Nguồn: Chu Vĩnh Bưu, 朱永彪:执政三年半,阿富汗塔利班距离加入国际社会还有多远?, Guancha, 08/11/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Gần đây, vấn đề quyền phụ nữ ở Afghanistan đã thu hút sự chú ý của dư luận, khiến nhiều người chú ý đến hàng loạt vấn đề kể từ khi chính phủ Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan trong hơn 3 năm qua.
Đối với tình hình hiện tại ở Afghanistan, các chính sách và hiệu quả quản trị của Taliban cũng như việc liệu cộng đồng quốc tế có công nhận chính phủ của Taliban hay không, Guancha đã liên hệ với Chu Vĩnh Bưu, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Afghanistan tại Đại học Lan Châu và mời ông đưa ra lý giải của mình.
Guancha: Từ năm 2021 đến nay, Taliban đã nắm quyền ở Afghanistan được hơn 3 năm. Kể từ khi Mỹ bắt đầu rút quân, một Taliban vốn ở trung tâm của dư luận thế giới cũng đã trở lại vị trí bên lề dư luận. Ông có nhận định như thế nào về hiệu quả quản trị của Taliban và tình hình kinh tế của Afghanistan trong 3 năm qua? Họ có biểu hiện ra sao trong các lĩnh vực mà mọi quốc gia đều quan tâm như chống khủng bố, quản trị quốc gia, kiểm soát ma túy và dân quyền?
Chu Vĩnh Bưu: Từ góc độ quản trị, Taliban đã lần đầu tiên ổn định được cục diện chính trị tổng thể, cũng như thực hiện được sự ổn định cơ bản trong việc kiểm soát đất nước và thiết lập quyền lực của chính quyền trung ương. Mặc dù vẫn còn xuất hiện cá biệt các hiện tượng cựu quan chức chính phủ bị giết hại, nhưng ở một mức độ nhất định, Taliban đã thực hiện lời hứa không trả thù các thành viên của chính phủ cũ và không thực hiện các cuộc trả thù quy mô lớn nhắm vào người của chính phủ cũ. Tuy nhiên, chỉ có một số ít cựu quan chức chính phủ tham gia vào chính quyền này.
Về tính hòa nhập, đặc biệt là đối với phụ nữ và người thiểu số, Taliban đã không đạt được kỳ vọng quốc tế. Trên phương diện quyền phụ nữ vốn gây nhiều tranh cãi gần đây, cho dù là quyền phụ nữ về giáo dục, việc làm hay các quyền khác, biểu hiện của Taliban đều chưa đạt được kỳ vọng. Họ thậm chí còn đưa ra các dự luật nhằm hạn chế hơn nữa quyền phụ nữ, gây áp lực ngược hay nói cách khác là kiểm tra áp lực đối với giới hạn của cộng đồng quốc tế.
Về vấn đề chống ma túy, Taliban quả thực đã bỏ ra nỗ lực và quyết tâm nhất định, đồng thời đã có những hành động thiết thực. Theo một số dữ liệu và báo cáo giám sát của chuyên gia, dưới sự kiểm soát của Taliban, diện tích trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan đã giảm 90%. Một số dữ liệu thậm chí còn cho thấy diện tích trồng đã giảm 95%. Ngoài ra, họ cũng bỏ ra nhiều nỗ lực trong việc điều trị người nghiện ma túy.
Về vấn đề chống khủng bố, Taliban tương đối tích cực trong việc chống lại “Nhà nước Hồi giáo” và đả kích “chi nhánh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo”. Tuy nhiên, họ lại có thái độ ngầm đồng thuận đối với các tổ chức khủng bố khác, trong đó có Al-Qaeda và chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các cam kết của mình.
Về mặt kinh tế, tình hình tổng thể của Taliban không tệ và Afghanistan không xảy ra nạn đói hay khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn. Tổng GDP tuy chưa quay trở lại mức của năm 2020 và 2021 nhưng vẫn tăng trưởng trong năm ngoái và giá trị của đồng Afghani cũng đạt được sự ổn định. Mặc dù Taliban đang cố gắng triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong nước, bao gồm việc phát triển và khai thác tài nguyên khoáng sản, nhưng do thiếu năng lực lập kế hoạch kinh tế dài hạn nên tiến độ đạt được cho đến nay không lớn lắm và kinh tế Afghanistan về cơ bản chưa mấy khởi sắc.
