Nga muốn gì ở Trung Đông?

Nguồn: Hanna Notte, “What Russia wants in the Middle East, Foreign Affairs, 15/07/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Mặc dù tìm cách lợi dụng bất ổn, Moscow vẫn muốn tránh leo thang căng thẳng.

Kể từ vụ tấn công Israel của Hamas vào ngày 7 tháng 10, Nga dường như hài lòng khi tình hình bất ổn ở Trung Đông khiến đối thủ chính là Mỹ bị phân tâm. Tuy nhiên, vào ngày 13 tháng 4, Moscow tỏ ra lo ngại khi Tehran, đồng minh thân cận của họ, phóng hơn 300 tên lửa và drone tấn công Israel để trả đũa cho vụ tấn công lãnh sự quán Iran ở Damascus. Mặc dù cuộc tấn công đó đã bị vô hiệu hóa thành công bởi hệ thống phòng thủ tên lửa và sự phối hợp hỗ trợ từ Mỹ, các đối tác Ả Rập và phương Tây, Israel đã đáp trả sáu ngày sau đó bằng một cuộc tấn công vào hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-300 ở Isfahan, một thành phố nằm sâu trong nội địa Iran.

Trong khi tính toán các hành động của mình, cả Israel và Iran đều cho thấy họ muốn tránh rơi vào chiến tranh. Tuy nhiên, việc trực tiếp tấn công vào lãnh thổ của nhau cho thấy hai kẻ thù lâu năm này đã thay đổi các quy tắc giao tranh bất thành văn, khiến việc đánh giá hành động và ý định của nhau, cũng như hạn chế nguy cơ leo thang căng thẳng trở nên khó khăn hơn. Điều này khiến Nga lo lắng, bởi họ đang đi trên một lằn ranh mỏng giữa việc kiềm chế sức mạnh của Mỹ trong khu vực và không muốn bị ràng buộc quá mức, cũng không muốn thấy một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông.

Chắc chắn, căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel có thể mang lại lợi thế cho Moscow. Thứ nhất, leo thang hơn nữa ở Trung Đông gần như chắc chắn sẽ khiến Washington phải chuyển hướng sự chú ý và nguồn viện trợ khỏi Ukraine, nơi Nga hiện đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Điều này đã được thể hiện rõ ràng ngay sau ngày 7 tháng 10, khi chính quyền Biden đã gửi thêm các khẩu đội tên lửa Patriot tới Trung Đông, lấy từ kho dự trữ có số lượng hạn chế các hệ thống mà Kyiv đang rất cần. Vào tháng 4, lường trước được cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel, Mỹ đã triển khai thêm nhiều khí tài quân sự đến khu vực để hỗ trợ phòng thủ của Israel. Sau đó, vào tháng 6, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Israel và Hezbollah, Washington đã điều động tàu chiến và Thủy quân lục chiến Mỹ đến khu vực. Căng thẳng leo thang hơn nữa sẽ đòi hỏi Mỹ phải huy động thêm các nguồn lực, điều mà Điện Kremlin mong đợi. Hơn nữa, một cuộc chiến tranh Trung Đông có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao, làm phức tạp thêm những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm kiềm chế giá nhiên liệu cho người tiêu dùng Mỹ chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử. Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc chắn sẽ hả hê trước tình trạng khó khăn của Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn trong khu vực sẽ mang lại những rủi ro lớn cho Moscow. Nếu Israel bắt đầu chiến đấu với Hezbollah hoặc Iran, Điện Kremlin sẽ phải đối mặt với ba hậu quả nguy hiểm: đồng minh Syria của họ bị lôi kéo vào cuộc chiến, năng lực cung cấp vũ khí cho Nga của Iran bị suy yếu và quan hệ với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh và Iran trở nên phức tạp. Trong một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, Mỹ nên biết rằng Moscow sẽ hỗ trợ hạn chế cho các đối thủ của Israel và lên tiếng đổ lỗi cho Washington về sự leo thang căng thẳng, trong khi vẫn tránh tham gia quân sự trực tiếp. Do đó, Mỹ nên sử dụng các phương tiện ngoại giao và quân sự sẵn có để đảm bảo rằng căng thẳng trong khu vực không leo thang.

