Tại sao Ban Thiền Lạt Ma lại quan trọng?

Nguồn: Antonio Terone, “Why the Panchen Lama Matters,” The Diplomat, 09/07/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các Ban Thiền Lạt Ma và Đạt Lai Lạt Ma tự xem mình là “những người bạn tâm linh,” nhưng mối quan hệ giữa hai nhân vật này và cộng đồng của họ không hề suôn sẻ.

Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 của Tây Tạng, Chokyi Gyalpo, đã bị gọi bằng nhiều cái tên khác nhau ở cả trong và ngoài Trung Quốc, bao gồm “kẻ giả mạo,” “con rối Trung Quốc,” “Ban Thiền của Giang Trạch Dân,” và “Ban Thiền Trung Quốc.”

Nhiều người cho rằng ảnh hưởng của ông trong các vấn đề của Tây Tạng là không đáng kể. Lý do cho quan điểm tiêu cực này bắt nguồn từ việc khi còn nhỏ, ông đã được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lựa chọn sau khi họ loại Gendun Chokyi Nyima, cậu bé mà Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso đã công nhận là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, vì quá trình đó thiếu thẩm quyền của chính phủ Trung Quốc.

Và kể từ năm 1992 đến nay, người ta vẫn chưa xác định được Gendun Chokyi Nyima đang ở đâu.

Dù vậy, việc loại bỏ Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 do Trung Quốc bổ nhiệm, Chokyi Gyalpo, có thể gây bất lợi cho tương lai của người Tây Tạng ở Trung Quốc và cho việc bảo vệ di sản văn hóa Tây Tạng. Tính mạng và lợi ích của người dân Tây Tạng ở Trung Quốc không phụ thuộc vào các thế lực và quyền lực bên ngoài vùng đất của họ, mà phụ thuộc vào những thế lực bên trong.

Hai vị Lạt Ma cấp cao nhất trong phái Cách Lỗ của Phật giáo Tây Tạng, vốn từng cai trị Tây Tạng trước cuộc xâm lược của Trung Quốc, là Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma. Trong ít nhất ba thế hệ vừa qua, giữa hai nhân vật này đã có những căng thẳng về quyền hạn, lãnh thổ, và thuế khóa. Tuy nhiên, hai vị Lạt Ma này vẫn duy trì truyền thống công nhận sự tái sinh của nhau. Do đó, không khó để hiểu tại sao Ban Thiền Lạt Ma Chokyi Gyalpo lại quan trọng – năm nay ông 34 tuổi, còn Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ tròn 90 tuổi vào ngày 06/07/2025.

Nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chính thức công nhận Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 do Trung Quốc bổ nhiệm, Chokyi Gyalpo, điều này có thể phá vỡ thế bế tắc Trung Quốc-Tây Tạng đã kéo dài gần 75 năm và thậm chí có thể mở đường cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại Tây Tạng. Việc Ban Thiền Lạt Ma và Đạt Lai Lạt Ma xích lại gần nhau cũng có thể xoa dịu những hành động của chính phủ Trung Quốc tại các khu vực của người Tây Tạng, xoa dịu các phong trào gây bất ổn trong cộng đồng người Tây Tạng ở Trung Quốc, và phần nào mang lại kết thúc cho các sự kiện đau buồn kéo dài suốt những thập kỷ qua. Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể noi theo tấm gương của nhà sư Việt Nam Thích Nhất Hạnh, người đã trở về quê hương do chính phủ Cộng sản kiểm soát để sống những ngày cuối đời.

Nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng ở Trung Quốc

Jetsun Lobsang Jamba Lhundup Chokyi Gyalpo Pelsangpo, hay gọi đơn giản là Chokyi Gyalpo (Ch. Queji Jiebu), chào đời vào năm 1990 ở Huyện Gia Lê, phía bắc của Khu tự trị Tây Tạng ngày nay, với tên gọi Gyaltsen Norbu, con trai của hai người đến từ vùng Na Khúc. Cha mẹ ông là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và họ gặp nhau lần đầu tại một trường luyện thi địa phương vào năm 1986.

