Quan hệ Trung – Nhật – Hàn: Cùng tồn tại trong mâu thuẫn

Nguồn: 黄载皓, “中韩友好靠日本,中日友好靠韩国,日韩友好靠中国”这话不全对”, Guancha, 27/05/2024.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Từ ngày 26 đến 27/5/2024, Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc lần thứ 9 đã được tổ chức tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã cùng tham dự các sự kiện quan trọng như Hội nghị Lãnh đạo ba bên và Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc, để trao đổi các quan điểm về hợp tác giữa ba nước Trung-Nhật-Hàn.

Trong vài năm qua, bất ổn địa chính trị ở Đông Á vẫn tiếp diễn do các yếu tố như cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, dịch bệnh COVID-19, hay xung đột giữa Nga và Ukraine. Vì vậy, cuộc gặp được tái khởi động sau gần 4 năm rưỡi này được kỳ vọng sẽ xoa dịu căng thẳng trong khu vực, cũng như củng cố quan hệ ba bên và song phương giữa ba nước Trung-Nhật-Hàn.

Chính phủ Hàn Quốc đã rất tích cực trong việc thúc đẩy hội nghị lần này. Ngoài việc nước này có vai trò là nước chủ tịch luân phiên, liệu còn có nguyên do nào khác? Liệu hội nghị này có thể cải thiện mối quan hệ phức tạp và nhiều biến động giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ở mức độ nào? Đối với các vấn đề liên quan, Guancha đã có cuộc đối thoại với Hwang Jae Ho, Viện trưởng Viện Hợp tác Chiến lược Toàn cầu Hàn Quốc và là giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk.

Hỏi: Cuộc gặp gần nhất giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc được tổ chức cách đây 4 năm rưỡi vào tháng 12 năm 2019 tại Thành Đô, Trung Quốc. Có thông tin cho rằng Hàn Quốc, với tư cách là nước chủ tịch luân phiên, đã có những nỗ lực ngoại giao lớn để tái khởi động hội nghị này. Tại sao Hàn Quốc lại chủ động trong lần gặp này? Chính quyền của Yoon Suk Yeol đã có những cân nhắc ra sao?

Đáp: Đối với Hàn Quốc, hội nghị giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tầm quan trọng của nó chủ yếu được thể hiện ở ba cấp độ.

Thứ nhất, với một hệ tư tưởng bảo thủ, chính quyền Yoon Suk Yeol tin rằng nhờ sự giúp đỡ của Mỹ nên Hàn Quốc mới có được vị thế và thành tựu như hiện nay, bởi vậy giờ đây họ nên phối hợp với Washington. Đây gần như là một “tín ngưỡng tôn giáo”. Những nhượng bộ về kinh tế và an ninh mà Hàn Quốc dành cho Mỹ trong hai năm qua lại càng giống với sự hy sinh cho “tín ngưỡng” hơn.

Trên phương diện ngoại giao, chính quyền Yoon Suk Yeol ưu tiên tăng cường quan hệ với Mỹ và Nhật Bản; do ảnh hưởng của vấn đề Nga-Ukraine nên hạn chế trong giao lưu với Nga; còn đối với Trung Quốc, ngoài việc luôn nhấn mạnh các nguyên tắc như tôn trọng lẫn nhau, chính phủ Hàn Quốc có khả năng không coi trọng quan hệ Hàn-Trung đến vậy. Trong cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 9/5 nhân kỷ niệm 2 năm nhậm chức, Tổng thống Yoon Suk Yeol chủ yếu bàn về sinh kế của người dân trong nước và quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, chứ không đề cập tới bất cứ điều gì liên quan đến Trung Quốc.

Trong hai năm qua, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc không mấy ổn định, chính phủ Hàn Quốc cũng chịu một chút áp lực bởi điều này và tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác Trung-Hàn, nhưng thái độ của họ lại không hề gấp gáp. Gần đây, môi trường quốc tế có nhiều biến động, quan hệ Trung-Mỹ lúc thăng lúc trầm nhưng nhìn chung vẫn ổn định. Do đó, ngoại giao của Hàn Quốc phải quan tâm nhiều hơn đến Trung Quốc, ít nhất cũng phải duy trì được hiện trạng và ngăn tình trạng trở nên xấu đi. Nếu có thể cải thiện dựa trên nền tảng hiện tại thì càng tốt.

Thứ hai, đối với ngoại giao của Hàn Quốc, Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc lần này giống như một trạm dừng nằm giữa lộ trình. Trạm dừng đầu tiên là Hội nghị Ngoại trưởng Hàn Quốc-Trung Quốc, trạm dừng thứ hai là Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc, và mục tiêu lớn hơn của ngoại giao Hàn Quốc là Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Trung Quốc. Nói cách khác, đối với ngoại giao của Hàn Quốc, cuộc gặp giữa lãnh đạo ba nước Trung-Nhật-Hàn tuy mang tính chất của một đoạn chuyển cảnh nhưng vẫn phải được tổ chức.