Con đường dẫn đến Damascus

Ngay cả khi Iran và Israel tránh đối đầu trực tiếp, leo thang xung đột hiện tại giữa Israel với Hezbollah sẽ là rủi ro đối với Nga. Nếu Israel quyết định xâm lược Lebanon, điều đó có thể sẽ dẫn đến sự tàn phá lớn, cũng như một loạt tên lửa Hezbollah tấn công vào Israel. Syria, nơi Nga duy trì các căn cứ hải quân và không quân, có thể nhanh chóng trở thành một chiến trường thứ yếu vì đất nước này là nơi đặt nhiều vị trí và tuyến tiếp tế của Hezbollah mà Israel sẽ tấn công. Cùng với cuộc tấn công vào lãnh sự quán Iran ở Damascus, Israel đã tiến hành các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Syria, bao gồm các kho đạn, trạm kiểm soát và trụ sở, những thứ vốn giúp Iran cung cấp vũ khí cho Hezbollah và các đối tác khác. Vào đầu tháng 7, một cuộc tấn công bằng drone của Israel ở Syria đã giết chết hai chiến binh Hezbollah, khiến nhóm này bắn rocket vào Cao nguyên Golan. Gần đây, các báo cáo trên truyền thông Israel cho rằng Israel đã cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad không tham gia vào cuộc chiến Gaza hiện tại, thậm chí còn đe dọa hủy diệt chế độ của ông nếu có thêm các cuộc tấn công được thực hiện từ đất nước này.

Các cuộc tấn công của Israel vào Syria có thể sẽ gia tăng theo sau một cuộc chiến toàn diện với Hezbollah. Mặc dù tác động sẽ không đến mức tàn khốc như những gì Lebanon có thể mong đợi, nhưng nó vẫn có thể khiến Nga lo lắng. Ukraine có thể là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga, nhưng Syria vẫn quan trọng đối với Điện Kremlin như một ví dụ về một cuộc xung đột mà Nga đã giành chiến thắng, bằng cách đứng về phía đồng minh của mình. Syria cũng có giá trị chiến lược đối với Nga vì nước này đóng vai trò như một nền tảng để Moscow triển khai sức mạnh tại Đông Địa Trung Hải từ căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân ở Hmeymim, nơi Nga đã nâng cấp và mở rộng trước khi xâm lược Ukraine. Syria cũng là một trung tâm vận chuyển tài nguyên quân sự đến Libya và Sahel ở châu Phi, nơi sự hiện diện của Nga đang mở rộng.

Có rất nhiều mục tiêu tiềm năng ở Syria. Sân bay Aleppo và Damascus đã nằm trong tầm ngắm của Israel. Nhưng trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Israel với Hezbollah, căn cứ không quân Hmeymim do Nga điều hành ở phía tây Syria, có thể được sử dụng làm điểm trung chuyển vũ khí Iran, cũng có thể trở thành mục tiêu. Israel có thể sẽ cảnh báo Moscow trước bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy vì gây thương vong cho binh lính Nga có thể gây leo thang xung đột.

Tuy nhiên, một số khí tài của Nga có thể bị tấn công. Quyết định của Moscow vào tháng Giêng nhằm tăng cường các cuộc tuần tra trên không dọc theo tuyến phân giới giữa Syria và Cao nguyên Golan có lẽ nhằm mục đích cảnh báo cả Iran và Israel không để Syria bị cuốn vào vòng xoáy khu vực. Trong trường hợp các cuộc tấn công của Israel vào Syria gia tăng, Moscow có thể sẽ tăng cường gây nhiễu điện tử từ Hmeymim để vô hiệu hóa các chiến dịch của Israel và cho phép người Syria sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga để tấn công các máy bay chiến đấu của Israel. Moscow có thể sẽ muốn tránh tạo ra hình ảnh lực lượng của họ đang trực tiếp chiến đấu với Israel, trừ khi họ tin rằng sự hiện diện của mình ở Syria đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Kho dự trữ bốc hơi

