02/06/1924: Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Công dân Bản địa

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Indian Citizenship Act, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1924, với việc Quốc hội thông qua Đạo luật Công dân Bản địa (Indian Citizenship Act), chính phủ Mỹ đã chính thức trao quyền công dân cho tất cả người Mỹ bản địa sinh ra trong phạm vi lãnh thổ của nước Mỹ.

Trước thời Nội chiến, quyền công dân thường chỉ giới hạn ở nhóm người Mỹ có tối đa một nửa dòng máu bản địa. Bước sang thời Tái thiết, những người Cộng hòa tiến bộ trong Quốc hội đã tìm cách đẩy nhanh việc trao quyền công dân cho các bộ lạc thân thiện, mặc dù sự ủng hộ của các tiểu bang cho các biện pháp này thường khá hạn chế.

Vào năm 1888, hầu hết phụ nữ Mỹ bản địa kết hôn với công dân Hoa Kỳ đã được trao quyền công dân; năm 1919, các cựu chiến binh người Mỹ bản địa trong Thế chiến I đã được trao quyền công dân. Năm 1924, Đạo luật Công dân Bản địa, một đạo luật áp dụng cho tất cả các nhóm cư dân bản địa, đã được Quốc Hội thông qua. Tuy nhiên, các đặc quyền công dân vẫn chủ yếu được điều chỉnh bởi luật pháp tiểu bang, và vào đầu thế kỷ 20, quyền bầu cử vẫn thường bị từ chối đối với người Mỹ bản địa.