Nguồn: Marwan Muasher, “The Case for a New Arab Peace Initiative,” Foreign Affairs, 29/10/2024.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Quyền của người Palestine phải được ưu tiên trước khi đàm phán về một nhà nước.
Kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu, các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh rằng việc thành lập một nhà nước Palestine tồn tại song song với Israel là cách duy nhất để chấm dứt xung đột ở Trung Đông. “Giải pháp thực sự duy nhất cho tình hình này là giải pháp hai nhà nước,” Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào tháng 3/2024. Sang tháng 5, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tiếp tục khẳng định “giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để đảm bảo một nhà nước Israel dân chủ, an ninh, Do Thái, và mạnh mẽ, cũng như một tương lai có phẩm giá, an ninh, và thịnh vượng cho người dân Palestine.” Và xuyên suốt chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay, bao gồm cả sau cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào tháng 7, Phó Tổng thống Kamala Harris cũng thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, mô tả đây là “con đường duy nhất” để tiến về phía trước.
Nhưng đối với nhiều người, đặc biệt là người Palestine, những lời kêu gọi này nghe có vẻ xa rời thực tế. Sau nhiều năm chịu đựng sự chết chóc và tàn phá cùng nhiều thập kỷ đàn áp, hầu hết người Palestine không tin rằng giải pháp hai nhà nước là khả thi hoặc có thể đạt được trong tương lai gần. Trên thực tế, các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Palestine hiện ủng hộ kháng chiến vũ trang như một cách để chấm dứt xung đột. Có thể hiểu được lý do tại sao; ngay cả khi không có một năm chiến tranh, thì người ta vẫn có thể vỡ mộng. Mỹ đã dành hàng chục năm tung hô giải pháp hai nhà nước trong khi vẫn cung cấp vũ khí cho Israel, cho phép nước này mở rộng các khu định cư ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đồng thời chiếm thêm đất đai và tài nguyên thiên nhiên của Palestine. Washington đã ủng hộ Israel trên trường quốc tế bất kể Israel có làm gì. Nói cách khác, họ đã liên tục phớt lờ các quyền của người dân Palestine.
Đã đến lúc thế giới cần có sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận xung đột Israel-Palestine. Thay vì tập trung vào giải pháp hai nhà nước như là giải pháp cuối cùng và duy nhất cho cuộc tranh chấp, các nhà lãnh đạo quốc tế trước tiên nên tập trung vào việc đảm bảo rằng người Palestine và người Israel có quyền bình đẳng. Cụ thể, các chính phủ nước ngoài nên gây sức ép để cả hai dân tộc đồng ý với nhau về các quy tắc và nguyên tắc chung – từ đó vạch ra khuôn khổ của giải pháp sau này. Và họ nên để các quốc gia Ả Rập dẫn đầu việc thúc đẩy giải pháp dựa trên quyền cho cuộc xung đột. Nếu không, bất kỳ động thái vì hòa bình mới nào cũng sẽ thất bại, giống như tất cả các cuộc đàm phán suốt 30 năm qua.
LỊCH SỬ ĐEN TỐI
Từng có một giai đoạn ngắn, vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi người Israel và người Palestine từng đồng ý với tầm nhìn về giải pháp hai nhà nước mà các quan chức Mỹ đưa ra ngày nay. Một nỗ lực quốc tế lớn, do Mỹ dẫn đầu, đã khiến các nhà lãnh đạo từ cả Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine – liên minh được quốc tế công nhận là đại diện của người dân Palestine – cùng nhau xác định cách phân chia vùng đất chung của họ. Tại các cuộc đàm phán trên khắp thế giới, từ Trại David đến Oslo đến Jerusalem, họ đã thực hiện công việc khó khăn là quyết định bên nào sẽ cai trị vùng lãnh thổ nào, và người dân của họ sẽ có những loại cơ hội nào. Người Israel và người Palestine thậm chí đã tiến rất gần đến việc ký một thỏa thuận lâu dài.
Nhưng hai bên lại không thể đạt được thỏa thuận. Những nguyên nhân cụ thể dẫn đến thất bại này vẫn còn gây tranh cãi, nhưng những nguyên nhân bao trùm thì rất rõ ràng. Dưới thời Tổng thống George H. W. Bush và sau đó là Tổng thống Bill Clinton, Mỹ đã liên tục khuyến khích hoặc thuyết phục các bên hướng tới một thỏa thuận mà không nêu rõ mục đích cuối cùng của thỏa thuận đó là gì. Đáng chú ý nhất là không có tổng thống nào tuyên bố rõ ràng rằng các bên nên đạt được một thỏa thuận chấm dứt sự chiếm đóng của Israel. Do đó, đàm phán thường trở thành các cuộc thảo luận mở hơn là các cuộc thảo luận cụ thể về việc chấm dứt sự chiếm đóng, và điều này khiến người Palestine và những người ủng hộ họ thất vọng.
Các quốc gia Ả Rập đã cố gắng bù đắp cho thất bại của Washington bằng cách đưa ra cho Israel một kết thúc hấp dẫn của riêng họ. Để đổi lấy một nhà nước Palestine có chủ quyền, họ sẽ trao cho Israel một hiệp ước hòa bình chung, các bảo đảm an ninh chung, và một thỏa thuận ngầm rằng các quốc gia Ả Rập sẽ không trục xuất hàng triệu người tị nạn Palestine đang sống trong biên giới của họ. Họ cũng hứa sẽ chấm dứt mọi yêu sách lãnh thổ sau khi Israel rút lui. Tuy nhiên, những đề xuất này không đủ để Israel chịu chấp nhận thỏa thuận.
Kể từ khi các cuộc đàm phán này sụp đổ, một giải pháp hai nhà nước ngày càng trở nên xa vời. Trong 20 năm qua, chính phủ Israel đã cho phép hàng trăm nghìn công dân của mình đến định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem (ở khu vực vốn là một phần của các vùng lãnh thổ Palestine). Tổng cộng khoảng 750.000 người định cư đang sinh sống ở hai nơi này, chiếm khoảng 25% dân số chung. Các nhà lãnh đạo Israel ngày càng công khai nói rằng họ muốn duy trì sự chiếm đóng này vô thời hạn. Các chính trị gia Israel hiện nay dao động giữa việc lập luận rằng Gaza và Bờ Tây là các vùng lãnh thổ “có tranh chấp” chứ không phải bị chiếm đóng bất hợp pháp, và tuyên bố rằng chúng được Chúa ban cho người Do Thái.
Phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, đáng lẽ nên phản đối khi các chính trị gia Israel từ bỏ tiến trình hòa bình mà Washington đã ủng hộ. Nhưng ngoài việc thỉnh thoảng đưa ra những lời chỉ trích vô hại, các quan chức Mỹ đã không làm gì để ngăn chặn Israel khi những người định cư của họ tiếp tục xâm chiếm đất đai của người Palestine. Các quốc gia Ả Rập cũng gần như từ bỏ việc thúc đẩy một giải pháp. Suốt nhiều thập kỷ, hầu hết các nước Ả Rập tuyên bố họ sẽ chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel khi người Israel trao cho người Palestine một nhà nước của riêng họ – tức là công thức đổi đất lấy hòa bình. Nhưng vào năm 2020 và 2021, một số quốc gia Ả Rập đã thiết lập quan hệ với Israel dù Israel không đưa ra bất kỳ nhượng bộ có ý nghĩa nào đối với người Palestine.