Nếu xung đột bùng nổ ở Trung Đông thì Iran cũng có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến. Trước cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Iran vào ngày 19 tháng 4, hội đồng chiến tranh của Israel được cho là đã cân nhắc nhiều lựa chọn, bao gồm các cuộc tấn công vào các cơ sở chiến lược như căn cứ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hoặc các cơ sở nghiên cứu hạt nhân. Tuy nhiên, Israel đã chọn một phản ứng vừa phải. Lãnh đạo Israel chắc chắn sẽ không kiềm chế hơn trong trường hợp leo thang hơn nữa, và họ có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Iran. Điều này đã được chứng minh khi Israel tấn công cơ sở ở Isfahan, cho thấy sức mạnh của các nguồn tình báo Israel và khả năng hoạt động trên lãnh thổ Iran. Không thể nghi ngờ gì rằng các cuộc tấn công trong tương lai có thể gây thiệt hại nặng nề.

Các cuộc tấn công của Israel có thể nhắm vào các cơ sở sản xuất drone của Iran ở khu vực Tehran và Isfahan, tên lửa đạn đạo ở Tehran, Khojir và Shahrud, hoặc đạn dược ở Parchin và Isfahan. Các cơ sở sản xuất các thành phần quan trọng cho sản xuất vũ khí, chẳng hạn như động cơ drone ở Tehran và Qom, động cơ tên lửa đạn đạo rắn ở Khojir và Shahrud, cũng có thể bị tấn công. Mặc dù các cơ sở này nằm rải rác trên khắp đất nước, nhưng các cuộc tấn công mở rộng, ít nhất là trong ngắn hạn, có thể ảnh hưởng đến việc Iran chuyển giao các hạng mục vũ khí trên cho Nga.

Tùy thuộc vào việc Israel — hoặc Mỹ, nếu nước này tham gia — quyết định tấn công trong tình huống leo thang, ngành công nghiệp quốc phòng của Iran có thể sẽ chịu sức ép nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến Nga, quốc gia vốn phụ thuộc vào Iran về drone và các vũ khí khác để hỗ trợ cuộc chiến tranh ở Ukraine. Thật vậy, kể từ cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2022, Moscow và Tehran đã mở rộng đáng kể hợp tác kỹ thuật quân sự, với việc Nga nhận được nhiều loại drone chiến đấu, đạn pháo, đạn dược cỡ nhỏ và bom lượn của Iran. Như để thừa nhận sự phụ thuộc này, Nga đã bắt đầu sản xuất trong nước drone Shahed của Iran và đã đảm bảo thêm nguồn cung cấp quân sự từ Triều Tiên. Mặc dù những thay đổi đó có thể làm giảm bớt phần nào sự phụ thuộc của Nga vào việc chuyển giao các hệ thống vũ khí của Iran, nhưng Moscow chắc chắn không muốn ngành công nghiệp quốc phòng của đối tác mình bị tàn phá. Miễn là còn chiến đấu với Ukraine, Nga sẽ muốn đảm bảo rằng Tehran có thể giúp bổ sung kho dự trữ của mình đồng thời hợp tác với Moscow trong việc phát triển các loại drone mới.

Việc Iran tham chiến sẽ gây ra những vấn đề khác cho Moscow. Nếu Israel chọn tấn công Iran, Tehran sẽ cần huy động toàn bộ năng lực quân sự để phản công. Do thiếu một lực lượng không quân hoặc phòng không hiệu quả, Iran sẽ phải dựa vào hạm đội tên lửa và drone của mình, giảm đi đáng kể việc hỗ trợ drone cho Nga. Ngay cả khi leo thang ở Trung Đông chỉ giới hạn ở các cuộc giao tranh ác liệt giữa Israel và các nhóm ủy nhiệm của Iran, Tehran cũng cần phải bổ sung kho vũ khí cho các đối tác của mình, một lần nữa khiến họ có ít khả năng hỗ trợ Moscow hơn.

