Liệu Chính quyền Palestine có đủ khả năng quản lý Gaza?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Daniel Byman, “Can the Palestinian Authority Govern Gaza?,” Foreign Affairs, 04/01/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cần làm gì để giúp PA có thể cầm quyền thời hậu chiến?

Đến một lúc nào đó, súng sẽ ngừng nổ, bom sẽ ngừng rơi, và cuộc chiến ở Dải Gaza sẽ kết thúc. Khi đó, sẽ cần có người quản lý Gaza, nhưng các lựa chọn lại chẳng mấy khả quan. Hamas chắc chắn sẽ không được giao quyền kiểm soát, vì Israel đã thề rằng họ sẽ không bao giờ cho phép nhóm này xây dựng lại năng lực quân sự và một lần nữa đe dọa Israel. Hoặc Israel cũng có thể tiếp quản dải đất này, nhưng họ có lẽ không muốn quản lý hơn hai triệu người Palestine thù địch, những người chắc chắn sẽ tiến hành một cuộc nổi dậy ngầm, trong khi tính chính danh quốc tế của Israel tiếp tục suy giảm. Nhiều người đã đề xuất một lực lượng quốc tế, bao gồm chủ yếu quân đội từ các quốc gia Ả Rập, nhưng các thành viên Ả Rập tiềm năng đều đã tuyên bố rằng đó là điều không thể thành công.

Do đó, lựa chọn tốt nhất, và cũng được chính quyền Biden ưa thích nhất, là để Chính quyền Palestine (Palestinian Authority, PA) nắm quyền chỉ đạo. Sự quản lý của PA – tổ chức đang kiểm soát khu vực Bờ Tây và từng điều hành Gaza trước năm 2007 – vẫn tốt hơn là sự chiếm đóng lâu dài của Israel, hoặc sự hỗn loạn, hoặc các lựa chọn khác, bởi vì PA chủ trương hòa bình với Israel và đang được phần lớn cộng đồng quốc tế ủng hộ. Nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề. Do nạn tham nhũng và thành tích quản lý kém ở Bờ Tây, cùng với việc bị xem là đồng lõa với Israel, PA đang thiếu tính chính danh trước người Palestine. Tại Bờ Tây, tổ chức này đã dần mất đi khả năng trấn áp Hamas và chấm dứt bạo lực mà không có sự trợ giúp đáng kể từ Israel. Tiếp đến là sự thiếu nhiệt tình của chính phủ Israel đương nhiệm đối với PA: Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng việc mong đợi PA giải quyết các vấn đề của Gaza là “một giấc mơ viển vông.”

Tuy nhiên, để Gaza có thể ổn định lâu dài và được quản lý tốt hơn trong thời hậu chiến, Israel, Mỹ và thế giới cần củng cố PA, và mặt khác, cũng cần hỗ trợ những người Palestine ôn hòa – một quá trình nên được bắt đầu ngay bây giờ, nhưng sẽ mất ít nhất vài năm để hoàn thành. Trong ngắn hạn, PA và những người ủng hộ tổ chức này nên tìm ra những nhà kỹ trị đáng tin cậy, những người có thể giúp điều hành Gaza dưới danh nghĩa PA, nhưng lại có uy tín cao hơn các nhà lãnh đạo PA ở Bờ Tây. Cùng lúc đó, Mỹ nên hợp tác với các nước Ả Rập để đào tạo hàng nghìn binh sĩ thuộc lực lượng an ninh PA, một nỗ lực mà chính quyền Biden đang thực hiện. Trong trung hạn, các chính phủ ở phương Tây và thế giới Ả Rập đang tài trợ cho PA nên sử dụng đòn bẩy của mình để yêu cầu thế hệ lãnh đạo hiện tại của PA nghỉ hưu, và thúc đẩy một thế hệ lãnh đạo mới, năng động hơn lên thay thế họ.