Sau khi chính phủ Trung Quốc bác bỏ quyết định công nhận Gendun Chokyi Nyima là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, một phái đoàn Tây Tạng được chính phủ phê duyệt, dẫn đầu bởi Sengchen Chokyi Gyaltsen (1936-1998), một tu sĩ cấp cao của phái Cách Lỗ, đã bắt đầu tìm kiếm những ứng viên tiềm năng. Năm 1990, trước sự chứng kiến của nhiều quan chức cấp cao, bao gồm Chủ tịch Khu tự trị Tây Tạng Gyaincain Norbu, Ủy viên Quốc vụ La Cán, và Giám đốc Cục Các vấn đề Tôn giáo Dân tộc của Quốc vụ viện Hiệp Tiểu Văn, Senchen Chokyi Gyaltsen đã chọn ra Chokyi Gyalpo từ danh sách rút gọn các ứng viên tiềm năng trong một Bình Vàng, và chính thức tuyên bố ông là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 của Tây Tạng. Chính phủ Trung Quốc giao cho Chokyi Gyalpo trọng trách đại diện cho người Tây Tạng và lợi ích của họ trong việc cải thiện quan hệ Trung Quốc-Tây Tạng.

Ngay từ khi còn nhỏ, Chokyi Gyalpo đã sống ở Bắc Kinh, nơi ông được giáo dục cả về tôn giáo theo truyền thống Cách Lỗ, lẫn giáo dục phổ thông, bao gồm tiếng Quan Thoại, lịch sử Trung Quốc, và lý thuyết chủ nghĩa Marx-Lenin. Hầu hết các nghiên cứu của ông được thực hiện tại Học viện Phật giáo Cao cấp Tây Tạng của Trung Quốc, nơi người tiền nhiệm của ông là Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã thành lập tại Bắc Kinh vào năm 1987.

Hiện tại, Chokyi Gyalpo là lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng cao nhất tại Trung Quốc. Ông được tiếp cận trực tiếp với Tập Cận Bình, chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và được hưởng lợi từ mối quan hệ nồng ấm với Chính phủ Trung Quốc cũng như cộng đồng Phật giáo Trung Quốc rộng lớn.

Giống như người tiền nhiệm, Ban Thiền Lạt Ma hiện tại thông thạo tiếng Quan Thoại, am hiểu chính trị Trung Quốc và thế giới, đồng thời có kiến thức uyên thâm về học thuyết và triết học Phật giáo. Ngoài ra, sự hợp tác của ông với chính quyền Trung Quốc cũng phù hợp với đường lối của người tiền nhiệm về các chính sách ưu tiên giáo dục cho người Tây Tạng, Hán hóa Phật giáo Tây Tạng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và ngăn chặn các hoạt động ly khai phá vỡ sự hòa hợp giữa các sắc tộc.

Ngày nay, với khả năng đại diện cho lợi ích của người Tây Tạng và theo bước chân của hai người tiền nhiệm, Ban Thiền Lạt Ma trẻ tuổi được phép tham gia các cuộc họp cấp cao và hội nghị chính trị quốc gia, theo đó trực tiếp làm quen với các vấn đề nhà nước và ngoại giao. Năm 2010, ông đích thân chào đón Ngoại trưởng Singapore George Yeo tới Trung Quốc. Ngày 10/06/2015, Tập đã tổ chức buổi tiếp kiến chính thức với Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 của Tây Tạng tại Trung Nam Hải, trụ sở của cả Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền trung ương Trung Quốc. Chokyi Gyalpo cũng có nhiều chuyến đi trong nước và quốc tế (ông đã đến thăm Bangkok, Thái Lan vào năm 2019) để phát biểu và thuyết giảng tâm linh cho các tín đồ Phật giáo. Theo phong tục Phật giáo Tây Tạng, ông ban phước lành cho các tín đồ, tiếp kiến, thuyết giảng, và thực hiện nhiều nghi lễ khác nhau cho cả cộng đồng tu sĩ và cư sĩ. Ông cũng thường xuyên có các phát biểu chính trị, đề cập đến sự cần thiết của việc người Tây Tạng phải chấp nhận một hình thức Phật giáo Hán hóa ở Tây Tạng phù hợp với các giá trị xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật Trung Quốc, và các nguyên tắc cốt lõi của một xã hội hiện đại.

