Sự sùng bái cá nhân Tập Cận Bình có dấu hiệu suy yếu

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi Jinping’s personality cult shows signs of weakening,” Nikkei Asia, 24/10/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Một năm sau khi các đảng viên lão thành nêu ra một số sự thật về nền kinh tế, Bắc Kinh bắt đầu xoay trục.

Dù vẫn tiếp tục sử dụng biện pháp cứng rắn với Đài Loan, chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã tỏ ra linh hoạt hơn trên một mặt trận chính sách khác: kinh tế.

Cụ thể, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn kéo dài một ngày xung quanh Đài Loan vào ngày 14/10, mô phỏng một cuộc phong tỏa hòn đảo tự trị này.

Tuy nhiên, trên mặt trận kinh tế trong nước, chính quyền Tập đã tổ chức một loạt các cuộc họp báo để công bố các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Đây là một thay đổi đáng kể về kinh tế, nhưng có một điều đáng chú ý hơn đang diễn ra ở hậu trường, nơi các cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nghỉ hưu và nhiều người khác đang tìm cách đảm bảo rằng họ sẽ tác động đến tương lai của Trung Quốc.

Một ảnh hưởng tức thời có liên quan đến sự sùng bái cá nhân Tập, khi một số chuyên gia chính trị nói rằng sự sùng bái cá nhân có vẻ đang bị kìm hãm vì phát triển kinh tế. “Dường như nó không thể mạnh hơn nữa,” một người nói. “Có thể nó đã đạt đỉnh,” một người khác suy đoán. Và một người khác nữa đồng ý rằng nó “đã có dấu hiệu suy yếu, dù chưa nhiều.”

Vị Chủ tịch nước 71 tuổi cũng là Tổng Bí thư đảng và chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Những động thái chính trị phức tạp dường như đã được thể hiện trong buổi tiệc chiêu đãi tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 30/9 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Có thể đoán được điều này bằng cách nhìn vào cách sắp xếp chỗ ngồi. Tập đã ngồi ở một chiếc bàn tròn lớn ở phía trước hội trường, bên cạnh là cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, 82 tuổi, và cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lý Thụy Hoàn, 90 tuổi.

Tập Cận Bình và Ôn Gia Bảo trò chuyện trong buổi tiệc chiêu đãi mừng Quốc khánh vào đêm trước lễ kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 30/09. © Reuters

Cách sắp xếp này trông có vẻ tự nhiên, vì các vị lão thành có ảnh hưởng khác của đảng đều không thể tham dự do sức khỏe kém. Tuy nhiên, Ôn và Lý là những đảng viên lão thành tượng trưng cho thời đại “cải cách và mở cửa” do cố lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình khởi xướng.

Trong số những cựu lãnh đạo ngồi cùng bàn có cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng, 85 tuổi. Là một chính trị gia sắc sảo, Tăng được cho là cánh tay phải của cố Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Vì cũng là thành viên “thế hệ đỏ thứ hai,” tức con của các nhà lãnh đạo đảng thời kỳ cách mạng, Tăng có đủ thẩm quyền để tóm tắt các ý kiến do các bậc lão thành của đảng nêu ra.

Trương Đức Giang, 77 tuổi, và Du Chính Thanh, 79 tuổi, cũng ngồi ở bàn của Tập. Khi bước vào phòng tiệc, cả hai đã tươi cười và vẫy tay chào những vị khách khác.

Trương Đức Giang (trái) và Du Chính Thanh cũng ngồi cùng bàn với Tập trong tiệc chiêu đãi. Các lão thành trong đảng đã đặt ra cho Tập một vấn đề để suy nghĩ vào hai mùa hè trước. (Ảnh từ CCTV)

Trương không thuộc về thế hệ đỏ thứ hai nhưng ông là một cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị vẫn có ảnh hưởng trong giới quan chức và doanh nhân. Còn Du là nhân vật thế hệ đỏ thứ hai thân cận với gia đình Đặng Tiểu Bình.

Hồi mùa hè năm 2023, Tăng và Trương đã đến Bắc Đới Hà ở tỉnh Hà Bắc với tư cách là đại diện của các đảng viên lão thành.