Một trong những thách thức lớn nhất sẽ là thuyết phục các nhà lãnh đạo Israel ủng hộ vai trò của PA ở Gaza, vì nhiều người, bao gồm cả Thủ tướng Netanyahu, đã mô tả PA là không đáng tin cậy, thậm chí là ủng hộ khủng bố. Nhiệm vụ này càng khó khăn gấp bội bởi thành công của PA ở Gaza phụ thuộc vào việc liệu Israel có chịu giúp tổ chức này xây dựng uy tín ở Bờ Tây bằng cách tháo dỡ các khu định cư, ngăn chặn những người định cư bạo lực tấn công láng giềng người Palestine, và tôn trọng quyền tự trị của người Palestine nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày. Chính phủ Israel đã “bước lùi” trong tất cả những vấn đề này từ trước ngày 7/10, và bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với người Palestine giờ đây đều trở nên khó khăn hơn về mặt chính trị. Nhưng bất chấp những vấn đề đó, Gaza vẫn phải được quản lý và PA là sự lựa chọn ít tệ nhất cho nhiệm vụ này.

KẺ YẾU NẮM QUYỀN

PA đã quản lý Bờ Tây kể từ khi kết thúc phong trào intifada lần thứ hai vào năm 2005, nhưng đã bị ghi nhận là tham nhũng và yếu kém. Các lực lượng an ninh của PA đặc biệt có vấn đề. Họ bao gồm một loạt các tổ chức cạnh tranh lẫn nhau, mỗi tổ chức lại có trách nhiệm cụ thể riêng. Chẳng hạn, Lực lượng An ninh Quốc gia Palestine chuyên tuần tra biên giới và đảm bảo an ninh nội bộ, trong khi Lực lượng An ninh Phòng ngừa là cơ quan tình báo nội bộ tập trung vào phản gián, giám sát hoạt động chính trị, và ngăn chặn bất đồng chính kiến trong nước. Các lực lượng này đã hợp tác với Israel để đè bẹp Hamas ở Bờ Tây, và họ cũng thường đàn áp tàn bạo những người Palestine bất đồng chính kiến hợp pháp.

Suốt nhiều năm, PA đã hợp tác chặt chẽ với tình báo Israel và quân đội nước này để ngăn chặn bạo lực ở Bờ Tây. Tuy nhiên, PA đang ngày càng suy yếu. Tháng 7/2023, quân đội Israel đã đột kích vào một trại tị nạn ở thành phố Jenin, tuyên bố rằng PA không thể bắt giữ các chiến binh ở đó, dù đã được Israel cung cấp thông tin chính xác. Bạo lực ở Bờ Tây đã tăng vọt từ trước ngày 7/10, và trong những tháng kể từ đó đến nay, ngày càng nhiều người Palestine chuyển hướng sang dân quân địa phương để đảm bảo sự an toàn cho bản thân, thay vì dựa vào lực lượng an ninh của PA.

Trên giấy tờ, PA vẫn có sự hiện diện nhất định ở Gaza. Như một báo cáo của Carnegie Endowment đã lưu ý, trước ngày 7/10, PA đã chi một phần ba ngân sách của mình cho dải đất này. Họ trả lương cho gần 40.000 công chức Palestine ở Gaza – gồm cả 19.000 sĩ quan cảnh sát đã không làm việc trong hơn 10 năm, vì bị Hamas sa thải khi nhóm này tiếp quản vào năm 2007 – đồng thời trả tiền nước và điện cho phía Israel. PA cũng có một nội các đối lập tuyên bố có thẩm quyền về kinh tế, giáo dục, và an ninh ở Gaza.

Tuy nhiên, các quan chức này đều không có thực quyền, và việc trả lương cho cảnh sát chỉ đơn giản là một hình thức hỗ trợ, còn Hamas mới nắm toàn quyền kiểm soát cuộc sống của người Palestine ở Gaza trước ngày 7/10. Người Israel có quyền đặt câu hỏi: Nếu PA không thể cung cấp an ninh ở Bờ Tây, nơi họ mạnh nhất, thì làm sao họ có thể đảm bảo an ninh ở Gaza, nơi họ yếu hơn?

