Đại Việt dưới thời Lê Huyền Tông (1663-1671)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”

An Nam tuy đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà Thanh, nhưng chưa chịu nạp sắc ấn thời Minh ban cho. Nhà Thanh vẫn tiếp tục đòi, cuối cùng phải nạp sắc và ấn vàng, phía Thanh bèn sai sứ đến phong Vua Lê Huyền Tông làm An Nam Quốc vương. Chúa Trịnh mang quân đánh đuổi Mạc Kính Vũ sang tận châu Trấn An [tây nam tỉnh Quảng Tây]; nhà Thanh can thiệp, cuối cùng phải trả lại cho họ Mạc bốn châu ở Cao Bằng. Tại miền Nam, Chúa Nguyễn Phúc Tần không chịu nạp cống, Chúa Trịnh lăm le mang quân Nam tiến, nhưng thấy thực lực ho Nguyễn mạnh, nên đành hủy bỏ.

Vua Lê Huyền Tông tên húy là Duy Vũ, con Vua Thần Tông, em Vua Chân Tông, ở ngôi 9 năm, năm 18 tuổi thì mất.

Tháng 11 [11/12/1662-8/1/1663] năm Vĩnh Thọ thứ 5, Vua lên ngôi Hoàng đế. Đại xá thiên hạ và ban chiếu cho thần dân, lấy năm sau làm Cảnh Trị năm thứ nhất.

Theo văn bản Thanh Thực Lục ngày 23 Canh Tý tháng 7 nhuần năm Thuận Trị thứ 18 [16/9/1661] nêu trên, nhà Thanh quyết định ban sắc ấn cho Vua Lê, nay triều đình sai sứ bộ Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Danh Thực, Nguyễn Đình Chính lên ải Nam Quan đón tiếp sứ thần nhà Thanh để nhận lĩnh, đến tháng 12 [9/1-7/2/1663], đem về đến Kinh đô. Có lẽ trong dịp này sứ bộ nhà Lê gửi văn thư cáo ai, nên tháng 2 năm sau triều đình nhà Thanh nhận được:

Ngày 25 Giáp Tý tháng 2 năm Khang Hy thứ 2 [3/4/1663]. Tổng đốc Quảng Tây Vu Thời Dược dâng sớ báo:

‘Vương An Nam Lê Duy Kì mất, người con nối dõi là Lê Duy Hỷ[1] kế nghiệp, dâng văn bản cáo ai.’

Ðưa sự việc xuống bộ bàn.” (Thánh Tổ Thực Lục quyển 8 trang 15)

Tháng Giêng năm Cảnh Trị thứ nhất [8/2-9/3/1663], tức MinhVĩnh Lịch năm thứ 17, Thanh Khang Hy năm thứ 2, bấy giờ, vua còn nhỏ tuổi, Vương Trịnh Tạc sai Trạc quận công Trịnh Kiêm, Phổ quận công Hoàng Sĩ Khoa, Cường quận công Nguyễn Thụ, Giao quận công Trịnh Doanh vào coi bốn vệ quân, để bảo vệ và hầu cận.

Tháng 2 [10/3-7/4/1663], thăng chức cho nhân viên sứ bộ giao thiệp với nhà Thanh tại ải Nam Quan, lấy Hồ Sĩ Dương làm Đông các đại học sĩ, thăng tước Tử, Nguyễn Danh Thực thăng tước Nam, Nguyễn Đình Chính thăng tước Tử.

Tháng 6 [5/7-2/8/1663], sai chánh sứ Lê Hiệu, phó sứ Dương Hạo và Đồng Tôn Trạch sang tuế cống nhà Thanh,[2] nhân tiện tạ ơn đã cho bạc và vóc, lụa.

Đến cuối năm, sứ bộ đến Bắc Kinh, dâng biểu văn dùng lời hoa mỹ suy tôn Vua Khang Hy:

Ngày 28 Tân Dậu tháng 12 năm Khang Hy thứ 2 [25/1/1664]. Lê Duy Hỷ, người nối dõi Quốc vương An Nam, sai Bồi thần dâng biểu tạ, giáng sắc khen thưởng. Phụ cống sản vật địa phương, biểu văn như sau:

‘Thần thông nối dõi, đỉnh quang điềm tốt triều đình, ban thưởng khuyến công, rộng khắp bốn phương phiên quốc. Lòng thành khẩn khoản, bệ ngọc thâm nghiêm. Khâm duy Hoàng đế bệ hạ, minh triết ôn cung, do chín châu[3] thụ mệnh, chính trị buổi Thang[4] sơ, chiếu bát thống[5] bảo dung,[6] lễ theo đời Chu cũ, ban ân dị vức, đến tận phương xa. Thần: tắm gội phương nam, hướng sao cõi bắc, sủng hạnh hai điều, ngưỡng trông hoài viễn thâm ân, hưởng dụng gồm ba, nguyện gắng sức đền ơn đáp nghĩa.” (Thánh Tổ Thực Lục, quyển 10, trang 18-19)

Nhân dịp này, bộ Lễ nhà Thanh đàn hặc An Nam cống không hợp Hội Điển, nhưng Vua Khang Hy không những bỏ qua, còn chủ trương ưu đãi, sai bộ Lễ ban yến:

Ngày 15 Mậu Dần tháng Giêng năm Khang Hy thứ 3 [11/2/1664]. Bộ Lễ đề xuất:

‘Các sản phẩm địa phương An Nam cống không hợp Hội Ðiển, từ nay về sau đến cống, lệnh phải tuân theo Hội Ðiển.’

Ðược chiếu chỉ ban rằng:

‘Ngoại quốc mộ phong hóa đến cống, những đồ tiến cống đều thu nhận, không cần phải tuân theo Hội Ðiển.” (Thánh Tổ Thực Lục quyển 11, trang 3)

Ngày 19 Nhâm Ngọ tháng Giêng năm Khang Hy thứ 3 [15/2/1664]

Ban cho bọn Bồi thần An Nam Lê Hiệu yến tại bộ Lễ.” (Thánh Tổ Thực Lục quyển 11, trang 4)

Ngày 21 Giáp Dần tháng 2 năm Khang Hy thứ 3 [18/3/1664]

Mệnh ưu thưởng người nối dõi Quốc vương An Nam là Lê Duy Hỷ, lý do vì lần đầu đến cống.” (Thánh Tổ Thực Lục quyển 11, trang 13)

Tháng 8 [2/9-30/9/1663], có lệnh chỉ cho thừa ty các xứ, xét dân trong hạt nếu có người khách trú Trung Quốc cư ngụ, thì phải khai trình lên, tuỳ nghi khu xử để phân biệt phong tục.

Tháng 10, cấm người trong nước theo đạo Hoa Lang tức đạo Thiên Chúa.[7]

Tháng 2 năm Cảnh Trị thứ 2 [27/2-26/3/1664], tức MinhVĩnh Lịch năm thứ 18, Thanh Khang Hy năm thứ 3, tham chước điều lệ thi Hội, dùng làm quy chế lâu dài.

Theo “Khoa mục chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, năm ấy định thể lệ thi hội như sau: Trường thi hội đặt ở trước sân điện Giảng Võ, bốn phía chung quanh rào hai lần giậu kín, một lần giậu thưa, hào rãnh ở chung quanh trường đều bố trí một lượt chông gai. Giữa trường thi làm 4 vi, có một ngôi nhà làm công đường của thí viện, còn viện Đồng Khảo, viện Giám khảo mỗi viện đều ở riêng một nơi. Các Hương cống chiếu theo tên mình đã viết vào thẻ cắm ở chỗ nào thì chia nhau ngồi ở chỗ ấy mà làm bài, mỗi chỗ ngồi đều che bằng lều tre.

Các viên quan tham dự công việc trong trường thi có: một viên Đề điệu, dùng bậc đại thần trong hàng quan võ, một viên Tri cống cử, dùng viên quan trong hàng Thượng thư hoặc Đô Ngự sử đài, hai viên Giám thí, dùng các viên quan trong hàng Thị lang hoặc phó Thiêm đô ngự sử, viên đóng ấn vào quyển thi dùng viên quan Thượng bảo tự khanh, viên quan này phụng lệnh ấn ngự bảo đóng vào quyển thi và niêm phong quyển.

Văn thể dùng giọng hồn hậu tao nhã, cấm dùng lời phù phiếm, đơn bạc, hiểm hóc, trúc trắc. Kỳ thi đối sách trình bày công việc hiện thời, cần phải châm chước cho đắc thể, thích ứng với sự thực, không được làm những lời quá khoe khoang.

Việc đằng lục [sao chép lại bài thi], đối đọc [đọc dò lại], thì các kỳ đệ nhất, đệ nhị, đệ tam dùng nho sinh và sinh đồ các phủ, chiếu theo từng kỳ một mà thay đổi nhau, đến kỳ đệ tứ thì điều đem lại điển ở nha môn thay thế cho nho sinh, sinh đồ các phủ.

Còn như những việc kiểm xét sĩ tử khi mới vào trường, đi tuần chung quanh trường để phòng gian trá, niêm phong quyển thi, soạn số hiệu quyển thi, đưa quyển thi từ viện này đến viện khác, viết tên các sĩ tử vào bảng để treo ở cửa trường và các vật dụng cung đốn, cũng đều có định thành điều khoản thứ mục.

Tháng 3 [27/3-25/4/1664], thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Vũ Duy Đoàn 13 người. Tháng 6 [24/6-22/7/1664], thi Đình, cho Nguyễn Viết Thứ đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lương Mậu Huân 12 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Từ năm Canh Tý [1660] đến nay, tuy đã cấm chỉ, nhưng vẫn chưa được chặt chẽ, người thi đỗ phần nhiều dốt nát, nhờ người làm bài, khiến dư luận xôn xao. Đến đây, sai quan phúc khảo sinh đồ ba khoa Đinh Dậu [1657], Canh Tý [1660] và Quý Mão [1663]. Đề thi dùng một bài thơ Đường và một bài ám tả chính văn kiêm đại chú trong Kinh Truyện.

Tháng 11 [17/12/1664-15/1/1665], xét công các sứ thần đi sứ nhà Thanh mới về. Lấy Lễ bộ hữu thị lang Phương Quế bá Lê Hiệu làm Thượng thư bộ Công, thăng tước Hầu, Quốc tử giám tư nghiệp Diên Lộc tử Dương Hạo làm Tả thị lang bộ Công, thăng tước Bá, Hình khoa đô cấp sự trung Nghĩa Lĩnh nam Đồng Tồn Trạch làm Hữu thị lang bộ Hộ, thăng tước Tử.

Cho đặt đủ chức Thượng thư trong sáu bộ. Hồi đầu trung hưng sắp xếp quan chức, có tên sáu bộ, nhưng chức quan Thượng thư chưa được đủ số. Đến nay bổ dụng: Tham tụng Phạm Công Trứ làm Thượng thư bộ Lại. Bồi tụng Trần Đăng Tuyển làm Thượng thư bộ Hộ, Nguyễn Năng Thiệu làm Thượng thư bộ Lễ, Vũ Duy Chí làm Thượng thư bộ Binh, Phan Kim Toàn làm Thượng thư bộ Hình, Lê Hiệu làm Thượng thư bộ Công. Lại bổ dụng Lê Sĩ Triệt làm Đô ngự sử trong Ngự sử đài.

Tháng 12 [16/1-14/2/1665], nhà Thanh sai chánh sứ Ngô Quang và bọn phó sứ Chu Chí Viễn sang tế Vua Lê Thần Tông, lời văn tế như sau:

Phương xa dãi lòng thành mộ nghĩa, làm phên dậu, giúp công lao. Quốc gia rộng ơn vỗ người xa, tặng lời viếng, tỏ thương xót. Quốc vương An Nam ngươi, thành tâm quy thuận, theo hoá dốc lòng. Dâng tai giặc bắt nộp nguỵ vương, giúp quân lính diệt trừ giặc Đặng.[8] Lòng trung đã rõ, công lao rất nhiều. Đương định ban ân sủng khác thường, ngờ đâu đã vội sa sương sớm. Nay nghe cáo phó, hết sức xót thương. Đặc ban nghi lễ phúng thăm để tỏ tình nhớ tiếc. Than ôi! Cõi Nam ngọc cung cầu tiến cống, dốc chí trung thành, hồn âm vẻ hoa cổn điểm tô, rạng nơi chín suối. Nếu tinh linh sáng suốt, mong kính nhận ơn ban“.

Sứ bộ này được phái đi từ Bắc Kinh, từ 8 tháng trước:

Ngày 14 Bính Ngọ tháng 4 năm Khang Hy thứ 3 [9/5/ 1664]. Dụ: Dùng Nội bí thư viện biên tu Ngô Quang làm Chánh sứ, Ty vụ bộ Lễ Chu Chí Viễn làm Phó sứ đến tế Quốc vương An Nam Lê Duy Kì.” (Thánh Tổ Thực Lục quyển 11, trang 24)

Tháng 4 năm Cảnh Trị thứ 3 [15/5-12/6/1665], tức Minh Vĩnh Lịch năm thứ 19, Thanh Khang Hy năm thứ 4, gia phong vị quan tại Lạng Sơn Nguyễn Đình Kế tước Hoằng quận công vì đã dụ được thổ tù Bế Công Lượng và Bế Quốc Tế quy thuận. Ban lệnh cho các quan xử kiện phải kê rõ từng loại án tâu lên, tội xử tử thì giao xuống triều đình xét lại rồi mới thi hành. Riêng tội chặt chân, phạt đánh trượng, thì được tuỳ tiện thi hành, không được để án đọng lại.

Tháng 8 [9/9-8/10/1665], sách lập chính cung Trịnh Thị Ngọc Áng con Chúa Trịnh Tạc, làm Hoàng hậu. Tôn mẹ đẻ ra vua là Phạm Thị Ngọc Hậu là Hoàng thái hậu, Thái hậu người làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa].

Năm Cảnh Trị thứ 4 [1666], tức MinhVĩnh Lịch năm thứ 20, Thanh Khang Hy năm thứ 5. Bấy giờ nhà Mạc là Kính Vũ chiếm cứ Cao Bằng, sách hạch dân địa phương. Tướng trấn thủ đất Thái Nguyên là Thông quận công Hà Sĩ Tứ đem quân đi đánh, bị giặc bắt được. Tin báo về, Vương Trịnh Tạc sai Lý quận công Trịnh Đống làm Thống lĩnh, Hào quận công Lê Thì Hiến làm phó, Hồng lô tự khanh Trịnh Thì Tế, Lại khoa cấp sự trung Đỗ Thiện Chính làm Đốc thị, đem các quân tiến đánh. Kính Vũ bèn giết Thông quận công Hà Sĩ Tứ, bỏ sào huyệt trốn vào rừng núi, quan quân phóng lửa đốt cháy chổ ở của Kính Vũ rồi về.

Tháng 5 [3/6-1/7/1666], nhà Thanh sai Phạm Thành Công và Mã Văn Bích mang sắc dụ đến ải Nam Quan, bảo bắt giải lũ giặc biển Dương Nhị, Dương Tam. Sai Đông các học sĩ Bùi Đình Viên, Hàn lâm thị thư Đào Công Chính lên quan ải tiếp nhận đưa về Kinh. Bản sắc dụ như sau:

Ngày 15 Ất Mùi tháng 5 năm Khang Hy thứ 5 [17/6/1666]. Sắc dụ Lê Duy Hỷ [Vua Lê Huyền Tông] nước An Nam:

‘Từ khi cha ngươi có lòng thành tiến cống đến nay, trẫm sai sứ ban cho, ơn lễ có phần thêm. Nay bọn giặc biển Dương Nhị, Dương Tam, Hoàng Minh Tiêu từ lâu trốn tránh thiên triều tru diệt, đối với ngươi đáng là kẻ thù chung. Mới đây viên quan coi tỉnh Lưỡng Quảng Lô Hưng Tổ tâu rằng: bọn giặc này cùng vợ con Tẩy Bưu đều trốn tránh tại châu Hải Nha là nơi giáp giới hai nước, thuyền bè khí dụng đều do nơi này tư cấp. Từng sai quan đến bắt, chúng bèn đóng cửa trại nổ súng, giống như là nước địch.

Trẫm xem lời tâu thực rất kinh ngạc, phải chăng điều này do quan tại biên giới làm, hoặc ngươi chưa được biết. Nay đặc ra sắc dụ, để ngươi tuân theo, tức tìm cho ra bọn Dương Nhị, Dương Tam. Hoàng Minh Tiêu cùng gia thuộc, vợ con của Tẩy Bưu giải giao đến Tổng đốc Lưỡng Quảng thu nhận, và bắt tội bọn giúp giặc tại nơi biên giới. Nếu như không giải giao bọn giặc, không xét xử bọn thuộc quan nước ngươi, sợ sinh binh biến, ngươi hãy đợi rồi sẽ thấy. Nay ra đặc dụ.” (Thánh Tổ Thực Lục quyển 10, trang 4)

Trong văn bản Thanh Thực Lục đề ngày 23 tháng 7 nhuần năm Thuận Trị thứ 18 [16/9/1661] nhà Thanh đòi nạp sắc ấn thời nhà Minh ban cho, nhưng An Nam không chấp thuận. Nhà Thanh vẫn tiếp tục đòi, phía An Nam xin đem đến quan ải tiêu hủy trước mặt quan chức nhà Thanh, cũng bị phản đối. Cuối cùng phải nạp sắc và ấn vàng, phía Thanh bèn sai sứ đến phong Vua Lê Huyền Tông làm An Nam Quốc vương:

Ngày 28 Kỷ Mão tháng 2 năm Khang Hy thứ 5 [2/4/1666]. Bộ Lễ đề xuất:

‘ Năm nay Lê Duy Hỷ nước An Nam theo lệ đáng tiến cống. Sắc ấn trước đây nhận của ngụy Vĩnh Lịch,[9] mấy lần mệnh phải mang nạp, nhưng từ lâu không chịu đưa đến. Nay lại muốn sai quan đến quan ải, tiêu hủy trước mặt quan chức, thực là vô lễ không tuân phụng thiên triều. Xin ban sắc cho Tổng đốc Quảng Tây đưa văn thư hiểu dụ gấp mang ấn ngụy đến kinh đô, chuẩn cho nạp cống, nếu không tuân, cấm tuyệt sứ đến.” (Thánh Tổ Thực Lục quyển 18, trang 12)

Ngày 22 Nhâm Dần tháng 5 năm Khang Hy thứ 5 [24/6/1666]. Tổng đốc Quảng Ðông Quảng Tây Lô Hưng Tổ dâng sớ báo rằng Lê Duy Hỷ đất An Nam đã nạp một đạo văn sắc của ngụy Vĩnh Lịch đời Minh, một quả ấn vàng. Thiên tử khen, mệnh phong Lê Duy Hỷ làm Quốc vương An Nam, sai Nội quốc sứ viện thị độc học sĩ Trình Phương Triều làm Chánh sứ, Lang trung bộ lễ Trương Dịch Bí làm Phó sứ.” (Thánh Tổ Thực Lục quyển 19, trang 5)

Ngày rằm tháng 5 [17/6/1666] có nguyệt thực.Bấy giờ Mạc Kính Vũ là con Mạc Kính Khoan, chiếm giữ đất Cao Bằng, xưng niên hiệu là Thuận Đức (1638 – 1677).

Tháng 7 [1/8-29/8/1666], phía nhà Nguyễn, Trấn thủ Cựu dinh là Nguyễn Hữu Tiến chết. Hữu Tiến bệnh nặng, bảo thuộc tướng rằng :

Ta chịu hậu ân của nước, mà họ Trịnh chưa trừ được, đó là di hận của ta”.

Nói xong rồi chết, thọ 65 tuổi. Tin buồn báo lên, Chúa Nguyễn Phúc Tần rất thương, tặng Hiệp mưu tá lý công thần đặc tiến Tả quân đô đốc phủ chưởng phủ sự tiết chế Thuận quận công, cho tiền bạc gấm lụa táng theo lễ tước Công. Hữu Tiến làm tướng lập được nhiều chiến công, người Bắc Hà gọi là Hổ uy Đại tướng [Đại tướng oai cọp].

Tháng 2 năm Cảnh Trị thứ 5 [23/2-23/3/1667], tức MinhVĩnh Lịch năm thứ 21, Thanh Khang Hy năm thứ 6, thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Hữu Đăng 3 người. Tháng 4 [23/4-22/5/1667], thi Đình, cho bọn Nguyễn Quán Nho 3 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 2, tại miền Nam Chúa Nguyễn cũng mở khoa thi, lấy được 5 người trúng cách về môn Chính đồ, 14 người trúng cách về môn Hoa văn,[10] đều bổ dùng cả.

Tháng 3 [24/3-22/4/1667], nhà Thanh sai Chánh sứ Trình Phương Triều, Phó sứ Trương Dịch Bí đem sách văn sang phong vua làm An Nam quốc vương. Sai Đông các học sĩ Bùi Đình Viên, Lại khoa cấp sự trung Đỗ Thiện Chính đi đón tiếp từ ải Nam Quan về Kinh, làm lễ kính nhận. Lời sách văn như sau:

Đến triều cận, dâng tiến cống, cõi xa thờ nước lớn, giãi tỏ lòng thành, ở đất vua, làm tôi vua, triều đình yêu người xa, có đủ đạo nghĩa. Nết giống ông cha, tôn người đức tốt, điển chương đã chép từ xưa, nối chức người trước, thờ phụng tổ tiên, sùng mệnh ban ra buổi mới. Người con nối của An Nam quốc vương họ Lê, cõi Nhật Nam dựng thành, ngôi Thần bắc hướng lòng. Ngọc Khuê bích rạng vẻ mình, lễ nghĩa thấm nhuần từ trước, vượt biển non sửa chức cống, thanh giáo ngưỡng mộ đến xa. Vừa rồi, nộp ấn nguỵ để tỏ lòng thành, trả sắc nguỵ để xin ra sức. Xét ngươi, trung trinh mấy đời dốc chí, tiếng tốt xưa thường vẫn nối noi, nên khen chưa tỏ ơn minh, sắc mệnh mới ngày nay ban xuống. Đặc sai Nội quốc sử viện thị độc học sĩ chi bổng tòng tam phẩm là Trình Phương Triều, Lễ bộ Nghi chế ty lang trung Trương Dịch Bí sang phong cho người làm An Nam quốc vương. Coi giữ thuộc quân, vỗ yên cõi xưa. Giữ chức giúp mưu, cùng được dài lâu như sông núi, giữ tiết, kính phép, những mong báo đáp lại quân thân. Hãy kính theo, chớ trái mệnh trẫm“.

Tháng 7 [19/8-17/9/1667], sai chánh sứ Nguyễn Nhuận và bọn phó sứ Trịnh Thì Tế, Lê Vinh sang tuế cống nhà Thanh. Lại sai chánh sứ Nguyễn Quốc Khê và Nguyễn Công Bích sang tạ ơn ban sắc phong.

Tháng 9 [17/10-15/11/1667], Chúa Trịnh Tạc đem đại quân lên đánh Cao Bằng. Trịnh Tạc thân hành thống suất đại binh đi đường Lạng Sơn, hạ lệnh cho con Tiết chế Trịnh Căn đốc suất các tướng đi đường Thái Nguyên. Bọn Thái phó Trịnh Đống, Thiếu úy Trịnh Kiền, Lê Thì Hiến, Thiếu phó Trịnh Ốc, Đô đốc đồng tri Đinh Văn Tả và Lê Châu làm Thống lãnh, bọn Thị lang Nguyễn Năng Thiệu, Lê Sĩ Triệt, Dương Hạo, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Văn Thực và Trương Luận Đạo làm Đốc thị, chia đường cùng tiến thẳng đến Cao Bằng. Hay tin đại binh tiến đến, Kính Vũ trốn sang châu Trấn An [tây nam tỉnh Quảng Tây] nhà Thanh. Quan quân đuổi theo tróc nã, bắt được họ hàng, đồ đảng, ngựa và khí giới không sao kể xiết. Những người xin hàng phục cùng người trước kia bị Mạc Kính Vũ bắt hiếp phải theo đều được khoan hồng tha bổng. Tạc yên ủi chiêu tập dân trong châu, họ đều trở lại làm ăn như cũ. Ngày rằm tháng 10 [30/11/1667] có nguyệt thực.

Tháng 2 năm Cảnh Trị thứ 6 [13/3-10/4/1668], tức Thanh Khang Hy năm thứ 7. Vương Trịnh Tạc đại thắng đem quân về Kinh, lưu Đô đốc đồng tri Đinh Văn Tả ở lại trấn giữ châu Thất Tuyền [huyện Tràng Định, Lạng Sơn], lấy Hồng lô tự khanh Nguyễn Danh Thực làm Đốc đồng.

Đại thắng Cao Bằng của Chúa Trịnh kết quả không ổn, chỉ mấy tháng, sau triều Thanh sai Sứ thần Lý Tiên Căn sang nước ta đòi trả lại đất Cao Bằng cho họ Mạc:

Ngày 22 tháng 4 năm Khang Hy thứ 7 [1/6/1668]. Khởi đầu Ðô thống sứ nước An Nam Mạc Nguyên Thanh bị Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ bức bách, chạy vào Vân Nam dâng sớ trình bày và tố cáo, Thiên tử mệnh an trí Mạc Nguyên Thanh tại Nam Ninh [thủ phủ Quảng Tây]. Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ cũng dâng sớ nói về đầu đuôi việc hưng binh trả thù. Thiên tử sai bọn Nội bí thư viện thị độc Lý Tiên Căn mang sắc tuyên dụ Lê Duy Hỷ. Sắc như sau:

“Hoàng đế sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ: Theo lời tâu của ngươi có những lời rằng tổ của Mạc Nguyên Thanh là Mạc Ðăng Dung là kẻ cừu thù đã bức giết tiên Quốc mẫu cùng Vương nối dõi, làm việc giết người để đoạt lấy nước, nên nay hưng binh đánh dẹp. Lại nói báo phục mối thù trước, nên tiễu trừ họ Mạc. Nhưng về việc Mạc Kinh Cung, Mạc Kinh Khoan chiếm cứ Cao Bằng, trước kia nước ngươi đến đánh, rồi có thề ước hòa hảo. Cứ như vậy, thì mối thù đã trả xong, đã kết giao hòa hảo, mỗi bên chiếm cứ đất riêng.

Những người họ Mạc làm loạn nay đã chết, sự việc đã giải quyết xong thời Gia Tĩnh triều Minh, thuộc thời xưa năm cũ. Mạc Nguyên Thanh trước tiên đến nạp cống dốc lòng thành qui phụ, trẫm ban chức Ðô thống sứ, sau đó ngươi cũng đến nạp cống qui phụ, đã được phong Vương. Nay ngươi sinh sự hưng binh, bảo là phục cừu, đáng lý ra trước khi hưng binh, phải trình tấu mọi tình tiết, để nghe theo sắc chỉ. Rồi chưa xin chiếu chỉ, đã hưng binh gấp, tàn phá địa phương Cao Bằng, chém giết binh dân, việc làm thực không hợp. Nay đã xưng tuân chỉ bãi binh, hãy đem địa phương nhân dân Cao Bằng trao lại cho Mạc Nguyên Thanh, mỗi bên giữ đất yên ổn sinh sống, để đáp ứng với lòng chuộng lẽ phải yên dân của trẫm, tận xứng đạo nghĩa phiên bang, vĩnh viễn được phúc ân sủng. Hãy cẩn thận suy nghĩ, tuân kính, đừng trái lệnh! Ðặc dụ!” (Thánh Tổ Thực Lục, quyển 25, trang 25-26)

Vào tháng 7 năm ngoái, sứ bộ Nguyễn Nhuận sang nhà Thanh tiến cống, vào tháng 5 năm nay đến Bắc Kinh, được ban thưởng:

Ngày 16 tháng 5 năm Khang Hy thứ 7 [24/6/1668]. Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ sai bọn Bồi thần Nguyễn Nhuận dâng biểu tạ ơn được sách phong, cùng tiến lễ vật cống hàng năm. Ðược ban thưởng theo lệ.” (Thánh Tổ Thực Lục quyển 26 trang 4)

Tháng 8 [6/9-5/10/1668], Chúa Trịnh Tạc tước bỏ quan tước của rễ là Nguyễn Đức Trung, cho là âm mưu làm phản. Đức Trung người làng Quế Ổ, huyện Quế Dương [Bắc Ninh], từng theo đi đánh dẹp, quả cảm thiện chiến, làm quan đến chức Đô đốc đồng tri, tước Thuỵ quận công, Vương đem con gái thứ là Trịnh Thị Ngọc Lanh gả cho. Nhưng Trung tính người tàn nhẫn, cậy công kiêu ngạo, ngang tàng, phủ đệ lộng lẫy, tiếm lạm. Cha con Trung lại ngầm chứa khí giới, lén phát cho dân, âm mưu làm điều phi pháp. Việc phát giác, giao xuống cho đình thần xét tội, dấu vết làm phản đã rõ. Vương thương có công đánh giặc, chỉ tước bỏ quan tước, tha tội chết, nhưng giết ba người con là bọn Nguyễn Đức Kiêm.

Tháng 10 [4/11-3/12/1668], tại miền Nam Chúa Nguyễn cho khai kênh Hồ Xá tại huyện Minh Linh [huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị]. Chúa thấy kênh Hồ Xá bị lấp nghẽn, đường vận tải không tiện, Chúa bèn thân đốc suất quân dân ba huyện để khơi đào cho thông. Nhưng chỉ mấy tháng sau cát lại bồi lấp, bèn hạ lệnh cho dân ở dọc kênh tùy thế mà khơi đào, hằng năm tu bổ theo thường lệ.

Tháng Giêng năm Cảnh Trị thứ 7 [1/2-1/3/1669], tức Thanh Khang Hy năm thứ 8, nhà Thanh sai Nội bí thư viện thị độc Lý Tiên Căn và Binh bộ lang trung Dương Triệu Kiệt đem chỉ dụ sang bảo ta trả lại cho họ Mạc bốn châu ở Cao Bằng. Phái đoàn khởi hành tại Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 4 năm ngoái [1/6/1668], khi đến nơi trải qua nhiều lần tranh biện với đình thần nước ta, phía Thanh vẫn nhất định không nhượng bộ, cuối cùng Vương Trịnh Tạc cho là thờ nước lớn phải kính theo mệnh lệnh, nên đành theo. Bọn Lý Tiên Căn nhận tờ sớ của Vua Lê Huyền Tông trả lại 4 vùng đất tại Cao Bằng cho Mạc Nguyên Thanh, trở về nước:

Ngày 13 Giáp Tuất tháng 6 năm Khang Hy thứ 8 [10/7/1669]. Bộ binh bàn rằng :

‘Sứ thần đến An Nam Lý Tiên Căn xong việc, mang tờ sớ của Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ về nước, sớ nội dung: Cẩn trọng tuân dụ chỉ, đem các đất Thạch Lâm,[11] Quảng Nguyên,[12] Thượng Lang,[13] Hạ Lang[14] thuộc phủ Cao Bằng trả lại cho Mạc Nguyên Thanh, xin ra lệnh cho Mạc Nguyên Thanh qui thuộc bản quốc. Ðáng chấp thuận theo lời xin.’

Thiên tử phán chấp nhận.” (Thánh Tổ Thực Lục quyển 30, trang 6)

Tháng 2 [2/3-31/3/1669], bọn sứ thần Nguyễn Quốc Khôi, Nguyễn Công Bích, Lê Vinh về nước. Xét công đi sứ, lấy Nguyễn Quốc Khôi làm Tả thị lang bộ Lễ, tước Ngọc Trì tử, Nguyễn Công Bích làm Hữu thị lang bộ Hình, tước Gia Xương nam. Lại nghĩ đến Nguyễn Nhuận và Trịnh Thì Tế đều chết bên nhà Thanh, truy tặng Nguyễn Nhuận làm Thượng thư bộ Công, tước Bá, Trịnh Thì Tế làm Tả thị lang bộ Công, tước Tử, và cấp cho lộc và ruộng tế để thờ cúng. Lệ xưa, 3 năm một lần sang tiến cống, đời Vạn Lịch nhà Minh đã cho phép 6 năm cống gộp cả hai lần. Đến đây, muốn lại theo như lệ cũ của nhà Minh, liền soạn bản tâu, sai bọn Quốc Khôi sang nhà Thanh tâu xin một thể. Vua Thanh y cho, từ đấy về sau trở thành thường lệ:

Ngày 27 Giáp Tý tháng 5 năm Khang Hy thứ 7 [5/7/1668]

Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ dâng sớ xin cống gộp 6 năm một lần, bộ Lễ bàn ‘vẫn chiếu theo Hội Ðiển định lệ 3 năm triều cống 1 lần. Ðược chiếu chỉ ban như sau:

‘Xem tấu văn của Vương, nước ngươi ở cõi ngoài chốn cùng tịch, đường sá xa xôi, núi sông cách trở, phục dịch việc cống lao khổ. Ba năm, hoặc sáu năm thời gian trước sau tuy khác, nhưng đều biểu tượng một lòng cung kính. Nước ngươi tuân phụng giáo hóa, lòng thành đáng khen, việc tiến cống chấp nhận theo lời tâu của Vương mà thi hành.” (Thánh Tổ Thực Lục, quyển 26, trang 7)

Tháng 9 [25/9-24/10/1669], trước kia, Gia quốc công Vũ Văn Mật ở dinh Yên Bắc xứ Tuyên Quang, trong thời kỳ trung hưng, đem quân phò Vua, có nhiều công lao. Các triều trước vẫn để trấn giữ đất Tuyên Quang và cho đời đời truyền nối. Con Mật là Thái phó Nhân quận công Vũ Công Kỳ, cháu là Thái bảo Hoà quận công Vũ Đức Cung đều biết nối theo chí người trước, kính giữ chức làm tôi. Đến cháu ba đời là Thiếu phó Tòng quận công Vũ Công Đức cậy sông núi hiểm trở xa cách, ngầm nuôi chí làm phản, tiếm xưng tước vương, lập triều nguỵ, lại câu kết với bè đảng họ Mạc. Vương Trịnh Tạc cho là con cháu công thần, vẫn dung thứ chưa nỡ hỏi tội. Đến đây, Công Đức vì có việc bất bình với thủ hạ là Ma Phúc Trường, trong lòng hoài nghi lo sợ, về Kinh để tự bày tỏ. Đi đến bến tuần Đông Lan [huyện Đoan Hùng, tỉnh Vĩnh Phú], nữa đêm bị người giết. Việc đến tai Vương, Vương cho là Công Đức tuy lỗi đạo làm tôi, song nghĩ đến ông cha Công Đức có công lao to, nghĩa không thể dứt, mới lập con Đức là Vũ Công Tuấn nối nghiệp, cho làm đô đốc thiêm sự, ban tước Khoan quận công, cấp dân lộc để giữ việc thờ cúng. Các con trai, con gái của Công Đức đều được vỗ về yên ủi. Lại cho là Ma Phúc Trường là kẻ bất trung, đem giam vào ngục.

Bắt đầu thi hành thể lệ quân bình suất đinh. Từ thời Trung Hưng đến nay, theo chế độ cũ, cứ 6 năm một lần xét duyệt dân đinh, số dân đinh thường có khi tăng, khi giảm, thuế khóa nơi nặng nơi nhẹ, không quân bình. Năm Cảnh Trị thứ 2 [1664], Phạm Công Trứ giữ việc trong chính phủ, bàn định:

Việc lựa chọn xét duyệt phiền nhiễu luôn luôn, sổ hộ khi tăng khi giảm, vì thế mà bọn Lại điển, bọn Tổng Lý [Chánh tổng, Lý trưởng] nhân vin vào đấy để làm sự gian xảo, xin thi hành thể lệ bình quân“.

Nay bèn sai quan chia nhau đi đến các trấn, xét theo hiện tại xem tài sản của dân nhiều hay ít, ruộng đất các nơi tốt hay xấu, rồi quân bình số thuế về đinh suất. Đến nay sổ hộ đã làm xong, gọi tên là “bình lệ” . Trong sổ ghi rõ số đinh số thuế để làm phép tắc nhất định. Sau này số đinh sinh ra cũng không tính, chết đi cũng không trừ.

Tháng 12 nhuận [21/1-19/2/1670], cho Hồ Sĩ Dương tước Hầu, bọn Bùi Đình Viên, Đỗ Thiện Chính tước Nam, vì đón tiếp sứ thần nhà Thanh, có công.

Tháng 3 năm Cảnh Trị thứ 8 [20/4-18/5/1670], tức Thanh Khang Hy năm thứ 9. Chúa Trịnh Tạc sai Lê Đắc Đồng, Trần Xuân Bảng đem thư đến cửa Nhật Lệ [Đồng Hới, Quảng Bình] nói là phụng mạng vua Lê đến đòi cống thuế. Trấn thủ Bố Chính là Triều Tín đem việc báo lên. Chúa Nguyễn Phúc Tần bảo các tướng rằng :

Những việc lễ nhạc đánh dẹp đều không tự vua Lê ra lệnh. Đó là họ Trịnh giả mạng vua, quyết cự không nộp.”

Bọn Đắc Đồng trở về, Chúa Trịnh bàn muốn phát binh, bề tôi là Đô đốc Thông can rằng :

Binh pháp có nói rằng:‘Biết người biết mình, trăm trận không thua’. Tôi trộm nghe ở Nam Hà, trên dưới hòa thuận, binh giáp tinh mạnh, ta chưa nên khinh động”.

Tạc nghe theo, bèn thôi.

Tháng 6 [17/7-14/8/1670], Chúa Trịnh sai Hào quận công Lê Thì Hiến làm Thống suất, Nhuận Duệ hầu Hồ Sĩ Dương làm Đốc thị, đem quân đi đánh bọn con Ma Phúc Trường tại miền Tuyên Quang. Năm trước Ma Phúc Trường bị bắt, các con là Ma Phúc Lan và em là Ma Phúc Điện tụ họp bè lũ đi cướp phá. Thì Hiến cùng các tướng chia đường đi đánh, bắt được Phúc Lan đem chém, Phúc Điện chạy sang Trung Quốc. Sau đó bọn Thì Hiến chiêu an dân chúng, rồi về.

Tháng 11 [12/12/1670-10/1/1671], thi Hội các cống sĩ trong nước, lấy đỗ bọn Trần Thế Vinh 31 người.

Tháng Giêng năm Cảnh Trị thứ 9 [1671], tức Thanh Khang Hy năm thứ 10, thi Đình. Cho Lưu Danh Công đỗ Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, Thiều Sĩ Lâm đỗ Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, Lê Hữu Danh và Vũ Đình Lâm đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Hùng Xứng 27 người đều đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Sau khi Ma Phúc Điện chạy trốn sang Trung Quốc, vào tháng 8 [3/9-2/10/1671], Bình Tây thân vương nhà Thanh vâng lệnh Vua Khang Hy, sai Trấn tiêu du kính phủ Khai Hoá là họ Tào và tri phủ là họ Lưu giải Ma Phúc Điện và vợ con, đến chỗ biên giới. Bèn sai quan nhận đem về, đều đem giết với Ma Phúc Trường.

Sự việc nêu trên được ghi lại trong Thanh Thực Lục, nhưng tên Ma Phúc Điện thì chép là Nguyễn Phúc Lộc, chắc Điện tự đổi tên, khi khai với quan quân nhà Thanh:

Ngày Nhâm Ngọ mồng 1 tháng 4 năm Khang Hy thứ 14 [9/5/1671]

Bộ binh bàn rồi phúc tấu:

‘Tổng đốc Vân Nam Quí Châu Cam Văn Hỗn dâng sớ rằng ‘Nguyễn Phúc Lộc tại nước An Nam nhân có tội tại nước này, đến xin đầu thuận nội địa’ Xét An Nam là thuộc quốc của triều ta, Nguyễn Phúc Lộc đã có tội trốn đến đây, không tiện lưu giữ, đáng giao hoàn An Nam xử trí.’

Thiên tử phán chấp nhận.” (Thánh Tổ Thực Lục, quyển 35, trang 17)

Ngày 15 tháng 10[16/11/1671] , vua băng, các quan dâng miếu hiệu là Huyền Tông. Ngày 13 tháng 11 [13/12/1671] rước linh cữu Huyền Tông Hoàng Đế về chôn ở lăng Quả Thịnh, huyện Lôi Dương [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa], quê Thái hậu họ Phạm.

———————

[1] Lê Duy Hỷ tức vua Huyền Tông. Nguyên tên húy là Duy Vũ, tên Duy Hỷ chỉ dùng để giao thiệp với Trung Quốc.

[2] Trong bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, trang 264, ghi là “sang tuế cống nhà Minh”, nay tra nguyên văn, Bản Kỷ 19, trang 2 a chép “như Thanh tuế cống”, nên sửa lại là “sang tuế cống nhà Thanh”.

[3] Chín châu tức cửu châu, ngày xưa Trung quốc được chia thành 9 châu.

[4] Thang: Vua Thành Thang nhà Thương.

[5] Bát thống tức 8 cách cai trị khiến Vua và dân hòa hợp, gồm: 1. thân thân, 2. kính cố, 3. tiến hiền, 4. sử năng. 5. bảo dung, 6. tôn quí, 7. đạt lại, 8. lễ tân.

[6] Bảo dung: an lòng người có công. Ðiển lấy từ “Bát thống” trong Chu Lễ.

[7] Hoa Lang: Theo “Truyện ngoại quốc” trong Minh sử, thì Hoa Lang tức là Hòa lan, cũng ở Tây Dương, tập tục đọc sai là Hoa lang. Sách Kiên biểu bí lục của Chử học Giá nhà Thanh chép: cuối năm Gia Tĩnh (1522 – 1566) triều Minh, Mã Đậu họp tập người đồng bạn đi tàu vượt biển du lịch các nước gồm 6 năm, đến nước An Nam rồi vào địa giới Quảng Đông.

[8] Diệt trừ giặc Đặng: Theo văn bản Thanh Thực Lục ngày 15 tháng 9 năm Thuận Trị thứ 17 [18/10/1660], Đặng Diệu trốn vào nước ta, sào huyệt bị đánh tan.

[9] Vĩnh Lịch: niên hiệu của Thủy minh vương, hậu duệ nhà Minh.

[10] Chính đồ, Hoa văn: nhà Nguyễn mở khoa thi Chính đồ lấy người thi đậu ra làm quan, và khoa Hoa văn lấy người viết chữ tốt ra làm thư lại.

[11] Thạch Lâm: đời Lê trở về trước là châu Thạch Lâm, đời Minh Mệnh chia thành huyện Thạch Lâm và Thạch An, nay thuộc các huyện Hòa An, Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.

[12] Quảng Nguyên: Lê là châu Quảng Nguyên, năm Minh Mệnh 15 [1834] đổi là huyện Quảng Uyên, nay vẫn còn huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.

[13] Thượng Lang: Lê là châu Thượng Lang, năm Minh Mệnh 15 đổi là huyện Thượng Lang, nay thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

[14] Hạ Lang: Lê là châu Hạ Lang, đời Minh Mệnh đổi là huyện Hạ Lang, nay vẫn còn huyện Hạ Lang, thuộc tỉnh Cao Bằng.