Kinh nghiệm phát triển ngành bán dẫn: Trường hợp Malaysia

Tác giả: Phạm Vũ Thiều Quang

Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Kinh nghiệm phát triển ngành bán dẫn”

Cuộc di cư bán dẫn

Đi qua khu công nghệ cao Kulim, ít ai có thể bỏ lỡ cảnh tượng các nhà máy khổng lồ mới xuất hiện hay đang được xây dựng. Nằm cách Penang 30km về phía đông, nơi từng được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của phương Đông” trong những năm 1970, người dân ở đây gần như không còn ngạc nhiên khi mỗi năm lại có 2 hay 3 nhà máy mới được khánh thành. Đem lại hàng nghìn công ăn việc làm cho 1,7 triệu người sinh sống tại bang này, cùng với làn sóng kỹ sư từ khắp Malaysia đổ về, không ai phàn nàn về những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trước mắt họ.

Mặc dù gần một chục cần cẩu và các công nhân vẫn chưa kịp rời khỏi một trong số những nhà máy mới, bên trong đội ngũ kỹ sư đã bắt tay vào làm việc để đạt được mục tiêu sản xuất hết 100% công suất vào cuối năm. Đây chính là cơ sở sản xuất mới của “gã khổng lồ” công nghệ Áo AT&S, một trong những nhà sản xuất mạch in và chất nền lớn nhất thế giới. Hai công nghệ này phục vụ như nền tảng cho các linh kiện điện tử – trong đó có vi mạch bán dẫn – được dùng để cung cấp năng lượng cho các hệ thống AI và siêu máy tính.

Andreas Gerstenmayer, giám đốc điều hành của AT&S cho New York Times biết: “Sau 20 năm đầu tư vào Trung Quốc, chúng tôi phải đa dạng hoá hoạt động trong bối cảnh mới của ngành bán dẫn”. Việc tìm kiếm một địa điểm mới cho AT&S bắt đầu vào đầu năm 2020, ngay khi các lời cảnh báo bắt đầu về loại coronavirus nguy hiểm đang lan truyền tại Vũ Hán. AT&S đã đi đến 30 quốc gia khác nhau trên ba châu lục, trước khi quyết định đầu tư vào Malaysia.

AT&S chỉ là một trong số hàng loạt công ty châu Âu và Mỹ gần đây quyết định chuyển đến hay mở rộng hoạt động tại Penang, “thánh địa” sản xuất linh kiện điện tử của Đông Nam Á. Gã khổng lồ chip Intel của Mỹ đang đầu tư 7 tỷ USD để mở rộng cơ sở sản xuất tại đây, tập trung vào phát triển nhà máy đóng gói chip sử dụng công nghệ 3D đầu tiên ở khu vực. Trong khi đó, tập đoàn Infineon của Đức cam kết sẽ đầu tư 5.4 tỷ USD vào Malaysia trong 5 năm tới. NVIDIA, nhà thiết kế chip hàng đầu thế giới và người dẫn đầu lĩnh vực chip AI, đang hợp tác với các tập đoàn hàng đầu Malaysia để phát triển một trung tâm siêu máy tính và đám mây cho AI trị giá 4,3 tỷ USD. Những cái tên quen thuộc khác trong ngành bán dẫn, trong đó có Texas Instruments, Micron, Lam Research, Bosch, và Ericsson, cũng đang thiết lập hay mở rộng hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này.

Thế giới hướng tới Đông Nam Á

Bối cảnh mới của ngành bán dẫn đã khiến cho các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Việt Nam, và Indonesia trở thành những điểm đến đầu tư hấp dẫn trong ngành bán dẫn – do họ đều đang hướng đến mục tiêu cân bằng giữa hai siêu cường. Căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh đang làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán dẫn phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn, khiến nhiều doanh nghiệp tìm cách đa dạng hoá hoạt động ra khỏi “công xưởng của thế giới”. Vị trí chiến lược của Đông Nam Á tại Biển Đông, nơi 1/3 thương mại hàng hải toàn cầu đi qua, cùng với việc các chính phủ tại đây đều đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài và chi phí nhân công rẻ, cho phép hàng loạt doanh nghiệp bán dẫn mở rộng vào khu vực.