Một lịch sử cạnh tranh

Dù bị nhiều người trên thế giới chỉ trích, mối quan hệ mật thiết tồn tại giữa Ban Thiền Lạt Ma và chính phủ Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên. Cả hai vị Ban Thiền Lạt Ma trước đó, thứ 9 và thứ 10, đều là đồng minh thân cận của Trung Quốc dưới chính phủ Quốc Dân Đảng (1911-1949) cũng như chính phủ Cộng sản sau năm 1949. Họ cũng có mối quan hệ gây tranh cãi với các Đạt Lai Lạt Ma tương ứng của họ. Họ sống và hoạt động từ Trung Quốc, có các tín đồ người Trung Quốc và làm việc cho chính phủ Trung Quốc. Giống như người tiền nhiệm của ông, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, Chokyi Gyalpo là thành viên Ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và là Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, tổ chức chính phủ hàng đầu phụ trách xử lý các vấn đề Phật giáo theo luật pháp Trung Quốc.

Hai vị Ban Thiền Lạt Ma tiền nhiệm cũng có những lợi ích mâu thuẫn với những mối quan tâm của các vị Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm, đặc biệt là liên quan đến việc kiểm soát và quản lý các vùng đất rộng lớn, thuế khóa và quản lý tu viện ở miền Trung Tây Tạng. Họ ủng hộ một chương trình nghị sự tiến bộ nhằm hiện đại hóa Tây Tạng, đồng thời hoan nghênh sự hỗ trợ và bảo vệ chính trị từ Trung Quốc. Họ cũng sống đến cuối đời tại các thành phố của Trung Quốc, nơi họ ủng hộ nhiều sáng kiến tôn giáo và chính trị khác nhau, cũng như lãnh đạo các tín đồ Trung Quốc.

Các Ban Thiền Lạt Ma và Đạt Lai Lạt Ma tự xem mình là “những người bạn tâm linh,” nhưng quan hệ giữa hai nhân vật này và các cộng đồng tín đồ và những người ủng hộ họ hầu như không suôn sẻ. Quan hệ của họ được đặc trưng bởi sự hỗn loạn và cạnh tranh trong phần lớn thế kỷ qua. Cũng giống như Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 không được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 công nhận ngay lập tức. Việc đề cử Gompo Tseten, cậu bé sau này trở thành Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, được hỗ trợ bởi ủy ban tìm kiếm của Ban Thiền Lạt Ma thứ 9 và chính phủ Quốc Dân Đảng của Trung Hoa Dân Quốc, nhưng không phải bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma, người khi đó đang nhắm đến một ứng viên khác. Dù Gompo Tseten trẻ tuổi đã chính thức được phong là Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 tại tu viện Kumbum vào mùa hè năm 1949, phải mất thêm vài năm Đức Đạt Lai Lạt Ma mới miễn cưỡng công nhận ông.

Hòa giải và hợp tác

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma già đi, các nhà báo và nhà phân tích trên khắp thế giới đã bắt đầu suy đoán về tương lai của thể chế Đạt Lai Lạt Ma cũng như số phận của người Tây Tạng. Năm 2010, phái đoàn Tây Tạng đã tạm dừng làm việc với chính phủ Trung Quốc và các cuộc đàm phán đã không được mở lại kể từ đó.

Về phần mình, Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 đã tiếp tục xây dựng lòng tin trong cộng đồng người Tây Tạng ở Trung Quốc để nâng cao phúc lợi và thịnh vượng của họ. Ảnh hưởng của ông có thể được cải thiện đáng kể nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma chính thức ủng hộ và công nhận ông là Ban Thiền Lạt Ma hợp pháp. Nếu Đạt Lai Lạt Ma thành công mở ra cuộc đối thoại với Ban Thiền Lạt Ma, để hiểu được tầm nhìn của ông và thừa nhận vai trò lãnh đạo của ông ở Trung Quốc, thì Đạt Lai Lạt Ma có thể có cơ hội cải thiện quan hệ Trung Quốc-Tây Tạng, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người Tây Tạng và bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng. Điều này cũng có thể hạn chế khả năng xảy ra phản ứng bạo lực trước tin tức về sự ra đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai.

