Chủ nghĩa tự do vẫn chưa chết ở Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:Liberalism is far from dead in China, ” The Economist, 05/09/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bất chấp sự đàn áp mạnh mẽ, chủ nghĩa tự do vẫn có thêm nhiều người ủng hộ.

Khi bước vào Nhà sách Vạn Thánh (All Sages) ở phía tây bắc Bắc Kinh, bạn sẽ cảm thấy như đang bước vào một thế giới khác. Nơi này không có bộ sưu tập các bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình – hàng loạt bìa sách với cùng một khuôn mặt, cùng một nụ cười nhân hậu – chào đón du khách đến các hiệu sách nhà nước. Người sáng lập Vạn Thánh, Lưu Tô Lý, đã phải ngồi tù 20 tháng vì vai trò của mình trong các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Các kệ sách của ông chứa đầy các tác phẩm của những nhân vật có tư tưởng tự do: các nhà kinh tế và nhà khoa học chính trị, các sử gia và luật gia. Thị trường tiềm năng thậm chí còn lớn hơn so với thời kỳ chuẩn bị cho Thiên An Môn. Ông Lưu cho biết số lượng người theo chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc đang ngày càng tăng cao.

Quan điểm đó trái ngược với ấn tượng được truyền tải bởi một xu hướng khác, dễ thấy hơn nhiều: sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Trên các diễn đàn công khai trực tuyến, thường rất khó để tìm thấy các quan điểm tự do. Mạng Internet tràn ngập tiếng nói của những người ủng hộ chế độ và căm ghét phương Tây, sẵn sàng tấn công vào số ít người dám thách thức họ. Nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc này có một không gian hoạt động rộng mở nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Tập nhằm bịt miệng những người theo chủ nghĩa tự do. Trái ngược với thập niên 1980, giới trí thức Trung Quốc ngày nay mang trên mình dáng vẻ đồng nhất đến buồn tẻ, bị hút cạn sức sống bởi một đảng đã được Tập tiếp thêm sinh lực và củng cố.

Tuy nhiên, chủ nghĩa tự do lại bền bỉ đáng ngạc nhiên. Lưu tin tưởng rằng, bằng những cách rất tinh tế, chủ nghĩa tự do vẫn có thể thu hút thêm nhiều người ủng hộ. Điều này không có nghĩa là bất đồng chính kiến đang lan rộng. Hoàn toàn không phải vậy. Các hành động đàn áp của Tập đã khiến bất kỳ ai liên tục và công khai chỉ trích hệ thống chính trị của Trung Quốc không còn được tự do. Với sự trợ giúp của hệ thống giám sát công nghệ cao và một bộ máy an ninh trong nước khổng lồ, dường như đảng đã nắm vững quyền kiểm soát. Thật khó để tưởng tượng một Thiên An Môn thứ hai.

Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa tự do không nhất thiết là những người bất đồng chính kiến (và cũng không nhất thiết là những người thiên tả, như tên gọi tự do thường được hiểu). Họ thậm chí có thể ủng hộ đảng, xem sự sụp đổ của đảng là một công thức cho sự hỗn loạn. Họ là những người muốn có nhiều tự do cá nhân và kinh tế hơn. Họ là những người ủng hộ các quyền cá nhân, ngay cả khi những quyền này xung đột với mong muốn của chính phủ. Họ ngưỡng mộ các giá trị mà các nền dân chủ phương Tây nói rằng mình ủng hộ, ngay cả khi họ nhìn ra lỗi trong cách thức hoạt động của phương Tây. Dù không đồng nghĩa với bất đồng chính kiến, chủ nghĩa tự do có thể là nguồn gốc của nó.

Ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do đã giải thích tại sao Tập lại tập trung nhiều vào việc chống lại nó. Vào ngày 31 tháng 8, khi năm học mới bắt đầu, tạp chí lý luận chính của Đảng Cộng sản, Cầu Thị, đã đăng lại bài phát biểu của Tập vào năm 2018. Trong đó, ông cảnh báo về những nỗ lực dai dẳng của phương Tây, nhắm vào những người trẻ, nhằm kích động một “cuộc cách mạng màu” ở Trung Quốc. “Cuộc chiến giành lấy thế hệ trẻ là một cuộc chiến dài và khốc liệt,” Tập nói. “Chúng ta không thể để thua, và chúng ta không được thua. Chúng ta phải luôn cảnh giác!”

Nghiên cứu của các học giả ở nước ngoài cũng cung cấp một số hiểu biết sâu sắc. Ý kiến của công dân Trung Quốc “đa dạng và tự do hơn những gì người ta mong đợi,” Scott Kennedy và Ilaria Mazzocco của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington đã viết vào năm 2022, trích dẫn dữ liệu được Jennifer Pan và Từ Dật Thanh (Yiqing Xu) của Đại học Stanford thu thập suốt nhiều năm. “Có rất nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng cũng có một số đông thầm lặng ủng hộ cải cách kinh tế và chủ nghĩa tự do chính trị.” Trong một bài đánh giá vào năm ngoái về các nghiên cứu như vậy, Cho Sungmin, khi đó đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Hawaii, nhận xét: trong khi phần lớn công dân Trung Quốc hoan nghênh sự ổn định do chế độ độc đảng mang lại, thì “sự ủng hộ của họ đối với các chuẩn mực và giá trị dân chủ cũng tăng lên theo thời gian.”

Nhưng một số nghiên cứu khác lại không chắc chắn về điều đó. Trong “China as Number One: The Emerging Values of a Rising Power” (Trung Quốc Số Một: Những Giá trị Mới Nổi của một Cường quốc Trỗi dậy), một ấn phẩm của nhiều tác giả được xuất bản trong năm nay, John James Kennedy của Đại học Kansas đã viết rằng: một cuộc thăm dò năm 2018 – cuộc thăm dò mới nhất trong một loạt các cuộc thăm dò của một dự án quốc tế có tên là Khảo sát Các giá trị Thế giới – cho thấy một “xu hướng bảo thủ hơn” đã xuất hiện trong quan điểm của người Trung Quốc về các vấn đề như quyền của người đồng tính, bình đẳng giới, và tôn trọng chính quyền.

Tuy nhiên, nhiều thứ đã thay đổi kể từ năm 2018. Trong hai năm đầu tiên của đại dịch, đảng rõ ràng đã nhận được sự ủng hộ lớn khi Trung Quốc ngăn chặn thành công sự lây lan của COVID-19, trong khi các nước phương Tây loay hoay, chật vật. Các chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc đã lợi dụng điều này, chế giễu sự yếu kém của nền dân chủ phương Tây. Và nhiều người Trung Quốc dường như đồng tình với quan điểm xuyên tạc của chính phủ. Nhưng vào năm 2022, tâm trạng dường như đã thay đổi. Quyết tâm theo đuổi chiến lược zero-COVID của Tập, bất chấp khó khăn trong việc ngăn chặn biến thể Omicron của loại virus đã càn quét thế giới vào năm đó, đã khơi dậy sự tức giận của hàng triệu người bị buộc phải ở nhà trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần liên tục.

Lần đầu tiên kể từ khi Tập lên nắm quyền một thập kỷ trước, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố. Các cuộc biểu tình vào tháng 11 năm đó tuy nhỏ nhưng rất dũng cảm. Những người tham gia yêu cầu chấm dứt lệnh phong tỏa và cũng nêu lên những bất bình chính trị. Họ chỉ trích kiểm duyệt, giương cao những tờ giấy trắng để nêu quan điểm của mình. Một số người kêu gọi lật đổ Tập và đảng. Dù chỉ trong thời gian ngắn, nguồn suối tự do đã tuôn trào.

Phong trào giấy trắng,” như các cuộc biểu tình được gọi, cho thấy Tập đã không sai khi lo lắng về bất đồng chính kiến. Trong những tuần tiếp theo, cảnh sát đã vào cuộc, truy tìm những người liên quan, cảnh cáo nhiều người và bắt giữ nhiều người khác.

Trong bầu không khí đầy sợ hãi này, có rất ít người theo chủ nghĩa tự do dám lên tiếng. Nhưng các cuộc trò chuyện với những thanh niên thành thị ở một số vùng của Trung Quốc cho thấy rằng phong trào giấy trắng là một thời khắc lớn đối với những người theo chủ nghĩa tự do, và việc đất nước đột ngột và vội vã dỡ bỏ phong tỏa zero-COVID – được cho là đã dẫn đến hơn 1 triệu ca tử vong, chủ yếu là người cao tuổi – là một lời cảnh tỉnh cho một số cá nhân ủng hộ chủ nghĩa độc đoán của Tập. Sự hoài nghi về cách đất nước Trung Quốc được vận hành dường như đã lan rộng. Điều đó không có nghĩa là nhiều người muốn ngay lập tức chấm dứt chế độ độc đảng. Nhưng tâm trạng u ám là rõ ràng. Và nó đang bị làm trầm trọng thêm bởi kết quả kém cỏi của nền kinh tế.

Ở Bắc Kinh, hiệu sách của Lưu là một điều hiếm hoi. Có lẽ chính quyền cho rằng việc đóng cửa hiệu sách sẽ chỉ khiến nhiều người tức giận mà không đạt được gì. Rốt cuộc thì, các tác phẩm của Isaiah Berlin, Friedrich Hayek, và Ludwig von Mises (nằm trong số những tác phẩm bán chạy nhất của Lưu) có thể được tìm thấy trên mạng trực tuyến và trong các thư viện. Nhưng hãy nhìn vào dòng người trẻ đến các thành phố ít đàn áp ở Trung Quốc hoặc ở nước ngoài, và bạn có thể nhận ra một khát vọng tự do. “Tôi nghĩ rằng các hạn chế do COVID đã thúc đẩy nhiều người Trung Quốc có suy nghĩ đó: di cư đến các quốc gia khác,” Trương Kim Bình (tên giả), người gần đây đã hoàn thành bằng thạc sĩ tại Bắc Kinh, cho biết. “Chúng ta có thể thấy giới lãnh đạo không lắng nghe người dân của mình.”

Đi tìm sự thật

Đối với Trương, bước ngoặt đến vào năm 2019, khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nhấn chìm Hong Kong. Tại đại lục, cơn thịnh nộ của chủ nghĩa dân tộc bùng nổ chống lại những người biểu tình. Đảng mô tả họ là những kẻ ly khai được CIA hậu thuẫn. Nhiều người trẻ Trung Quốc đã tin vào điều đó: kiểm duyệt internet không cho phép bất kỳ quan điểm nào khác chiếm ưu thế. Nhưng Trương đã tìm cách đào hầm vượt qua “vạn lý hỏa thành” và tìm thấy một câu chuyện khác. Cô cho biết sự tin tưởng của mình vào chính phủ đã giảm từ 100% xuống còn 80%. Những tháng cuối cùng của zero-COVID đã biến cô thành một người hoài nghi hơn nhiều. “Tôi muốn nói rằng người dân Trung Quốc đã học được bài học khó khăn về ban lãnh đạo đất nước.” Niềm tin của cô vào đảng hiện ở mức “rất thấp.”

Thành phố Thành Đô ở phía tây nam Trung Quốc là điểm đến phổ biến cho những người trẻ có tư tưởng tự do muốn thoát khỏi nền chính trị ngột ngạt của thủ đô. Đây không phải là thiên đường cho những người bất đồng chính kiến. Những người công khai chỉ trích đảng vẫn bị cảnh sát nhắm tới. Nhưng họ vẫn có nhiều tự do hơn một chút – trong các quán cà phê và văn hóa âm nhạc ngầm, và trong lối sống thư thả được nuôi dưỡng bởi khí hậu cận nhiệt đới ôn hòa, giống như một nơi ẩn náu khỏi sự khắc nghiệt dữ dội của Bắc Kinh. Ở đây có một số hiệu sách theo định hướng tự do. Một kệ trong một hiệu sách chứa nhiều bản sao của hai tác phẩm đã được dịch. Tác phẩm đầu tiên là Dịch hạch của Albert Camus, xuất bản năm 1947 – tiểu thuyết mô tả một thành phố bị tàn phá bởi dịch bệnh theo một cách dường như là lời tiên tri về nỗi kinh hoàng của thời kỳ zero-COVID. Tác phẩm còn lại là 1984 của George Orwell.

Ở Thành Đô, bạn có thể dễ dàng tham gia các cuộc tụ họp nhỏ lẻ được gọi là sa long (bắt nguồn từ chữ “salon”), nơi mọi người thảo luận về sách và các vấn đề thời sự – nhưng, như một người đam mê sa long lưu ý, không có bất kỳ điều gì liên quan cụ thể đến lão đại, tức lãnh tụ tối cao. (Ngay cả ở Thành Đô, cũng ít người dám công khai chỉ trích Tập.) Những người tổ chức cho biết những sự kiện như vậy đang trở nên phổ biến hơn.

Vào lúc một giờ chiều, khoảng ba chục người, hầu hết trong độ tuổi 20 hoặc 30 và nhiều trong số này không quen biết nhau, tụ tập trong một không gian triển lãm được thắp sáng rực rỡ. Họ đã bị thu hút bởi một thông báo được lưu hành trên WeChat – ứng dụng tương tự với WhatsApp, nhưng được Trung Quốc giám sát chặt chẽ – về một cuộc tranh luận rằng “Cuộc chiến của Israel chống lại Hamas đã vượt ra ngoài phạm vi tự vệ.” Cuộc thảo luận diễn ra rất bình tĩnh – khác hẳn với hình ảnh đoàn người giẫm đạp lên nhau trên các phương tiện truyền thông chính thức và trực tuyến để mô tả nạn bạo lực vốn là sản phẩm của sự can thiệp của Mỹ, phớt lờ những hành động tàn bạo của Hamas. Không bên nào được tuyên bố là người chiến thắng. Như một nhà tổ chức sự kiện đã nhấn mạnh, chiến thắng nằm ở việc thảo luận có trật tự. “Người Trung Quốc không có quyền tự do ngôn luận,” một người tham gia nói. “Thật tuyệt khi có cơ hội được nói như thế này.”

Tình hình ở Bắc Kinh thì ngột ngạt hơn, nhưng tư tưởng tự do cũng phổ biến ở thủ đô. Một dấu hiệu nổi bật của nó là các cuộc họp của phụ nữ, đặc biệt là những người trẻ và có học thức, để thảo luận về các vấn đề liên quan đến giới tính của họ. Tập đã đàn áp mạnh mẽ các hoạt động nữ quyền. Các quan chức xem đó là mặt trận cho sự bất đồng chính kiến chống đảng. Hầu như không có chiến dịch nào được tổ chức liên quan đến các vấn đề của phụ nữ kể từ năm 2015, khi năm nhà hoạt động nổi tiếng bị bắt giữ ngay trước Ngày Quốc tế Phụ nữ. Năm 2018, để đáp lại phong trào #MeToo, phụ nữ Trung Quốc đã lên mạng để bày tỏ những bất bình của riêng họ. Nhưng chính phủ đã sớm có động thái để bịt miệng họ. Vào tháng 6 năm đó, một nhà hoạt động #MeToo nổi tiếng đã bị kết án năm năm tù vì tội lật đổ.

Tuy nhiên, cả ở trên mạng lẫn trong đời thực, phụ nữ vẫn tụ tập để động viên nhau trong cuộc đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử và lạm dụng. Nhu cầu đối với sách nữ quyền cho thấy sự quan tâm đến chủ đề này đang tăng mạnh. Các tác phẩm của Ueno Chizuko, giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo, nằm trong số những tác phẩm phổ biến nhất. Năm 2019, bà đã nói chuyện với các tân sinh viên về bất bình đẳng giới trong giáo dục đại học. Bà đã chỉ trích kỳ vọng ở Nhật Bản rằng các cô gái phải kawaii, hay dễ thương, và rằng phụ nữ phải che giấu thành tích học tập của mình để tránh bị đàn ông xem là mối đe dọa.

Giữa chiến dịch của Tập nhằm thúc đẩy các giá trị gia đình bảo thủ, nhấn mạnh vai trò của phụ nữ với tư cách là người mẹ, bài phát biểu của Ueno đã gây được tiếng vang trong phụ nữ Trung Quốc. Nó đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Một video về bài phát biểu đã thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập. Các nhà xuất bản Trung Quốc đã nhanh chóng tung ra bản dịch các cuốn sách của Ueno về chủ nghĩa nữ quyền. Hơn 20 cuốn sách hiện đang được bán và đã bán được hàng trăm nghìn bản. “Trong những năm gần đây, các ý tưởng về nữ quyền đã lan truyền nhanh chóng ở Trung Quốc và ảnh hưởng đến nhiều người trẻ,” Giang Tuyết, nữ nhà báo đã rời khỏi Trung Quốc vào năm 2022 sau khi bị cơ quan an ninh nhà nước quấy rối, cho biết. “Điều này tất yếu bao gồm những suy nghĩ về quyền cá nhân.”

Còn tại các trường đại học, nhiều nghiên cứu của các học giả Trung Quốc cho thấy thái độ tư duy tự do vẫn hấp dẫn, chí ít là đối với một số người. Trong số hơn 1.400 sinh viên được khảo sát vào năm 2019 tại bốn trường đại học ở tỉnh Hà Nam, hơn 40% cho biết họ tin rằng chủ nghĩa tự do có ảnh hưởng trong giới sinh viên. Cao Chong, người thực hiện nghiên cứu này, cho biết lối suy nghĩ như vậy đã “làm suy yếu các giá trị chính thống của sinh viên đại học và làm mờ nhạt các tiêu chuẩn về đạo đức và công lý.”

Vào những năm 1980, sự lan rộng của chủ nghĩa tự do tại các trường đại học một phần được khuyến khích bởi chính trị. Những nhân vật chủ trương cải cách trong giới lãnh đạo muốn Trung Quốc tránh xa chủ nghĩa toàn trị của Mao, bằng cách nới lỏng sự kiểm soát của đảng đối với phương tiện truyền thông và giới học thuật. Nhưng ngày nay, không có nhà cải cách nào như vậy. Tập đã tìm cách bịt miệng họ. Một tạp chí được họ ủng hộ, Viêm Hoàng Xuân Thu, đã bị đóng cửa vào năm 2016.

Giữa tình trạng thất nghiệp tăng cao, thị trường bất động sản chao đảo, và nền kinh tế chững lại, cảnh sát sẽ cảnh giác cao độ trước tình trạng bất ổn. Hai học giả người Mỹ, Scott Rozelle và Martin Whyte, đã phân tích dữ liệu liên quan đến thái độ đối với bất bình đẳng. Họ phát hiện ra rằng hầu hết mọi người từng tin rằng việc thiếu năng lực chính là lý do khiến một số người nghèo hơn. Giờ đây, người ta có xu hướng đổ lỗi cho hệ thống nhiều hơn. Nhưng đừng mong đợi họ sẽ biểu tình.

Những người theo chủ nghĩa tự do vẫn chưa nhìn ra hồi kết của cuộc đàn áp. Không có dấu hiệu nào cho thấy Tập, hiện 71 tuổi, có kế hoạch từ chức. Và bất kỳ ai nổi lên làm người kế nhiệm ông đều có thể chia sẻ nỗi lo lắng của ông về khả năng sụp đổ của đảng, nếu đảng nới lỏng sự kìm kẹp về mặt ý thức hệ. Vào những năm 1980, một phần là nhờ sự tê liệt trong đảng, khi những người cải cách và những người theo đường lối cứng rắn tranh cãi với nhau, mà các cuộc biểu tình mới có thể phát triển. Nhiều khả năng, sau thời Tập Cận Bình, đảng sẽ lại trải qua những rạn nứt như vậy. Nếu thế, có thể sẽ có một làn sóng bất đồng chính kiến mang màu sắc tự do khác đổ xuống đường. Nhưng chúng ta có thể phải chờ đợi rất lâu.