Tất nhiên, nguyên nhân chủ yếu giúp Afghanistan không xảy ra nạn đói nằm ở sự hỗ trợ của viện trợ quốc tế. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ người dân gặp khủng hoảng nhân đạo và lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực ở Afghanistan vẫn rất cao. Các dự án hỗ trợ của Liên Hợp Quốc cho Afghanistan mà Trung Quốc tham gia đã cung cấp hơn 1 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho Afghanistan mỗi năm, điều này đã làm giảm đáng kể các vấn đề của nạn đói. Có thể nói, tuy không còn là trung tâm của dư luận quốc tế nhưng Afghanistan vẫn nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ các tổ chức quốc tế cùng các nước láng giềng.
Tình trạng hiện tại của Afghanistan chủ yếu đến từ hai nguyên nhân khách quan. Một mặt, bản thân Afghanistan là một quốc gia có tính tôn giáo tương đối cao, mặt khác, truyền thống của người Pashtun ở Afghanistan có ảnh hưởng nhất định và hình thành nên quán tính lịch sử.
Dù là ngoại lực hay nội lực, nếu muốn tiến hành cải cách ở Afghanistan thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự phản kháng mạnh mẽ từ truyền thống và các thế lực bảo thủ. Đây cũng là một khía cạnh quan trọng khiến công cuộc cải cách của đất nước họ trong một thời gian dài không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội và cũng là nguyên do quan trọng khiến Afghanistan duy trì tình trạng quốc gia đặc biệt.
Guancha: Ông vừa đề cập rằng sau khi Mỹ rút quân, một lượng lớn viện trợ quốc tế cho Afghanistan đã bị tạm ngưng, nhưng cũng có không ít viện trợ quốc tế mới từ Liên Hợp Quốc đã đổ vào Afghanistan để giúp chính quyền Taliban khắc phục một số vấn đề, trong đó có vấn đề khủng hoảng lương thực. Tuy nhiên xét cho cùng, trong thời kỳ Mỹ kiểm soát Afghanistan, sự hiện diện của quân đội NATO và hỗ trợ quốc tế đã khiến dân số Afghanistan tăng nhanh từ 20 triệu lên 40 triệu, điều này khiến không ít người lo ngại rằng nạn đói và bất ổn sẽ xảy ra ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân. Theo quan điểm của ông, ngoài hỗ trợ quốc tế, còn có điều gì khác xảy ra ở Afghanistan trong 3 năm Taliban cầm quyền không?
Chu Vĩnh Bưu: Chúng ta cần xét đến một yếu tố khác: xã hội nông nghiệp truyền thống của Afghanistan tồn tại một sức dẻo dai về kinh tế xã hội và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, sức chịu đựng nạn đói và trạng thái sinh tồn của người dân Afghanistan cũng là nguyên do quan trọng khiến nước này chưa phát sinh tình trạng bất ổn.
Thứ hai, sau khi chế độ Taliban bị lật đổ vào năm 2001, sau 20 năm phát triển, nó đã trở thành một chính quyền ký sinh trên nền tảng của chính phủ Afghanistan trước đó. Tôi thường đưa ra ví dụ rằng, sau khi xây xong đường thì chính phủ Afghanistan cũ phải thu phí cầu đường, tiếp đó Taliban đã cướp lấy con đường, kiểm soát khu vực đó và rồi cũng thu phí.
Tuy nhiên, mức phí mà Taliban thu ít hơn rất nhiều so với mức phí mà chính phủ cũ thu. Hơn nữa, sau khi thu phí, Taliban thường sẽ cấp cho tài xế một tờ phiếu. Nếu tài xế mang tờ phiếu này đến khu vực tiếp theo trong cùng tỉnh do Taliban kiểm soát, anh ta sẽ không phải chịu bất kỳ khoản phí nào khác. Chính phủ trước đây không thể làm được việc này, họ sẽ thu theo từng đoạn và từng huyện. Do đó, Taliban trên thực tế đã thu ít thuế hơn và phí cầu đường thì còn ít hơn nữa. Tuy nhiên, tiền đề của hệ thống này là chính phủ Afghanistan trước đây và đường sá mà viện trợ quốc tế đã xây dựng được.