Người Israel cũng đổ lỗi cho PA vì đã cực đoan hóa người Palestine. Họ chỉ ra rằng các sách giáo khoa do PA sản xuất đã tôn vinh những hành động bạo lực chống Israel, đồng thời tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho hoạt động quân sự. Các công viên và tòa nhà công cộng do PA điều hành được đặt theo tên những chiến binh đã sát hại người Israel. Mahmoud Abbas, lãnh đạo PA từ năm 2005, đã thưởng tiền cho gia đình của những người Palestine bị bỏ tù hoặc đã chết khi chiến đấu với Israel.

Tuy nhiên, lập luận cho rằng PA là tổ chức cực đoan thường không có cơ sở. Bản thân Abbas đã chấp nhận các cuộc đàm phán hòa bình và lực lượng an ninh PA ở Bờ Tây đã chứng tỏ họ sẵn sàng là đối tác của Israel. Ngược lại, chính phủ Netanyahu mới là bên tích cực cho phép dòng viện trợ từ Qatar và các nguồn khác đến tay Hamas, vốn cực đoan hơn nhiều. Đây là một phần trong chiến lược có chủ ý nhằm khiến người Palestine bị chia rẽ, theo đó tạo ra cái cớ để tránh các cuộc đàm phán hòa bình với PA. Tại Bờ Tây, Israel đã mở rộng các khu định cư và từ chối trừng phạt những người định cư đã tiến hành các cuộc tàn sát chống lại láng giềng Palestine của họ. Chính sách này đã chứng minh cho người Palestine thấy sự vô ích của việc đàm phán với chính phủ Netanyahu và sự bất lực của PA trong việc cung cấp an ninh cơ bản. Các cuộc tấn công đơn phương từ Israel chống lại những kẻ bị tình nghi là khủng bố càng làm sâu sắc thêm nhận thức này, đồng thời tạo ra một vòng luẩn quẩn: PA càng bị cho là yếu, thì Israel càng hành động đơn phương, và điều đó lại càng làm giảm uy tín của PA.

Abbas có lẽ không phù hợp để lãnh đạo PA, và những cáo buộc của Netanyahu rằng Abbas hèn nhát về mặt đạo đức là có căn cứ (dù bản thân thủ tướng Israel cũng chẳng phải một người dũng cảm). Abbas là một người nghiện thuốc lá, năm nay đã 88 tuổi, và trong thời kỳ cầm quyền của ông, các tòa án Palestine độc lập và các nhóm xã hội dân sự đã lụi tàn. Không có gì ngạc nhiên khi sự kết hợp giữa tham nhũng và thiếu năng lực đã khiến nhiều người Palestine nhìn Abbas với ánh mắt khinh bỉ. Trong cuộc tấn công ngày 7/10, Hamas đã thể hiện cam kết chống lại Israel, trái ngược hẳn với một PA lúc nào cũng chần chừ. Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 12 của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Khảo sát Palestine, 90% người Palestine muốn Abbas từ chức, một con số đáng kinh ngạc. Để bù đắp điểm yếu này, chính quyền Biden đã thúc đẩy các lãnh đạo PA mở rộng đội ngũ của mình và bổ sung những gương mặt mới.