Thứ ba, gần đây ở Hàn Quốc xuất hiện hàng loạt bài báo chỉ trích chính quyền Yoon Suk Yeol có ít thành tựu ngoại giao trong quan hệ Hàn-Trung, không những không có tiến triển mà còn liên tục để các vấn đề nảy sinh. Do vậy, chính quyền Yoon Suk Yeol muốn tạo ra sự khác biệt trên phương diện này. Trước đây, chính quyền của Moon Jae In đã từng tham gia Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc một lần nên chính quyền hiện tại cũng phải tổ chức một cuộc gặp để bắt kịp người tiền nhiệm. Do vậy, lần này Hàn Quốc đã rất tích cực trong việc chuẩn bị.

Hỏi: Được biết, ba bên sẽ thảo luận về sáu lĩnh vực chính, trong đó có giao lưu văn hóa, kinh tế và thương mại, hòa bình và an ninh. Theo nghiên cứu và quan sát của ông, mong muốn của mỗi bên sẽ nghiêng về phương diện nào trong hội nghị lần này?

Đáp: Do Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, người chủ yếu chịu trách nhiệm về kinh tế, sẽ tham gia hội nghị lần này, vậy nên về cơ bản thì cuộc gặp lần này của lãnh đạo ba nước Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc sẽ là một cuộc họp về kinh tế.

Tôi thấy một số phương tiện truyền thông dự đoán rằng Hàn Quốc sẽ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề như an ninh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, những vấn đề này cần được lãnh đạo cấp cao nhất thảo luận. Đây cũng là lý do Hàn Quốc rất sẵn lòng thúc đẩy hội nghị này, trong khi Nhật Bản lại tiếp nhận một cách thụ động hơn.

Họ có thể bày tỏ một vài lập trường mang tính nguyên tắc về các vấn đề như an ninh trên bán đảo và xung đột quốc tế, nhưng trọng tâm vẫn sẽ là hợp tác kinh tế thương mại và trao đổi khoa học công nghệ giữa ba nước. Trong đó, sự hợp tác về kinh tế thương mại phù hợp với lợi ích của nhiều bên là điều mà ba nước cần tăng cường nhất hiện nay. Chúng ta có thể quan sát xem ba bên sẽ đưa ra những chính sách định hướng nào, hoặc sẽ xác định những phương hướng hợp tác nào về hợp tác kinh tế thương mại.

Hỏi: Khi nói đến hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ, Mỹ là một trở ngại không thể tránh khỏi. Sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm đối với các sản phẩm của hãng chip Mỹ Micron, một số phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng, Mỹ yêu cầu “các công ty Hàn Quốc không được lấp vào chỗ trống”. Một sự thật khác là, do những lo ngại về việc vi phạm các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với công nghệ và việc chế tạo chip, Samsung Electronics và SK Hynix đã ngừng hoàn toàn việc bán thiết bị bán dẫn đã qua sử dụng. Liệu có cách nào để giảm bớt tác động của Mỹ tới sự trao đổi kinh tế, thương mại, công nghệ giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc không?

Đáp: Đối với hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ, chúng tôi đều đặc biệt coi trọng và cũng không thể để mất. Trước đây khi làm kinh doanh, chúng ta chú trọng nhiều hơn đến yếu tố kinh tế, nhưng giờ đây, dưới tác động của yếu tố chính trị, chúng ta không thể không cân nhắc một cách toàn diện.

Về hội nghị ba bên lần này, do người tham dự bên phía Trung Quốc là Thủ tướng nên Mỹ tương đối ít cảnh giác và giữ thái độ quan sát nhiều hơn, đồng thời có thể sẽ quan tâm hơn đến phương hướng an ninh kinh tế. Chúng ta có thể chờ xem liệu tuyên bố chung được đưa ra vào cuối hội nghị sẽ nói như thế nào về hợp tác kinh tế và thương mại, cũng như làm thế nào để đạt được “chiết trung” trên phương diện an ninh kinh tế.

Hỏi: Có thông tin cho rằng, chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch mời Tổng thống Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Kishida Fumio tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7, đồng thời tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây sẽ là một cuộc hội nghị thượng đỉnh ba bên khác giữa Mỹ-Nhật-Hàn Quốc sau Hội nghị thượng đỉnh ở Trại David vào năm ngoái. Nếu vậy, liệu kết quả và ý nghĩa của hội nghị ba bên lần này giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có bị giảm sút?

Đáp: Trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chủ yếu là an ninh, bao gồm cả an ninh ngoại giao, quân sự và kinh tế. Như vậy, kết quả và tầm quan trọng của kỳ hội nghị lần này quả thực có thể bị giảm sút.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, đối với Trung Quốc, việc tham dự hội nghị lần này là điều cần thiết. Trung Quốc tham gia hội nghị ba bên không những không mất gì mà còn có thể thu được nhiều lợi ích hơn về kinh tế. Quan trọng hơn là thông qua khuôn khổ ba bên giữa Trung-Nhật-Hàn, Trung Quốc còn có thể tác động đến quan hệ song phương Trung-Hàn và Trung-Nhật, đồng thời khiến Hàn Quốc và Nhật Bản nhận thức rõ hơn về sự tồn tại của Trung Quốc trong quá trình hai nước này hợp tác với Mỹ. Chỉ riêng điều này đã là một thành tựu ngoại giao to lớn.