Một chiến dịch do Israel dẫn đầu chống lại Iran cũng có thể gây ra rủi ro về danh tiếng cho Nga. Với cuộc chiến tranh ở Ukraine là ưu tiên hàng đầu, Moscow không có đủ năng lực và mong muốn hỗ trợ Iran trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự nghiêm trọng. Thực tế, Nga luôn muốn tránh một cuộc chiến tranh với Israel, chứ chưa nói đến các lực lượng Mỹ ở Trung Đông. Nếu căng thẳng leo thang, Nga sẽ không xuất hiện như một hiệp sĩ áo giáp sáng chói của Iran. Nga sẽ lên án sự hung hăng của Mỹ và thậm chí có thể tăng cường hỗ trợ quân sự cho Iran sau cuộc tấn công, nhưng Moscow sẽ tránh bị ràng buộc. Việc án binh bất động này có thể làm hoen ố danh tiếng của chính Nga trong khu vực và xa hơn thế. Về trung hạn, một cuộc chiến tranh giữa Iran và Israel cũng có thể thúc đẩy Tehran, sau khi hồi phục, theo đuổi vũ khí hạt nhân — một kết quả mà Nga không muốn thấy, vì những rủi ro liên quan đến sự phát triển như vậy.

Đi trên dây

Leo thang căng thẳng ở khu vực cũng có thể làm phức tạp các mối quan hệ của Nga với Iran và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh. Trong những năm gần đây, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê Út đã theo đuổi sự hòa giải với Iran, tính toán rằng đối thoại trực tiếp và quan hệ kinh tế là cách tốt nhất để duy trì ổn định khu vực. Mặc dù được dàn xếp mà không có sự tham gia của Nga, nhưng sự hòa giải này lại mang lại lợi ích cho Moscow. Nó giúp Điện Kremlin dễ dàng liên kết chặt chẽ hơn với Iran và các đối tác, đồng minh ủy nhiệm của Iran, vốn là lực lượng chống phương Tây chính của khu vực, đồng thời duy trì quan hệ với các quốc gia Ả Rập. Trong khi đó, sự phối hợp với các quốc gia vùng Vịnh trong OPEC+ đã mang lại cho Nga lợi thế đối với thị trường dầu mỏ, và UAE đã nổi lên như một kênh trung chuyển quan trọng cho những nỗ lực của Nga nhằm trốn tránh các lệnh trừng phạt được áp đặt để đáp lại cuộc xâm lược Ukraine.

Các mối quan hệ của Nga với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh và với Iran đã giúp Moscow có lý do để mở rộng thành viên của BRICS, một khối được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2009, Nam Phi tham gia vào năm tiếp theo. Vào năm 2023, nhóm được mở rộng để bao gồm Iran và UAE cùng với Ai Cập và Ethiopia, thúc đẩy thêm những nỗ lực của Điện Kremlin nhằm kiến tạo một mối dây liên kết ngày càng tăng giữa các quốc gia phi phương Tây. Duy trì những mối quan hệ này sẽ dễ dàng hơn nhiều đối với Nga khi Vịnh Ba Tư hòa thuận, thay vì tham gia vào một trò chơi tổng bằng không, trong đó đối đầu với một bên trong cuộc xung đột sẽ khiến bên kia bực tức. Không có gì lạ khi các nhà ngoại giao Nga cảm thấy vui mừng khi Quốc vương Bahrain, Hamad bin Isa al-Khalifa, hứa hẹn vào tháng 5 trong chuyến thăm Moscow rằng đất nước của ông, vốn là một quốc gia Ả Rập vùng Vịnh thân phương Tây từ lâu, sẽ bình thường hóa quan hệ với Iran.

