Nguồn: Allied forces break through the Hindenburg Line, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1918, sau một trận pháo kích kéo dài 56 giờ, lực lượng Đồng minh Hiệp ước đã chọc thủng cái gọi là Phòng tuyến Hindenburg, hàng phòng thủ cuối cùng của Đức ở Mặt trận phía Tây trong Thế chiến I.
Được xây dựng vào cuối năm 1916, Phòng tuyến Hindenburg – được người Anh đặt tên theo tên vị tổng tư lệnh người Đức, Paul von Hindenburg; nhưng người Đức gọi nó là Phòng tuyến Siegfried – là một công sự được vũ trang hạng nặng, chạy vài kilomet phía sau mặt trận giữa bờ biển phía bắc nước Pháp và vùng Verdun gần biên giới Pháp và Bỉ.
Đến tháng 9/1918, hệ thống đáng gờm này đã bao gồm sáu tuyến phòng thủ, tạo thành một khu vực sâu khoảng 5.5 km, được trang bị hàng rào thép gai và rải rác có các lô cốt bê tông hoặc vị trí ngắm bắn. Dù toàn bộ phòng tuyến đã được củng cố, nhưng phần phía nam của nó lại dễ bị tấn công nhất, vì nó bao gồm Kênh đào St. Quentin và vẫn nằm trong tầm quan sát của pháo binh đối phương. Ngoài ra, hệ thống này chỉ được sắp xếp theo một đường thẳng đơn giản, trong khi các hệ thống mới hơn được thiết kế để phù hợp với công nghệ hỏa lực hiện đại hơn, với các vị trí phòng thủ được phân tán như trên bàn cờ nhằm tận dụng tối đa sức mạnh của pháo binh.
Phe Hiệp ước sẽ sử dụng những điểm yếu này để làm lợi thế cho mình, tập trung toàn bộ lực lượng được xây dựng trong cái gọi là “Chiến dịch 100 ngày” – bắt đầu vào ngày 08/08/1918, với chiến thắng quyết định tại Amiens, Pháp – trước Phòng tuyến Hindenburg vào cuối tháng 9. Các lực lượng Australia, Anh, Pháp, và Mỹ đã tham gia vào cuộc tấn công nhắm vào phòng tuyến, bắt đầu bằng một cuộc bắn phá liên tục, sử dụng 1.637 khẩu súng dọc theo mặt trận dài hơn 9km. Trong 24 giờ cuối cùng, pháo binh Anh đã bắn 945.052 quả đạn – một con số kỷ lục. Sau khi chiếm được Kênh St. Quentin với một loạt hỏa lực khủng khiếp – 126 quả đạn pháo cho mỗi 450m chiến hào của quân Đức trong khoảng thời gian 8 giờ – quân Hiệp ước đã chọc thủng thành công Phòng tuyến Hindenburg vào ngày 29/09.
Động lực chính của chiến dịch là quân đội Australia và Mỹ, những người đã tấn công thị trấn Bellicourt kiên cố với sự hỗ trợ của xe tăng, máy bay, và pháo binh. Sau bốn ngày chiến đấu, với tổn thất nặng nề cho cả hai bên, quân Đức buộc phải rút lui. Với việc Hoàng đế Wilhelm II bị quân đội gây áp lực buộc phải chấp nhận cải cách chính phủ, và việc đồng minh của Đức là Bulgaria đệ đơn xin đình chiến vào cuối tháng 9, các cường quốc Trung tâm đã rơi vào tình trạng hỗn loạn cả trên chiến trường lẫn ở mặt trận quê hương. Trong khi đó, phe Hiệp ước đã giành được lợi thế ở Mặt trận phía Tây trong tháng tiếp theo, và trái với dự đoán của họ, hóa ra đây là tháng cuối cùng của Thế chiến I.