Khi viễn cảnh về giải pháp hai nhà nước lụi tàn, nhiều nhà hoạt động và học giả bắt đầu thúc đẩy một giải pháp thay thế: giải pháp một nhà nước. Trong đó, người Israel và người Palestine sẽ chia sẻ quyền công dân bình đẳng trong một quốc gia dân chủ trải dài từ biên giới Jordan đến Biển Địa Trung Hải. Nhưng nhiều người Palestine và người Israel đều bày tỏ lo ngại về những đề xuất kiểu này, sợ rằng nó sẽ đặt dấu chấm hết cho khát vọng quốc gia tương ứng của họ. Người Palestine lo ngại rằng việc đồng ý với giải pháp một nhà nước sẽ có nghĩa là đồng ý tiếp tục bị cai trị bởi nhà nước Israel hiện tại và dần xóa bỏ bản sắc Palestine. Người Israel lo ngại rằng việc chia sẻ một nhà nước dân chủ với người Palestine về cơ bản sẽ là hồi kết của nhà nước Do Thái. Rốt cuộc thì vẫn có nhiều người Palestine hơn người Do Thái ở Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Kết quả là tình trạng bế tắc. Giải pháp hai nhà nước dường như nằm ngoài tầm với. Nhưng giải pháp một nhà nước dường như cũng không hợp lý ngay lúc này. Và hai cộng đồng chỉ đang trở nên cứng nhắc và không khoan nhượng. Cuộc tấn công của Hamas vào ngày 07/10/2023 đã khiến cả người Israel và người Palestine trở nên cực đoan, và giờ đây còn ít tin tưởng lẫn nhau hơn trước. Chẳng hạn, trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 7, Quốc hội Israel đã bỏ phiếu áp đảo cho một nghị quyết bác bỏ việc thiết lập giải pháp hai nhà nước.
LÃNH ĐẠO ĐỊA PHƯƠNG
Thoạt nhìn, có vẻ như thế giới Ả Rập chưa sẵn sàng để lãnh đạo một tiến trình hòa bình mới giữa người Israel và người Palestine. Không có nhà lãnh đạo khu vực nào có tầm vóc như cựu Thái tử Ả Rập Saudi Abdullah, người đã khiến các quốc gia Ả Rập nhất trí thông qua Sáng kiến Hòa bình Ả Rập năm 2002. Mùa xuân Ả Rập, trong giai đoạn năm 2010 đến 2011, cũng như các ưu tiên khác nhau của các cường quốc chính trong khu vực đã khiến nhiều chính phủ hoàn toàn phớt lờ xung đột Israel-Palestine.
Dù các quốc gia Ả Rập yếu, họ vẫn là những quốc gia có vị thế tốt nhất để đưa ra một con đường mới tiến về phía trước. Trong hơn một năm qua, phương Tây đã không muốn hoặc không thể thúc đẩy Israel thực hiện hòa bình. Không một chính phủ hay dân tộc nào có vị thế đạo đức để có thể nói về quyền ở Trung Đông, dù là Israel, người Palestine, các quốc gia Ả Rập, hay phương Tây. Và theo một số cách, các quốc gia Ả Rập có thành tích tốt hơn trong việc đưa ra các giải pháp: sáng kiến hòa bình tập thể năm 2002 của họ đã giải quyết mọi mối quan tâm đã nêu của Israel. Ngay cả với sự chia rẽ trong thế giới Ả Rập ngày nay, không có lý do gì để cho rằng họ không thể đoàn kết lại.
Tuy nhiên, trước tiên, các quốc gia Ả Rập phải từ bỏ nhiều ý tưởng cũ. Cụ thể hơn, họ phải từ bỏ lòng trung thành với giải pháp hai nhà nước. Thay vào đó, thế giới Ả Rập nên khởi động một tiến trình hòa bình tập trung trước hết vào việc đảm bảo các quyền mà cả người Israel và người Palestine đều xứng đáng được hưởng.
Kế hoạch tập trung vào quyền có nhiều lợi thế hơn so với kế hoạch tập trung vào hình thức của giải pháp. Nhưng có lẽ lợi thế lớn nhất là, khác với các đề xuất về hai nhà nước hoặc một nhà nước, hầu như không ai có thể biện minh cho việc từ chối một kế hoạch về quyền, miễn là nó dựa trên các giá trị phổ quát. Các nhà lãnh đạo của các đối tác lớn nhất của Israel có thể không sẵn sàng thúc đẩy việc thành lập một nhà nước Palestine, nhưng họ đồng ý rằng người Israel và người Palestine đều có quyền được hưởng các quyền được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ví dụ, Biden đã tuyên bố vào đầu nhiệm kỳ của mình rằng người Israel và người Palestine “xứng đáng được hưởng các biện pháp an ninh, tự do, cơ hội, và phẩm giá ngang nhau.” Tương tự, Harris đã tuyên bố tại Đại hội Dân chủ Toàn quốc vào tháng 8 rằng bà tin người Palestine xứng đáng nhận được “quyền được tôn trọng, an ninh, tự do, và quyền tự quyết.” Những nhà lãnh đạo như vậy sẽ rất khó từ chối một kế hoạch dựa trên việc thúc đẩy chính xác các quyền này, miễn là nó được loại bỏ các vấn đề thể chế gai góc.
Để thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên quyền, các quốc gia Ả Rập nên soạn thảo một văn bản, rồi sau đó trình lên Liên Hiệp Quốc. Văn bản này sẽ bắt đầu bằng cách thừa nhận rõ ràng rằng có hơn bảy triệu người Palestine và bảy triệu người Israel đang sống trong các khu vực do Israel kiểm soát và chừng nào người Palestine còn có ít quyền tự do hơn người Israel, thì bạo lực hai bên sẽ còn gia tăng. Sau đó, văn bản cần lưu ý rằng không có giải pháp quân sự nào cho xung đột này và cách duy nhất để thiết lập một nền hòa bình lâu dài là cung cấp cho cả hai dân tộc đầy đủ các quyền chính trị, văn hóa, và nhân quyền.
Sáng kiến này sẽ buộc cả người Israel và người Palestine cam kết tham gia các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Các cuộc đàm phán đó sẽ được điều chỉnh bởi các quy tắc và nguyên tắc được thể hiện trong luật nhân quyền, luật nhân đạo, ý kiến của Tòa án Công lý Quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Hai bên cũng sẽ đồng ý rằng bất kỳ nghị quyết cuối cùng nào cũng sẽ tuân thủ các luật và thể chế đó. Văn bản này sẽ nêu rõ rằng hai dân tộc có quyền chung sống hòa bình với nhau và được hưởng toàn bộ các quyền con người, bao gồm tự do, bình đẳng, và quyền tự quyết.
Quá trình này không thể có kết thúc mở: như một phần của việc ký sáng kiến, các bên phải đồng ý kết thúc các cuộc đàm phán trong 5 năm, với 3 năm đầu tiên được dành để giải quyết vấn đề nhân quyền và bình đẳng. Trong giai đoạn này, nhà nước Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine sẽ đồng ý tìm kiếm và hủy bỏ mọi luật lệ, chính sách, và hoạt động phân biệt đối xử hoặc vi phạm luật pháp quốc tế. Quá trình này sẽ có nghĩa là chấm dứt việc xây dựng các khu định cư ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cũng như ngăn chặn Israel sáp nhập thêm đất đai.
Sáng kiến này cũng sẽ thiết lập một cơ chế giải trình, do Liên Hiệp Quốc và các cơ quan quốc tế khác lãnh đạo. Một cơ chế như vậy có thể là một ủy ban liên quốc gia – tương tự như cái gọi là Lộ trình Trung Đông, một sáng kiến hòa bình năm 2003, có sự tham gia của một ủy ban gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu, và Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, ủy ban đó không có quyền thực thi. Vì thế, để đảm bảo rằng đàm phán diễn ra một cách thiện chí và các quy tắc đã thỏa thuận được cả hai bên tôn trọng, ủy ban mới cần có thẩm quyền thực sự. Cơ chế này sẽ giúp đảm bảo rằng các nhà đàm phán Israel và Palestine đáp ứng các mốc thời gian đã thỏa thuận và đóng vai trò là trọng tài trong trường hợp các bên có cách giải thích xung đột về luật pháp quốc tế. Nó cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và pháp lý.
