Ý nghĩa mơ hồ của chiến dịch Kursk của Ukraine

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Stephen M. Walt, “The Murky Meaning of Ukraine’s Kursk Offensive,” Foreign Policy, 28/08/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Thành công ngắn hạn không nhất thiết sẽ có tác động lâu dài.

Liệu cuộc phản công bất ngờ của Ukraine vào Nga là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến, hay một trò hề vô nghĩa, hay một bước đi sai lầm chiến lược của Kyiv? Về cơ bản, chiến dịch đã thành công trong ngắn hạn, nhưng quan trọng vẫn là trung hạn đến dài hạn. Liệu nó có tác động sâu rộng nào đến chính sách của phương Tây đối với Nga nói chung và cuộc chiến ở Ukraine nói riêng hay không?

Vận mệnh chiến tranh đã dao động nhiều lần kể từ khi Nga phát động xâm lược vào tháng 2/2022, và không nhà quan sát nào có thể đoán đúng mọi thứ. Vì lý do này, cần phải giữ thái độ khiêm tốn. Như trong hầu hết các cuộc chiến, không thể biết chính xác điểm giới hạn về khả năng hoặc quyết tâm của mỗi bên là ở đâu, và cũng khó có thể dự đoán bên thứ ba sẽ phản ứng ra sao trước những diễn biến mới. Tuy nhiên, tôi không thấy có lý do để nghĩ rằng cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk sẽ có tác động tích cực đáng kể đến vận mệnh của nước này.

Chắc chắn, chiến dịch này đã mang lại cho Kyiv một số lợi ích rõ ràng. Nó đã mang lại một sự thúc đẩy tinh thần rất cần thiết cho người Ukraine và còn phản bác những lo ngại rằng Kyiv đã bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tiêu hao chống lại một kẻ thù lớn hơn mà họ không tài nào đánh bại được. Nó đưa cuộc chiến trở lại trang nhất của các tờ báo và củng cố tiếng nói kêu gọi tăng cường hỗ trợ của phương Tây. Nó đã phơi bày những thiếu sót nghiêm trọng của tình báo Nga và mức độ sẵn sàng của lính Nga, thậm chí có thể đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải xấu hổ, dù không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc phản công đã làm giảm quyết tâm của ông hoặc làm chậm bước tiến của Nga ở Donbas.

Thật đáng mừng khi thấy người Ukraine đạt được thành công trên chiến trường, nhưng chiến dịch này không có khả năng ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chiến. Về mặt tích cực, cuộc tấn công cho thấy những sáng kiến đáng ngưỡng mộ và khả năng giữ bí mật hoạt động ấn tượng từ phía Ukraine, đó là lý do tại sao lực lượng xâm lược chỉ phải đối mặt với một nhóm nhỏ quân phòng thủ Nga được đào tạo kém. Có thể nói cuộc tấn công này giống với cuộc phản công thành công của Ukraine ở Kharkiv vào mùa thu năm 2022, cũng đạt được sự bất ngờ về mặt chiến thuật và phải đối mặt với quân đội Nga nhỏ hơn và thiếu kinh nghiệm hơn.

Tuy nhiên, những điều trên cho chúng ta biết rất ít về khả năng Ukraine giành chiến thắng trước các lực lượng phòng thủ được chuẩn bị tốt và có quân số lớn của Nga – lực lượng đã ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine một năm trước. Hơn nữa, chiến dịch Kursk có thể gây ra nhiều tổn thất cho Ukraine hơn là cho Nga, ở một mức độ mà người Ukraine khó có thể duy trì. Sẽ là một sai lầm lớn nếu kết luận rằng những thành công gần đây trên mặt trận Kursk có nghĩa là viện trợ bổ sung của phương Tây sẽ cho phép Ukraine chiếm lại Donbas hoặc Crimea.

Điều đó rất quan trọng, vì hai bên đang phải đối mặt với những hoàn cảnh khá khác nhau. Cả hai bên đều đã mất rất nhiều quân lính và thiết bị, nhưng Ukraine đã mất nhiều lãnh thổ hơn. Theo các báo cáo được công bố, Ukraine hiện đã chiếm giữ hơn 1000 km2 lãnh thổ của Nga và buộc khoảng 200.000 người Nga phải di tản khỏi những khu vực này. Những con số này tương đương với 0,0064% tổng diện tích đất của Nga và 0,138% dân số của nước này. Ngược lại, Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và cuộc chiến được cho là đã buộc gần 35% dân số Ukraine phải rời bỏ nhà cửa. Ngay cả khi Kyiv có thể giữ được lãnh thổ mà họ vừa chiếm giữ, thì điều đó cũng chẳng mang lại nhiều lợi thế trên bàn đàm phán.

