Nguồn: Japan’s Great Kanto Earthquake kills over 140,000, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1923, giờ ăn trưa thường lệ tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản và “Thành phố Tơ lụa” Yokohama lân cận đã bị gián đoạn khi một trận động đất mạnh 7,9 độ richter xảy ra ngay trước buổi trưa. Cơn địa chấn đã khiến hơn một nửa số tòa nhà bằng gạch của Tokyo, hầu hết các tòa nhà và hàng trăm nghìn nhà dân ở Yokohama sụp đổ, giết chết hàng chục nghìn người.
Động đất Lớn Kanto năm 1923, còn được gọi là Động đất Tokyo-Yokohama, ước tính đã gây ra cái chết cho hơn 140.000 người và khiến khoảng 1,5 triệu người mất nhà cửa, dù số liệu báo cáo có khác nhau. Trận động đất cũng gây ra hỏa hoạn thiêu rụi các tòa nhà, nhiều khả năng là do vào năm 1923, người dân vẫn nấu ăn bằng bếp lửa và động đất xảy ra ngay lúc mọi người đang chuẩn bị bữa trưa. Đợt gió to sau khi một cơn bão quét qua Bán đảo Noto ở miền bắc Nhật Bản đã khiến lửa lan rộng, tạo nên những cơn bão lửa khủng khiếp. Vì trận động đất đã làm vỡ đường ống nước, nên đám cháy không được dập tắt mãi cho đến ngày 03/09, khi khoảng 45% diện tích Tokyo đã bị thiêu rụi. Một số nhà nghiên cứu tin rằng cơn bão có thể đã gây ra trận động đất, vì áp suất khí quyển đã đè lên một đường đứt gãy mong manh ở điểm giao của ba mảng kiến tạo chính gặp nhau bên dưới Tokyo.
Địa chấn cũng gây ra một cơn sóng thần dâng cao hơn 12m tại Atami trên Vịnh Sagami, giết chết 60 người và phá hủy 155 ngôi nhà.
Tại Tokyo, thiệt hại do trận động đất nghiêm trọng đến mức một số lãnh đạo chính phủ đã tranh luận về việc chuyển thủ đô Nhật Bản đến một thành phố mới. Vào mùa thu năm 1923, nhà giáo dục Miura Tosaku đã đi quan sát Tokyo bị tàn phá và kết luận rằng trận động đất này chính là một mặc khải về ngày tận thế. Ông viết “Thảm họa đã tước đi sự giả dối và phô trương của cuộc sống con người và phơi bày mọi điểm mạnh và điểm yếu của xã hội loài người.” Nhân viên cứu trợ Tenrikyo Haruno Ki’ichi thì nói rằng sự tàn phá và hoang tàn sau trận động đất “vượt quá sức tưởng tượng.”
Những người sống sót sau trận động đất cho biết đợt rung lắc ban đầu kéo dài khoảng 14 giây, đủ để phá hủy gần như mọi tòa nhà ở Yokohama, nằm ngay phía nam Tokyo. Khách sạn Grand Hotel ở Yokohama—một khách sạn thời Victoria từng đón tiếp những người nổi tiếng như Tổng thống Mỹ William Howard Taft và nhà văn Anh Rudyard Kipling—đã sụp đổ. Hàng trăm nhân viên và khách của khách sạn đã bị đè bẹp. Henry W. Kinney, Biên tập viên của ấn phẩm Trans-Pacific có trụ sở tại Tokyo, đã chứng kiến cảnh hoang tàn ở Yokohama chỉ vài giờ sau khi trận động đất xảy ra.
“Yokohama, thành phố của gần nửa triệu linh hồn, đã trở thành một đồng bằng lửa rộng lớn, với những mảng lửa đỏ rực, ngấu nghiến mọi thứ, nhảy nhót khắp nơi,” Kinney kể lại. “Đây là tàn tích của một tòa nhà, kia là vài bức tường vỡ vụn, dựng đứng tựa tảng đá trên vùng lửa cháy, không thể nhận ra … Như thể chính Trái Đất đang bốc cháy. Khung cảnh này chính xác là một chiếc bánh pudding Giáng sinh khổng lồ với các linh hồn cháy rực bay lượn bên trên, nhưng họ chẳng nếm được gì, bởi thành phố đã biến mất.”
Kể từ năm 1960, người dân Nhật Bản đã xem ngày kỷ niệm Động đất Lớn Kanto ngày 1 tháng 9 là Ngày phòng chống thiên tai.
Nhật Bản đã phải hứng chịu nhiều trận động đất tàn khốc. Hơn bảy thập kỷ sau thảm họa năm 1923, một trận động đất đã tấn công Kobe vào ngày 17/01/1995, khiến khoảng 6.400 người chết, đồng thời gây hỏa hoạn lan rộng và lở đất ở Nishinomiya. Sau đó, vào ngày 11/03/2011, một trận động đất mạnh 9,0 độ richter đã tấn công khu vực ngoài khơi thành phố Sendai của Nhật Bản. Trận động đất và sóng thần Tohoku này đã gây ra một loạt những cơn sóng thần thảm khốc ở Nhật Bản và ước tính hơn 18.000 người đã thiệt mạng.