Sau khi Taliban nắm quyền trở lại, có một cách nói gần gũi hơn: Kình lạc vạn vật sinh. Nó vẫn ký sinh trên nền tảng của chính quyền cũ mà nay đã sụp đổ, tức là địa chủ vẫn còn dư thừa lương thực, nhưng về việc di sản của chính phủ trước còn bao nhiêu chất dinh dưỡng để Taliban hấp thụ và tiêu hóa thì tôi nghĩ cần phải đặt một dấu hỏi lớn.
Bản thân Taliban quả là đã nỗ lực rất nhiều. Họ tuyên bố rằng tình trạng tham nhũng của mình ít hơn nhiều so với chính phủ trước đó. Các loại thuế quan của họ chủ yếu được nộp vào kho bạc quốc gia thay vì bị các quan chức chiếm đoạt như trước; điều kiện tài chính, ngân sách của họ cũng tốt hơn trước và đầu tư vào nguồn lực công cũng được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều yếu tố, bao gồm cả mối quan hệ mong manh giữa Taliban và Pakistan, đã dẫn đến sự sụt giảm thương mại và các nguồn thu bao gồm thuế quan của Afghanistan. Mặc dù một số hoạt động ngoại thương trong quá khứ, chẳng hạn như than đá, đã tăng trưởng đáng kể do sự điều chỉnh biến động giá cả hàng hóa bên ngoài, nhưng vẫn chưa đủ để hỗ trợ cho sự phát triển của Afghanistan. Những nỗ lực tự thân của Taliban hiện không thể trở thành yếu tố chủ yếu chi phối sự phát triển của Afghanistan.
Do đầu tư từ bên ngoài sụt giảm, quy mô một số dự án cơ sở hạ tầng của chính quyền Taliban ở Afghanistan đã nhỏ hơn nhiều so với trước đây. Ví dụ, trước đây họ duy trì và mở Đường vành đai Afghanistan, đồng thời thúc đẩy xây dựng dự án kênh đào do chính phủ cũ để lại, nhưng mức đầu tư vào các dự án này không thể bằng trước đây. Hơn nữa, Taliban cũng phải đối mặt với thực tế là trong 3 năm tới, nguồn tài chính của họ sẽ không còn đủ khả năng gánh khoản chi phí phát triển cơ sở hạ tầng và có thể sẽ giảm xuống mức chỉ còn đủ để đầu tư vào việc duy trì cơ sở hạ tầng.
Sau khi lên nắm quyền, Taliban trên thực tế đã tạm dừng các dự án hỗ trợ sinh kế của nhiều tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế, với con số được cho là lên tới hàng chục nghìn. Tuy nhiên sau khi nhận thấy rằng bản thân không thể tự mình xử lý các dự án liên quan, họ đã đưa ra lời kêu gọi vào năm ngoái, hy vọng các tổ chức chủ trì các dự án quốc tế trước đây quay trở lại Afghanistan để tiếp tục các dự án liên quan.
Taliban hiện cũng đang thay đổi suy nghĩ và muốn thu hút các nguồn vốn và công nghệ bên ngoài. Tóm lại, sự phát triển của Afghanistan trong tương lai sẽ là kết quả của nhiều yếu tố.
Guancha: Theo nghiên cứu của ông, thể chế chính trị hiện nay của Taliban là loại thể chế chính trị nào? Tại sao họ lại thành lập nhiều hội đồng để quản trị đất nước? Thể chế này có chịu ảnh hưởng lớn từ các nước láng giềng không? Nó khác gì so với hệ thống chính trị nội bộ của Afghanistan ở thế kỷ trước hoặc thậm chí sớm hơn?
Chu Vĩnh Bưu: Afghanistan có nền tảng chủ yếu là xã hội bộ lạc truyền thống, họ từ lâu đã phát triển một thể chế dân chủ cơ sở có tên “Jirga”, tiếp đó phát triển thành “Jirga” mang tính toàn quốc được gọi là “Loya Jirga”. Ban đầu, những người tham gia “Jirga” đều là trưởng lão của các bộ lạc, rồi sau quá trình Hồi giáo hóa, các trưởng lão tôn giáo dần dần gia nhập thể chế này.
Một khi xảy ra cuộc trả thù giữa các bộ lạc hoặc sự việc lớn nào đó đe dọa đến hòa bình khu vực, những bậc lão thành có uy tín sẽ cùng ngồi lại để thảo luận về các giải pháp và do đó đã hình thành nên “Shura” – một chế độ rất đơn giản nhưng hòa trộn được với hệ thống tôn giáo, nó còn được gọi là Hội đồng. Điều này được truyền bá tới từ Hồi giáo Ả Rập. Bên trên sẽ có lãnh đạo tối cao được gọi là Amīr.
Lãnh đạo tối cao của Taliban hiện đang ở Kandahar, trong khi mọi cơ quan hành chính, bao gồm cả thủ tướng, đều ở Kabul. Tuy nhiên, hiện nay có một tình huống là lãnh đạo tối cao Akhundzada của họ được cho là đã tiến gần đến việc tái lập một chính phủ song song ở Doha. Cơ cấu tổ chức của nó tập trung vào hai mảng, một là thiết lập hệ thống tình báo của riêng mình, hai là xây dựng một lực lượng vũ trang trung thành với mình. Điều này khác với lần nắm quyền trước đây của Taliban và thời Mullah Omar.
Tóm lại, sau khi Taliban lên nắm quyền, Afghanistan đã thành lập các shura với phương hướng phân công quản lý khác nhau. Tuy nhiên, do một số bất ổn trong nội bộ Afghanistan, cần phải đợi Taliban nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát thì mới có thể xác nhận.
Guancha: Sau khi cầm quyền trở lại vào năm 2021, Taliban đã bày tỏ hy vọng thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác ngoại trừ Israel, nhưng cho đến ngày nay, số lượng quốc gia đáp lại vẫn chỉ là thiểu số. Vào tháng 10 năm nay, Nga đã quyết định bỏ Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Để mở ra cục diện ngoại giao trong tương lai, chính quyền Taliban ở Afghanistan có thể có những nỗ lực gì?
Chu Vĩnh Bưu: Taliban vẫn muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Israel. Họ cũng rất hy vọng có lại được viện trợ từ Mỹ bằng cách khôi phục quan hệ ngoại giao với nước này. Thậm chí có thể nói đây là một nhiệm vụ và mục tiêu hết sức quan trọng đối với họ.
Đồng thời, tình trạng được quốc tế công nhận của Taliban hiện nay thực ra đã tốt hơn nhiều so với thời điểm nắm quyền lần đầu tiên. Vào thời điểm đó, mặc dù được 3 quốc gia công nhận nhưng Taliban khó có thể cất bước trong cộng đồng quốc tế. Mặc dù hiện tại chưa được quốc gia nào công nhận nhưng họ sẽ có nhiều không gian hơn cho các hoạt động quốc tế, đồng thời cũng sẽ không gặp nhiều hạn chế cứng rắn trong việc tham gia các hoạt động xã hội quốc tế.
Hiện nay, có không ít quốc gia đã khôi phục đại sứ quán và lãnh sự quán ở Afghanistan. Nhật Bản, Ấn Độ đang dần khôi phục hoạt động của các đại sứ quán và lãnh sự quán ở Afghanistan, Uzbekistan và Azerbaijan cũng muốn mở lại đại sứ quán ở Afghanistan. Mặc dù có lẽ còn phải mất một thời gian nữa để được cộng đồng quốc tế công nhận hoàn toàn về mặt chính trị, nhưng thực ra họ đã ở vào trạng thái được bán công nhận hoặc gần như được công nhận trên thực tế rồi. Ví dụ, mặc dù hình thức và quy cách của các cuộc tiếp xúc giữa Mỹ và Afghanistan đã bị hạ cấp nhưng các cuộc tiếp xúc giữa hai bên chưa từng dừng lại.
Cần phải chỉ ra rằng, cộng đồng quốc tế nhìn chung không chấp nhận hành vi của Taliban trong các vấn đề bảo vệ quyền của phụ nữ và chống khủng bố. Đây cũng là trở ngại chính để Taliban được thế giới công nhận. Nếu muốn được công nhận về mặt ngoại giao, Taliban phải tiến hành cải cách trong các lĩnh vực liên quan. Tất nhiên, còn có những lý do nhỏ khác, ví dụ như sự xấu đi trong quan hệ ngoại giao với Pakistan cũng là một phần nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn nằm ở cách họ thực hiện cam kết của mình.