Tại Bắc Đới Hà năm đó – một mật nghị dành cho những nhân vật chủ chốt của đảng, được tổ chức thường niên tại khu nghỉ dưỡng ven biển – Tăng đã thay mặt các bậc lão thành bày tỏ ý kiến với các nhà lãnh đạo hiện tại, bao gồm cả Tập và Thủ tướng Lý Cường, 65 tuổi, người phụ trách các chính sách kinh tế.

Tăng đã nêu ra một số sự thật về suy thoái kinh tế và nhiều vấn đề khác. Nhưng phải mất khoảng một năm nhóm lãnh đạo của Tập mới chịu nghe theo lời Tăng và đưa ra một gói kích thích kinh tế toàn diện.

Động thái chính trị này cũng có thể được nhìn thấy vào tháng 7 vừa qua, trong hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20 hiện tại.

Vào ngày 15/07, ngày khai mạc hội nghị trung ương ba, Tân Hoa Xã đã đăng một bài bình luận ca ngợi Tập là một nhà cải cách xuất chúng. Bài viết nhấn mạnh rằng Tập Cận Bình và người cha quá cố của ông, Tập Trọng Huân, đã đóng vai trò lớn trong chính sách “cải cách và mở cửa” được giới thiệu hồi cuối những năm 1970.

Tuy nhiên, bài bình luận có tựa đề “Tập Cận Bình – nhà cải cách” đã ngay lập tức bị Tân Hoa Xã gỡ bỏ và thậm chí bị xóa hoàn toàn khỏi mạng Internet tại Trung Quốc.

Một nguồn tin giải thích rằng bài bình luận đã vấp phải phản ứng dữ dội từ một số đảng viên lão thành, vì nó “mang đậm mùi sùng bái cá nhân [đối với Tập Cận Bình], hạ thấp thành tựu to lớn của Đặng Tiểu Bình, và củng cố thêm quyền lực của nhà lãnh đạo cấp cao hiện tại.”

Một phần do sự thay đổi trong tinh thần chính trị ở Trung Quốc, gây ra bởi việc xóa bài bình luận trên, đội ngũ lãnh đạo buộc phải hành động. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng trong suốt mùa hè, cuối cùng họ đã thừa nhận rằng nền kinh tế đang trong tình trạng khó khăn.

Lời thừa nhận được đưa ra vào ngày 26/09 trong cuộc họp của Bộ Chính trị đảng do Tập chủ trì.

Tại cuộc họp này, Bộ Chính trị xác định họ phải “đối mặt với khó khăn” của nền kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc gần đây đã tổ chức một loạt các cuộc họp báo cấp bộ trưởng để công bố các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm các biện pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán đang suy yếu và ứng phó với tình trạng suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản.

Các biện pháp này được đưa ra hơn một năm sau khi các vị lão thành trong đảng đưa ra những lời khuyên thẳng thắn cho Tập và các lãnh đạo đương nhiệm khác.

Diễn biến thú vị thứ ba có liên quan đến quân đội. Vào ngày 14/10, trong khi quân đội Trung Quốc đang bao vây Đài Loan, các sĩ quan quân đội cấp cao từ khắp đất nước đã tập trung tại Bắc Kinh để họp trong hai ngày.

Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Đông của quân đội Trung Quốc đã đăng bức hình chụp Đài Loan này lên tài khoản WeChat chính thức của mình vào ngày 14/10, cho thấy các vị trí họ đang tiến hành các cuộc tập trận cùng ngày hôm đó. © Kyodo

Tại cuộc họp do Tướng Trương Hựu Hiệp chủ trì, các chiến lược quân sự thực tiễn và lý thuyết đã được thảo luận. Vị sĩ quan hàng đầu của quân đội cũng đã có bài phát biểu ngay sau đó. Trương, 74 tuổi, một thành viên thế hệ đỏ thứ hai, hiện giữ chức phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Các phương tiện truyền thông chính của Trung Quốc đều đưa tin về cuộc họp của quân đội trên trang nhất của họ. Các bản tin này thông báo rằng Tập đã truyền đạt một “chỉ thị quan trọng” cho những người tham dự cuộc họp. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao Tập lại không đích thân tham dự sự kiện lớn này, dù ông là chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Một đoạn video về cuộc họp do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng cho thấy cận cảnh Trương Hựu Hiệp đang phát biểu. Vị sĩ quan quân đội hàng đầu đã chiếm vị trí trung tâm, chứ không phải Tập. Vị Chủ tịch Quân ủy dường như đã quyết định nhường sân khấu này cho vị tướng chuyên gia.