Cuối cùng, nền chính trị Israel đã gây khó khăn cho PA trong việc phát huy vai trò ở Gaza. Kể từ khi intifada thứ hai nổ ra vào năm 2000, người Israel đã luôn hoài nghi về bất cứ hành động nào được cho là nhượng bộ đối với người Palestine, và các cuộc tấn công ngày 7/10 gần như chắc chắn đã làm tăng thêm mối lo ngại này. Kể từ đợt tấn công, Israel đã cấm khoảng 150.000 người Palestine sống ở Bờ Tây và làm việc ở Israel quay trở lại làm việc, khiến tình hình kinh tế vốn đã khó khăn ở khu vực này càng trở nên tồi tệ hơn. Israel cũng đã ngăn chặn việc trả lương cho các quan chức PA ở Gaza. Tất cả những điều này chỉ cho thấy PA không thể hỗ trợ người dân của mình, gây khó khăn cho PA trong việc chứng minh rằng họ có thể đóng một vai trò lớn hơn đối với người Palestine ở Gaza trước áp lực từ Israel.

Netanyahu và các đồng minh của ông đã cố gắng làm suy yếu các đối thủ chính trị của họ, và chống lại áp lực từ Mỹ nhằm trao cho PA một vai trò quan trọng ở Gaza, bằng cách tuyên bố rằng việc cho phép tổ chức này nắm quyền sẽ tương đương với việc trao quyền cho những kẻ khủng bố mới. “Tôi sẽ không cho phép những người nuôi dạy khủng bố, ủng hộ khủng bố, và tài trợ cho khủng bố đặt chân vào Gaza,” Netanyahu tuyên bố vào tháng 12. Itamar Ben-Gvir, Bộ trưởng An ninh Quốc gia cực hữu của Netanyahu, thậm chí còn tuyên bố rằng PA “không phải là một giải pháp thay thế cho Hamas, họ là đồng minh của Hamas, và đó là cách ta nên đối xử với họ, kể cả bây giờ lẫn sau chiến tranh.”

LỰA CHỌN ÍT TỆ NHẤT

Rõ ràng, mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza là đảm bảo rằng Hamas sẽ không bao giờ quay trở lại nắm quyền tại đây. Nếu Israel chỉ đơn giản rời Gaza sau khi đã biến dải đất này thành đống đổ nát, thì Hamas sẽ tiếp tục kiểm soát ở đó. Dàn lãnh đạo của Hamas gần như vẫn còn nguyên vẹn và có hàng nghìn chiến binh để họ tuỳ ý triển khai. Hamas cũng đã cai trị dải đất này gần 20 năm, và thậm chí từ trước đó, họ đã có mạng lưới giáo dục, tôn giáo, và phúc lợi xã hội sâu rộng ở đây. Sau khi Hamas đã cắm rễ ở Gaza, sẽ rất khó để tiêu diệt họ.

Một lựa chọn đơn giản là Israel sẽ trở thành kẻ chiếm đóng ở Gaza. Nhưng vấn đề là Israel không muốn mở rộng quản lý đối với hai triệu người Palestine, hầu hết trong số họ từ lâu đã căm ghét Israel, và đã ăn mừng vụ tấn công ngày 7/10, và giờ đây còn căm ghét Israel hơn nữa vì cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc ở Gaza. Israel sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy âm ỉ, làm tăng thêm thương vong mà nước này phải gánh chịu, cũng như gây thiệt hại đáng kể đối với danh tiếng quốc tế của nước này. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Netanyahu khẳng định việc chiếm đóng lâu dài không phải là mục tiêu.

Israel cũng có thể thành lập một chính phủ bao gồm các nhà kỹ trị độc lập, có kinh nghiệm trong các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, để phụ trách Gaza. Về lý thuyết, chính phủ này sẽ ít tham nhũng hơn và hiệu quả hơn so với ban lãnh đạo PA hiện tại. Họ sẽ tập trung vào việc cung cấp dịch vụ, thiết lập luật pháp và trật tự, đồng thời xây dựng các thể chế để thay thế các thể chế do Hamas thành lập. Tuy nhiên, trên thực tế, bản thân các nhà kỹ trị cũng thiếu cơ sở quyền lực: cả PA và Hamas đều sẽ phản đối sự cai trị của họ. Israel sẽ buộc phải đảm bảo an ninh, và các nhà kỹ trị sẽ nhanh chóng bị coi là bình phong cho sự cai trị của Israel, càng làm tổn hại thêm cho tính chính danh của họ. Cần có các nhà kỹ trị, nhưng họ không thể cai trị nếu không được ủng hộ.

