Cách Mỹ và Trung Quốc có thể giúp giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân

Nguồn: Chu Ba, “The U.S. and China Can Lead the Way on Nuclear Threat Reduction,” Foreign Policy, 20/08/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chính sách “không sử dụng trước tiên” là hình mẫu cho các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, vai trò của vũ khí hạt nhân đã dần được nâng cao. Các kho vũ khí hạt nhân đang được tăng cường trên khắp thế giới, với nhiều quốc gia hạt nhân tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của họ. Hồi tháng 6, Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg cho biết liên minh này đang đàm phán để triển khai thêm vũ khí hạt nhân, đưa chúng ra khỏi kho và đặt chúng ở chế độ chờ. Robert C. O’Brien, cựu cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã thúc giục ông tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân nếu ông giành được nhiệm kỳ mới, lập luận rằng điều đó sẽ giúp Mỹ “duy trì ưu thế về kỹ thuật và số lượng so với tổng dự trữ hạt nhân của Trung Quốc và Nga.”

Có hai kết luận ảm đạm về ngoại giao hạt nhân trong thời đại này. Thứ nhất, người ta sẽ không thể sớm cấm những loại vũ khí như vậy. Kể từ khi nó được thông qua vào năm 2017, không có quốc gia nào có vũ khí hạt nhân chịu ký Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, thay vào đó, một vài trong số họ còn cho rằng hiệp ước này sẽ làm phân tán sự chú ý khỏi các sáng kiến giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân khác.

Cũng rất khó, nếu không muốn nói là không thể, thuyết phục các quốc gia này giảm kho dự trữ hạt nhân trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và quân sự ngày càng gay gắt. Ngược lại, vào tháng 2/2023, Nga đã tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước về Các Biện pháp nhằm Tiếp tục Giảm và Hạn chế Vũ khí Tấn công Chiến lược (New START) năm 2010 – vốn là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại để hạn chế lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ.

Để đáp trả, Mỹ cũng đã đình chỉ việc chia sẻ và công bố dữ liệu hiệp ước. Sang tháng 11, Nga đã tiến một bước xa hơn khi rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT), với lý do “mất cân bằng” với Mỹ, quốc gia đã không phê chuẩn hiệp ước kể từ khi đồng ý ký kết nó vào năm 1996.

Trước tình hình như vậy, Bắc Kinh không thể khoanh tay đứng nhìn. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã tăng từ 410 đầu đạn vào tháng 1/2023 lên 500 vào tháng 1/2024 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Lần đầu tiên, Trung Quốc cũng có thể đang triển khai một số lượng nhỏ đầu đạn hạn nhân trên tên lửa trong thời bình. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc có khả năng tăng số đầu đạn hạt nhân lên 1.500 vào năm 2035.

Xét đến thực tế này, có lẽ cách hứa hẹn nhất trong ngắn hạn để đề phòng rủi ro hạt nhân không phải là hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân, mà là kiểm soát các chính sách quản lý việc sử dụng chúng. Về mặt này, việc các nước có vũ khí hạt nhân cam kết “không sử dụng hạt nhân trước tiên” dường như là cách tiếp cận thực tế nhất trong việc giảm leo thang các mối đe dọa hạt nhân.

Về lý thuyết, không sử dụng trước đề cập đến một chính sách mà theo đó một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chính thức kiềm chế việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trong chiến tranh, ngoại trừ trong trường hợp một cuộc tấn công thứ hai để trả đũa một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt của một quốc gia thù địch.

Trong số năm quốc gia hạt nhân đã ký kết Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) – Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, và Mỹ – chỉ có Trung Quốc là từng tuyên bố chính sách không sử dụng trước. Ngày 16/10/1964, khi Trung Quốc cho nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, nước này đã ngay lập tức tuyên bố sẽ không phải là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân vào bất kỳ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng thời cam kết vô điều kiện về việc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không có hạt nhân hoặc trong các khu vực không có vũ khí hạt nhân.

Dù không phải là thành viên của NPT, Ấn Độ cũng đã đưa ra cam kết tương tự vào năm 1998, nhưng quy định rằng lời hứa này chỉ áp dụng cho các quốc gia không có vũ khí hạt nhân và không liên kết với một quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, các học giả Mỹ từ lâu đã nghi ngờ tính hợp lệ của cam kết của Trung Quốc và tranh luận về việc liệu Bắc Kinh có thể sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xấu nhất hay không, chẳng hạn như trong cuộc xung đột ở Đài Loan. Một số nhà quan sát ở Mỹ tin rằng: nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định tấn công Đài Loan, thì không có gì có thể làm thay đổi ý định của họ nếu các biện pháp thông thường không đạt được thành công.

