Lần này NATO sẽ thực sự gặp rắc rối?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Stephen M. Walt, “This Time, NATO Is in Trouble for Real,” Foreign Policy, 08/07/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sau nhiều năm báo động sai, liên minh quân sự phương Tây cuối cùng cũng tiến đến bờ vực thẳm.

Khi bất kỳ tổ chức nào – một trường đại học, một tập đoàn, một viện chính sách, hay thậm chí là một cặp vợ chồng – hướng tới lễ kỷ niệm 75 năm, bạn có thể mong đợi những người ủng hộ tổ chức đó trình bày một danh sách dài về thành tựu, phẩm chất, và sự trường tồn đáng chú ý của nó. Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington cũng không phải là ngoại lệ: Chắc chắn sẽ có rất nhiều bài phát biểu ca ngợi những thành tựu trong quá khứ của liên minh và đề cao vai trò của nó như là nền tảng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, không thể bỏ qua những đám mây đen đang phủ bóng lên lễ kỷ niệm sắp tới của NATO. Donald Trump nhiều khả năng sẽ quay trở lại làm tổng thống Mỹ vào năm 2025, Đảng Tập hợp Dân tộc cực hữu hiện là phong trào chính trị quyền lực nhất ở Pháp, Viktor Orban của Hungary vẫn là một thế lực gây rối, và người châu Âu đang chia rẽ với người Mỹ về cuộc chiến Israel-Hamas, Trung Quốc, quy định công nghệ kỹ thuật số, và cách tốt nhất để giúp đỡ Ukraine đang ngày càng khốn khó.

Một số nhà quan sát có thể nói đây không phải là điều gì mới. Liên minh đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong suốt lịch sử của mình, và những cảnh báo về sự sụp đổ của nó (bao gồm cả cảnh báo của tôi) luôn là những cảnh báo vội vàng. Khủng hoảng Suez năm 1956 gây ra một vết nứt nghiêm trọng, và Chiến tranh Việt Nam cũng vậy. Những tranh chấp về học thuyết quân sự (đặc biệt là vai trò của vũ khí hạt nhân) đã gây căng thẳng cho liên minh trong suốt Chiến tranh Lạnh (bạn còn nhớ tranh cãi về tên lửa Euromissile không?) và sự bất hòa trong nội bộ liên minh đã thể hiện rõ ràng trong Chiến tranh Kosovo năm 1999. Đức và Pháp công khai phản đối quyết định xâm lược Iraq năm 2003 của chính quyền Bush, và mọi tổng thống Mỹ từ Dwight D. Eisenhower đến Trump đều phàn nàn – đôi khi gay gắt – về xu hướng châu Âu hưởng lợi từ sự bảo vệ của Mỹ. Có lẽ những rắc rối ngày nay chỉ là sự lặp lại của những rắc rối trước đây, và mọi người có thể yên tâm lên kế hoạch cho một bữa tiệc kỷ niệm hoành tráng khác vào năm 2029.

Quan điểm này không nên bị bác bỏ một cách tùy tiện. Một khi được thành lập, các thể chế thường tồn tại rất lâu ngay cả khi hoàn cảnh ra đời của chúng không còn nữa, đó là lý do tại sao Anh và Pháp vẫn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Sự bền bỉ của NATO được củng cố bởi một bộ máy hành chính lớn và được thiết lập tốt ở Brussels, cùng với một đội ngũ ủng hộ gồm các cựu quan chức, các học giả ủng hộ quan hệ xuyên Đại Tây Dương, và các viện chính sách được tài trợ dồi dào luôn bảo vệ tổ chức này mọi lúc mọi nơi. Với sự ủng hộ rộng rãi của giới tinh hoa, có thể chắc chắn rằng hội nghị thượng đỉnh tuần tới sẽ không phải là hội nghị cuối cùng của NATO.