Guancha: Kể từ tháng 3/2022, Trung Quốc đã nhiều lần gặp gỡ các quan chức Taliban cũng như viện trợ cho họ. Chính phủ Taliban ở Afghanistan cũng luôn hy vọng có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Chúng ta nên nhìn nhận mối quan hệ Trung Quốc-Afghanistan trong tương lai như thế nào? Mối bận tâm chủ yếu khiến chúng ta vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với họ là gì và liệu sẽ có bước tiến nào về vấn đề này trong tương lai hay không?
Chu Vĩnh Bưu: Afghanistan là một trong những nước láng giềng quan trọng của Trung Quốc, ngoài ra an ninh và ổn định của Afghanistan có tác động nhất định đến Trung Quốc. Triết lý ngoại giao truyền thống của Trung Quốc vẫn luôn dành sự quan tâm và ủng hộ cho các nước láng giềng.
Vì những lý do này, Trung Quốc hy vọng sẽ áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề Afghanistan, đồng thời giúp đỡ và hướng dẫn Taliban đạt được sự hòa nhập, bảo vệ quyền dân sự và đạt được các mục tiêu chống khủng bố thông qua tiếp xúc và đối thoại. Trung Quốc kiên định cho rằng sẽ không thể đạt được hiệu quả này nếu chỉ dựa vào các biện pháp trừng phạt. Chỉ khi thông qua đối thoại và hướng dẫn, Taliban mới có thể thực sự hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, chấp nhận một số ý niệm mới, từng bước trở thành một quốc gia bình thường và đạt được mục tiêu tái thiết và phát triển đất nước trong tương lai.
Trung Quốc và Afghanistan vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Mặc dù đã tiếp nhận ủy nhiệm thư do đại sứ Afghanistan đệ trình và bổ nhiệm đại sứ mới, nhưng Trung Quốc vẫn chưa chính thức công nhận chính phủ Taliban. Tôi nghĩ Trung Quốc muốn nhất quán với cộng đồng quốc tế, cần đợi sau khi Taliban thực hiện một số thay đổi trong tương lai, tiếp đó thực hiện các cam kết chống khủng bố và bảo vệ quyền phụ nữ, chúng ta mới xem xét việc công nhận chính thức.
Nhưng mặt khác, Trung Quốc hiện cần tiến hành một số hợp tác kinh tế với Taliban để giúp Afghanistan giải quyết vấn đề tạo máu tự thân. Bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan tuy không thái quá đến vậy nhưng vẫn rất yếu kém và triển vọng cũng không mấy tốt đẹp. Trung Quốc hy vọng rằng thông qua hợp tác kinh tế với Afghanistan, bao gồm cả chính sách miễn thuế 100% được thực thi gần đây đối với hàng hóa Afghanistan, có thể nâng cao năng lực tạo máu của Afghanistan, giảm bớt khủng hoảng nhân đạo ở nơi đây và đặt nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển lâu dài của Afghanistan.
Vì vậy, tôi cho rằng, Trung Quốc luôn có thái độ tích cực và mang tính xây dựng đối với Taliban, điều này phù hợp với hình ảnh và định vị của Trung Quốc như một nước lớn có trách nhiệm, đồng thời cũng phù hợp với hình tượng một quốc gia hòa bình thân thiện có thể dang tay tương trợ khi láng giềng gặp nạn. Các tiếp xúc hiện tại giữa Trung Quốc và Afghanistan vẫn duy trì nhịp độ và đặc điểm riêng, duy trì tính độc lập trong chính sách ngoại giao của chúng ta, đồng thời cũng phù hợp với tình hình và lịch sử của Afghanistan. Dựa trên điều này, Trung Quốc không cần phải vội vàng trong vấn đề công nhận Taliban.
Tất nhiên, chúng ta cần xem xét đến việc nhiều quốc gia trong cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, đang tiếp xúc và đàm phán với Taliban. Hiện cộng đồng quốc tế cũng đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trước đây, chính sách chống ma túy nghiêm ngặt của Taliban đã khiến các quốc gia và tổ chức trong đó có Liên Hợp Quốc đặt ra câu hỏi rằng, liệu chính sách này có khiến thu nhập của nông dân Afghanistan giảm mạnh và tạo ra khủng hoảng nhân đạo và làm trầm trọng hóa tình trạng nghèo đói hay không. Họ cho rằng chống ma túy là việc không thể áp đặt rập khuôn mà phải tiến hành từng bước theo kế hoạch.
