Thách thức của nước Anh dưới thời chính quyền Đảng Lao động

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: John Kampfner, “Keir Starmer Is Tony Blair, Minus the Optimism,” Foreign Policy, 03/07/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chính phủ mới của Anh đang sao chép cuốn cẩm nang của thời kỳ “Đảng Lao động Mới,” nhưng bầu không khí của đất nước đã thay đổi trong thời gian đó.

Có lẽ mọi công dân Anh đều nhớ họ đã ở đâu vào cái đêm Tony Blair trở thành thủ tướng. Tối ngày 01/05/1997, các lái tàu của hệ thống tàu điện ngầm London đã thông báo kết quả bầu cử cho hành khách. Nhiều người ăn mừng với những chai rượu vang sủi trên đường phố. Và những cử tri trung thành với đảng đã tập hợp tại khu phức hợp văn hóa Southbank bên bờ sông Thames, nơi bài hát của chiến dịch tranh cử, “Things Can Only Get Better” (Mọi chuyện sẽ chỉ tốt đẹp hơn) của D:Ream vang lên.

Giờ đây, ban nhạc có bài hát gắn liền với chiến thắng của Blair lại nói rằng họ không muốn nó được phát vào thời điểm này. Các thành viên ban nhạc đổ lỗi cho di sản của ông ở Iraq, nhưng không chỉ có vậy. Bài hát đã không còn phù hợp, bởi tâm trạng chung lúc này là chua chát.

Tâm trạng lạc quan ngây thơ theo chân Blair lên nắm quyền đã biến mất cùng với cuộc chiến Iraq; tuy nhiên, dự án “Đảng Lao động Mới” tỏ ra lại khá bền bỉ về mặt kỹ thuật. Blair đã giành được chiến thắng bầu cử thứ ba vào năm 2005, rồi chuyển giao quyền lực một cách miễn cưỡng cho người bạn cũ và cũng là đối thủ không đội trời chung của ông, Gordon Brown, vào năm 2007. Brown trụ thêm được ba năm, nhưng rồi dự án cũng kết thúc sau 13 năm.

Tất cả mọi thứ chỉ là tương đối. Nên nhớ rằng Đảng Bảo thủ đã nắm quyền lâu hơn Đảng Lao động một năm, từ năm 2010 đến năm 2024 – 14 năm nhộn nhạo, lơ là, và không hiệu quả. Năm thủ tướng, một cơn ác mộng Brexit, và vô số vụ bê bối tham nhũng, vậy mà họ vẫn tiếp tục với vẻ huênh hoang thường thấy của mình.

Điều nghịch lý của thời điểm này là Keir Starmer gần như không thể tạo ra được sự ủng hộ nhiệt tình như Blair, dù nhà lãnh đạo Đảng Lao động hiện tại đã xoay chuyển vận mệnh của đảng mình và đang trên đà lật đổ quyền lực của Đảng Bảo thủ. Theo các cuộc thăm dò ý kiến, Starmer có thể đạt được chiến thắng áp đảo thậm chí còn lớn hơn cả Blair, đẩy Đảng Bảo thủ vào “vùng hoang dã” thêm một thế hệ nữa.

Ông đã làm được điều đó bằng cách hứa hẹn ít nhất có thể, tập trung vào sáu cam kết chung chung và không mang tính xúc phạm – chẳng hạn như cắt giảm thời gian chờ đợi để được bác sĩ điều trị, tuyển dụng giáo viên mới, và trấn áp các hành vi chống đối xã hội mà không ai có thể phản đối. Đây rõ ràng là bản sao của chiến lược năm 1997 của Blair, một chiến lược “vô trùng” mà trong đó bạn không cho đối thủ của mình mục tiêu nào để tấn công. Nó đã hoạt động rất hiệu quả. Trong cơn tuyệt vọng, thủ tướng sắp mãn nhiệm, Rishi Sunak, đã cảnh báo cử tri không nên “đầu hàng” – một lời cảnh báo chỉ mang đến cho ông sự chế nhạo.

Starmer cứ thế tiến lên, lặp lại những câu thần chú của mình về sự ổn định, trách nhiệm, và một khái niệm mơ hồ về sự thay đổi. Đối với hầu hết cử tri, chỉ vậy thôi là đủ – bất cứ điều gì để loại bỏ Đảng Bảo thủ. Không giống như sự lạc quan ngây thơ của năm 1997, sự thất vọng đã được tính đến

Liệu đây có phải là một ví dụ của sự mất niềm tin gần như hoàn toàn vào chính trị dòng chính trên khắp thế giới dân chủ, hay nó sẽ là điều mà các nhà sử học sau này coi là một ví dụ tuyệt vời về quản lý kỳ vọng? Liệu trong nhiệm kỳ đầu tiên, một người kiệm lời như Starmer có thể đạt được thành công như một người hoạt bát kiểu Blair hay không? Và liệu ông có thể giúp Đảng Lao động nắm giữ quyền lực trong thời gian dài như người tiền nhiệm đã làm không?

Starmer đã đưa một số cố vấn của Blair trước đây vào đội ngũ nòng cốt của mình. Còn những cố vấn khác thì làm việc một cách không chính thức. Về chính Blair, Starmer gần đây đã nói rằng “Tôi nói chuyện với Tony rất nhiều về khoảng thời gian ngay trước năm 1997, bởi vì, tất nhiên là tôi rất quan tâm đến việc nói chuyện với những người đã thắng cử và đưa một đảng từ phe đối lập trở thành chính phủ.” Starmer nhắc nhở người phỏng vấn mình trên truyền hình một cách cay đắng rằng Đảng Lao động không giỏi chiến thắng – kể từ Thế chiến 2 đến nay, đảng này chỉ mới giành được quyền lực từ tay Đảng Bảo thủ ba lần, hai lần còn lại là vào năm 1945 và năm 1964.