Vai trò truyền thống của Ban Thiền Lạt Ma như một nhân vật chủ chốt trong việc công nhận hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma đã được người Tây Tạng cũng như các quan chức Trung Quốc hiểu rõ. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và chính quyền lưu vong có thể lựa chọn tiếp tục truyền thống tìm kiếm hóa thân tiếp theo. Tuy nhiên, điều cực kỳ khó xảy ra là chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép tìm kiếm hóa thân tiếp theo của Đạt Lai Lạt Ma trong các khu vực Tây Tạng do họ kiểm soát mà không có sự can dự của chính Trung Quốc. Cũng rất có thể chính phủ Trung Quốc và giới lãnh đạo Tây Tạng ở Trung Quốc sẽ quyết định lựa chọn và công nhận người kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma theo các tiêu chuẩn và luật pháp của riêng họ, với sự tham gia của Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 hiện tại.

Con đường phía trước?

Suốt hàng chục năm, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cố gắng để tăng cường đối thoại với Bắc Kinh nhưng không thành công. Tuy nhiên, vẫn còn một vài lựa chọn cuối cùng mà ông có thể theo đuổi. Đạt Lai Lạt Ma có thể đề nghị chính thức công nhận Chokyi Gyalpo là hóa thân hợp pháp của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10. Ông cũng có thể đề nghị hợp tác với Bắc Kinh trong việc lựa chọn người kế nhiệm mình là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15, nếu giải pháp này được hai bên đồng ý. Nếu những hành động này thành công, chúng sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai bên. Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ được đánh giá cao vì hành động có trách nhiệm và hòa bình, trong khi Bắc Kinh sẽ phải xem xét nghiêm túc việc đáp ứng một số mong muốn của Đạt Lai Lạt Ma nhằm cải thiện phúc lợi và bảo vệ di sản văn hóa của người Tây Tạng ở Trung Quốc. Đức Đạt Lai Lạt Ma thậm chí có thể gây sức ép yêu cầu Bắc Kinh tiết lộ thông tin và thương lượng việc trả tự do cho Gendun Chokyi Nyima và gia đình ông. Bằng cách công nhận Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, Đạt Lai Lạt Ma sẽ gửi thông điệp đến tất cả người Tây Tạng rằng đã đến lúc phải tiến về phía trước, chấp nhận tình hình và chào đón Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 như một nhà lãnh đạo hợp pháp hành động vì lợi ích của người Tây Tạng.

Cuối cùng, Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể xem xét đàm phán với Bắc Kinh để có thể trở lại Tây Tạng sống những năm cuối đời, như Thích Nhất Hạnh đã làm ở Việt Nam. Xét đến ảnh hưởng sâu sắc của hoạt động vì hòa bình lấy cảm hứng từ Phật giáo của Thích Nhất Hạnh đối với Đạt Lai Lạt Ma, ông có thể làm theo hành động cuối cùng của vị thiền sư Việt Nam, người đã qua đời tại chùa Từ Hiếu ở Việt Nam vào năm 2022 ở tuổi 95. Trong những năm 1960, thầy Thích Nhất Hạnh, một nhà sư tích cực hoạt động xã hội và chính trị, đã kiên trì vận động ở cả trong và ngoài nước cho một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Việt Nam. Ông miễn cưỡng chọn sống lưu vong vào năm 1966, năm mà ông công khai “Đề xuất Năm điểm để Chấm dứt Chiến tranh,” vì sợ bị trả thù, bị tống giam, hoặc thậm chí là bị sát hại khi trở về quê hương.

Tuy nhiên, bất chấp nỗi sợ hãi đó, vào cuối đời, ông đã trở về Việt Nam vào năm 2019, chấm dứt cuộc sống lưu vong và hoàn thành mong ước được ở lại quê hương. Nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma noi gương Thích Nhất Hạnh và trở về sống những ngày cuối đời ở Tây Tạng, ông cũng có thể an nghỉ trên quê hương mình và khép lại cuộc đời lưu vong dài đằng đẵng. Tây Tạng hiện là một phần của Trung Quốc, nhưng nó vẫn là vùng đất tổ tiên của người Tây Tạng, và nó vẫn có thể được một Ban Thiền Lạt Ma giám sát về mặt tinh thần dưới sự chúc phúc của “người bạn tâm linh” Đạt Lai Lạt Ma.

Antonio Terrone là Giáo sư Giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Á tại Đại học Northwestern. Trước đây ông là Trợ lý Giáo sư Nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo Sau Đại học tại Đại học Quốc lập Chính trị ở Đài Bắc, Đài Loan.

Cuộc chiến xác định người kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma