Tại sao căng thẳng ở Biển Đông lại đang củng cố liên minh Mỹ – Philippines?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Joshua Kurlantzick và Abigail McGowan, “Why Tensions in the South China Sea Are Bolstering the U.S.-Philippines Alliance,” Council on Foreign Relations, 05/09/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Manila đã liên minh toàn diện với Washington trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông, làm dấy lên viễn cảnh về một cuộc chiến tranh diện rộng.

Biển Đông và nguồn cơn điểm nóng tranh chấp trong khu vực

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã liên tục thể hiện sức mạnh của Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt là tại châu Á, chủ yếu nhằm bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh, trong đó bao gồm Biển Đông (ở Philippines được gọi là Biển Tây Philippines). Không chỉ có ý nghĩa về mặt chiến lược bởi là điểm nóng của nhiều xung đột tiềm tàng trong khu vực, là tuyến hàng hải chính và đóng vai trò quan trọng nếu chiến tranh với Đài Loan xảy ra, Biển Đông còn là một trong những nguồn tài nguyên cá phong phú nhất thế giới và có thể có trữ lượng lớn dầu chưa được khai thác.

Từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã liên tục cải tạo đất và quân sự hóa các vị trí của mình ở Biển Đông nhằm hợp pháp hóa các yêu sách lãnh thổ của mình. Trong những năm gần đây, các tàu Hải cảnh Trung Quốc và các tàu quân sự đã có các cuộc đụng độ với tàu thuyền di chuyển qua khu vực Biển Đông để ngăn chặn các nước có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ khác với Trung Quốc.

Nguyên nhân đằng sau căng thẳng mới nhất giữa Trung Quốc và Philippines

Vào tháng 6, Hải cảnh Trung Quốc có các hành vi hung hăng như vung rìu và vật sắc nhọn trong một cuộc đụng độ với các tàu của Philippines tại Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, một khu vực trung tâm của các cuộc tranh chấp lãnh thổ từ những năm 1980 và những cuộc xung đột thường xuyên giữa lực lượng cảnh sát Trung Quốc và Philippines vẫn tiếp diễn cho đến nay.

Khác với các nước Đông Nam Á khác có khẳng định chủ quyền lãnh thổ xung đột với Trung Quốc thường cố gắng giải quyết các tranh chấp với Bắc Kinh một cách êm xuôi, Philippines đã công khai tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ và công khai phản đối các yêu sách chồng chéo của Trung Quốc ở Biển Đông. Cuối tháng 7, Washington và Manila đã ký một thỏa thuận cung cấp 500 triệu đô la viện trợ quốc phòng mới để hiện đại hóa quân đội và cảnh sát biển của Philippines. Khoản viện trợ này nhằm trang bị tốt hơn cho lực lượng vũ trang Philippines để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa quân đội Mỹ và lực lượng Philippines. Philippines cũng xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với các nền dân chủ lớn khác như Đức và Nhật Bản, cũng như với một số nước trong khu vực, chẳng hạn như Việt Nam đã có nhiều cuộc chạm trán với các tàu Trung Quốc trên biển.

Các động thái này đã “chọc giận” Trung Quốc, dẫn đến việc Trung Quốc gia tăng quấy rối các tàu Philippines, thậm chí có những lúc va chạm hoặc suýt va chạm giữa các tàu bằng cách tiến sát gần, đâm vào tàu, hoặc bắn vòi rồng, làm tăng nguy cơ thương vong trên biển. Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng các điểm nóng đang ngày càng lan rộng; tàu Trung Quốc và Philippines đã đụng độ tại Bãi Sa Bin vào giữa tháng 8, đánh dấu lần đầu tiên hai bên trực tiếp đối đầu ở khu vực này. Khi tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cuộc đụng độ này càng gia tăng trong năm nay, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố rằng Philippines nên “hành động nhiều hơn” để đối phó với “các hành động bất hợp pháp” của Trung Quốc.

Liệu thoả thuận gần đây giữa Trung Quốc và Philippines có thể làm giảm căng thẳng liên quan đến các yêu sách chủ quyền trên biển không?

Có lẽ là không. Hai bên gần đây đã đạt được một “thỏa thuận tạm thời” cho phép tiếp tế cho các thủy thủ Philippines đang đồn trú trên một tàu chiến bị mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây. Thỏa thuận cũng thiết lập một đường dây nóng khẩn cấp để lãnh đạo hai nước trao đổi khi xảy ra các cuộc khủng hoảng hàng hải nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các thoả thuận tương đối hạn chế này khó có thể làm giảm nguy cơ xung đột, bởi Trung Quốc vẫn không chịu từ bỏ các yêu sách đối với toàn bộ khu vực biển, và trong quá khứ, Trung Quốc cũng không nhấc máy khi các nhà lãnh đạo Mỹ gọi đến trong thời điểm các cuộc khủng hoảng. Ngoài đường dây nóng, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ nhiều, trong khi đó Manila cũng đưa ra cáo buộc Bắc Kinh đã bóp méo phạm vi hạn chế của thoả thuận.

Nếu xung đột với Trung Quốc leo thang thành hành động quân sự, Mỹ có nghĩa vụ gì đối với Philippines theo hiệp ước?