Việc tích hợp các quốc gia Đông Nam Á vào chuỗi bán dẫn toàn cầu cũng không quá khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp như Intel hay Infineon, do nằm trong cùng khu vực với các cường quốc bán dẫn như Hàn Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan, và ngay láng giềng với Trung Quốc – thị trường tiêu thụ bán dẫn lớn nhất thế giới. Ngoài các gã khổng lồ như Intel và NVIDIA, hầu hết các doanh nghiệp đến Đông Nam Á tập trung vào công đoạn đóng gói và kiểm thử chip (OSAT), nằm ở vị trí thấp nhất của chuỗi giá trị và là giai đoạn cuối trước khi những con chip được chuyển đến cho các khách hàng để sử dụng trong thiết bị điện tử như Apple hay Huawei. Phân khúc OSAT vốn từng thống trị bởi Đài Loan (Trung Quốc), nhưng với chi phí nhân công đắt đỏ tại đây và căng thẳng địa chính trị gia tăng với Bắc Kinh, nhiều công ty OSAT bắt đầu nhận thấy Đông Nam Á sẽ là một điểm đến thay thế lý tưởng.

Các công ty OSAT lớn như Amkor và Hana Micron đã khánh thành nhà máy tại Việt Nam, trong khi Singapore đón nhận JCET và Powertech Technologies, và. Tại Malaysia, UTAC, JCET và Amkor đều đã mở nhà máy trong những năm gần đây, và vào cuối năm 2022, ASE Group – công ty OSAT lớn nhất thị trường – khởi công dự án nước ngoài lớn nhất của tập đoàn Đài Loan này tại Penang. Cuộc di cư bán dẫn đang diễn ra đã biến Đông Nam Á trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, trở thành khối quốc gia xuất khẩu nhiều chip vào Mỹ nhất trong năm 2023.

Từ “người đi sau” thành tâm điểm của ngành bán dẫn toàn cầu

Cho đến nay, quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á là Malaysia, hiện đang chiếm hơn 20% tổng thị trường xuất khẩu chip sang Mỹ. Zafrul Aziz, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại, và Công nghiệp Malaysia  nói: “Chúng tôi coi chính sách ngoại giao trung lập của Malaysia là điểm thu hút chính đối với các tập đoàn đa quốc gia, do họ mong muốn tìm các đối tác nằm tại một quốc gia không bị ảnh hưởng bởi chương trình nghị sự của các nước lớn, và không nằm trong liên minh chính trị nào”.

Việt Nam cũng đang có một cách tiếp cận tương tự Malaysia, nhưng vẫn đang trong quá trình đuổi theo sự thành công của quốc gia láng giềng này. Malaysia đã có lợi thế tham gia vào ngành bán dẫn sớm hơn rất nhiều, từ đầu những năm 1970, khi ngành bán dẫn toàn cầu bắt đầu xoay trục sang châu Á, ngành bán dẫn của Malaysia đã bắt đầu cùng thời điểm với Đài Loan và Hàn Quốc.

Năm 1972, một cánh đồng lúa nằm ngoài ngoại ô Penang trở thành cơ sở sản xuất đầu tiên bên ngoài Mỹ của Intel, sau khi chính phủ Malaysia giới thiệu những ưu đãi mạnh mẽ theo Đạo luật Khu vực Thương mại Tự do năm 1971 nhằm thu hút các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu. Đạo luật đã tạo nên một khu vực thương mại tự do trên đảo Penang, với các chính sách miễn thuế, xây dựng các khu công nghiệp, nhà kho, và phát triển một hệ thống vận tải đường bộ liên kết với cảng biển tại đây. Gần như ngay sau đó, các công ty bán dẫn như National Semiconductors, AMD, Motorola, HP, Renesas, và Texas Instruments, bắt đầu đổ bộ vào Malaysia.

Lúc này, mục tiêu của Malaysia chỉ là tạo công ăn việc làm cho người dân, và với rào cản gia nhập thị trường thấp, các tập đoán bán dẫn ngay lập tức bị cuốn hút bởi một lực lượng lao động giá rẻ và có trình độ tiếng Anh tốt. Năm 1986, Chính phủ Malaysia khởi xướng “Chương trình Quy hoạch Công nghiệp Tổng thể” nhằm nâng cao khả năng sản xuất quốc gia, trong đó bán dẫn được định hướng là một lĩnh vực chủ chốt. Ngay trước đó, Viện Hệ thống Vi điện tử Malaysia (MIMOS) đã được thành lập trực thuộc Văn phòng Thủ tướng vào năm 1985 với mục tiêu nuôi dưỡng ngành bán dẫn trong nước, tạo điều kiện để có những đổi mới trong ngành, và bắt kịp thị trường toàn cầu.