Nếu các bên không đạt được thỏa thuận trong khung thời gian đã định, họ sẽ chuyển xung đột lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nếu Hội đồng Bảo an không đạt được thỏa thuận, quá trình xác định thỏa thuận sẽ thuộc về Tòa án Công lý Quốc tế. Theo các quy tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các bên sẽ đồng ý tuân theo quyết định của tòa án.
Hai năm cuối cùng sẽ dành cho việc xác định hình thức của nghị quyết, bao gồm cả việc sẽ có một nhà nước, hai nhà nước, hay một hình thức nào khác. Cuối cùng thì chính người Israel và người Palestine sẽ quyết định câu trả lời. Nhưng ngay từ đầu, hai bên phải đồng ý rằng giải pháp sẽ không có nghĩa là sáp nhập người Palestine vào cấu trúc nhà nước Israel hiện tại, hoặc trục xuất họ sang Ai Cập, Jordan, và các quốc gia Ả Rập khác. Cả hai bên phải có thể thực hiện quyền tự quyết của mình, cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa và chính trị của riêng họ. Tương tự, vấn đề người tị nạn phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Nếu người Do Thái có quyền hồi hương (như hiện nay), thì người Palestine cũng phải có quyền đó. Jerusalem phải là một thành phố mở, nơi cả hai bên đều có quyền tiếp cận bình đẳng với tất cả các khu vực của thành phố. Đổi lại, các quốc gia Ả Rập sẽ cam kết xây dựng các thỏa thuận hòa bình và an ninh tập thể với Israel.
Các yếu tố của đề xuất này xuất phát từ các đề xuất trước đó, bao gồm Sáng kiến Hòa bình Ả Rập và Lộ trình Trung Đông. Tuy nhiên, khác với những nỗ lực này, đề xuất mới sẽ không dựa trên việc thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. Thay vào đó, nó sẽ tập trung vào việc thúc đẩy quyền và phẩm giá của cả hai cộng đồng.
ĐỐI MẶT VỚI THỰC TẾ
Việc chấp nhận và thực hiện tầm nhìn này đòi hỏi phải có một ban lãnh đạo mới cho cả người Israel lẫn người Palestine. Đối với cả hai bên, việc thiết lập một ban lãnh đạo như vậy sẽ rất khó. Nhưng không phải là không thể. Trong số những người Palestine, có một người có địa vị và sự ủng hộ của cộng đồng cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi: Marwan Barghouti. Là một trong những quan chức nổi tiếng nhất của Tổ chức Giải phóng Palestine, Barghouti hiện đang thụ nhiều án chung thân liên tiếp trong các nhà tù của Israel vì liên quan đến phong trào Intifada lần thứ hai từ năm 2000 đến năm 2002. Nhờ cam kết giành độc lập cho người Palestine, ông vô cùng được lòng tất cả các phe phái Palestine. Nhưng ông ủng hộ một giải pháp hòa bình với Israel, khiến ông trở thành một trong số ít nhà lãnh đạo có cả địa vị và động lực cần thiết để làm trung gian cho một thỏa thuận. Do đó, điều cần thiết là Israel phải thả ông ra khỏi tù.
Tuy nhiên, con đường để người Israel tiến về phía trước sẽ khó khăn hơn. Netanyahu rõ ràng không có khả năng chấp nhận một cách tiếp cận dựa trên quyền – hoặc bất kỳ cách tiếp cận có hiệu quả nào. Những người đứng đầu các đảng lớn khác của Israel cũng chẳng khá hơn ông. Đơn giản là không có khối cử tri Do Thái lớn nào ở Israel ủng hộ quyền bình đẳng cho người Palestine.