Tuy nhiên, tình hình ngày nay hoàn toàn khác biệt so với những thời điểm căng thẳng nội bộ trước đây của liên minh, và các thế lực đe dọa tương lai của NATO vượt xa khuynh hướng cá nhân của các lãnh đạo riêng lẻ như Trump hay Marine Le Pen. Thật vậy, quan điểm của họ (và việc chúng ngày càng được chấp nhận) vừa là biểu hiện của những lực lượng lớn hơn, vừa là một nguyên nhân độc lập.

Nguồn căng thẳng rõ ràng nhất là sự dịch chuyển cán cân quyền lực thế giới. Khi NATO được thành lập vào năm 1949, các thành viên châu Âu đang trong quá trình phục hồi sau Thế chiến II và Liên Xô dường như là một mối đe dọa mà châu Âu không thể giải quyết mà không có sự hỗ trợ tích cực của Mỹ. Châu Âu cũng là một trong những trung tâm công nghiệp quyền lực của thế giới và do đó trở thành một mục tiêu chiến lược đặc biệt có giá trị. Các quốc gia thành lập liên minh chủ yếu để giải quyết các mối đe dọa chung, và việc Mỹ cam kết bảo vệ châu Âu và duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở đó là điều hợp lý.

Nhưng ngày đó đã qua lâu rồi. Liên Xô và Khối Hiệp ước Warsaw đã biến mất, và Nga không còn khả năng chinh phục và khuất phục lục địa châu Âu. Đúng là nước này đang tiến hành một cuộc chiến bất hợp pháp ở Ukraine và một ngày nào đó có thể đe dọa các nước nhỏ ở vùng Baltic, nhưng ý tưởng rằng quân đội Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Ba Lan rồi sau đó tiến tới Eo biển Manche là điều thật nực cười. Một đội quân đã phải vật lộn để chống lại một Ukraine nhỏ hơn và yếu hơn sẽ không thể trở thành công cụ cho việc mở rộng lãnh thổ nhanh chóng, ngay cả khi Vladimir Putin nuôi dưỡng tham vọng như vậy.

Trong khi đó, Trung Quốc đã nổi lên như một đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ (và là đối tác cấp cao hơn của nước Nga của Putin), một kẻ thách thức công nghệ đáng gờm, và là quốc gia có thương mại lớn nhất thế giới. Ngày nay, tỷ trọng của châu Á trong nền kinh tế thế giới (54%) lớn hơn đáng kể so với châu Âu (17%), và đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng cao hơn. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ có thể làm thay đổi căn bản môi trường an ninh ở châu Á. Do đó, chỉ những lý do thuần túy mang tính cấu trúc cũng đủ khiến châu Á ngày nay thu hút được sự chú ý lớn hơn của Mỹ, còn châu Âu ít được chú ý hơn. Điều này không có nghĩa là châu Âu không còn quan trọng nữa, chỉ là nó không còn chiếm vị trí quan trọng nhất trong số các lợi ích chiến lược của Mỹ. Gần đây, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc NATO đảm nhận vai trò lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và các nhà quan sát từ một số nước châu Á sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này, nhưng các thành viên châu Âu của NATO sẽ chẳng thể làm gì nhiều để ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực ở châu Á ngay cả khi họ muốn.