Mặc dù vậy, trái với Hàn Quốc, Đài Loan, và Trung Quốc, MIMOS đã thất bại trong việc ươm tạo bất kỳ công ty công nghệ cao bản địa thành công nào trong ngành. Nỗ lực tìm kiếm sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp đa quốc gia như TSMC đã làm với Philips hay Samsung làm với các công ty chip nhớ tại Mỹ đã thất bại. Trong khi TSMC đã tiên phong một lĩnh vực hoàn toàn mới trong ngành bán dẫn – sản xuất chip, Samsung và SK Hynix nắm bắt cơ hội để thâu tóm thị trường chip nhớ toàn cầu – Malaysia không có định hướng rõ ràng để vươn lên trong chuỗi giá trị ngành chip.

Cùng lúc đó, sự phân biệt các nhóm chủng tộc của Chính sách Kinh tế Mới (NEP) tại Malaysia; kéo dài 20 năm từ 1971 đến 1991; đã trở thành rào cản lớn trong khả năng tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp bán dẫn. Chính sách NEP ưu tiên việc tạo cơ hội việc làm cho người từ nhóm sắc tộc Mã Lai trên hết, khiến cho các công ty như Intel hay AMD gặp nhiều khó khăn khi muốn tuyển người Hoa – thường có trình độ học vấn và kỹ năng cao hơn người Mã Lai. Không chỉ vậy, NEP cũng ngăn cản khả năng của chính phủ hỗ trợ trực tiếp hay ưu đãi cho các công ty thuộc sở hữu của người Hoa như Carsem và Unisem. Cả hai công ty này đều đã đạt được thành công trong việc tự chủ quá trình lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn vào giữa những năm 1980, nhưng như TSMC và Samsung cho thấy, các doanh nghiệp bán dẫn tại châu Á không thể vươn lên nếu không có được sự hỗ trợ từ chính phủ.

Các doanh nghiệp đang hoạt động tại Malaysia lúc đó nhận thấy rủi ro cả trong việc đầu tư vào các hoạt động nằm phía trên chuỗi giá trị và hợp tác với các doanh nghiệp bản địa – là quá lớn. Ngay cả khi chính sách NEP kết thúc vào năm 1991, phần lớn các điều khoản được đặt ra trong NEP vẫn còn hiệu lực thông qua các chính sách khác của chính phủ, và điều này đã góp phần làm cho ngành bán dẫn Malaysia trở nên trì trệ trong những năm sau đó. Không những bị mắc kẹt trong công đoạn OSAT, phần lớn các hoạt động đóng gói và kiểm thử chip tại Malaysia thuộc về các doanh nghiệp đa quốc gia, thay vì các doanh nghiệp trong nước.

Bức tranh của ngành bán dẫn Malaysia trở nên khá ảm đạm, đặc biệt khi so với sự trỗi dậy của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), hai người chơi đã bắt đầu gia nhập cùng thời điểm với quốc gia Đông Nam Á này. Đầu thế kỷ 21, Malaysia lại phải đối mặt với một thử thách mới khi các trường đại học trong nước không đào tạo được số lượng và chất lượng các nhà khoa học và kỹ sư cần thiết cho các doanh nghiệp như Intel, AMD và Renesas – tất cả đều đang có nhu cầu tuyển thêm nhiều kỹ sư. Giữa năm 1997 và 2007, khi xem xét tiềm năng mở rộng hoạt động sản xuất chip sang các quốc gia châu Á, 7 tập đoàn đa quốc gia đã đánh giá rằng Malaysia không phải là một lựa chọn hấp dẫn – và thay vào  đó, họ chọn Trung Quốc.

Nhưng đến năm 2024, bức tranh của Malaysia đã trở nên hoàn toàn khác. Cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung bắt đầu có ảnh hưởng nặng nề đến ngành bán dẫn, và điều này dường như đã đem lại sức sống mới cho lĩnh vực bán dẫn của Malaysia. Các công ty OSAT đổ bộ vào quốc gia Đông Nam Á này, giúp Malaysia kiểm soát 13% thị phần đóng gói và kiểm thử chip toàn cầu.