Leo thang quân sự giữa Israel và Iran có thể làm phức tạp các kế hoạch của Nga. Mặc dù một số quốc gia Ả Rập đã giúp Israel chống lại cuộc tấn công bằng đường không của Iran vào ngày 13 tháng 4, nhưng họ đã giảm thiểu vai trò của mình và bày tỏ rõ ràng sự quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ hòa giải với Iran. Họ phản đối bất kỳ hành động tấn công nào nữa của Israel nhằm vào Iran hoặc các nhóm ủy nhiệm của Iran, lo ngại rằng chiến tranh khu vực sẽ gây nguy hiểm cho chương trình nghị sự kinh tế của họ và khiến các cử tri trong nước thêm phẫn nộ, những người đã lên án sự tàn phá ở Gaza. Nhưng cho dù các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh không muốn thấy sự hòa hoãn của họ với Iran sụp đổ, thì leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran hoặc các nhóm ủy nhiệm của Iran có thể khiến các cuộc tấn công xảy ra ngay trên lãnh thổ của họ. Các mục tiêu có thể bao gồm các cơ sở quân sự của Mỹ hoặc các tài sản chiến lược như cơ sở dầu mỏ, mà Houthi trước đây đã nhắm vào ở Ả rập Xê út và UAE. Bất kể ai nổ súng trước, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh có thể sẽ đổ lỗi cho chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về bất kỳ sự leo thang nào. Hệ quả là sự xói mòn mối quan hệ hòa giải gần đây của Israel với UAE và các chính phủ vùng Vịnh khác sẽ làm hài lòng Điện Kremlin, vốn đã lo ngại về việc thành lập một khối chống Iran thống nhất giữa Israel và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh dưới sự bảo trợ của Mỹ. Tuy nhiên, leo thang khu vực cũng mang lại rủi ro cho sự hòa giải giữa Ả rập và Iran – và theo đó, là những rủi ro cho Nga.

Rắc rối

Tháng 4, Iran và Israel dường như đang tiến gần đến bờ vực nhưng sau đó đã tự kiềm chế được. Nếu Tehran và Tel Aviv leo thang hơn vào lần tới — hoặc nếu Israel quyết định thời điểm thích hợp để tấn công Hezbollah — thì hành vi leo thang tiếp theo sẽ đe dọa tất cả các bên, bao gồm cả Nga, buộc Moscow phải quyết định có nên đáp trả hay đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, khả năng định hình kết quả của Nga sẽ hạn chế hơn so với Mỹ. Điều này là do năng lực quân sự của Nga đã bị kéo dãn và sức ảnh hưởng của họ đối với các bên tham chiến là không đáng kể. Khi tình hình trở nên căng thẳng, Nga có thể sẽ hỗ trợ Iran hoặc Hezbollah thông qua chiến tranh điện tử hoặc bằng cách cung cấp cho các đối tác của mình những loại vũ khí không cần thiết cho chiến dịch Ukraine. Moscow không có khả năng tham gia trực tiếp vào chiến tranh. Chắc chắn Nga sẽ đổ lỗi cho Washington về bất kỳ sự leo thang nào. Nhưng xét đến những gì Nga có thể mất ở Syria, Iran và các nơi khác trong khu vực, thì việc Moscow chiến thắng trong một cuộc chiến tranh như vậy là điều không chắc chắn. Nếu Trung Đông nổ ra xung đột, nó sẽ gây tổn hại cho kẻ thù của Nga – nhưng nó cũng sẽ gây tổn hại cho Nga.

Vì ưu tiên lớn nhất của Nga là cuộc đối đầu toàn cầu với Mỹ thông qua Ukraine, Putin không nên quan tâm đến việc bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông mà ông không thể kiểm soát. Căng thẳng trong khu vực có lợi cho Nga trong nỗ lực phá hoại trật tự toàn cầu, nhưng chỉ kéo dài chừng nào nó còn trong tầm kiểm soát. Moscow đang được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh hiện tại ở Gaza và hài lòng khi thấy uy tín của Mỹ suy giảm vì sự ủng hộ bị cho là bất công đối với Israel. Đó cũng là lý do tại sao Nga ít quan tâm đến việc xoa dịu căng thẳng hiện tại.