Dân thường Palestine kiểm tra thiệt hại sau cuộc tấn công của Israel ở Rafah, Gaza, tháng 1/2024 © Ibraheem Abu Mustafa / Reuters

Một giải pháp thay thế khác sẽ là sự hỗn loạn, một Somalia “phiên bản Gaza,” nằm ngay biên giới Israel. Các thủ lĩnh sắc tộc, các quan chức địa phương, và các trung gian quyền lực khác sẽ xuất hiện, đôi khi hợp tác và đôi khi đối đầu với nhau. Israel sẽ ủng hộ hoặc đàn áp một nhà lãnh đạo nhất định, tuỳ thuộc vào việc người này có sẵn lòng kiềm chế Hamas và ngăn chặn bạo lực chống Israel hay không. Tất nhiên, người dân Gaza sẽ tiếp tục khổ sở khi các cuộc giao tranh ở cấp độ thấp tiếp diễn.

Một số nhà quan sát cũng đã đề xuất ý tưởng về một lực lượng quốc tế, bao gồm quân đội từ Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, hoặc các quốc gia Ả Rập khác có quan hệ thân thiện với Israel và thù địch với Hamas. Nhưng những quốc gia này không mấy hào hứng can dự vào Gaza. Dù lãnh đạo các nước này phản đối Hamas, nhưng người dân của họ thì không, và họ cũng không muốn bị coi là đồng phạm với Israel trong việc đàn áp người Palestine. Ayman Safadi, Ngoại trưởng Jordan, đã tuyên bố thẳng thừng về quan điểm của người Ả Rập: “Hãy để tôi nói rõ, sẽ không có binh sĩ Ả Rập nào tới Gaza. Tuyệt đối không. Chúng tôi sẽ không bị coi là kẻ thù.”

Thật vậy, để tránh trở thành kẻ tiếp tay cho sự chiếm đóng của Israel, các quốc gia Ả Rập nhiều khả năng sẽ yêu cầu PA có vai trò lớn hơn, nếu họ muốn đóng góp vào việc tái thiết Gaza. Về phần mình, nếu muốn bình thường hóa quan hệ với Israel, Ả Rập Saudi có lẽ sẽ muốn Israel nhượng bộ PA để nước này có thể chứng tỏ rằng họ không bỏ rơi người Palestine – một vấn đề nổi bật về mặt chính trị hơn nhiều so với trước ngày 7/10.

KẾ HOẠCH CHO GAZA

Mọi câu trả lời cho câu hỏi về quản trị Gaza đều không thỏa đáng. Nhưng theo lời của một quan chức an ninh Israel, người đã thảo luận cùng tôi vào tháng 12, với điều kiện giấu tên, “Rõ ràng ai cũng nghĩ rằng PA sẽ quay trở lại Gaza, trừ những người trong chính phủ Israel.” Một số công đoạn có thể được thực hiện ngay từ bây giờ để làm cho điều đó trở nên khả thi hơn, đặc biệt là trong vài năm tới.

Đầu tiên, cần ngay lập tức bắt đầu một chương trình tuyển dụng và đào tạo lực lượng an ninh PA quy mô lớn. Chính quyền Biden đang xem xét kế hoạch tái khởi động những gì còn sót lại của lực lượng an ninh PA đã ngừng hoạt động, nhưng vẫn còn hiện diện trên giấy tờ ở Gaza, ví dụ bằng cách đào tạo khoảng 1.000 người trong số họ thành hạt nhân của một lực lượng lớn hơn trong tương lai. Một số đề xuất cũng gợi ý Mỹ hỗ trợ đào tạo thêm 5.000 lính PA ở Jordan cho hoạt động chống khủng bố. Nhưng vẫn cần nhiều sĩ quan hơn nữa.