Những thay đổi trong thị trường bán dẫn cũng đã góp phần lớn trong việc xây dựng nên một “thời kỳ hoàng kim” mới của ngành bán dẫn Malaysia. Với các lĩnh vực như xe điện và trí tuệ nhân tạo trở nên ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu cho các chip hiệu suất cao đã tăng mạnh. Những con chip thế hệ mới đòi hỏi công nghệ đóng gói chip tiên tiến nhất – và các công ty như Intel đã phát triển những công nghệ như đóng gói 3D với khả năng tự động hoá gần như toàn bộ quy trình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc là nguồn nhân lực cần thiết để vận hành những nhà máy OSAT không còn đòi hỏi trình độ cao như trước đây. Các doanh nghiệp chỉ cần những người vận hành, sửa chữa, và giám sát quy trình sản xuất tại một địa điểm chi phí thấp và ổn định.

Và Malaysia đang là quốc gia Đông Nam Á có khả năng đáp ứng những tiêu chí này tốt nhất. Đây là một diễn biến có thể thấy rõ trong dòng tiền ngày càng chảy mạnh vào quốc gia này. Tổng giá trị FDI của Malaysia đạt gần 40 tỷ USD vào năm 2023, cao hơn gấp đôi tổng vốn FDI năm 2019.

Không chỉ phương Tây, mà phương Đông cũng đến

Một lí do khác tại sao Malaysia thành công hơn Việt Nam, Thái Lan, hay Philippines mà ít được nói đến, là sự thành công của họ trong khả năng thu hút một nhóm doanh nghiệp chưa quốc gia nào trong khu vực có thể làm trên diện rộng: các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong khi các công ty Mỹ và châu Âu ngày càng đa dạng hoá hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, các công ty Trung Quốc cũng đang tái cơ cấu chuỗi cung ứng của họ theo cách tương tự. Kể từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt các lệnh hạn chế công nghệ Trung Quốc dưới chính quyền Trump, và sau đó là các lệnh cấm sâu rộng tập trung vào lĩnh vực chip dưới chính quyền Biden, Penang bắt đầu đón nhận làn sóng quan tâm từ các công ty Trung Quốc như Fengshi. Như một phần của chiến lược Trung Quốc + 1, nhiều công ty Trung Quốc đã bắt đầu đặt các cơ sở nghiên cứu và sản xuất bán dẫn thứ hai sang những quốc gia láng giềng.

Dưới khuôn khổ kiểm soát xuất khẩu được chính quyền Biden đặt ra, Washington khẳng định rằng các biện pháp hạn chế sẽ được cập nhật hàng năm để ngăn chặn khả năng của Bắc Kinh để tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất. Đối với nhiều công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty có khách hàng trên khắp thế giới, tuyên bố của Biden phục vụ như lời cảnh cáo rằng họ cũng sẽ phải chuyển hoạt động của mình ra khỏi đất nước. Khi xem xét kỹ, Malaysia có nhiều yếu tố thuận lợi đối với các công ty Trung Quốc – trong đó có chi phí nhân công ngang với Trung Quốc, vị trí địa lý thuận lợi, chính phủ thân thiện, có lẽ quan trọng nhất là nhiều điểm tương đồng trong văn hoá kinh doanh của cộng đồng người Hoa sinh sống tại đây.

Và Penang, bang duy nhất của Malaysia nơi người Hoa chiếm phần lớn dân số so với người Malay (45% dân số của bang), và vị trí ngay gần một trong những cảng biển lớn nhất khu vực, cơ sở hạ tầng phát triển, khí hậu ôn hoà, và vai trò của Penang là trung tâm sản xuất điện tử của đất nước – đã khiến cho bang này trở thành điểm đến lý tưởng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo Loo Lee Lian, giám đốc điều hành của Invest Penang – tổ chức quảng bá và thu hút đầu tư vào chính quyền bang này – hiện có 55 công ty bán dẫn Trung Quốc đang hoạt động tại Penang, gia tăng đáng kể so với 16 công ty Trung Quốc làm việc tại đây trước khi cuộc đàn áp thương mại của Mỹ bắt đầu. Hầu hết phụ thuộc vào thiết bị được cung cấp từ khắp thế giới hoặc có phần lớn khách hàng đến từ các quốc gia phương Tây, và sẽ mất quyền tiếp cận thiết bị và khách hàng nếu không mở rộng ra khỏi Trung Quốc trước khi Mỹ tăng cường các lệnh cấm. Các hạn chế của Mỹ hiện nay chưa áp dụng cho các dịch vụ đóng gói chip tiên tiến – lĩnh vực phần lớn các doanh nghiệp Trung Quốc tại Penang đang làm việc trong – nhưng họ lo lắng rằng sẽ có ngày Washington quyết định “đánh” Bắc Kinh mạnh hơn nữa.

