Nguồn: President Coolidge signs Immigration Act of 1924, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1924, Tổng thống Calvin Coolidge đã ký duyệt Đạo luật Nhập cư (Immigration Act of 1924), chính sách nhập cư khắt khe nhất cho đến thời điểm đó trong lịch sử nước Mỹ.
Đạo luật mới phản ánh mong muốn của người Mỹ – tự cô lập khỏi thế giới sau khi tham chiến trong Thế chiến I ở châu Âu, theo đó làm trầm trọng thêm những lo ngại ngày càng gia tăng về sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Nó cũng phản ánh nạn phân biệt chủng tộc sâu rộng trong xã hội Mỹ thời bấy giờ. Nhiều người Mỹ xem làn sóng người nhập cư ồ ạt – bao gồm chủ yếu là những người lao động không có kỹ năng, trình độ học vấn thấp – vào đầu những năm 1900 là nguyên nhân gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh về việc làm và đất đai.
Theo luật mới, cánh cửa nhập cư vẫn rộng mở đối với những người có trình độ đại học và/hoặc kỹ năng đặc biệt, nhưng việc nhập cảnh bị từ chối với đa số người Đông Âu, Nam Âu, và người Nhật. Đồng thời, đạo luật cũng cho phép nhập cư nhiều hơn từ các quốc gia Bắc Âu như Anh, Ireland, và các nước vùng Scandinavia.
Đạo luật Nhập cư đã đặt ra hạn ngạch hạn chế nhập cư xuống còn 2% số cư dân của bất kỳ quốc gia nào có mặt tại Mỹ tính đến năm 1890, một điều khoản được thiết kế để duy trì thành phần chủng tộc phần lớn là người Bắc Âu. Sang năm 1927, “quy tắc hai phần trăm” đã bị loại bỏ và một giới hạn tối đa là 150.000 người nhập cư mỗi năm được thiết lập.
Luật mới đặc biệt khiến Nhật Bản tức giận, vì vào năm 1907 nước đã ký với Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt một “Thoả thuận quân tử” (Gentlemen’s Agreement), trong đó bao gồm hạn ngạch nhập cư tự do hơn cho Nhật Bản. Đến năm 1924, các lợi ích ngành nông nghiệp và lao động của Mỹ – đặc biệt là ở California, nơi ban hành luật loại trừ riêng đối với người nhập cư Nhật Bản – đã dẫn đến đạo luật có tính hạn chế hơn mà Coolidge đã ký.
Chính phủ Nhật Bản xem luật mới của Mỹ là một sự xúc phạm và phản đối bằng cách tuyên bố ngày 26/05 là ngày quốc nhục ở nước Nhật. Đạo luật Nhập cư cũng đã châm ngòi cho tình cảm chống Mỹ ở Nhật, khiến một công dân Nhật Bản tự sát bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Tokyo để phản đối.
Dù được biết đến với một đạo luật có tính phân biệt, nhưng Coolidge cũng là người đã biến Tượng Nữ thần Tự do thành một tượng đài quốc gia vào năm 1924.