Mỹ đã duy trì hiệp ước phòng thủ chung với Philippines từ năm 1951. Vào tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tái khẳng định cam kết của Washington đối với đồng minh và làm rõ rằng hiệp ước bao gồm cả lực lượng vũ trang, tàu thuyền và máy bay của hai nước ở Biển Đông. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ có nghĩa vụ bảo vệ Philippines nếu xung đột leo thang với Trung Quốc trên biển. Các tình huống leo thang có thể bao gồm:

    • Trung Quốc sử dụng tàu chiến, không phải Hải cảnh Trung Quốc, chống lại các tàu của Philippines;
    • Trung Quốc trực tiếp tấn công và gây thương vong cho các lực lượng Philippines; và
    • Một sự cố bắt đầu bằng một va chạm ngoài ý muốn giữa hai bên nhưng sau đó leo thang thành việc Trung Quốc tấn công các tàu hải quân và cảnh sát biển của Philippines bằng vũ lực sát thương.

Cách đây một thập niên đã có nhiều luồng quan điểm khác nhau ở Washington về cách đối phó với Trung Quốc, tuy nhiên, hiện nay cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều thống nhất theo một chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh – tương tự nhưng trái ngược với chính sách của chính quyền Tập Cận Bình.

Nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, ông Trump hứa sẽ áp dụng chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, bao gồm các biện pháp kinh tế nghiêm khắc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ hai nước, cũng như việc gia tăng mạnh mẽ lực lượng quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Cách tiếp cận của ông có thể làm gia tăng căng thẳng đáng kể ở Biển Đông và quanh khu vực Đài Loan, buộc không chỉ Philippines mà còn các nước có yêu sách chủ quyền khác như Malaysia và Việt Nam phải chọn phe.

Nếu Phó Tổng thống Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, bà Harris có khả năng sẽ tiếp tục chính sách của chính quyền Joe Biden, bao gồm việc củng cố mối quan hệ với các nước trong khu vực cũng như chuẩn bị cho một cuộc xung đột rộng hơn ở Biển Đông.

Mỹ, Philippines và Trung Quốc đã cố gắng giảm nguy cơ các cuộc xung đột trong tương lai như thế nào?

Ngoài một thỏa thuận mang tính hạn chế mà Bắc Kinh và Manila mới ký kết, có rất ít nỗ lực của các bên liên quan trong việc ngăn chặn một cuộc xung đột bùng phát và leo thang thành các cuộc chiến khu vực diện rộng, cũng như không có nhiều dấu hiệu cho thấy những nỗ lực này đã thành công. Vào tháng 4, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật và tự do hàng hải ở Biển Đông” trong một điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, và quân đội Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đối thoại về an toàn hàng hải vài ngày sau đó.

Khi các nước có yêu sách tranh chấp chủ quyến trên biển với Trung Quốc ngày càng lo ngại về việc Bắc Kinh mở rộng quyền lực và cảm thấy không thể cân bằng giữa các cường quốc lớn, các nước này có khả năng sẽ tăng cường mua sắm vũ khí và hiện đại hóa quân sự, như những gì Philippines đang làm. Một số nước cũng có thể chọn cách đối đầu mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh, bất chấp sự thống trị kinh tế khu vực của Trung Quốc, bằng cách hợp tác với hoặc mua thêm vũ khí từ Mỹ hoặc các cường quốc khác, như Nhật Bản, quốc gia đã bắt đầu bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á như Việt Nam.

Các nước khác có thể công khai đứng về phía Trung Quốc và dựa vào viện trợ quân sự của Trung Quốc, như Thái Lan, dù Thái Lan là một cường quốc Đông Nam Á nhưng không có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Thực tế, Đông Nam Á đang có mức chi tiêu quốc phòng tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới; các nước như Indonesia và Việt Nam, cả hai đều có yêu sách lãnh thổ ở vùng biển, đã tăng cường chi tiêu lên hơn 600% trong những năm gần đây.

Căng thẳng dường như khó có khả năng giảm bớt trong thời gian tới. Thái độ gây hấn của Trung Quốc cũng như cuộc chạy đua vũ trang – bị đẩy nhanh bởi việc bán số lượng lớn vũ khí từ các cường quốc, áp lực từ phía Mỹ lên một số nước, và nỗi lo lớn dần của các nước Đông Nam Á – đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra các sự cố hoặc các cuộc chạm trán chết chóc. Với việc Mỹ tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Philippines và rất ít biện pháp hạ nhiệt sẽ được thực hiện nếu những cuộc chạm trán này bùng nổ thành những cuộc chiến, không khó để tưởng tượng rằng chỉ một sự cố cũng có thể bị biến thành một cuộc xung đột diện rộng.

Tuy nhiên, như chuyên gia xung đột khu vực Oriana Skylar Mastro đã chỉ ra, vị trí của Trung Quốc ở Biển Đông không vững chắc bằng khu vực quanh Đài Loan, và nếu Mỹ tăng cường giám sát khu vực biển, củng cố các mối quan hệ quốc phòng khác trong khu vực, và thể hiện rõ quyết tâm chống lại Trung Quốc trong một cuộc xung đột, Bắc Kinh có thể sẽ giảm bớt một phần sự hung hăng của mình. Điều này có thể giúp ngăn chặn một cuộc xung đột, ít nhất là trong thời gian trước mắt.