Các câu hỏi về mục đích của NATO đã bắt đầu xuất hiện ngay sau khi Liên Xô tan rã, và cần phải khen ngợi các thành viên của tổ chức vì đã đề ra những lý do và nhiệm vụ mới theo thời gian. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hầu hết những nỗ lực mới này đều không hiệu quả. Việc mở rộng NATO đã bổ sung thêm các yêu cầu an ninh mới, nhưng không bổ sung thêm năng lực để đáp ứng chúng, và việc này chỉ không phải trả giá chừng nào người Nga còn yếu và chịu tuân phục. Những dự đoán rằng việc mở rộng không giới hạn về phía đông sẽ dẫn đến một châu Âu “toàn diện, tự do, và hòa bình” ngày nay nghe thật sáo rỗng, khi một cuộc chiến tàn khốc đang hoành hành ở Ukraine và quan hệ với Nga rơi vào tình trạng đóng băng sâu sắc. NATO có thể tuyên bố thành công một phần trong Chiến tranh Kosovo năm 1999, nhưng cuộc chiến đó khó có thể là bằng chứng cho tình đoàn kết trong nội bộ liên minh, và tình hình chính trị ở Balkan đến nay vẫn rất mong manh. Các thành viên NATO đã tập hợp lại và ủng hộ Mỹ sau vụ khủng bố 11/9 – viện dẫn Điều 5 lần đầu tiên và duy nhất – nhưng những nỗ lực tiếp theo của liên minh trong cái gọi là “xây dựng nhà nước” ở Afghanistan là một thất bại đắt giá. Sự can thiệp của liên quân Anh-Pháp-Mỹ vào Libya năm 2011 không phải là một chiến dịch của NATO, nhưng vẫn là một ví dụ rõ ràng về hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương, và kết quả là chúng ta có thêm một quốc gia thất bại. NATO rõ ràng đã giúp Ukraine sống sót sau cuộc xâm lược ban đầu của Nga và bảo vệ phần lớn lãnh thổ của mình, nhưng cuộc chiến có lẽ sẽ không kết thúc với một chiến thắng rõ ràng để liên minh có thể ăn mừng. Với thành tích này, người ta có thể hiểu tại sao ngày càng có nhiều nghi ngờ về giá trị của liên minh dù môi trường an ninh ở châu Âu đang xấu đi.

Cuối cùng, NATO đang gặp rắc rối chính vì nó đã tồn tại quá lâu và những câu nói sáo rỗng quen thuộc về các giá trị chung và tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương không còn gây được tiếng vang mạnh mẽ như trước, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ. Tỷ lệ người Mỹ gốc Âu đang giảm dần, làm xói mòn thêm mối liên hệ tình cảm với “quê hương cũ,” và các sự kiện như Thế chiến II, Không vận Berlin, và sự sụp đổ của Bức tường Berlin chỉ còn là lịch sử xa xưa đối với những công dân trẻ tuổi trưởng thành trong thời kỳ chiến tranh chống khủng bố toàn cầu hay cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những người có ý thức chính trị tập trung nhiều vào biến đổi khí hậu hơn là chính trị quyền lực. Không có gì ngạc nhiên khi những người Mỹ trẻ tuổi ít bị thuyết phục bởi những tuyên bố về chủ nghĩa biệt lệ của Mỹ và ít có xu hướng ủng hộ vai trò tích cực của chủ nghĩa quốc tế như ông bà của họ. Tất cả những điều này đều không phải dấu hiệu tốt cho một quan hệ đối tác an ninh vẫn phụ thuộc nhiều vào việc Mỹ đóng vai trò là người ứng phó đầu tiên bất cứ khi nào có rắc rối nảy sinh bên kia đại dương.

Xin nhắc lại: Tôi không cho rằng NATO sẽ sụp đổ, ngay cả khi Trump trở lại làm tổng thống và nhiều nhân vật hoài nghi NATO lên nắm quyền ở châu Âu. Nhưng có những lực lượng mang tính cấu trúc mạnh mẽ đang dần chia rẽ châu Âu và Mỹ, và những xu hướng đó sẽ tiếp tục bất kể điều gì xảy ra vào tháng 11, ở Ukraine hay chính châu Âu. Vì vậy, hãy tận hưởng lễ kỷ niệm 75 năm, nhưng đừng quá để tâm đến những tuyên bố hùng hồn về tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương. Châu Âu và Mỹ đang dần xa cách nhau, và câu hỏi quan trọng duy nhất là điều đó sẽ diễn ra nhanh đến mức nào và sẽ dẫn chúng ta đến đâu.

Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.