Những lập luận như vậy không thực sự có thể biện minh được. Một Trung Quốc hùng mạnh hơn bao giờ hết đang ở vị thế tốt hơn để tôn trọng chính sách kéo dài hàng thập kỷ của mình. Dù Trung Quốc không loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp phi hòa bình cho mục tiêu “thống nhất” trong những trường hợp cụ thể, nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ đề cập đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại người dân Đài Loan, những người mà đại lục gọi là “đồng bào.” Trong các cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân bán chính thức được tổ chức tại Thượng Hải vào tháng 3, phái đoàn Trung Quốc nói với phía Mỹ rằng họ hoàn toàn tin tưởng Trung Quốc có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến thông thường ở Đài Loan mà không cần sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tất cả các cường quốc hạt nhân đều có đủ khả năng để chính thức áp dụng chính sách không sử dụng trước – đề cao nền tảng đạo đức mà không làm giảm khả năng trả đũa của họ.

Dù nước này chưa bao giờ áp dụng chính sách không sử dụng trước, nhưng quan điểm hạt nhân của Mỹ thực sự giống với Trung Quốc hơn là người ta tưởng. Trong báo cáo Đánh giá Tư thế Hạt nhân năm 2022, chính quyền Biden tuyên bố rằng họ sẽ chỉ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân “trong những trường hợp cực đoan để bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của nước này.” Nhưng thật khó để tưởng tượng loại lợi ích nào lại quan trọng đến mức có thể buộc Washington sử dụng vũ khí hạt nhân như biện pháp đầu tiên để bảo vệ chúng.

Chắc chắn, điều quan trọng là Mỹ phải đảm bảo với các đồng minh của mình rằng nước này sẽ thực hiện đúng những lời hứa răn đe của mình. Thật khó để tưởng tượng ai sẽ mạo hiểm tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào một đồng minh của Mỹ nếu biết rõ những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra.

Trong khi đó, khả năng răn đe hạt nhân của Anh được vận hành độc lập. Nhưng về chính sách hạt nhân của mình, chính phủ Anh đã nói rõ rằng “chúng tôi sẽ chỉ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân của mình trong những trường hợp tự vệ cực đoan, bao gồm cả việc bảo vệ các đồng minh NATO của chúng tôi.” Về phần mình, người Pháp tuyên bố tuân thủ nguyên tắc “đầy đủ nghiêm ngặt.”

Như vậy, thách thức thực sự lúc này là thuyết phục Nga cam kết chính sách không sử dụng trước. Liên Xô đã áp dụng một chính sách không sử dụng trước chính thức vào năm 1982. Nhưng sau khi tan rã, Liên bang Nga đã đảo ngược cách tiếp cận này vào năm 1993, nhiều khả năng là để giảm sự yếu kém tương đối của Lực lượng Vũ trang Nga trong thời hậu Xô-viết.

Trong Điều 4 của một sắc lệnh hành pháp về răn đe hạt nhân được công bố vào năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng “trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, Chính sách này quy định việc ngăn chặn leo thang các hành động quân sự và chấm dứt chúng trong các điều kiện chấp nhận được đối với Liên bang Nga và/hoặc các đồng minh của nước này.” Điều này đã được một số nhà quan sát hạt nhân quốc tế giải thích là mô tả các kịch bản phi hạt nhân trong đó Nga có thể sử dụng những vũ khí như vậy.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022, người ta đã lo ngại rằng nước này có thể cho nổ một quả bom hạt nhân chiến thuật ở đâu đó để gửi cảnh báo đến Ukraine và NATO. Dù Putin chưa bao giờ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân một cách rõ ràng, nhưng ông đã nhiều lần ám chỉ việc Nga sẵn sàng sử dụng chúng và từng phát biểu trong cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng 09/05 ở Moscow rằng “các lực lượng chiến lược của chúng ta luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.” Và vào tháng 5, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới Ukraine.

Chiến lược này được một số nhà quan sát gọi là “leo thang để xuống thang,” trong đó sự leo thang sớm, chẳng hạn như đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân (thậm chí ở mức độ hạn chế), được theo sau bởi yêu cầu chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Mục tiêu của chiến lược này không phải là vô hiệu hóa hoặc đánh bại kẻ thù hoàn toàn, mà là buộc đối thủ phải nhanh chóng quyết định chấm dứt xung đột theo các điều kiện do quốc gia đang leo thang đặt ra.

Dù muốn hay không, chiến lược leo thang để xuống thang của Nga đã phần nào phát huy tác dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, hạn chế sự tham gia trực tiếp của NATO và khiến Mỹ đặt ra giới hạn đối với những gì Ukraine có thể làm với số vũ khí mà nước này cung cấp.

Vậy tại sao Nga nên xem xét áp dụng chính sách không sử dụng trước?

Phương pháp leo thang để xuống thang phụ thuộc vào sự sợ hãi và lừa gạt. Nếu một quốc gia có vũ khí hạt nhân thực sự tiến hành một cuộc tấn công chống lại một quốc gia hạt nhân khác, họ sẽ không thể kiểm soát quy mô cuộc trả đũa của đối thủ. Việc ăn miếng trả miếng có nguy cơ trở thành chiến tranh hạt nhân toàn diện mà không ai mong muốn. Nga đã tự kiềm chế mình ở Ukraine trong vấn đề vũ khí hạt nhân bởi vì việc sử dụng chúng có thể sẽ dẫn đến điều mà Moscow lo sợ nhất – sự can dự của NATO.