Hỏi: Đây có lẽ là điều người ta thường nói: “Đối thoại vẫn hơn là không đối thoại”. Tôi nhớ ông đã từng mô tả quan hệ Trung-Mỹ bằng cụm từ “cạnh tranh phức tạp”. Vậy ông sẽ khái quát ra sao về mối quan hệ giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc? Ông cho rằng mối quan hệ ba bên này sẽ có hướng đi như thế nào trong tương lai?

Đáp: Tôi nghĩ đó sẽ là “cùng tồn tại trong mâu thuẫn”. Dù ba nước có mâu thuẫn với nhau nhưng vẫn phải cùng tồn tại.

Hỏi: Nói đến đây, không biết ông đã từng nghe đến câu nói đùa trên mạng xã hội Trung Quốc rằng “Tình hữu nghị Trung-Hàn phụ thuộc vào Nhật Bản, tình hữu nghị Trung-Nhật phụ thuộc vào Hàn Quốc và tình hữu nghị Nhật-Hàn phụ thuộc vào Trung Quốc” chưa?

Đáp: Trong giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, có lẽ câu nói này phần nhiều mang tính chế nhạo. Còn nhìn từ góc độ ngoại giao, tôi cho rằng tình hình thực tế là “Tình hữu nghị Trung-Hàn phụ thuộc vào Mỹ, tình hữu nghị Trung-Nhật phụ thuộc vào Mỹ và tình hữu nghị Nhật-Hàn phụ thuộc vào Mỹ”, mối quan hệ song phương giữa ba nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của Mỹ. Ví dụ, vai trò của Nhật Bản trong quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc là rất hạn chế và kém xa so với vai trò của Mỹ.

Hỏi: Gạt yếu tố Mỹ sang một bên và chỉ nhìn vào những trao đổi kinh tế, thương mại thông thường giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ông đã từng trò chuyện với các doanh nhân Hàn Quốc chưa? Chẳng hạn, họ có từng chia sẻ với ông quan điểm của họ hay những vấn đề họ gặp phải không?

Đáp: Tôi đã từng trò chuyện với họ về một vài vấn đề, các doanh nghiệp Hàn Quốc quả thực sẽ gặp một số hạn chế khi hoạt động ở Trung Quốc, thế nên họ cũng sẽ gây áp lực lên chính phủ Hàn Quốc. Môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay không tốt nên việc hợp tác với Trung Quốc về kinh tế, thương mại để đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi lại càng cần thiết hơn.

Hỏi: Chính phủ Hàn Quốc có thể thực hiện những biện pháp nào để cải thiện cục diện này?

Đáp: Chính phủ Hàn Quốc có rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn như điều chỉnh một phần chiến lược ngoại giao đối với Trung Quốc. Trên thực tế, trong chuyến thăm Hàn Quốc vào cuối tháng 4 năm nay, Phái đoàn Kinh tế và Thương mại Hữu nghị tỉnh Liêu Ninh đã được chính phủ Hàn Quốc đón tiếp hết sức nồng nhiệt. Ở một mức độ nhất định, chính phủ Hàn Quốc đã thể hiện sự linh hoạt khác với “lập trường cứng rắn” của họ đối với Trung Quốc trong hai năm qua.

Ngoài ra, nên tránh những phát ngôn mang tính công kích không cần thiết đối với Trung Quốc. Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Yoon Suk Yeol đã thể hiện một thái độ “nổi trội” hơn so với các chính quyền trước đây về các vấn đề nhạy cảm như eo biển Đài Loan hay Biển Đông. Trong tương lai, sẽ là lựa chọn tốt hơn nếu tuân theo các tuyên bố về nguyên tắc trước đây đối với những vấn đề này. Trên thực tế, gần đây ở Hàn Quốc không thấy có động tĩnh gì về vấn đề Đài Loan.

Về mặt ngoại giao, Hàn Quốc cần thực dụng hơn. Chính quyền Yoon Suk Yeol phải đặt sinh kế của người dân lên hàng đầu và hỗ trợ cho các hoạt động của doanh nghiệp Hàn Quốc ở Trung Quốc. Chỉ cần là điều cần thiết cho lợi ích quốc gia, các nhà lãnh đạo đất nước và giới doanh nghiệp nên dốc sức thực hiện. Tất nhiên, mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn là một thực tế sẽ không thay đổi nên những điều chỉnh này không phải là sự chuyển biến về mặt chiến lược, mà chỉ là sự cải tiến về mặt chiến thuật mà thôi.