Vào thời điểm đó, một hiện tượng tưởng chừng như phi lý đã xuất hiện. Động thái chống ma túy của Taliban lẽ ra phải là một việc hoàn toàn đúng đắn mà không gây bất kỳ tranh cãi nào, nhưng giờ lại xuất hiện một số tranh cãi. Điều này phản ánh rằng, những yêu cầu của cộng đồng quốc tế đối với Taliban trên thực tế cũng tồn tại những tranh cãi và không phải yêu cầu nào cũng hoàn toàn hợp lý. Điều này đòi hỏi một số quốc gia như Trung Quốc phải có những biện pháp thực chất dựa trên điều kiện thực tế để mang lại kết quả tốt nhất.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng chính sách của Mỹ đối với Afghanistan có tính biến động rất lớn. Trước đó, Mỹ đã rút quân khỏi Afghanistan, ký kết Thỏa thuận Doha và nhiều lần thay đổi 180 độ về thái độ. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, Trump cũng nói rõ rằng phải biến Afghanistan từ vũng lầy của Mỹ thành vũng lầy của Trung Quốc. Tất cả những điều này đều là vấn đề Trung Quốc phải đối mặt khi xem xét chính sách đối với Afghanistan và tất cả đều có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của chúng ta.
Guancha: Vấn đề cuối cùng, quy hoạch “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc có một tuyến đường sẽ được thúc đẩy xây dựng từ Tân Cương đến khu vực Transoxiana, sau đó kết nối với Tây Á và châu Âu thông qua Tehran. Có thể chú ý rằng phần phía Nam của tuyến đường này tiếp giáp với vùng núi phía Bắc Afghanistan. Liệu Một vành đai, Một con đường có được mở rộng tới Afghanistan trong tương lai? Sự ổn định và phát triển của Afghanistan có ý nghĩa như thế nào đối với Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc?
Chu Vĩnh Bưu: Quan điểm cá nhân của tôi là Afghanistan đã bị Một vành đai, Một con đường bỏ qua, cho dù là Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, Hành lang kinh tế Trung Quốc-Trung Á-Tây Á, Cầu lục địa Á-Âu mới hay Đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan, tất cả đều không kết nối trực tiếp với Afghanistan. Vị trí địa lý của Afghanistan không quan trọng đến vậy và chúng ta không nên phóng đại tầm ảnh hưởng của nó.
Đối với Một vành đai, Một con đường, nếu Afghanistan ổn định và chúng ta có thể mở ra một tuyến đường mới, đó tất nhiên sẽ là sự tô điểm, chứ không phải sự bức thiết. Tuyến đường này không phải là sự lựa chọn bắt buộc. Một vành đai, Một con đường đã bước đầu hình thành nên mạng lưới ở Trung Á và Nam Á. Chúng ta không thể phóng đại vị thế và vai trò của Afghanistan trong Một vành đai, Một con đường, có những lựa chọn thay thế bao gồm cả tiềm năng của nó.
Tiềm năng của Afghanistan đến từ hai khía cạnh. Thứ nhất, nó có thể kết nối Trung Á với Nam Á lại với nhau; thứ hai, nó có thể hình thành tuyến thương mại dọc Bắc-Nam. Tuyến đường này không có ý nghĩa lớn đối với Trung Quốc nhưng lại rất quan trọng đối với các nước Trung Á, Nam Á và cả Afghanistan.
Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan từng được nghiên cứu trong một thời gian dài xem liệu nó có thể được mở rộng tới Afghanistan hay không. Taliban và chính phủ Afghanistan trước đây cũng tương đối tích cực đối với Một vành đai, Một con đường và đã cố gắng hội nhập vào kế hoạch phát triển rộng lớn này. Nhu cầu về phát triển và tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng mang tính toàn cầu của Afghanistan cấp bách hơn nhiều so với Trung Quốc. Đây là một thực tế khách quan. Mặt khác, tình hình an ninh ở Afghanistan quả thực sẽ có những tác động trực tiếp và gián tiếp nhất định đến việc xây dựng Một vành đai, Một con đường, bao gồm Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Cá nhân tôi hy vọng rằng các dự án quốc tế như vậy có thể giúp Afghanistan đạt được ổn định lâu dài và làm giảm một số can thiệp tiêu cực vào “Một vành đai, Một con đường”.