Các thử thách tiềm tàng

Mặc dù vậy, Malaysia đang gặp phải một thử thách lớn mà Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với trong những năm tới. Với sự mở rộng của ngành bán dẫn vào quốc gia Đông Nam Á này, nhu cầu nhân lực đã tăng mạnh trong 2 năm qua, làm trầm trọng tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật của Malaysia. Trò chuyện với Financial Times, ông Zafrul, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại, và Công nghiệp Malaysia nói rằng “chỉ riêng lĩnh vực điện tử của đất nước đã cần đến 50,000 kỹ sư, nhưng công suất đào tạo của các trường đại học trong nước hiện chỉ cho phép 5,000 sinh viên kỹ thuật tốt nghiệp mỗi năm.”

Và nhiều người trong số này mong muốn rời khỏi Malaysia để sang làm việc tại Singapore láng giềng – nơi ngành bán dẫn cũng đang phát triển mạnh, và có thu nhập trung bình cao gấp 8 lần. Mức lương cho kỹ sư bán dẫn, đặc biệt là đối với các sinh viên mới tốt nghiệp, vẫn thấp hơn hầu hết các lĩnh vực chuyên môn khác tại Malaysia, và các chuyên gia trong nước nói rằng Malaysia vẫn còn thiếu chuyên môn cần thiết để vươn lên vị trí front-end của chuỗi giá trị bán dẫn.

Cùng lúc đó, chi phí hoạt động tại Penang cũng đã tăng mạnh trong 2 năm qua. Theo Financial Times, giá đất công nghiệp tại đây đã tăng từ khoảng 500 RM (2,7 triệu VND) / mét vuông lên tới 850 RM (4,9 triệu VND) vào năm 2024, và tốc độ tăng giá nhà tại Penang trong nửa đàu năm 2023 đứng thứ hai châu Á, chỉ sau Singapore – một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Đối với nhiều kỹ sư bán dẫn đang sinh sống và làm việc tại đây, mức lương của họ chỉ vừa đủ để chi trả chi phí sống – chưa nói đến tiết kiệm.

Malaysia cũng dường như đang phải đối mặt với một bài toán đã gặp phải từ trước đây – làm cách nào để vươn lên trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Ngay cả với làn sóng doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, phần lớn các công ty này đều nằm tại cuối chuỗi giá trị, trong khi các công ty thiết kế và sản xuất của Trung Quốc như HiSilicon và SMIC vẫn giữ toàn bộ hoạt động trong nước. Chính phủ Malaysia đã bắt đầu phát triển một hệ sinh thái bán dẫn nhằm nuôi dưỡng các doanh nghiệp trong nước, nhưng sự hỗ trợ hai doanh nghiệp dẫn đầu ngành – Inari và Globetronics – có được chưa là gì so với TSMC và Samsung nhận được từ chính phủ của họ vào những năm 1980.

Các chuyên gia tại Malaysia, trong đó có Tan Eng Kee, nói rằng chính phủ Malaysia “cần tập trung hơn” trong việc ươm tạo các “nhà vô địch bản địa” và nâng cao mức lương hiện hữu. Ông nói “Tại Đài Loan và Hàn Quốc, những người làm việc cho TSMC, Pegatron, hay Samsung vô cùng tự hào rằng họ góp phần cho sự thành công của doanh nghiệp”. Để Malaysia có thể vươn lên, có lẽ chính phủ sẽ phải bắt tay vào quá trình kiến tạo văn hoá làm việc này.

Con đường của Malaysia, dù đã có những bước đi ban đầu thuận lợi, cũng không hoàn toàn tươi sáng. Vì vậy, cơ hội cho những người chơi mới khác, như Việt Nam, gia nhập cuộc chơi này không quá hẹp, dù cạnh tranh với Malaysia là một bài toán cũng không mấy đơn giản.

Bài viết được đăng lần đầu trên Vietnamnet.