Chiến tranh Ukraine và làn sóng tự tử ở thành phố kim cương Ấn Độ

Nguồn: Hanan Zaffar và Danish Pandit, “Ukraine war drives suicides in India’s diamond city,” Nikkei Asia, 13/10/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga đã khiến xuất khẩu giảm, gây khó khăn kinh tế cho người lao động.

Đã năm tháng trôi qua kể từ cái chết của anh trai cô, Shailesh, nhưng Dhabi Bhavuben, 35 tuổi, vẫn không thể tin rằng anh mình đã tự tử. Shailesh là một người đàn ông trầm tính, thường dành nhiều giờ bên chiếc bàn đánh bóng kim cương nhỏ của mình ở thành phố Surat, miền tây Ấn Độ, nơi anh từng làm việc cực kỳ chăm chỉ với hy vọng kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống cho vợ và hai đứa con nhỏ.

Hàng chục năm qua, ngành kinh doanh kim cương của Surat là nguồn thu nhập ổn định cho những người lao động trong thành phố, những người thợ cắt và đánh bóng khoảng 80% kim cương trên thế giới. Nhưng khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine vào tháng 2/2022, mọi thứ đã thay đổi.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến Liên minh Châu Âu và G7 áp đặt lệnh cấm buôn bán kim cương Nga, bao gồm cả những viên kim cương được chuyển qua các nước thứ ba, theo đó hạn chế đáng kể nguồn cung quan trọng cho ngành công nghiệp kim cương Ấn Độ. Lệnh cấm này đã khiến hàng nghìn thợ đánh bóng và cắt những viên đá quý ở Surat mất đi kế sinh nhai.

Lệnh cấm có hiệu lực từ tháng 3/2022 đã làm giảm gần một phần ba doanh thu kim cương của Ấn Độ. Hoạt động xuất khẩu sang phương Tây cũng bị ảnh hưởng, vì các chính phủ ở đó không muốn mua kim cương đánh bóng từ Ấn Độ vốn có nguồn gốc từ Nga.

Và thế là, các nhà máy từng hoạt động nhộn nhịp bất ngờ trở nên trống vắng. Các đơn hàng xuất khẩu biến mất. Cầu kim cương đánh bóng giảm mạnh. Và khoản tiền lương từng giúp các gia đình trang trải cuộc sống dần cạn kiệt.

Công việc của Shailesh cũng bị ảnh hưởng và thu nhập của anh đã giảm mạnh. Anh bị nhấn chìm bởi cảm giác thất bại ngày càng dâng cao.

“Anh ấy cứ liên tục nói rằng công việc của mình không suôn sẻ và anh ấy không thể chăm sóc gia đình. Anh ấy lo lắng rằng mình không thể nuôi con,” em gái anh, Dhabi, nói với Nikkei Asia. “Anh ấy từng bị trầm cảm suốt ngày khi nghĩ về cách để tồn tại.”

Một ngày nọ, sau khi ăn trưa với vợ, Shailesh ở lại nhà trong khi vợ anh đi làm. Anh đã tự tử khi mới 32 tuổi.

“Anh ấy không nói với ai cả. Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng anh ấy sẽ làm điều như thế,” Dhabi nói.

Shailesh là một trong ít nhất 63 thợ kim hoàn ở Surat đã tự tử trong vòng 17 tháng qua. Các vụ tự tử, có liên quan trực tiếp đến sự suy thoái của ngành công nghiệp kim cương sau lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đã phủ một bóng đen u buồn khắp thành phố. Từng là trung tâm thịnh vượng, ngành công nghiệp kim cương của Surat giờ đây là biểu tượng của sự tuyệt vọng trong mắt nhiều người thợ kim hoàn.

Dhabi Bhavuben cho mọi người xem ảnh anh trai Shailesh trên điện thoại. Shailesh đã tự tử vào tháng 5. (Ảnh của Danish Pandit)

Ashok Thumma, 44 tuổi, một thợ chuyên cắt và đánh bóng kim cương ở Surat, đã phải vật lộn để thích nghi với thực tế mới. “Tôi từng kiếm được 40.000 đến 45.000 rupee (476 đến 535 đô la) mỗi tháng. Giờ thì tôi chỉ kiếm được 20.000 rupee,” anh nói. “Càng ngày càng khó để kiếm sống.”

Khi thu nhập giảm một nửa, Ashok đã phải cắt giảm cả những nhu cầu cơ bản.

“Chúng tôi có thể giảm chi tiêu cho thực phẩm hoặc đi lại,” Ashok giải thích, “nhưng học phí và tiền thuê nhà thì không thể thương lượng được. Làm sao chúng tôi có thể tồn tại được đây?”

Prakash Bhai, 47 tuổi, là thợ đánh bóng kim cương từ năm 12 tuổi, nói rằng đây là lần đầu tiên trong đời anh chứng kiến những người thợ tuyệt vọng và bất lực vì khó khăn về tài chính. “Thu nhập của chúng tôi đã giảm từ 50% đến 70%. Làm sao chúng tôi có thể nuôi dạy con cái trong hoàn cảnh như thế này?” anh nói với Nikkei.

Áp lực tài chính đã trở nên quá sức đối với nhiều người.