Thứ hai, Israel, Mỹ, và các quốc gia ở châu Âu và Ả Rập có quan tâm cần xác định các nhà kỹ trị Palestine bên ngoài PA, những người có thể đóng vai trò có giới hạn trong việc quản lý Gaza khi giao tranh dừng lại, hoặc chí ít là giảm bớt. Những nhà kỹ trị này có thể giúp cung cấp các dịch vụ cơ bản, thiết lập một hệ thống giáo dục mới, và xây dựng các thể chế như tòa án và chính quyền địa phương. Nhưng trên danh nghĩa, những nhà lãnh đạo này sẽ phải liên kết với PA như một phần của quá trình đưa những nhân vật mới, không tham nhũng vào PA – và để đảm bảo rằng PA không sử dụng quyền lực của mình để làm suy yếu các nhà kỹ trị này.

Thứ ba, để thành công ở Gaza, PA cần có uy tín cao hơn, và điều đó đòi hỏi phải mang lại tiến bộ cho người Palestine ở Bờ Tây. Số phận của Gaza và Bờ Tây gắn liền với nhau: sẽ thật bẽ mặt cho PA ở Bờ Tây nếu họ không đóng vai trò an ninh nào ở Gaza thời hậu chiến, và PA sẽ cần phải thành công ở Bờ Tây nếu họ muốn thành công ở Gaza. 150.000 người Palestine ở Bờ Tây từng làm việc ở Israel nhưng đã bị cấm nhập cảnh sau ngày 7/10 cần được phép trở lại làm việc, tất nhiên sẽ có kiểm tra an ninh cẩn thận, nhằm phần nào duy trì ổn định kinh tế ở Bờ Tây. Bất cứ khi nào có thể, lực lượng an ninh Israel phải hợp tác với lực lượng an ninh PA để cùng chiến đấu chống lại Hamas hoặc những kẻ khủng bố khác ở Bờ Tây, nhưng cần thể hiện rõ ràng rằng PA dẫn đầu. Israel cũng cần ngừng mở rộng các khu định cư và trấn áp thói bạo lực của những người định cư, cả hai đều là những nhiệm vụ bất khả thi về mặt chính trị đối với liên minh cầm quyền hiện tại của Israel.

Cuối cùng, một PA với độ tin cậy cao hơn cũng đòi hỏi phải có sự thay đổi trong dàn lãnh đạo, một triển vọng mà các quan chức Mỹ đang gián tiếp gọi là PA “hồi sinh.” Cần có những nhà lãnh đạo trẻ hơn với uy tín dân tộc cao hơn. Uy tín của Abbas đã bị tổn hại quá nhiều, cả ở Israel và người Palestine, nên ông khó có thể mở rộng vai trò của PA ở Gaza. Ông cũng không được tôn trọng ở Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và các quốc gia khác có thể hỗ trợ người Palestine. Các quốc gia này nên sử dụng sức mạnh ngoại giao và tài chính của mình để khuyến khích Abbas và các nhà lãnh đạo PA khác đưa thế hệ mới vào hàng ngũ cấp cao của PA.

Dường như vẫn còn quá sớm để suy nghĩ về vai trò của PA trong việc quản lý Gaza, bởi chiến tranh vẫn còn khốc liệt. Tuy nhiên, một bài học rút ra từ Afghanistan, Iraq, và nhiều cuộc xung đột khác là việc loại bỏ một chế độ thù địch thường là nhiệm vụ dễ dàng. Nhiệm vụ khó hơn nhiều là xây dựng một chính phủ mới có thể hỗ trợ người dân và đảm bảo hòa bình lâu dài. Nếu Israel và các đối tác tiếp tục né tránh những quyết định khó khăn về quản trị cho đến khi cuộc chiến chấm dứt, thì lúc đó có lẽ đã quá muộn.

Daniel Byman là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là Giáo sư tại Trường Quan hệ Đối ngoại của Đại học Georgetown.