Hai người đàn ông đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi lịch sử đó. Họ chia sẻ đánh giá rằng nước Anh là một quốc gia bảo thủ, của Đảng Bảo thủ. Còn Đảng Lao động chỉ là kẻ mạo danh. Starmer đã giảm bớt các đề xuất tranh cử của mình xuống mức tối thiểu, bao gồm loại bỏ các khoản giảm thuế đối với trường tư để có thể hỗ trợ nhóm yếu thế hơn, thành lập một công ty năng lượng của nhà nước, và tăng tối thiểu quyền lợi của người lao động.

Trước đó, những ý tưởng cấp tiến hơn về môi trường và giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em đã bị cắt bớt. Hậu quả của Brexit và những thiệt hại mà nó gây ra chỉ được nhắc đến rất ít. Chiến thuật rất đơn giản: Đừng rung thuyền. Đừng thách thức các nguyên tắc cơ bản về chính trị và kinh tế. Thay vào đó, hãy làm những gì bạn có thể ở bên lề – và bằng cách âm thầm, nếu cần.

Cuối cùng, Blair đã dẫn đầu việc cải tổ triệt để các dịch vụ công – Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), giáo dục, giao thông công cộng, và xã hội. Nhưng ông hiếm khi nói về những khoản đầu tư đã được thực hiện.

Có lẽ một sự so sánh chính xác hơn sẽ là với chính quyền đầu tiên của Harold Wilson, một trong ba nhà lãnh đạo Đảng Lao động từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử kể từ sau thế chiến (người còn lại là Clement Attlee năm 1945). Trong sáu năm đầu nắm quyền, từ năm 1964 đến năm 1970, Wilson đã lãnh đạo một chính phủ kỹ trị nhưng cũng cấp tiến.

So với những người tiền nhiệm, Blair nổi bật hơn hẳn trên trường quốc tế. Ông chủ trì thành công nhiều hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (dù thật ra ông chẳng làm được gì nhiều để giải quyết mâu thuẫn nội tại sâu sắc do truyền thông cánh hữu gây ra). Ông là bạn thân của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton, sau đó lại tiếp tục thuyết phục những người như Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf và Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ việc tấn công Afghanistan sau vụ 11/9 thay mặt cho người bạn mới là Tổng thống Mỹ George W. Bush.

Blair đã cuốn lá cờ nước Anh quanh mình, nhưng khi đó, nó là một lá cờ lạc quan hơn, thuộc về kỷ nguyên tiền thiên niên kỷ của Spice Girls và Cool Britannia. Di sản năm 1989 và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn vang vọng hơn một thập kỷ sau đó. Vào đầu đến giữa những năm 2000, nước Anh của Blair tin tưởng mạnh mẽ rằng nền dân chủ tự do và thị trường tự do song hành cùng nhau. Họ nghĩ cách làm này sẽ thuyết phục được các nhà độc tài cứng đầu rằng họ đang sai lầm. Toàn cầu hóa và thương mại tự do sẽ mang lại sự giàu có. Tuy nhiên, cách nghĩ này hiện phần lớn đã bị bác bỏ ở Anh, Mỹ và cả EU.

Hai thập kỷ trôi qua, trong thời kỳ hậu đại dịch đen tối hơn, khi chiến tranh rình rập châu Âu và Trung Đông, và các mục tiêu về biến đổi khí hậu liên tục bị bỏ lỡ do phản ứng dữ dội của người dân, còn những người theo chủ nghĩa dân túy thì dần dần thống trị các diễn ngôn và thâu tóm quyền lực, Starmer đã đảm bảo rằng lá cờ nước Anh luôn đồng hành với ông trong mọi bức ảnh và đoạn phim. Ngôn từ đi kèm với những bức ảnh này là “thay đổi,” nhưng thông điệp ẩn sau đó là “an ninh.”

Và ai có thể đổ lỗi cho ông? Starmer đã bị chia cho một bộ bài khốn khổ. Blair được thủ tướng tiền nhiệm thuộc Đảng Bảo thủ, John Major – một thủ tướng thường bị đánh giá thấp – để lại cho một nền kinh tế thịnh vượng. Nhưng chủ nhân mới Số 10 phố Downing sẽ thừa hưởng một nền kinh tế suy sụp, quân đội nhỏ nhất kể từ thời Napoléon, một NHS sắp ngã gục, các trường học chật vật vì mái nhà dột nát, và những trở ngại hành chính thời hậu Brexit khiến trao đổi thương mại trở nên khó khăn hơn bội phần. Nhờ Boris Johnson và Liz Truss, và ở mức độ thấp hơn (một chút) là Theresa May và Rishi Sunak, vai trò của nước Anh hầu như đã bị xóa bỏ trên toàn thế giới.

Starmer đang cố gắng mỉm cười như cách Blair đã làm. Ông không thể làm mọi người vui, và chắc chắn ông chẳng hứa hẹn gì với thế giới. Ông là một người đàn ông của thời đại mình, một trong số ít những chính trị gia dòng chính vẫn còn đứng vững. Vì kỳ vọng đặt ra quá thấp, ông sẽ khó có thể gây thất vọng. Nhưng liệu điều đó có mang đến cho ông một cơ hội?

John Kampfner là tác giả cuốn sách “Why the Germans Do It Better: Notes from a Grown-Up Country.”