Bhavesh Tank, phó chủ tịch Công đoàn Thợ Kim cương tại Surat, hiện dành phần lớn thời gian để trả lời các cuộc gọi SOS từ đường dây trợ giúp người muốn tự tử mà tổ chức của họ thành lập cách đây vài tháng.

“Chúng tôi đã nhận được hơn 1.800 cuộc gọi cầu cứu trong hai tháng qua. Số lượng thợ kim hoàn cố gắng và có ý định tự tử đang ở mức báo động và cao chưa từng có,” ông nói với Nikkei.

“Gần một phần ba nguồn kim cương thô của chúng tôi đến từ Nga,” Tank lưu ý. “Khi nguồn cung đó bị cắt đứt, những người thợ của chúng tôi là những người phải chịu thiệt hại. Họ mất việc, tiền lương của họ bị giảm, và nhiều người đang phải vật lộn để tồn tại. Điều này khiến rất nhiều người cố gắng tự kết liễu đời mình.”

Cuộc khủng hoảng cũng khiến những người lao động này phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, và tình hình càng tồi tệ hơn vì sự kỳ thị văn hóa đối với bệnh tâm thần ở Ấn Độ. “Không ai dám nói về điều đó,” Tank nói. “Nhưng căng thẳng đã lên đến mức không thể chịu đựng được. Các gia đình đang bị hủy hoại bởi nợ nần, và nó đang cướp đi sinh mạng.”

Những người thợ làm việc tại một nhà máy kim cương ở Surat, Ấn Độ. (Ảnh của Danish Pandit)

Ngành công nghiệp kim cương của Surat gắn chặt với hoạt động buôn bán kim cương toàn cầu. Sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng, chuỗi cung ứng đã sụp đổ, dẫn đến tình trạng tồn kho kim cương khổng lồ không thể bán được.

Do có rất ít hoặc không có đơn hàng, nhiều thợ đã bị giảm giờ làm hoặc bị sa thải hoàn toàn, và các nhà máy từng hoạt động hết công suất giờ chỉ hoạt động vài ngày một tuần.

“Trước đây, nhà máy của chúng tôi có 120 thợ. Bây giờ, chúng tôi chỉ còn 35 người,” Girish Sawalia, quản lý một công ty đánh bóng kim cương ở Surat cho biết.

“Đối với chúng tôi, cuộc khủng hoảng này còn tồi tệ hơn cả cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008. Cầu về kim cương đánh bóng thực sự bằng không,” ông nói với Nikkei.

Nhiều người trong ngành kim cương Surat tin rằng giải pháp duy nhất là dỡ bỏ lệnh trừng phạt và khôi phục hoạt động buôn bán kim cương toàn cầu như trước kia. Nhưng khi chưa thấy hồi kết của cuộc chiến ở Ukraine, hy vọng đó có lẽ còn rất xa vời.

“Nó giống như chúng tôi đang bị trừng phạt vì một cuộc chiến mà chúng tôi chẳng liên quan gì,” Ashok, một thợ kim hoàn đang gặp khó khăn, nói.

“Chúng tôi chỉ muốn sống thôi,” ông nhấn mạnh. “Nhưng mỗi ngày trôi qua, dường như điều đó lại càng trở nên khó khăn hơn.”

Sự thiếu hành động của chính phủ đã làm tăng thêm cảm giác bất lực của những người thợ.

Tank, phó chủ tịch công đoàn, cho biết họ đã nhiều lần yêu cầu chính quyền tiểu bang Gujarat cung cấp gói cứu trợ kinh tế để hỗ trợ ngành kim cương và người lao động trong ngành này, nhưng lời kêu gọi của họ đã bị phớt lờ.

“Chúng tôi đã thúc giục chính phủ hỗ trợ tài chính cho gia đình của những người đã chết do tự tử,” Tank nói. “Nhưng chính phủ vẫn chưa làm gì cả. Chưa có một rupee nào đến tay những gia đình bị tổn thương này.” Ông nói thêm rằng họ đã yêu cầu thành lập một hội đồng đặc biệt, bao gồm thợ kim hoàn, chủ nhà máy, và đại diện chính phủ, để giải quyết các vấn đề của ngành, nhưng cũng không có hành động nào được thực hiện.

“Những người thợ ở Surat đã bị lãng quên,” ông nói. “Họ đang phải chịu đựng trong im lặng, còn chính phủ không lắng nghe.”

Đối với những gia đình như gia đình Shailesh, mất mát không chỉ về mặt tài chính – mà còn về mặt tình cảm. Các con của anh, cả hai đều dưới 10 tuổi, thường khóc khi nhìn thấy ảnh của cha mình. “Anh ấy đã làm việc rất chăm chỉ vì chúng, nhưng giờ chúng chẳng còn gì cả,” em gái anh, Dhabi, nói. “Anh ấy là một người đàn ông tốt, nhưng áp lực quá lớn.”

Gia đình của Shailesh, giống như nhiều gia đình khác ở Surat, đang chật vật hàn gắn lại cuộc sống của họ sau thảm kịch. Vợ anh đã nhận làm thêm việc vặt để kiếm sống, nhưng gánh nặng tài chính vẫn còn quá lớn. “Chị ấy làm việc cả ngày, nhưng vẫn không kiếm đủ sống,” Dhabi nói.