15/06/1946: Mỹ đề xuất Kế hoạch Baruch về kiểm soát vũ khí nguyên tử

Nguồn: The United States presents the Baruch Plan, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1946, Mỹ đã trình bày Kế hoạch Baruch về kiểm soát quốc tế đối với vũ khí nguyên tử cho Liên Hiệp Quốc. Việc kế hoạch này không được chấp nhận đã dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nguy hiểm giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Tháng 8/1945, Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân trong thời chiến. Việc bom nguyên tử được sử dụng thành công không chỉ kết thúc Thế chiến II, mà còn giúp Mỹ nắm thế độc quyền về loại vũ khí hủy diệt nhất mà loài người từng biết đến.

Khi sự thù địch giữa Mỹ và Liên Xô lớn dần trong những tháng sau khi chiến tranh kết thúc, một cuộc thảo luận gay gắt đã diễn ra trong chính quyền của Tổng thống Harry S. Truman. Một số quan chức, gồm Bộ trưởng Chiến tranh Henry R. Stimson và Bộ trưởng Thương mại Henry Wallace, cho rằng Mỹ nên chia sẻ bí mật nguyên tử của mình với Liên Xô. Họ lập luận rằng sự độc quyền của Mỹ sẽ chỉ khiến người Nga ngày càng ngờ vực và cuối cùng sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang. Những người khác, chẳng hạn như quan chức Bộ Ngoại giao George F. Kennan, đã phản đối kịch liệt quan điểm đó. Nhóm này tuyên bố rằng không thể tin tưởng Liên Xô, và Mỹ sẽ thật ngu ngốc khi từ bỏ “con át chủ bài” nguyên tử của mình.

Trận chiến giữa hai nhóm trở nên rõ ràng vào đầu năm 1946, khi Mỹ đề xuất thành lập Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Liên Hiệp Quốc (UNAEC) nhằm thiết lập một sự kiểm soát quốc tế đối với việc phổ biến và phát triển vũ khí và công nghệ hạt nhân. Bernard Baruch, cố vấn của nhiều đời tổng thống Mỹ từ đầu thế kỷ 20, đã được giao phó công việc soạn thảo đề xuất của Mỹ và trình bày trước Liên Hiệp Quốc. Baruch đứng về phía những người lo ngại Liên Xô, và đề xuất của ông phản ánh điều này. Cụ thể, nó xác lập quyền kiểm soát và thanh tra quốc tế đối với các cơ sở sản xuất hạt nhân, nhưng tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ sẽ duy trì độc quyền vũ khí hạt nhân cho đến khi mọi khía cạnh của đề xuất chính thức có hiệu lực. Không có gì ngạc nhiên khi Liên Xô bác bỏ Kế hoạch Baruch. Sau đó, về phần mình, Mỹ cũng bác bỏ đề xuất đáp lại từ phía Liên Xô – yêu cầu cấm tất cả vũ khí hạt nhân.

Đến năm 1949, bất kỳ cuộc thảo luận nào về kiểm soát vũ khí hạt nhân quốc tế cũng đều gây tranh cãi. Tháng 9 năm đó, Liên Xô đã thử nghiệm thành công một thiết bị hạt nhân. Trong vòng vài năm sau, Mỹ và Liên Xô chạy đua phát triển những kho vũ khí hạt nhân đáng sợ hơn bao giờ hết, bao gồm bom hydro, tên lửa MIRV (tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân), và bom neutron (được thiết kế để giết người nhưng không làm hư hỏng các tòa nhà).