Vậy làm sao để Israel chấp nhận cách tiếp cận dựa trên quyền? Câu trả lời, nói ngắn gọn, là áp lực quốc tế. Cho đến nay, Mỹ và các đối tác châu Âu của họ vẫn vui vẻ lặp lại khẩu hiệu hai nhà nước, dù họ thừa nhận rằng cơ hội để hiện thực hóa khẩu hiệu này là rất mong manh. Họ đã làm vậy vì đó là một khẩu hiệu không đòi hỏi bất kỳ hành động cụ thể nào, và vì Israel đã cam kết danh nghĩa với giải pháp này trong quá khứ. Nhưng Mỹ và châu Âu không thể tiếp tục ngầm chấp nhận nguyên trạng trong khi tuyên bố họ ủng hộ một nhà nước Palestine. Khi người Israel tiếp tục định cư ở Bờ Tây và đàn áp người Palestine một cách dữ dội, thì những người ủng hộ Israel sẽ phải thừa nhận rằng họ đang đối phó với một chế độ phân biệt chủng tộc apartheid chứ không phải là một sự chiếm đóng tạm thời. Và lập luận đó khó bảo vệ hơn nhiều. Để tránh sự xấu hổ đạo đức khi ủng hộ một chế độ như vậy, phương Tây cuối cùng sẽ phải có đường lối cứng rắn hơn với chính phủ Israel.
Ngay cả khi người Israel bị buộc phải chấp nhận cách tiếp cận dựa trên quyền, thì người Palestine vẫn có thể cảm thấy không thoải mái khi đàm phán với họ, lo lắng rằng một khuôn khổ không đặt giải pháp hai nhà nước lên hàng đầu cuối cùng sẽ dẫn đến một nhà nước duy nhất, hòa tan bản sắc dân tộc Palestine trong bản sắc dân tộc Israel. Nhưng họ không nên sợ hãi. Khi chế độ apartheid sụp đổ ở Nam Phi vào năm 1994, khối dân da đen của đất nước này đã không để mất bản sắc của họ vào tay người Nam Phi da trắng. Người Nam Phi da trắng cũng không mất bản sắc của họ vào tay những đồng bào da đen. Thay vào đó, cấu trúc của nhà nước đã được tái xây dựng để đảm bảo các quyền bình đẳng trong một khuôn khổ bảo tồn bản sắc văn hóa của cả hai dân tộc. Điều tương tự cũng sẽ đúng ở Trung Đông. Có nhiều cách để người Israel và người Palestine có thể phân chia hoặc chia sẻ cùng một lãnh thổ mà không bên nào thống trị bên kia, bao gồm cả một liên bang song phương sẽ bảo vệ quyền tự quyết và bản sắc văn hóa của mỗi bên.
Rõ ràng là việc cố gắng bám vào các mô hình cũ sẽ không hiệu quả. Theo mọi khía cạnh, đã có một quốc gia trên vùng đất giữa Jordan và Biển Địa Trung Hải – một thực tế mà thế giới phải đối mặt. Dự án của những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái nhằm thiết lập một nhà nước hòa bình, dân chủ, và Do Thái trên các vùng đất lịch sử của người Palestine đang sụp đổ, đấy là nếu nó chưa chết hẳn. Nói cách khác, dự án phục quốc Do Thái đó không còn có thể định nghĩa tương lai của Israel nữa. Một dự án khác, dựa trên quyền bình đẳng phải thay thế nó.
Tập trung vào quyền của người Israel và người Palestine, chứ không phải vào các tuyên bố chủ quyền của chính phủ của họ, sẽ thúc đẩy các cộng đồng hướng tới một giải pháp để cả hai bên có thể chung sống trong hòa bình và phẩm giá. Đây là giải pháp thay thế khả thi duy nhất cho cả hai cộng đồng. Nó phù hợp với khuôn khổ của hai nhà nước, một nhà nước, hoặc thậm chí là một liên bang. Và đây là cách tốt nhất để chấm dứt cuộc tàn sát và đảm bảo an ninh và ổn định trong một khu vực chìm trong hỗn loạn bi thảm.
Marwan Muasher là Phó chủ tịch hội đồng nghiên cứu tại Quỹ Carnegie Vì Hòa bình. Khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao Jordan từ năm 2002 đến năm 2004, ông đã giúp phát triển Sáng kiến Hòa bình Ả Rập năm 2002 và Sáng kiến Hòa bình năm 2003, thường được gọi là Lộ trình Trung Đông.