Bài phát biểu của Trương, được các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc đưa tin, không hề đề cập đến việc xóa bỏ tham nhũng trong quân đội, điều mà Tập rất coi trọng trong quá trình thâu tóm quyền lực của mình.

Vậy Tập Cận Bình đã ở đâu trong cuộc họp quân sự lớn này?

Vào ngày 15/10, một ngày sau cuộc tập trận quanh Đài Loan, Tập đã xuất hiện trên Đảo Đông Sơn ở Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, ngay bên kia Eo biển Đài Loan. Đây là hòn đảo tiền tuyến nơi Trung Quốc và lực lượng Quốc Dân Đảng, những người đã chạy sang Đài Loan, từng giao chiến dữ dội vào năm 1953.

Nhưng có một sự thay đổi thú vị trong đoàn tùy tùng của Tập. Người ta không thấy có Thái Kỳ, 68 tuổi, một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là một trong những trợ lý thân cận nhất của Tập. Thái sinh ra ở Phúc Kiến và đã làm việc ở đó nhiều năm. Tập cũng đã thăng tiến lên chức vụ hàng đầu từ Phúc Kiến.

Sau khi đến thăm Phúc Kiến, Tập có chuyến thị sát tỉnh An Huy, và một lần nữa không có Thái đi cùng.

Nhưng Thái đã tháp tùng Tập trong chuyến đi tới Nga để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS, khai mạc vào thứ Ba ngày 22/10 tại thành phố Kazan, phía tây nam nước Nga.

Thái được cho là động lực thúc đẩy những nỗ lực củng cố sự sùng bái cá nhân đối với Tập.

Dù điều lệ đảng cấm “bất kỳ hình thức sùng bái cá nhân nào,” Thái vẫn đẩy mạnh hoạt động sùng bái để củng cố quyền lực của Tập trên khắp Trung Quốc. Thái tin rằng sùng bái cá nhân là điều cốt yếu nếu Tập muốn nắm quyền càng lâu càng tốt.

Đây chính là lý do tại sao Thái luôn tháp tùng Tập trong các chuyến thị sát địa phương với tư cách là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng.

Vào ngày 17/10, trong chuyến thị sát An Huy, Tập đã đến kiểm tra một đơn vị của Quân chủng Tên lửa, dù địa điểm chưa được tiết lộ. Lực lượng này đã gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc đàn áp chống tham nhũng trong quân đội. Tập đã chụp ảnh kỷ niệm với các thành viên trẻ tuổi trong đơn vị, đứng trước những tên lửa cao chót vót. Với bức ảnh này, Tập dường như muốn thể hiện sức mạnh của ông, trái ngược với sự linh hoạt mà ông đã thể hiện trên mặt trận kinh tế.

Có lẽ Tập Cận Bình đang cố gắng thể hiện sức mạnh khi tạo dáng chụp bức ảnh này trước các tên lửa trong chuyến thị sát căn cứ Quân chủng Tên lửa. (Ảnh từ CCTV)

Thoạt nhìn, dường như động thái chính trị này là để ứng phó với nền kinh tế yếu kém của Trung Quốc. Điều đó có thể đúng phần nào, nhưng động thái này cũng có vẻ là nhằm hạn chế sự sùng bái cá nhân Tập – vốn trước đó liên tục gia tăng về quy mô, nhưng giờ đây đang có dấu hiệu suy yếu, dù chưa nhiều.

Liệu hiện tượng này có trở nên rõ ràng hơn trong tương lai không? Hay Thái và những phụ tá thân cận khác của Tập sẽ cố gắng giành lại vị thế đã mất?

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.