Việc thực sự sử dụng bom hạt nhân chiến thuật có thể thúc đẩy NATO can dự. Vì vậy – để tránh sự hủy diệt lẫn nhau – Moscow phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn NATO tham chiến.

Một cách tiếp cận theo hai hướng có lẽ là cách tốt nhất để áp dụng chính sách không sử dụng trước.

Ở châu Âu, NATO có thể bắt đầu bằng cam kết đơn phương không sử dụng vũ khí hạt nhân trước chống lại Nga như một cử chỉ thiện chí. Ngay cả khi lời đề nghị như vậy không được Nga đáp lại ngay lập tức, nó vẫn có thể giúp xoa dịu căng thẳng.

Bước thứ hai – quan trọng hơn – là NATO có thể cam kết dừng mọi hoạt động mở rộng liên minh của mình để đổi lấy việc Moscow áp dụng chính sách không sử dụng trước. Đây sẽ là một viên thuốc khó nuốt đối với liên minh. Nhưng sau khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập đầu năm nay, chỉ còn ba quốc gia đầy tham vọng trong danh sách chờ: Bosnia và Herzegovina hầu như không đáng kể, kế đến là Gruzia và Ukraine, hai quốc gia đang có xung đột sâu sắc với Nga mà NATO rất nhạy cảm khi phải đón nhận.

Con đường phía trước có thể sẽ suôn sẻ hơn nếu nó đi qua châu Á. Cả Nga và Trung Quốc đều đã đồng ý không sử dụng vũ khí lần đầu để chống lại nhau.  Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận tương tự, từ đó giảm leo thang các xung đột tiềm ẩn liên quan đến các đồng minh của Mỹ – như Philippines và Nhật Bản – cũng như những mối nguy có thể bị kích động thông qua các vụ va chạm vô tình trên biển hoặc trên không. Khi đó, một ví dụ từ Mỹ có thể giúp việc lôi kéo người châu Âu vào cuộc dễ dàng hơn.

Điều này có vẻ xa vời trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, nhưng thật ra đã có một tiền lệ. Khi Ấn Độ và Pakistan thử nghiệm các thiết bị hạt nhân vào tháng 5/1998, họ đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ, kêu gọi hai nước ký cả NPT và Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện. Trong một biểu hiện đoàn kết hiếm hoi, Trung Quốc và Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung vào tháng 6/1998, đồng ý không nhắm mục tiêu vũ khí hạt nhân của họ vào nhau.

Đây chủ yếu là một bước đi mang tính biểu tượng và không thể xác minh được. Nhưng nó không chỉ là một cách xoa dịu căng thẳng, mà còn thật tốt khi thấy các quốc gia hạt nhân chí ít cũng phần nào tuân theo tầm nhìn về giải trừ vũ nhân hạt nhân được nêu trong Điều 6 của NPT. Và tuyên bố chung Trung-Mỹ này cuối cùng đã dẫn đến một tuyên bố chung khác giữa năm quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có vũ khí hạt nhân vào tháng 5/2000, trong đó khẳng định rằng vũ khí hạt nhân của họ không nhắm vào nhau hoặc vào bất kỳ quốc gia nào khác.

Không sử dụng trước là một bước tiến lớn so với việc không nhắm mục tiêu. Nhưng không phải là không thể tưởng tượng được rằng, với đủ vốn ngoại giao, một cam kết tương tự về không sử dụng trước có thể được đưa ra ngày hôm nay. Trên thực tế, vào tháng 1/2022 – chỉ một tháng trước khi Nga xâm lược Ukraine – năm cường quốc hạt nhân này đã đồng ý trong một tuyên bố chung rằng “chiến tranh hạt nhân là cuộc chiến không thể thắng và không bao giờ nên được chiến đấu.”

Điều quan trọng hơn là trong chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã nhắc lại cam kết này, trong bối cảnh cuộc chiến tranh đang diễn ra của Nga.

Nếu quả thật chiến tranh hạt nhân là cuộc chiến không thể thắng, thì điều gì đang ngăn cản các cường quốc hạt nhân này đưa ra cam kết không sử dụng trước? Vũ khí hạt nhân không giúp ích gì cho Mỹ trong các cuộc chiến ở Việt Nam, Iraq và Afghanistan – hay giúp ích cho Nga ở Ukraine. Cam kết không sử dụng trước của các quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ mang lại hy vọng cho mọi người, rằng một thế giới không hạt nhân, dù xa vời đến đâu, vẫn có thể trở thành hiện thực một ngày nào đó.

Bài viết được xuất bản với sự hợp tác của Chương trình Hòa bình Châu Á tại Viện Nghiên cứu Châu Á của Đại học Quốc gia Singapore.

Chu Ba là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế của Đại học Thanh Hoa và là đại tá đã nghỉ hưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.