Trong chín tháng qua – có thể coi là chín tháng quan trọng nhất đối với Trung Đông trong nhiều thập kỷ – Nga đã đứng ngoài lề về mặt ngoại giao. Trong khi các quan chức cấp cao nhất của Mỹ không ngừng lui tới các thủ đô trong khu vực, thì Nga tập trung nỗ lực vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tại đó, Moscow đã nhiều lần chỉ trích Washington vì không ủng hộ các nghị quyết ngừng bắn. Khi Mỹ gần đây đề xuất nghị quyết riêng về lệnh ngừng bắn ba giai đoạn, Nga đã bỏ phiếu trắng, viện dẫn thiếu chi tiết, nhưng không phủ quyết văn bản, vốn đã nhận được sự ủng hộ từ thế giới Ả Rập. Nga thích thú khi chứng kiến Mỹ vật lộn với tình trạng khó xử kép khi vừa là quốc gia bị ghét nhất trong khu vực, vừa là quốc gia mà nhiều nước mong đợi một sự cứu rỗi – một vai trò mà Washington không thể hoặc không muốn thực hiện. Chừng nào chính sách của Mỹ vẫn sa lầy trong mớ bòng bong này, Nga không có lý do gì để mạo hiểm lợi ích của mình bằng cách châm ngòi thêm rắc rối trong khu vực.

Nếu chiến tranh nổ ra giữa Israel và Hezbollah, Nga có hai lựa chọn khả thi: không can thiệp gì hoặc tăng cường hỗ trợ cho các đối thủ của Israel trong khi tránh tham chiến trực tiếp. Việc đứng ngoài cuộc là không đáng tin cậy, điều đó có nghĩa là kết quả có khả năng xảy ra nhất là Moscow sẽ hỗ trợ các nhóm ủy nhiệm của Iran thông qua sự kết hợp của việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ phi quân sự. Với các năng lực ngày càng tinh vi, Nga có thể tăng cường chiến tranh điện tử từ Syria bằng cách gây nhiễu các hệ thống dẫn đường của vũ khí Israel. Họ cũng có thể cung cấp thêm vũ khí cho Hezbollah ở Lebanon hoặc Houthis ở Yemen, điều này phù hợp với chiến lược hiện tại của họ. Vào tháng Giêng, Hezbollah đã tấn công căn cứ kiểm soát không lưu Núi Meron của Israel bằng những thứ dường như là tên lửa chống tăng dẫn đường do Nga sản xuất; theo các quan chức Mỹ, Moscow gần đây đã cân nhắc chuyển tên lửa hành trình cho Houthis. Những hạn chế về quân sự do chiến dịch Ukraine của Nga và sự thận trọng về chính trị do quan hệ với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đòi hỏi Điện Kremlin không nên có mối quan hệ quá sâu với các nhóm ủy nhiệm của Iran.

Washington cần nhìn nhận rõ ràng quan điểm của Nga về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông. Mặc dù Moscow không mong muốn ngoại giao Mỹ đạt được hòa bình và ổn định, nhưng họ cũng không mong muốn một cuộc xung đột khu vực. Do đó, Nga sẽ không đóng vai trò tích cực hỗ trợ Mỹ giảm căng thẳng, nhưng họ cũng sẽ không kích động Iran hoặc các nhóm ủy nhiệm của Iran tiến hành chiến tranh toàn diện chống lại Israel. Nếu chiến tranh xảy ra, Washington nên dự tính sự hỗ trợ hạn chế của Nga dành cho các đối thủ của Israel, và cần nỗ lực làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa sự hỗ trợ đó ở bất cứ nơi nào có thể. Những cảnh báo từ Washington yêu cầu Moscow không can thiệp dường như sẽ không hiệu quả. Thay vào đó, Mỹ nên khuyến khích các đối tác Ả Rập vùng Vịnh của mình gây áp lực nhẹ nhàng lên Nga để không chuyển giao tên lửa và các vũ khí khác cho các nhóm ủy nhiệm của Iran, đồng thời làm rõ những rủi ro khi làm như vậy. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần tăng cường phòng thủ của mình, khuyến khích các đối tác Israel tôn trọng những lằn ranh đỏ của Nga ở Syria, và quan trọng nhất là đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao để đảm bảo rằng, nếu chiến tranh giữa Hezbollah và Israel nổ ra, nó có thể được kiềm chế nhanh chóng.

Hanna Notte là Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin và là Cộng tác viên cấp cao không thường trú của Chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.