Điều này có nghĩa là số phận của Ukraine sẽ được quyết định chủ yếu bởi những gì xảy ra ở Ukraine, chứ không phải bởi chiến dịch Kursk. Các yếu tố chính sẽ là ý chí và khả năng tiếp tục hy sinh trên chiến trường của mỗi bên, mức độ hỗ trợ mà Ukraine nhận được từ những bên khác, và liệu hai bên có thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng trong đó các khu vực không bị chiếm đóng của Ukraine được giữ nguyên vẹn và đảm bảo an toàn hay không. Để đạt được mục đích đó, Mỹ và Châu Âu nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine, nhưng sự hỗ trợ này phải đi kèm với một nỗ lực nghiêm túc và không ủy mị nhằm đàm phán lệnh ngừng bắn và cuối cùng là hòa bình. Tiếc thay, các quan chức Mỹ dường như đã quên mất cách khiến những đồng minh thân cận của mình phải đồng ý ngừng bắn, ngay cả khi những quốc gia đó phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của Mỹ và khi lệnh ngừng bắn rõ ràng là vì lợi ích của Mỹ.

Chiến dịch Kursk cũng đặt ra ít nhất hai vấn đề khác, nhưng điều quan trọng là phải rút ra bài học đúng đắn từ chúng. Bài học đầu tiên và rõ ràng nhất là lời nhắc nhở về phạm vi hoạt động hạn chế và hiệu suất quân sự kém cỏi của Nga. Kể từ năm 2022, phe diều hâu đã cố gắng thuyết phục chúng ta rằng Putin đang quyết tâm khôi phục Đế chế Nga và thậm chí có thể là cả Khối Hiệp ước Warsaw, và rằng Ukraine chỉ là bước đầu tiên trước khi ông phát động các cuộc tấn công mới vào trật tự hiện có. Xét đến những bước đi sai lầm liên tục của Nga trong cuộc chiến này, và sự thật là cả những bước tiến thành công của họ cũng diễn ra rất chậm chạp, liệu còn ai tin rằng Nga sẽ gây ra mối đe dọa quân sự nghiêm trọng đối với phần còn lại của châu Âu? Những kẻ thổi phồng mối đe dọa đã sử dụng hình ảnh này để củng cố sự ủng hộ cho Ukraine, nhưng việc dựa vào các chiến thuật hù dọa thường dẫn đến những quyết định chiến lược tồi tệ.

Thứ hai, một số nhà bình luận – bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – đã gợi ý rằng cuộc xâm nhập thành công của Kyiv vào đất Nga cho thấy rằng các lằn ranh đỏ hiện tại và các hạn chế khác đối với các hoạt động quân sự của Ukraine nên bị loại bỏ, và phương Tây nên để Ukraine chiến đấu với Nga theo bất kỳ cách nào họ muốn. Theo lập luận này, nếu quân đội Ukraine có thể xâm lược lãnh thổ Nga mà không kích động phản ứng leo thang từ Nga, thì điều đó chứng tỏ rằng Putin chỉ là một con hổ giấy và những lời đe dọa trước đó của ông ta về việc leo thang (bao gồm cả những lời ẩn ý sử dụng vũ khí hạt nhân) chỉ là những lời nói suông mà giờ đây đã bị vạch trần.

Những lập luận kiểu này nhằm mục đích cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí tốt hơn và dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng chúng, và tôi không trách các nhà lãnh đạo Ukraine vì đã thúc đẩy ý tưởng này. Nhưng tuyên bố rằng không có nguy cơ leo thang bất kể Ukraine làm gì nên bị bác bỏ một cách kiên quyết. Các quốc gia có nhiều khả năng leo thang nhất khi họ đang thua trong một cuộc chiến. Quả thật, quyết định xâm lược lãnh thổ Nga của Ukraine có thể được xem là một nỗ lực mạo hiểm để đảo ngược tình thế bất lợi của chính họ trên chiến trường. Ngược lại, Putin không có động lực để leo thang nếu lực lượng của ông vẫn đang giành chiến thắng ở Donbas. Nguy cơ Nga leo thang chỉ xuất hiện nếu Moscow phải đối mặt với một thất bại thảm khốc, nhưng tình hình hiện tại không phải vậy.

Vấn đề không chỉ là mối nguy leo thang luôn hiện diện trong một cuộc chiến đang diễn ra. Chúng ta nên tự hỏi liệu mình có thực sự thoải mái về mặt đạo đức khi hỗ trợ một nỗ lực chiến tranh mà các mục tiêu đã nêu của nó là không thể đạt được, trong khi tránh né một nỗ lực ngoại giao nghiêm túc nhằm chấm dứt cuộc chiến. Kết quả từ lựa chọn chính sách hiện tại của chúng ta là nhiều người sẽ chết mà không có mục đích chính trị rõ ràng nào. Việc kêu gọi một giải pháp đàm phán cho cuộc chiến Nga-Ukraine là một trong những trường hợp mà lợi ích cá nhân và đạo đức được thống nhất. Phương Tây và Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn hoặc chấm dứt cuộc chiến này bằng đàm phán, và thành công quân sự gần đây của Ukraine nên được xem là một cơ hội để bắt đầu các cuộc đàm phán ngừng bắn nghiêm túc, chứ không phải là cái cớ để kéo dài một cuộc chiến tốn kém mà Ukraine có thể tham gia nhưng không thể giành chiến thắng.

Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.