mỏ Nga, Trung Quốc còn lấp đầy kho bạc của Moskva. Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt công ty Trung Quốc vì liên quan đến chiến tranh và đe dọa đưa các tổ chức tài chính Trung Quốc làm ăn với các công ty Nga vào danh sách đen.
Sự hỗ trợ ngầm của Bắc Kinh cho cuộc chiến của Moskva ở Ukraine cũng đã làm tổn hại thanh danh của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu. Trong chuyến thăm Pháp, khi bị chất vấn về cuộc chiến Nga-Ukraine, Tập giận dữ nói rằng Trung Quốc “không phải là kẻ làm ra cuộc khủng hoảng này, cũng không phải là một bên đương sự, cũng không phải là một bên tham gia”.
“Chiến lược đứng trên hai chiếc thuyền” của Trung Quốc có thể đang phát huy tác dụng
Tập không tỏ ra rằng ông sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để chấm dứt chiến tranh. Và ông có thể cảm thấy không cần phải làm như vậy.
Chiến lược của Trung Quốc vừa liên kết với Nga vừa cố gắng ổn định mối quan hệ với phương Tây, điều mà một số người mô tả là chiến lược “đứng trên hai con thuyền”, có thể đang mang lại kết quả.
Mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên vào năm ngoái, giờ đây đã ổn định hơn phần nào. Lãnh đạo các nước lớn ở châu Âu tiếp tục hợp tác với Tập, bao gồm cả Thủ tướng Olaf Scholz của Đức, người đã cùng các giám đốc điều hành công ty đến thăm Bắc Kinh vào tháng trước.
Cách tiếp cận này đang giành được nhiều sự ủng hộ hơn ở trong nước cho Tập. Evan S. Medeiros, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Georgetown, cho biết các học giả Trung Quốc và các nhà phân tích của các think tank nhận thấy tình hình trên chiến trường đang thay đổi theo hướng có lợi cho Nga.
Ông nói: “Đối với Tập Cận Bình, chiến lược đứng trên hai chiếc thuyền đang hiệu quả hơn những gì họ có thể tưởng tượng và Trung Quốc đã phải trả rất ít chi phí cho điều đó”.
Tập cũng cần Nga làm đối trọng trong cuộc cạnh tranh của nước ông với Mỹ, thể hiện trên các vấn đề như Mỹ ủng hộ Đài Loan, các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến. Trung Quốc và Nga đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự ở Biển Hoa Đông, gây áp lực lên Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Tiêu Bân (Xiao Bin), một chuyên gia về quan hệ Trung-Nga ở Bắc Kinh cho biết: “Ngay cả khi mối quan hệ Trung-Nga không thân thiết đến thế, giới tinh hoa chính trị ở Mỹ có thể không coi Trung Quốc là đối tác chiến lược nhưng sẽ tiếp tục xem Trung Quốc như một mối đe dọa tiềm tàng, thậm chí là kẻ thù.”
Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Putin vào Trung Quốc
Tuy nhiên, Putin có nguy cơ trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức có thể khiến cho các quan chức Nga khó chịu. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc đã trở thành huyết mạch của Nga, thay thế Liên minh châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
Putin vẫn đang theo đuổi lợi ích riêng của mình. Sự thân thiện ngày càng tăng của ông với Triều Tiên, quốc gia đang cung cấp đạn dược cho Nga, có thể khiến cả hai nước bớt phụ thuộc hơn vào Bắc Kinh.
Nhưng trong bối cảnh bị cô lập với phương Tây, Điện Kremlin không còn nhiều lựa chọn: Putin cần Trung Quốc mua năng lượng, cung cấp các linh kiện có công dụng kép như chip máy tính để duy trì quân đội của mình và tiền tệ để thực hiện các giao dịch với nước ngoài.
Năm ngoái, khoảng 89% hàng nhập khẩu “ưu tiên cao” cần thiết cho sản xuất vũ khí của Nga là đến từ Trung Quốc, theo phân tích dữ liệu hải quan của Nathaniel Sher, nhà nghiên cứu tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie. Phân tích cho thấy số hàng này gồm mọi thứ, từ máy công cụ được sử dụng để chế tạo thiết bị quân sự cho đến thiết bị quang học, cảm biến điện tử và thiết bị viễn thông.
“Điều đó càng giống như mô thức sinh tồn. Bạn đang ở trong tình trạng chiến tranh”, Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga và là chuyên gia về quan hệ Trung-Nga, cho biết.
Ông nói thêm rằng, đối với Putin, việc phòng ngừa rủi ro từ Trung Quốc “là một điều xa xỉ mà ông ấy không thể có”.
Thiết bị công nghệ qua ngã Trung Quốc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga (P1)